
Đầu những năm chín mươi là khoảng thời gian khiến tôi nhớ nhất. Đất nước mở cửa sau những tháng ngày bao cấp triền miên. Những cái mới bắt đầu len lỏi vào khu tôi sống, có cái tốt và có cái xấu. Có điều manh nha thay đổi nhưng cũng có điều “nào sao thì giờ vẫn vậy”. Trong hằng hà những cái “nào sao” đó thì tình cảm gia đình là một phạm trù bất biến. Không định hình bằng ngôn ngữ và cũng không lời lẻ nào nói ra hết được.
Xóm nhỏ, nhà sát vách nhà. Thành ra dù không cố tình nhưng chỉ cần im lặng là bên này sẽ nghe bên kia nói gì. Má tôi vẫn thường nghe tiếng chặc lưỡi của Thím Hai mỗi bận chiều về muộn “Hầyyy … thiệt ! Cơm canh nguội lạnh tám kiếp rồi mà thằng Ba vẫn chưa đi làm về”. Tại sao lại như thế ? Rốt cuộc khi mỗi chiều tan ca, rồi đêm đuổi ngày đi mất, đồng nghĩa với việc anh Ba phải về. Gia đình là nơi chiều nào ta cũng phải về như một nghĩa vụ. Hay gia đình là nơi ta quay về để vẫy vùng trong những đau đáu yêu thương.
Anh Ba là con thứ hai của thím. Chòm xóm vẫn gọi thím bằng một hỗn danh – thím Hai Cọp. Nghề của thím là cho vay tiền góp. Má tôi nói chưa từng vay của thím một đồng nào vì thấy thím dữ quá. Lỡ trễ một ngày góp không kịp, thì cái mỏ của bả thôi chắc … cả nhà tôi … nghe chửi trừ cơm mất. Không ai thấy sự xuất hiện của chồng thím, chỉ thấy thím có 2 người con (gái đầu – trai sau) sống quây quần với nhau. Ảnh chỉ cũng bề bề tuổi nhau và lớn hơn tôi 3 tuổi. Một ngày cuối năm 94, tôi nhớ rõ mồn một thời gian đó vì nhà thím đã xảy ra chấn động rất lớn. Ba mẹ con cơm nước xong, thím lùa 2 con lên học bài. Nửa đêm về sáng, bỗng thím hú lên trong điên loạn :
– Trờiii ơiiii !!! con ơi connnn.
Không kịp khựng đến một giây. Cha hối hả leo tường sang tiếp cứu. Má tôi thì la làng la xóm rùm trời đánh thức bà con cùng thức dậy. Chừng sang được tới sân, cha dùng tay đập cửa ầm ầm đến văng cả bản lề để xông vào xem có chuyện gì. Vào đến nơi đã thấy đứa con gái của thím …. giãy giãy mấy cái rồi … tắt thở. Công an vô quá trời. Lát sau mấy bác sỹ mặc áo trắng xông tới (sau này tôi mới biết là pháp y). Nhưng không ai tìm ra nguyên nhân chết của đứa con gái. Sau cùng má tôi nói là họ kết luận rằng đột quỵ mà chết. Dòng người bu đen bu đỏ trước cửa ai cũng thương cho số phận của chị. Mới mười mấy tuổi đầu lại là con gái nữa vậy mà vắn số quá. Có người ác miệng chị ta gánh nghiệp cho cái miệng chửi người của má mình. Thím nghe được, buông xác đứa con gái ra, nhào lại sấn xổ chửi thậm tệ vào người vừa buông lời cay độc đó :
– Bà nội cha nhà mày … tao có kề lưỡi lam vào yết hầu bắt tụi mày bắt tụi mày phải mượn tiền tao chưa ? Tự tụi mày cần tiền, tụi mày quỳ lạy van xin tao cho mượn tiền. Như vậy là tao làm phước mới đúng chứ !
Má tôi ôm ghì lấy thím vào lòng cố ngăn lại. Má tôi không bênh ai cả vì đời ai nấy giữ. Nhưng giờ xác con gái thím vẫn còn chưa lạnh thì má chỉ muốn thím được ở cạnh con mình. Cha tôi ra cửa cổng xua xua hàng xóm về :
– Hết chuyện rồi bà con nhà ai nấy về đi.
Tới chừng vào thì đã thấy thím ngồi ôm xác con gái vào lòng … mà không còn khóc nổi nữa. Không có nỗi đau nào khủng khiếp bằng tận mắt chứng kiến đứa con đứt ruột đẻ ra lại … lại … lại chết đi trước mắt. Là do con trúng gió đột tử chết như kết luận của pháp y hay đúng như lời thị phi vừa nãy “con gái thím chết tức tưởi là để trả nghiệp cho cái miệng chửi người của thím” … ? Nợ mẹ mẹ trả, nợ con con trả, sao trời lại đày đọa cuộc đời của chị gái ngây thơ này. Gia đình liệu có còn tồn tại nữa chăng khi người đầu bạc lại phải tiễn kẻ đầu xanh. Con đến với mẹ phải chăng chỉ là sự chọn lựa ngẫu nhiên của di truyền học khi cá thể nam nữ kết hợp cùng nhau. Hay con đến với mẹ trong kiếp này là vì mẹ con đã có mối lương duyên kiếp trước. Gieo và gặt, vay và trả, kiếp này mẹ phải trả nợ từ kiếp trước còn nợ của con. Nếu quả thật như vậy thì trời phải cho chị ấy tiếp tục sống khỏe mạnh, sống vui, để thím còn có đủ thời gian mà trả nợ chứ.
