TÒ MÒ LÀ GIA VỊ BÍ MẬT CỦA HẠNH PHÚC

Tiếp xúc với những thứ lạ lẫm có thể giúp tâm trí cũng như cơ thể chúng ta luôn luôn sẵn sàng. Vậy, làm thế nào để nâng cao sự tò mò của ai đó?

Bất kỳ ai ở gần trẻ con đều biết rằng tâm trí non nớt của chúng luôn luôn chứa đầy sự hiếu kỳ. Trong 10 phút, một đứa trẻ bình thường có thể đặt ra số câu hỏi nhiều hơn người lớn đặt ra trong 10 ngày đấy. Trẻ em là hiện thân cho sự tò mò mà.

Nhưng khi con người dần lớn lên, vẻ hiếu kỳ thường sẽ mất dần đi. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trung bình, sự hồ hởi của một người với những trải nghiệm và cảm giác mới sẽ giảm đi theo tuổi tác. Đồng thời, họ ngày càng trở nên hờ hững hơn. Dù rất nhiều người ý thức được xu hướng này, song có một vài điều liên quan tới những kẻ hẹp hòi, bảo thủ, luôn luôn tuân thủ theo mấy thói quen và định kiến đã hằn sâu của mình.

Trong nhiều năm trời liền, các nhà nghiên cứu về thần kinh đã lưu ý tới mối quan hệ giữa tuổi tác và sự tò mò này. Họ cũng nhận ra rằng trí tò mò cao độ thường sẽ có liên quan tới nhiều yếu tố cho thấy một tâm trí minh mẫn, tinh tường. Một bài báo vào năm 2018 trên tờ Neuroscience & Biobehavioral Reviews chỉ ra những bằng chứng cho thấy rằng trí tò mò có khả năng chống lại cả sự lão hóa cơ thể lẫn suy giảm trong nhận thức. So với những người thờ ơ thì, nhóm người cao tuổi hay tò mò thường sẽ có được điểm số cao hơn trong những bài kiểm tra trí nhớ và hoạt động nhận thức. Nhóm tác giả nghiên cứu chi ra rằng trí tò mò sẽ kích hoạt nhiều khu vực não bộ liên quan tới quá trình nhận thức ở mức cao và theo thời gian, sự kích thích tăng dần ấy có thể giúp ta giải thích về nhiều lợi ích của một tâm trí hay tò mò.

Và đối với cả người trẻ lẫn người già, nghiên cứu cũng nhận thấy mức độ tương quan giữa trí tò mò cao và sự sung mãn tinh thần cùng hạnh phúc trong cuộc sống. Có vẻ những người tò mò sẽ tránh được chứng trầm cảm nữa này.

Các chuyên gia càng nghiên cứu, họ càng phát hiện những bằng chứng cho thấy trí tò mò là gia vị bí mật cho một cuộc sống viên mãn. “Nếu kể ra mấy điều cơ bản mà người ta thường muốn có trong cuộc sống của mình — những mối quan hệ lâu bền, hạnh phúc, thành công — thì, tất cả những thứ ấy đều gắn kết chặt chẽ với sự tò mò”, giáo sư tâm lý học Todd Kashdan từ Đại học George Mason và là tác giả cuốn Curious, phát biểu.

Vậy thì tò mò là như thế nào? “Nếu bạn dùng định nghĩa thông thường trong từ điển thì, đó đơn giản là mong muốn có được tri thức và trải nghiệm mới thôi”, Kashdan nói. Dù khái niệm ấy là một điểm khởi đầu khá hữu ích, song ông nói rằng trí tò mò cũng bao gồm cả mong muốn được học những khái niệm mới lạ, phức tạp đầy thách thức nữa.

Kashdan đã góp phần tạo ra hai mô hình khoa học để đo lường trí tò mò được sử dụng khá phổ biến. Những mô hình gần đây nhất chia tách sự tò mò thành năm mức độ hay “yếu tố” khác nhau. Ông gọi yếu tố đầu tiên là “khám phá niềm vui”, và cách gọi này khá sát với định nghĩa trong từ điển của từ này. Yếu tố thứ hai và thứ ba lại liên quan đến mức độ tập trung và gắn bó của ai đấy khi phải đối mặt với những thứ bất định mới xuất hiện. “Khi đến những nơi mới mẻ” — dù là một lớp thể dục bạn sẽ chẳng bao giờ đến hay là một buổi hẹn ăn tối với bạn bè — bạn sẽ có cảm giác căng thẳng và lo lắng”, ông nói. Dù thường được cho là điều tiêu cực song ông nói những thứ ấy chẳng dễ ngăn được người tò mò đâu. Nói cách khác, điều đó thể hiện khả năng “phản ứng” khi đối mặt với những thứ mới, những hoàn cảnh mới.

