Thái tử Gwanghae – Quang Hải Quân

Thái tử Gwanghae – Quang Hải Quân

Là vị thái tử giỏi nhất của Triều Tiên.

Ông là con trai thứ hai của vua Triều Tiên Tuyên Tổ với Cung tần Kim thị. Khi Nhật Bản xâm lược Triều Tiên, ông được phong làm thế tử. Trong khi nhà vua chạy lên biên giới phía bắc với nhà Minh, ông đã lãnh đạo bộ phận triều đình chiến đấu chống lại quân xâm lược. Trong khoảng thời gian này và ngay cả giai đoạn sau chiến tranh, thực chất Quang Hải Quân là người cai trị thực sự của Triều Tiên, ông chỉ huy các trận đánh và lãnh đạo việc tái thiết đất nước, thay thế cho vua Tuyên Tổ đã già và yếu kém.

1. Cuộc đời Quang Hải Quân và quá trình lên ngôi (tại vị 15 năm 17 tháng từ 02.1608 đến 03.1623, bị lưu đày 18 năm)

Quang Hải Quân (1575~1641) là con trai thứ của vua Seon Jo và Kim Gong Bin, có anh trai là Im Hae Gun. Khi Quang Hải Quân lên 3 tuổi thì mẹ qua đời. Tên húy là Hon, và được sắc phong là Quang Hải Quân từ khi còn rất nhỏ. Khi ngoại nạn năm Nhâm Thìn 1592 (năm quân đội Nhật xâm lược Chosun) xảy ra, ông được sắc phong làm thái tử.

Vua Seon Jo có 14 người con trai, tuy nhiên chính thất hoàng hậu Wi In lại không có con cái. Bởi vì từ sau khi được sắc phong làm hoàng phi, bà liên tục bị bệnh nằm liệt giường. Tuy có nhiều con nhưng đó đều là con của phi, vì thế việc chọn ra một người nối ngôi không phải là chuyện dễ dàng. Seon Jo luôn cảm thấy phiền muộn vì thái tử phải là con của chính thất hoàng hậu trong khi hoàng hậu lâm bệnh nên chẳng thể có con. Ông cứ có ý định lập thái tử rồi lại trì hoãn.

Nhưng khi Seon Jo qua bước qua tuổi 40, các đại thần trong triều bắt đầu liên tục nêu ý kiến không thể hoãn lập thái tử thêm được nữa. Bởi vì vào thời đó 40 tuổi không phải là nhỏ, và nếu như vua có qua đời khi chưa kịp sắc phong thái tử thì triều đình sẽ rơi vào cảnh hỗn loạn chẳng khác nào ngồi trên đống lửa. Và để hỗn loạn này không xảy ra, quần thần liên tục dâng sớ xin vua lập thái tử. Người đầu tiên đưa ra ý kiến này là Jeong Cheol của phe cánh tả.

Năm 1591 Jeong Cheol cùng với một số người như Yoo Seong Ryong của phe cánh hữu, Lee San Hae của phủ nghị chính, Lee Hae Soo của phủ đề hiến… đã có một cuộc thảo luận gay gắt về vấn đề sắc phong thái tử. Kết quả là quyết định chọn Quang Hải Quân làm thái tử, và đã định thỉnh ý vua. Nhưng cũng trong thời gian đó những âm mưu chính trị dần lộ ra. Để đuổi Jeong Cheol- người đứng đầu cánh tả ra khỏi cung, Lee San Hae- nhân vật trung tâm của cánh hữu đã ngấm ngầm lên kế hoạch. Lee San Hae thấy rõ rằng Seon Jo rất mực thương yêu Shin Seong Gun (con của hoàng phi In Bin) nên đã đến tìm In Bin và nói với bà rằng Jeong Cheol đang có ý định ủng hộ Quang Hải Quân làm thái tử. Và còn nói thêm rằng Jeong Cheol đang âm mưu hãm hại gài bẫy bà và Shin Seong Gun sau khi Quang Hải Quân lên làm thái tử. Nghe Lee San Hae nói xong In Bin chạy ngay đến và nói cho Seon Jo biết Jeong Cheol đang có âm mưu hãm hại mình. Vốn sủng ái In Bin nên khi nghe xong chuyện Seon Jo hết sức tức giận và chờ xem Jeong Cheol sẽ làm gì. Trong khi đó Jeong Cheol vẫn không hề biết gì về việc trên. Vì thế việc Jeong Cheol dâng sớ xin sắc phong Quang Hải Quân làm thái tử tại đại điện đã làm cơn thịnh nộ của Seon Jo bùng lên và cuối cùng Jeong Cheol cũng mắc họa. Lúc đó Yoo Seong Ryong và Lee San Hae phe cánh hữu chẳng hề nói lời nào, duy chỉ có Lee Hae Soo và Lee Seong Joong của cánh tả ủng hộ đề nghị đó của Jeong Cheol. Nhưng sau đó thì cả hai người này đều bị giáng chức và bị đuổi ra ngoài.

Sau đó việc sắc phong thái tử tạm thời bị gác lại. Khi ngoại Nhâm Thân nổ ra, Seon Jo đành phải phân triều và sắc phong Quang Hải Quân làm thái tử. Lúc đó Seon Jo buộc phải chạy về phía Bắc vì các vùng đất khác đều bị quân Nhật chiếm đóng. Hơn nữa lại phải phân triều và đối phó với tình thế khẩn cấp ngàn cân treo sợi tóc nên Seon Jo không thêt không quyết định việc về sau. Do đó tại thành Pyeong Yang, Seon Jo đã đồng ý thỉnh cầu của các đại thần và lập Quang Hải Quân làm thái tử. Vả lại bởi lúc đó đứa con mà Seon Jo yêu quý nhất là Shin Seong Gun đã chết vì bệnh trong chiến loạn, Im Hae Gun mặc dầu là con trưởng nhưng tính tình bạo ác và không có tư chất làm vua nên cả hai đều đã bị loại ra khỏi danh sách lập thái tử.

Nhưng vấn đề lập thái tử chưa dừng lại ở đây. Bởi vì nếu muốn lập thái tử thì trước tiên phải được sự đồng ý của nhà Minh, và chỉ có như thế thái tử mới có được danh phận chính thức. Năm 1594 lúc chiến loạn đang diễn ra, Seon Jo đã phái Yoon Geun Soo sang nước Minh để xin lập Quang Hải Quân làm thái tử nhưng đã bị nhà Minh từ chối với lý do Im Hae Gun mới là con trai trưởng, Quang Hải Quân chỉ là con thứ. Do đó tuy Quang Hải Quân đã được vua sắc phong thái tử nhưng vẫn luôn trong tình trạng bất an bởi nhà Minh vẫn không chấp nhận việc ông làm thái tử. Tuy nhiên Quang Hải Quân vẫn làm hết sức mình để điều hành triều chính, được nhân dân tin tưởng kì vọng, và được quần thần ủng hộ bất chấp việc nhà Minh có ủng hộ hay không. Điều đó bằng nghĩa với việc quyền lực của Quang Hải Quân đã rất vững chắc. Nhưng khi ngoại nạn kết thúc vào năm 1602, Seon Jo có thêm hoàng hậu In Mok thì Quang Hải Quân dần trở nên yếu thế. Đã thế năm 1606 hoàng hậu sinh hạ Young Chang Dae Gun, và sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng. Bởi Young Chang Dae Gun là đứa con Seon Jo mong đợi bấy lâu và ông cũng có ý định sẽ nhường ngôi cho Young Chang Dae Gun.

Một bộ phận quần thần tinh ý đã thấy được tâm ý này của Seon Jo và dần chuyển hướng ủng hộ cho Young Chang Dae Gun. Thêm vào đó, chính Seon Jo đã cho gọi một vài đại thần như quan nghị chính Yoo Young Kyeong đến và nói rằng “hãy chăm sóc chu đáo cho Young Chang Dae Gun”. Tình hình lúc này đã phân định rõ, hình thành hai phe: một ủng hộ Young Chang Dae Gun, một ủng hộ cho Quang Hải Quân.

Phái So Book ủng hộ Young Chang Dae Gun thì cho rằng Quang Hải Quân vừa không phải là con của chính thất vừa không phải là con trưởng, lại không được nhà Minh chấp nhận nên một mực phản đối Quang Hải Quân. Thế nhưng năm 1608 bệnh tình của Seon Jo trở nên trầm trọng hơn. Xét thấy bệnh tình trầm trọng và tình hình thực tế trước mắt, cuối cùng ông đã ban chiếu nhường ngôi cho Quang Hải Quân. Yoo Young Kyeong được nhận chiếu này tuy nhiên hắn không công bố mà cố ý giấu đi.