Ngay lúc đó anh Ba đang ở đâu ?
Cha má tôi nhìn quanh quẩn tìm kiếm phát hiện anh Ba đứng quay lưng về phía mọi người, mặt hướng vào chân tường. Cha lững thững tiến lại đặt bàn tay lên vai anh, tính an ủi. Bỗng anh thốt lên đúng một lời. Một lời mà sau này cha thề sống thề chết rằng mình hoàn toàn tỉnh táo vào ngay lúc đó. Anh Ba ảnh ngước nhìn lên trần nhà và nói :
– Chú thím Bảy (cha má tôi) yên chí về nhà đi. Con suốt đời theo phù hộ má và em của con !!
Cha tôi chết điếng tại chỗ không nói nên lời. Nhưng sự từng trải của ông sau bao năm vào sinh ra tử ở đã cho cha biết, thứ vừa mượn xác anh Ba thốt lên những lời đó không có ý xấu. Và đó chính là hồn của người con gái vừa mất, là con gái của thím.
Tối đó cha má tôi quyết định không về nhà mà ở lại với má con thím Hai đến tận sáng …. !
—
Tôi lớn dần theo tháng năm. Anh Ba cũng vậy. Vì thế tụi tôi chơi rất thân với nhau. Ảnh kể với tôi về mẹ ảnh nhiều lắm. Thím hung hăng như vậy nhưng khi trở về nhà, đóng cửa lại, không lần nào đứng đốt nhang cho con gái mà thím không khóc … ! Về sau, còn độc nhất đứa con trai là anh ba nên thím lo cho anh dữ lắm ! Không thiếu bất cứ một thứ gì. Muốn gì là bả chiều hết nấc. Cơm bưng nước rót, tay vừa rời đũa là cây tăm xỉa răng đã dâng lên đến tận miệng. Nhờ trời, anh Ba là dạng người lành tính, ham học, rất có hiếu với mẹ. Má tôi nói năm ảnh chừng hơn 10 tuổi. Đêm nọ, khuya rồi, cả xóm đang chìm sâu vào giấc ngủ im lìm sau một ngày làm việc cực nhọc. Không dưng ảnh mếu máo sang nhà tôi đập cửa ầm ầm. Má tôi tá hỏa ra mở cửa thì ảnh nói “:
– Thím Bảy ơi thím Bảy … ! Má con … Má con. Má con bị gì mà nằm trùm mền, rên hừ hừ hừ …
Má con tôi đạp cửa nhà xông vô thì thấy Thím đang giật bặt bặt trên giường. Má kiếm đâu ra trái chanh, cắt đôi ra, nặn một ít vào miệng của Thím. Thím từ từ nhả cơ thể lỏng ra và thở bình thường lại. Ảnh thấy vậy chạy lại ôm thím khóc nức nở … Sau đêm đó không thấy thím bả cho người ta vay tiền nữa. Có lẻ còn người sau lần trải qua cửa tử sẽ biết sợ, biết ăn năn hối lỗi và sợ chết hơn. Năm bữa nữa tháng sau vụ kinh hoàng đêm đó, trong một bữa cơm thường ngày của gia đình tôi, má tôi nói :
– Má đi chùa. Tụng kinh buổi tối như mỗi ngày. Đương tụng thì thấy thím bây đứng lấp ló ngoài cửa chánh điện không dám bước vào.
– Dạ.
– Má ra má hỏi sao chị không vô.
– Dạ. Rồi thím bả nói gì ạ má ?
– Thím bây thiệt tội nghiệp. Sau đêm đó thím sợ mình ra đi bất đắc tử do nghiệp từ cái mỏ tích tụ gây nên.
– Dạ. Vậy là thím sợ mình chết ạ.
– Đúng ! Nhưng điều sợ hãi lớn hơn cả cái chết của thím là bỏ lại thằng Ba trơ trọi … không biết bấu víu vào ai !
Má tôi không nói nữa, đặt chén đũa xuống cái mâm và thở dài đồng cảm. Người phụ nữ dữ dằn, tánh tình bổ bã, hành nghề cho vay tiền nóng ấy sau cùng vẫn là MỘT NGƯỜI MẸ. Vẫn luôn một mực thương đứa con trai còn lại độc nhất của mình. Thương ảnh, lo cho ảnh, xót con mình nếu một ngày mình nhắm mắt ra đi. Chết thì ai cũng phải một lần đối diện trong đời. Nhưng quan trọng là cách ta đối mặt với nó và khi ta ra đi ta có còn vướng bận gì xót lại trên thế gian này không. Thím không sợ, không sợ chết. Nhưng thím lại sợ con mình sẽ bơ vơ lạc lỏng giữa chợ đời. Đó chính là lòng mẹ thương con, là tình cảm của những người chung một gia đình với nhau ……
***
Sài Gòn.
Giữa Đúng và Sai.
(Bùi Quang Minh)
