AFTERSUN (2022) – CUỘN PHIM CỦA KÝ ỨC

Bạn đã bao giờ phải đối diện với nỗi buồn hậu phim ảnh khi mà bộ phim bạn xem đã kết thúc nhưng cơ thể và tâm trí của bạn vẫn đang bất động với gương mặt thẫn thờ, trống rỗng trước màn hình?

Aftersun sẽ là bộ phim khiến bạn phải suy ngẫm rồi lâu lâu bật khóc bởi những cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Đặc biệt bạn có thể cảm nhận rõ ràng sự nuối tiếc và nỗi đau của nhân vật qua lăng kính bộ phim.

Aftersun (2022) là một bộ phim chính kịch do Charlotte Wells viết kịch bản và đạo diễn, với sự tham gia của Paul Mescal (thủ vai người bố Calum) và Frankie Corio(thủ vai người con gái Sophie); kể về hồi ức tuyệt đẹp của cố bé Sophie 11 tuổi trong chuyến đi du lịch cùng cha tại một khu nghỉ dưỡng ở Thổ Nhĩ Kỳ vào đêm trước sinh nhật lần thứ 31 của ông.

Paul Mescal cũng là nam chính trong series Normal People mà mình mới review hôm trước nên không có gì bất ngờ khi màn trình diễn của anh tại Aftersun thực sự quá sống động và thuyết phục. Và bộ phim đã được đề cử giải Oscar cho hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Tình tiết bộ phim khá chậm và nhẹ nhàng tuy nhiên đạo diễn cũng đã tinh tế gài gắm vô số những chi tiết ám chỉ về vấn đề sức khỏe tâm lý, sự trầm cảm mà Calum phải đối diện. Chính vì thế dù xuyên suốt bộ phim là những kỷ niệm vô cùng đẹp tràn ngập tình yêu thương giữa 2 cha cọn, bạn vẫn luôn cảm thấy sự nặng nề, ngột ngạt như báo hiệu về một kết cục buồn cho Calum.

MAYBE YOU MISSED THIS “TÌNH TIẾT”

Bộ phim chưa bao giờ hé lộ trực diện về số phận của Calum nhưng chính từ những chi tiết nhỏ nhất sẽ giúp bạn nhìn rõ hơn về con “quái vật” mà người bố đang phải đối mặt.

  • Sự liều lĩnh trong hành động của Calum được thể hiện khá rõ từ cảnh đứng phơi mình trên ban công, đi lặn dù chưa có bằng, trốn trả tiền bữa ăn và cùng Sophie chạy trốn; hay từ chi tiết rất nhỏ như anh suýt bị đâm bởi xe buýt khi băng qua đường nhưng vẫn không chớp mắt bởi tiếng còi.
  • Bộ phim cũng nhấn mạnh cách Calum sống mạo hiểm qua những hành động như tắm biển giữa đêm, khiến bản thân bị thương mà không biết.
  • Hay cách Calum mua tấm thảm và bức hình lấy ngay mà không quan tâm đến giá cả, mặc dù anh không có khả năng chi trả và đặc biệt khi anh nói với người hướng dẫn viên lặn rằng không thể tưởng tượng được bản thân qua nổi tuổi 30 đã phần nào cho thấy cuộc chiến của anh đã dần đi đến hồi kết. Điều đáng buồn nhất của bộ phim đối với mình là khi Sophie hỏi người bố rằng liệu ông ấy có bao giờ quay trở lại Scotland không và Calum trả lời một câu chắc nịch “Không”. Calum đã bước tiếp và không bao giờ muốn quay lại. Từng cảnh quay và từ ngữ được truyền tải quá nhẹ nhàng nhưng lại man mác nỗi buồn.
  • Mình đặc biệt thích chi tiết khi Sophie mô tả cảm giác thất vọng hoặc chán nản của bản thân như thế nào và bạn nhìn thấy Calum tức giận nhổ kem đánh răng vào tấm gương phản chiếu gương mặt mình. Điều đó cho thấy sự căm ghét bản thân của Calum. Điều tốt đẹp duy nhất mà anh ấy cảm thấy mình đã làm được trong đời là Sophie – một cô con gái thông minh, tuyệt vời. Sophie thậm chí còn chưa 11 tuổi vào thời điểm đó và cô bé đã mô tả các triệu chứng tâm lý mà anh ấy mắc phải. Phần nào đó Calum lo sợ mình đã di truyền lại những ý nghĩ tiêu cực cho cô bé và anh ấy phỉ báng bản thân một cách đầy căm hận.
  • Một cảnh quay ăn tiền khác nữa là khi Calum cố gắng che giấu nỗi đau của bản thân khi tháo bỏ lớp bó bột tay trong nhà tắm tối tăm còn Sophie thì đang ở trong căn phòng sáng sủa nhìn ra cửa sổ. Tất cả chỉ ngăn cách bởi 1 bức tường – 1 bức tường ngăn cách 2 số phận đối lập nhau.
  • Một hình ảnh khác được xuất hiện khá nhiều lần trong bộ phim – cảnh nhảy dù. Sự tự do và cảm giác mạo hiểm đó có lẽ chính là điều mà Calum luôn mong muốn: một sự giải thoát. Bên cạnh đó, nếu bạn để ý đến tiêu đề những quyển sách xuất hiện trong phim như “How to Mediate” hay “Tai chi” đã cho thấy cơ chế đối phó của Calum đối với chứng trầm cảm và sự căm ghét bản thân.

CẢNH KẾT THÚC GÓI TRỌN CẢM XÚC

Với những chi tiết bên trên chắc hẳn bạn vẫn luôn băn khoăn số phận của Calum sẽ ra sao. Và với chỉ 1 cảnh quay cuối – cảnh quay xoay 360 độ kết nối quá khứ, hiện tại và những tưởng tượng của Sophie; bạn có thể rút ra một kết luận: Calum đã t.ự t.ử không lâu sau chuyến du lịch.

Cảnh Calum tại bữa tiệc với những ánh đèn chập chờn tượng trưng cho những ký ức không rõ nét của Sophie về bố của mình, nơi cô có thể tìm thấy và cố gắng hiểu những suy nghĩ của bố mình mà trước đây khi còn trẻ cô chưa bao giờ có thể thực sự thấu hiểu. Cảnh quay Calum cùng Sophie khiêu vũ với điệu nhạc “Under Pressure” của Queen và David Bowie sẽ mãi là một thước phim đẹp và gợi nhớ nhất trên màn ảnh.

Sự mất mát không làm giảm đi sức mạnh tình yêu giữa Calum và Sophie. Calum có thể đã ra đi, nhưng rõ ràng anh ấy đã đấu tranh nội tâm để cố gắng trở thành một người cha tốt cho Sophie. Tình yêu của Calum dành cho con gái lên nhiều điều về anh ấy hơn là cái chết của anh.

Bạn có thể cảm thấy một nỗi buồn khó tả và dai dẳng sau khi xem hết bộ phim. Tuy nhiên mình tin chắc rằng, bạn cũng sẽ cảm thấy những ký ức đầy mạnh mẽ và ấm áp tràn ngập trong tình yêu thương của hai cha con.

  • Overall: 9
  • Story: 8
  • Acting/ Cast: 10
  • Music: 9
  • Rewatch Value: 9

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *