
Nhà thơ, dịch giả Dương Tường vừa qua đời lúc 20h08 tối qua 24-2, hưởng thọ 92 tuổi.
Sinh thời, ông được nhiều thế hệ bạn bè văn nghệ, đặc biệt là ở Hà Nội yêu mến. Dù mới học dở dang bậc trung học, nhưng tài năng thơ văn, niềm đam mê với văn chương nghệ thuật, sự tận tụy với chữ nghĩa của ông được nhiều bạn văn, độc giả yêu mến.
Thành công với cả vai trò một dịch giả và một nhà thơ.
Nhiều bài thơ tình của ông đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, thành những bài hát nổi tiếng, rất được yêu thích như bài Tình khúc 24, Dương cầm lạnh…
Nhưng trong dịch thuật, tác giả Dương Tường bắt tay vào dịch những tác phẩm lớn của thế giới như Anna Karenina (Lev Tolstoy), Lolita (Vladimir Nabokov), Cái trống thiếc (Gunter Grass)… đặc biệt là các tác phẩm của những tác giả mà văn chương của họ thật sự thách thức độc giả như Bên phía nhà Swan và Dưới bóng những cô gái đương hoa của Marcel Proust…
Từ năm 1961 đến nay, ông đã dịch trên 50 tác phẩm, xuất bản 5 tập thơ (trong đó 2 tập in chung) và cả tập tạp văn Chỉ tại con chích chòe. Tập này vừa được gia đình cho tái bản, có bổ sung thêm tư liệu.
Năm 2020, cuốn Kiều phiên bản tiếng Anh do dịch giả Dương Tường chuyển ngữ – Kiều in Dương Tường’s version được ông cho ra mắt độc giả sau nhiều năm soi kính lúp ngồi dịch.
Ngoài ra ông còn viết văn, viết báo, viết phê bình nghệ thuật, từ mỹ thuật tới sân khấu.
Nhưng trên cả thơ, văn, phê bình, dịch thuật, điều khiến ông thấy “thích” nhất ở mình chính là “Tôi đã sống như một người tử tế. Tôi đã không ăn gian của Trời một ngày nào trong cái cuộc sống mà Trời đã cho tôi”.
Và ông đã sống đúng như vậy cho tới hơi thở cuối cùng.
Theo Tuổi Trẻ