Các chuyên gia càng nghiên cứu, họ càng phát hiện những bằng chứng cho thấy trí tò mò là gia vị bí mật cho một cuộc sống viên mãn.

“Yếu tố thứ tư là tìm-kiếm-sự-bất-ngờ, tức là dám chịu rủi ro về mặt tài chính, xã hội để theo đuổi những trải nghiệm mới”, ông giải thích. Ông nói yếu tố này có thể diễn ra dưới nhiều hình thức như những môn thể thao mạo hiểm, trải nghiệm thuốc gây ảo giác hoặc gây dựng một quỹ đầu tư. Yếu tố thứ năm đó là “tò mò về xã hội”, thích thú với ý kiến, quan điểm của người khác.

Những người ghi được điểm số cao trong cả năm mục này gần như đều vượt qua được hết các câu hỏi liên quan tới hạnh phúc và viên mãn. “Khi bạn thả mình vào việc khám phá điều mới mẻ và cảm thấy hấp dẫn, bạn sẽ chẳng thèm dừng lại để tự thắc mắc xem mình đang hạnh phúc hay cảm thấy buồn phiền đâu”, Kashdan nói.

Từ đó, ta biết rằng có bằng chứng cho thấy mối quan hệ hai chiều giữa trí tò mò và hạnh phúc, tức là điều này sẽ bổ sung cho điều kia. Một nghiên cứu năm 2019 trên tờ Journal of Personality chỉ ra rằng vào những hôm người ta có được cảm xúc tích cực như hạnh phúc chẳng hạn, họ thường sẽ bộc lộ sự tò mò hơn so với những ngày ngược lại. Những phát hiện như thế này khiến các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết cho rằng những cảm xúc tích cực có thể tồn tại để động viên sự tò mò và khám phá thú vị mà nó sẽ đem lại.

“Có một lý thuyết phát-triển-và-mở-rộng nói rằng cảm xúc tích cực có rất nhiều chức năng và một trong số đó là khuyến khích ta làm những việc mà bình thường ta sẽ không thực hiện”, David Lydon-Staley, tác giả đầu tiên của nghiên cứu này và là nghiên cứu sinh kỹ thuật sinh học tại Đại học Pennsylvania, nói. Trí tò mò có thể mở ra những mối quan hệ, kỹ năng hay những mảng kiến thức mới khiến cuộc sống thêm phong phú hơn, ông nói.

Nhưng liệu có thể tăng trí tò mò của một người không? Nghiên cứu của Lydon-Staley chỉ ra rằng tập thể dục có thể tăng cường trí tò mò – thông qua việc cải thiện tâm trạng của con người đấy. (Tác động thay đổi tâm trạng của việc luyện tập thì mọi người đều biết rồi.)

Kashdan nói rằng có được những mối quan hệ cá nhân bền vững cũng nâng cao trí tò mò. “Có được những điều gắn bó với mình cũng giống như việc đang sở hữu ‘nhà’ khi chơi trốn tìm vậy”, ông nói. “Từ đó người ta ít cảm thấy căng thẳng và tự do khám phá hơn.”

Nhưng tới thời điểm hiện tại thì cách hay nhất vẫn là gặp gỡ những con người mới, tới địa điểm mới, lắng nghe những ý kiến mới. Kashdan cho rằng nỗi ác cảm với điều lạ lẫm sẽ hạn chế sự tò mò. Nhưng sự lạ lẫm ấy lại là thứ thúc đẩy trí tò mò một cách mạnh mẽ, dù ban đầu có thể khiến ta lo sợ hoặc thiếu thoải mái. “Bạn càng có những trải nghiệm, thông tin mới, bạn càng nhận ra rằng mình chẳng biết gì, và những khám phá tiếp theo sẽ ngày càng thú vị”, ông nói. Cùng lúc, việc tiếp xúc với thứ mới mẻ sẽ khiến người ta mệt mỏi vì nó lấy đi quá nhiều năng lượng và từ đó người ta sẽ thêm lo lắng. “Sự căng thẳng lớn nhất mà bạn cảm nhận được luôn luôn tới từ việc đối mặt với những thứ mới mẻ”, ông nói. “Hãy cố gắng chịu đựng nó một chút và bạn sẽ thấy rằng ta có thể kiểm soát được nỗi lo của mình, thậm chí là tận hưởng được nó nữa kia”.

Điều ta đã biết có thể khiến ta thấy an toàn đấy. Nhưng nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng sự tò mò cùng những trải nghiệm mới thúc đẩy nó có thể mở ra một cuộc sống đầy ý nghĩa và trọn vẹn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *