THỜI KỲ MỘT TRĂM NGÀY – NAPOLEON TRỞ VỀ PARIS

THỜI KỲ MỘT TRĂM NGÀY – NAPOLEON TRỞ VỀ PARIS

(Source: Cuộc Đời Và Sự Nghiệp Napoleon Bonaparte)

Gần như trong một lúc, ở Paris người ta biết tin Napoléon đã tiến vào Lyon và đang tiến về phía Bắc, và Ney phản bội. Trốn! Đó là ý nghĩ đầu tiên của triều đình. Trốn cái chết, trốn không ngoái cổ lại, trốn cái hào Vincennes, nơi mà xác của công tước Enghien đã rữa nát. Tình trạng hoang mang bối rối đến không thể tưởng tượng được.

Thoạt tiên, vua Louis XVIII phản đối việc bỏ trốn, vì như vậy là nhục nhã và mất ngai vàng. Nhưng làm thế nào bây giờ? Người ta đi đến chỗ thảo luận nghiêm túc cái kế hoạch chiến lược sau đây: Nhà vua sẽ lên xe và rời bỏ thành phố, đi theo là các vị quần thần, hoàng gia và các vị chức sắc giáo hội; đến cổng thành, cái bầu đoàn ấy sẽ dừng lại và sẽ chờ đợi kẻ thoán nghịch tới, trông thấy ông vua chính thống, cái ông già đầu tóc bạc phơ, mạnh mẽ vì nắm pháp lý trong tay, bạo dạn đem thân ra cản đường không cho kẻ thoán nghịch vào thủ đô, thì chắc chắn y sẽ hổ thẹn vì hành động của y và sẽ rút lui. Trong những lúc thời bình nhất những bộ óc ấy đã kém khôn ngoan, thì nay, trong những giờ phút sợ hãi khủng khiếp này lại càng sáng chế ra không thiếu gì điều ngu xuẩn.

Ở Paris, báo chí của chính phủ hoặc thân cận với giới cao cấp đã từ thế bình chân như vại một cách ngu xuẩn đến chỗ hoàn toàn tuyệt vọng, rồi cuối cùng là khiếp đảm ra mặt. Trong thời kỳ này, những báo chí ấy có đặc điểm là biểu thị thái độ bằng những lời chê, khen Napoléon liên tiếp thay đổi theo bước tiến lên phía Bắc của ông Hoàng Đế.

— Thời kỳ thứ nhất: ”Con rắn đảo Corsica đã đổ bộ lên vịnh Juan”.

— Thời kỳ thứ hai: ”Con quỷ tiến về Grenoble”

— Thời kỳ thứ ba: ”Kẻ thoán nghịch tiến vào Grenoble”

— Thời kỳ thứ tư: ”Bonaparte đã chiếm Lyon”.

— Thời kỳ thứ năm: ”Napoléon đến gần Fontainebleau”.

— Thời kỳ thứ sáu: “Đức Hoàng Đế hôm nay đang được thủ đô trung thành của Người chờ đón”.

Chỉ trong vài ngày, vẫn những tờ báo ấy, vẫn những cái toà soạn ấy đã liên tiếp thay đổi giọng lưỡi. Hãy còn một tia hy vọng chẳng mấy chốc đã tắt ngấm này nữa.

Ở Paris, người ta biết Napoléon không giữ mình, thí dụ như khi chiến thắng tiến vào Lyon, Napoléon dẫn đầu đoàn tuỳ tùng và quân đội, cưỡi ngựa đi bước một giữa đông đảo nhân dân đang hoan hô chào đón. Nếu cần phải cứu lấy triều đại Bourbon thì ngại gì không cho một nhát dao găm? Và ở Paris những người được chứng kiến nói rằng: “Nhiều lính kín trà trộn trong dân chúng để tìm một kẻ như Jacques Clément”. Người ta hứa thẳng với thích khách rằng sẽ trọng thưởng, vừa đề cao việc đó rất là hợp pháp, không hề có tội trước pháp luật vì Nghị Viện đã công bố Napoléon là kẻ thù của nhân loại và đã đặt Napoléon ra ngoài vòng pháp luật. Nhưng trong vài ngày còn lại, người ta không kịp tìm được một tên Jacques Clément.

Đêm 19 rạng 20 tháng 3, Napoléon cùng đội tiền vệ đến Fontainebleau. Hồi 11 giờ đêm ngày 19, nhà vua và tất cả hoàng gia trốn khỏi Paris, chạy về phía biên giới nước Bỉ.

Ngày 20 tháng 3 năm 1815, hồi 9 giờ đêm, Napoléon tiến vào Paris. Bạt ngàn quần chúng đón chờ Napoléon ở cung điện Tuileries, và khi những tiếng reo hò vang dậy của những dòng thác người xô theo sau xe của Napoléon từ rất xa vang vọng tới quảng trường mỗi lúc một mạnh mẽ và dần dần biến thành một thứ tiếng ầm ĩ đầy hoan hỉ thì khối người đứng nêm quanh cung điện đã ùa đi đón Napoléon.

Bị bao vây tứ phía, chiếc xe không thể tiến thêm được nữa. Kỵ binh hộ vệ đã uổng công mở đường. Về sau, những người lính cận vệ kể lại rằng: “Họ hò reo, khóc lóc, lăn xả vào chân ngựa, trèo lên xe; bất chấp tất cả. Khối quần chúng cuồng nhiệt ấy đổ xô tới ông Hoàng Đế, chen bật cả đoàn tùy tùng, lôi Hoàng Đế ra khỏi xe, rồi giữa những tiếng hoan hô không dứt, họ chuyền ông hoàng từ tay người này sang tay người khác cho đến tận cung điện, rồi qua cầu thang chính lên đến tầng cao nhất”.

Sau những thắng lợi to lớn nhất, sau những chiến dịch huy hoàng nhất, sau những cuộc xâm lược các vùng đất đai rộng lớn và trù phú nhất, Napoléon cũng chưa hề bao giờ được tiếp đón ở Paris như đêm ngày 20 tháng 3 năm 1815. Sau này, một tên Bảo Hoàng già cũng đã phải thốt ra rằng đó quả là một sự sùng bái.

Sau khi người ta đã phải khó nhọc lắm mới khuyên nổi nhân dân giải tán, Napoléon lại trở về phòng làm việc cũ khi xưa, nơi mà trước đây 24 giờ, Louis XVIII đã bỏ trốn đi. Napoléon lại lao ngay vào đống công việc đang bề bộn, thúc bách. Cái điều vô lý đã thành hiện thực. Không quân đội, không tiếng súng, không một trận giao chiến, Napoléon đã từ Địa Trung Hải qua nước Pháp về tới Paris trong 19 ngày để tống cổ bọn Bourbon, và lại trị vì.

Nhưng Napoléon biết điều này hơn ai hết: Lại lần này nữa Napoléon không mang lại hòa bình mà là binh đao, và Châu Âu, sửng sốt kinh ngạc trước sự quay về đột ngột của Napoléon, lần này cũng sẽ làm mọi cách để ngăn chặn không cho Napoléon tập hợp lực lượng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *