Sau lưng mỗi một ông vua vĩ đại là một…chuyên gia chữa trị nói lắp vĩ đại?
Tất cả các yếu tố xoay quanh The King’s Speech hứa hẹn đây sẽ là một bộ phim hay. Bộ phim có một dàn diễn viên xuất sắc gồm Colin Firth, Geoffrey Rush và Helena Bonham Carter và kể về một thời kỳ rất thú vị trong lịch sử nước Anh. Bộ phim cũng nhận được nhiều lời khen từ cả các nhà phê bình lẫn khán giả thông thường. Tôi hoàn toàn mong đợi đây sẽ là một bộ phim hay, và cuối cùng đã không phải thất vọng.
(có spoil cho ai chưa xem)
Trong lịch sử thế giới, khi học về thời kỳ dẫn tới Chiến tranh thế giới lần thứ hai, tôi học nhiều về Hitler và những hành động của hắn thời đó ở châu Âu, nhưng lại biết rất ít về những khó khăn bao trùm nước Anh vào thời điểm đó. Năm 1936, Vua Edward VIII lên ngôi và nhanh chóng tạo một cơn khủng hoảng trong nước khi đòi kết hôn với một người phụ nữ người Mỹ đã hai lần ly dị, Wallis Simpson. Giáo hội Anh không chấp nhận ly dị, nhà vua lại là người đứng đầu giáo hội; một người phụ nữ với hai người chồng còn đang sống không thể trở thành Hoàng hậu. Ngoài ra, thái độ ủng hộ Hitler của nhà vua cũng làm cho các quan chức chính phủ cảm thấy bất an. Nhưng cuối cùng, thay vì từ bỏ Wallis, Edward đã thoái vị, truyền lại ngôi vua cho người em trai, Albert, hay “Bertie”, người trở thành Vua George VI. Ông cũng chính là cha ruột của Nữ hoàng Elizabeth II hiện giờ.
Vị vua trong tựa đề The King’s Speech là George VI. Dù tựa phim là thế, bộ phim không hẳn nói về một vị vua, mà kể về Bertie, một người đàn ông không hề hoàn hảo, nhưng với một nỗ lực vĩ đại để vượt qua tật nói lắp đã đeo đuổi ông từ tấm bé. Người đàn ông này chỉ tình cờ là một vị hoàng tử, và sau này trở thành vua. Nhưng trong lúc xem phim, nhiều khi ta quên rằng nhân vật chính của ta là hoàng thân; ta chỉ có thể khâm phục sự kiên cường của Bertie.
Bộ phim đã tiếp cận tật nói lắp của Bertie với thái độ nhạy cảm và tinh tế. Tật nói lắp của Bertie không được cho là tật bẩm sinh, mà có nguyên do từ tuổi thơ thiếu thốn tình cảm của vị hoàng tử này. Qua những lời tâm sự của Bertie, ta cảm thấy thương hại cho một người đã phải lớn lên mà không có một chỗ dựa tinh thần thực sự và chính tuổi thơ dồn nén cảm xúc đó đã khiến ông không thể diễn đạt bản thân một cách trôi chảy. Khác với anh trai mình, Bertie không hề ủng hộ Hitler, nhưng khi xem một đoạn băng Hitler đọc diễn văn, Bertie không nén được vẻ khâm phục với khả năng diễn thuyết của tên độc tài này. Sự khâm phục này đưa cả Hitler và Bertie ra khỏi địa vị chính trị của mình, và Bertie lập tức trở thành một người bình thường, khâm phục năng khiếu bẩm sinh của Hitler, một năng khiếu mà Bertie ước ao có được.
Một cảnh làm tôi chú ý là cảnh Bertie và Lionel Logue cùng nhau tập những bài luyện tập thân thể trong quá trình điều trị bệnh. Những cảnh này có vẻ hài hước nhưng nếu so sánh cách Logue thả lỏng mình và cách Bertie thả lỏng mình, ta thấy Bertie bao giờ cũng căng thẳng hơn. Ta có thể nhận thấy, dù Bertie hiểu để đánh bại được tật nói lắp, ông phải buông xuôi và thật sự thoải mái, nhưng nhiều năm nhốt mình trong một bề ngoài cứng nhắc để cố kiểm soát tật nói lắp của mình đã khiến ông khó có thể cho phép mình trở nên thoải mái.
Chính diễn xuất tuyệt vời của Colin Firth đã cho ta hiểu được từng khía cạnh trong tính cách của một nhân vật Bertie rất phức tạp. Anh đã tìm thấy một sự cân bằng tuyệt vời giữa sự tự ti về lời nói của Bertie, với sự cao ngạo của một hoàng tử không có thói quen tâm sự với người không cùng địa vị xã hội (hay với bất cứ ai!). Firth khiến ta phải cảm nhận từng nỗi đau trong quá khứ của nhân vật và nỗi sợ khi phải đối mặt với việc thay anh trai lên làm vua. Mỗi lúc ngập ngừng khi nói, mỗi khoảnh khắc Bertie phải gồng mình để lời nói bật ra, đều được Firth diễn một cách rất thật, như thể chính anh cũng từng mang tật nói lắp này.
Geoffrey Rush cũng có một vai diễn thành công trong vai Lionel Logue, chuyên gia điều trị tật nói lắp của nhà vua. Một chủ đề chính của bộ phim cũng là tình bạn giữa Logue và Bertie. Bộ phim này gần như theo khuôn mẫu của một bộ phim tình cảm lãng mạn, chỉ khác là nó nói về tình bạn giữa hai người đàn ông: hai người gặp nhau, ban đầu không thích nhau nhưng rồi có cảm tình với nhau, đến khi một sự hiểu lầm hay một cuộc cãi nhau chia cách họ, và ở cuối phim họ làm lành và tình cảm giữa hai người trở nên gắn bó hơn trước. Khuôn mẫu này có thể trở nến quen thuộc đến nhàm chán trong phim tình cảm, nhưng lại có hiệu quả trong việc thể hiện tình bạn của Logue và Bertie. Với sự phóng khoáng của người Úc, sự thẳng thắn chân thật, kiên nhẫn và cảm thông của mình, Logue đã trở thành người duy nhất ngoài vợ mình mà Bertie có thể mở lòng chia sẻ những cảm xúc về tật nói lắp của mình.
Tôi thừa nhận mới chỉ xem Helena Bonham Carter qua loạt phim Harry Potter và Alice in Wonderland của Tim Burton – cả hai vai diễn đều là những vai phản diện, những người đàn bà gần như điên dại vì quyền lực và sự hắc ám. Vai Hoàng hậu Elizabeth, vợ của Bertie, trong phim này hoàn toàn khác với hai vai kia; cô vào vai một người vợ với sự vị tha và tình thương bao la một cách quá hoàn hảo. Thật khó tưởng tượng Elizabeth cao quý, dịu dàng trong phim này lại có thể cùng một lúc đóng Bellatrix Lestrange ngông cuồng trong Harry Potter, hay thậm chí là chính Helena Bonham Carter có vẻ lập dị ngoài đời.
Nếu có một chút phàn nàn về diễn viên trong phim, thì đó là dành cho Timothy Spall. Tôi không biết ông nghĩ ông đang đóng vai nào, nhưng nhân vật xuất hiện trên màn hình nhàm chán đến lạ lùng và chẳng có chút khí thế gì của Winston Churchill.
Đây là một bộ phim có rất nhiều lời thoại. Phải nói là 90% bộ phim là những cuộc đối thoại dài giữa các nhân vật. Dù thế, ta vẫn không thể cảm thấy nhàm chán. Diễn xuất của các diễn viên đã bộc lộ hết tâm tư của từng nhân vật và lời thoại sâu sâu sắc làm ta phải ngẫm nghĩ và cảm thông với các nhân vật. Nhưng sức mạnh của kịch bản do David Seidler viết cũng còn nằm ở một yếu tố khác nữa. Tôi không ngờ rằng một bộ phim lịch sử, một chủ đề có vẻ khô khan, về một thời kỳ với nhiều nỗi lo và nỗi đau, lại có thể có nhiều khoảnh khắc hài hước. Nhưng ngay từ đầu phim, cảnh gặp mặt đầu tiên của Elizabeth và Logue cũng khiến ta phải bật cười.
