Ngày nay, chắc hậu thế không lạ gì các con đường, các tượng đài, các đền thờ mang tên Trần Quang Diệu và Thoại Ngọc Hầu. Vậy, mối liên hệ giữa họ là gì?
Trần Văn Đạt và Nguyễn Văn Thoại là đôi bạn chí thân từ tuổi ấu thơ cùng chung một làng. Tuổi thơ cả hai trải qua êm đềm, cùng vui chơi, cùng học hành, cùng phấn đấu.
Đến thời buổi đất nước loạn lạc, gia đình ly tán. Gia đình cả hai dời đi nơi khác, từ đây đôi bạn mỗi người một nơi.
Trần Văn Đạt sau này gia nhập Tây Sơn với tên gọi Trần Quang Diệu, trở thành tướng trụ cột của nhà Tây Sơn. Nguyễn Văn Thoại đầu quân cho chúa Nguyễn, sau này phò trợ Nguyễn Ánh. Số phận trớ trêu khiến đôi bạn thân thiết xưa kia trở thành hai vị tướng trụ cột của hai bên đối địch nhau. Việc đôi bạn thân khi xưa chạm trán trên chiến trường tưởng chừng là điều khó tránh khỏi.
TÌNH BẠN VĨNH HẰNG HƠN MỌI CÔNG DANH.
Thực tế suốt 25 năm giao chiến giữa hai bên Tây Sơn và chúa Nguyễn, Nguyễn Văn Thoại và Trần Quang Diệu chưa bao giờ đối mặt nhau trên chiến trường, mà lấy các lý do khác nhau để tránh đi.
Đơn cử năm 1801, Nguyễn Văn Thoại đưa quân từ Vạn Tượng (thuộc Lào ngày nay) tiến đánh Phú Xuân thì nghe tin Trần Quang Diệu đưa quân từ Quy Nhơn đến ứng cứu. Không muốn đối đầu với bạn mình, Nguyễn Văn Thoại vạch định sẵn chiến lược, giao lại binh quyền chỉ huy cho phó tướng của mình rồi về Gia Định.
Nguyễn Văn Thoại đã lường trước việc này sẽ khiến mình mất hết công danh sự nghiệp, nhưng ông vẫn hành động bởi đặt tình bạn lên trên tất cả. Trần Quang Diệu biết nhà Tây Sơn để mất lòng dân, khó tránh khỏi sụp đổ, nhưng ông vẫn cùng vợ là Bùi Thị Xuân tận sức chống đỡ cho nhà Tây Sơn đến hơi thở cuối cùng, hẳn là vì lòng trung nghĩa.
Khi nhà Nguyễn đánh bại Tây Sơn, vua Gia Long đã trả thù những tướng sĩ Tây Sơn, nhất là những người trụ cột. Đô đốc Trần Quang Diệu bị xử trảm, người trong gia tộc cũng bị truy sát nhằm nhổ cỏ tận gốc. Nguyễn Văn Thoại đã âm thầm đón con cháu Trần Quang Diệu về quê, đổi từ họ Trần sang họ Nguyễn của ông để mong thoát nạn. Có điều để nhớ về gốc tích của mình, khi sống phải mang họ Nguyễn nhưng khi chết thì trở lại họ Trần. “Sinh vi Nguyễn, tử vi Trần” là vì vậy.
CÔNG LAO CỦA TRẦN QUANG DIỆU VÀ THOẠI NGỌC HẦU
Trần Quang Diệu: Vợ chồng ông phò nhà Tây Sơn dẹp chúa Nguyễn chúa Trịnh – vua Lê thối nát, phò Quang Trung phá Thanh bình Xiêm. Cúc cung tận tụy đến hơi thở cuối cùng. Công lao sáng ngời trên từng trang sử.
Thoại Ngọc Hầu: Phò chúa Nguyễn thống nhất đất nước. Giúp dân khai khẩn vùng đất mới, lập ấp, đào kênh đắp đường, phát triển và bảo vệ vùng đất mới. Kênh Thoại Hà, núi Thoại Sơn mang tên ông, kênh Vĩnh Tế Hà, núi Vĩnh Tế Sơn mang tên vợ ông. Vua Cao Miên vì nhớ ơn ông bảo hộ tận tâm nên tặng nhà Nguyễn ba vùng đất Châu Sum, Mật Luât, Lợi Kha Bát. (3 vùng Chân Sum còn gọi là Chân Thành hay Chân Chiêm, nằm giữa Giang Thành và Châu Đốc, Mật Luật hay Ngọc Luật, cũng nằm giữa Giang Thành và Châu Đốc, Lợi Kha Bát (Prey Kabbas tỉnh Takeo). Nhà Nguyễn chỉ lấy 2 đất Chân Sum và Mật Luật. Chân Sum sau được phân vào hai huyện Hà Âm và Hà Dương từng thuộc phủ Tĩnh Biên Hà Tiên, trước khi chia về cho tỉnh An Giang ).
NGÀY NAY, TÌNH BẠN GIỮA HAI ÔNG VẪN CÒN VANG VỌNG, MỘ CỦA TRẦN QUANG DIỆU NẰM TRONG KHUÔN VIÊN ĐỀN THỜ THOẠI NGỌC HẦU DO CON CHÁU NỘI NGOẠI TRẦN – NGUYỄN ĐỒNG PHỤNG LẬP.
Tục lệ “sinh Nguyễn tử Trần” vẫn được duy trì, đến nay đã hơn 200 năm.
-Quỷ Lệ-