“Chồng tôi phải phát biểu nhiều trước công chúng.”
“Có lẽ chồng bà nên đổi nghề.”
“Ông ấy không thể.”
…
“Tôi sẽ cần ông xã của bà tạt qua đây, tôi sẽ tìm hiểu thêm về ông ấy và sau đó ta tính sau.”
“Xin lỗi, tôi không có ông xã nào cả, chúng tôi không biết tạt và cũng không bao giờ nói về cuộc sống riêng tư của mình.”
Hay như khi Lionel Logue giúp Bertie, giờ là Vua George VI, tập luyện trước khi đọc diễn văn trên đài phát thanh trực tiếp trước thềm Chiến tranh thế giới bùng nổ lần thứ hai.
“Thay vì lắp bắp, cứ ngừng hẳn lại và tự nhủ, ‘Xin Chúa hãy cứu Đức vua’.”
“Tôi tự nhủ như thế suốt, nhưng có vẻ chẳng ai nghe tôi cả.”
“Những khoảnh khắc im lặng có thể trở giúp thời khắc trở nên trang trọng hơn.”
“Nếu thế thì tôi là ông vua nghiêm trang nhất trong lịch sử. Nếu tôi là vua, quyền lực của tôi ở đâu? Tôi có quyền tạo một chính quyền hay chính sách thuế hay khai chiến với nước nào không? Không, nhưng tôi là biểu tượng của mọi quyền lực. Tôi là vua vì khi tôi nói, đất nước này tin rằng tôi thay mặt họ nói…Nhưng tôi không biết nói. “
Chủ đề cuộc nói chuyện thường rất nghiêm túc, nhưng những câu thoại mang tính châm biếm lại làm cho cả cuộc thoại có vẻ đỡ nghiêm trọng hơn và giúp khán giả, những con người bình thường, hòa mình vào thế giới của những vị vua chúa, lâu đài và hoàng thân quốc thích.
Đoạn kết là cảnh Bertie đọc một bài diễn văn động viên nhân dân cả nước ngay sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai bắt đầu và được các nhà làm phim thể hiện một cách tỉ mỉ. Có lẽ khi bắt đầu xem phim, ta cũng đoán được rằng Bertie sẽ hoàn thành tốt bài diễn văn này, nhưng ta vẫn khó có thể nén được cảm giác bồn chồn khi đợi nhà vua lên tiếng. Âm nhạc lên đoạn cao trào, những khoảnh khắc im lặng, sự căng thẳng trên khuôn mặt từng nhân vật đang ngồi nghe bài diễn văn, tất cả đều tạo một không khí hồi hộp bao trùm cả cảnh phim và cả khán giả. Qua suốt bộ phim, ta dần hiểu được những lý do về mặt tâm lý thường dẫn tới việc nói lắp của Bertie; đến cảnh cuối này ta bỗng không thể không ủng hộ Bertie và hy vọng ông sẽ vượt qua được áp lực để hoàn thành xuất sắc công việc đưa hy vọng tới với người dân của mình. Và khi ông thành công, cảm giác nhẹ nhõm, niềm hân hoan chiến thắng đang hiện trên mặt Bertie kia cũng hiện lên trong lòng ta.
Bộ phim cho ta một bức tranh thẳng thắn về cuộc sống hoàng gia và gánh nặng của sự kỳ vọng. Nó khiến ta phải cảm thông cho Bertie ở một địa vị mà ta cứ ngỡ là phải có tất cả. Thay vì kể về sự diệt vong hay tuyệt vọng, bộ phim cho ta có thêm hy vọng và niềm tin rằng nếu có đủ sự can đảm, ta có thể vượt qua bất cứ khó khăn nào trong cuộc sống, như Bertie đã làm. The King’s Speech thật sự xứng đáng là một trong những phim hay nhất của năm 2010.