Sau đó những người đứng đầu phái Dae Bok là Jeong In Hong, Lee Yi Cheom đã phát giác ra sự việc này đã tâu lên vua và xin vua trừng trị tên Yoo Young Kyeong. Nhưng Seon Jo đã qua đời mà khồn thể đưa ra bất cứ quyết định nào. Vì thế quyết định nối ngôi hoàng đế đã được thái hậu In Mok thông qua. Yoo Young Kyeong đã thuyết phục thái hậu đứng ra nhiếp chính và cho Young Chang Dae Gun lên ngôi, nhưng nhận thấy việc đó không thực tế nên đã ban chiếu chỉ lập Quang Hải Quân làm vua.

Quá trình dài hướng tới vương vị kết thúc tại đây. Quang Hải Quân lên ngôi vào ngày 2 tháng 2 năm 1608, lúc đó ông 34 tuổi.

2. Chính sách chính trị táo bạo của Quang Hải Quân.

Trải qua nhiều thăng trầm, cuối cùng Quang Hải Quân cũng lên ngôi hoàng đế. Về đối ngoại ông mở rộng quan hệ ngoại giao thực dụng. Về đối nội, với sức mạnh của vương quyền, ông đã không tiếc công sức chấm dứt sự tranh giành giữa các đảng phái và làm an lòng dân. Nhưng ông đã không thể chặn đứng được âm mưu của những kẻ chỉ chăm chăm vào xem trọng danh phận, rồi cuối cùng bị lật đổ, và kết thúc cuộc đời trong nỗi bất hạnh với cái danh bạo quân.

Trong thời gian xảy ra ngoại nạn Nhâm Thân, vua Seon Jo đi tránh nạn ở Wi Joo, còn Quang Hải Quân được đảm nhiệm cai quản riêng tỉnh Ham Kyeong. Trong thời gian này ông được nắm một số việc triều chính và đã làm hết sức nhiệm vụ của mình. Tháng 2 năm 1608 Seon Jo qua đời, Quang Hải Quân lên ngôi dưới chiếu chỉ của thái hậu In Mok.

Ngay khi lên ngôi, trước tiên Quang Hải Quân nắm bắt tình hình triều chính, và dồn toàn bộ sức lực vào việc khôi phục lại tình hình tài chính quốc gia gần bị cạn kiệt do ngoại nạn Nhâm Thân gây ra. Ông cho tu sửa và xây dựng lại các cung điện đã bị phá hủy trong chiến loạn, thực hiện luật Dae Dong và cứu trợ cho dân.

Tuy nhiên cơn giông tố bắt đầu xảy ra trong quá trình ổn định vương quyền. Ngay khi lên ngôi, một mặt ông kết án lưu đày và giết Yoo Young Kyeong- kẻ có mưu đồ chiếm ngôi vua, một mặt cho lưu đày và giết người anh em ruột thịt Lim Hae Gun – kẻ đã không ngừng thách thức và uy hiếp ngôi vua của ông. Hơn nữa ông còn giết chết Yeon Chang Dae Gun- con ruột của Seon Jo và giam thái hậu In Mok- mẹ của Yeon Chang Dae Gun vào cung Deok Soo.

Lý do Quang Hải Quân cho lưu đày Lim Hae Gun là do vào năm 1608 nhà Minh đã phái một đoàn điều tra chân tướng về quá trình sắc phong thái tử của Chosun. Ngay khi Quang Hải Quân lên ngôi hoàng đế ở Chosun thì ở nhà Minh đã có những bàn tán về việc Quang Hải Quân là con thứ mà được lên ngôi hoàng đế. Vì vậy để chứng thực sự việc trên, nhà Minh đã phái sứ thần tới Chosun.

Lúc bấy giờ Lim Hae Gun cho rằng mình bị soán ngôi vua và đã lên tiếng lăng mạ Quang Hải Quân thẳng thừng. Chính vì thế phái tập quyền Dae Book đã không thể cứ thế bỏ qua sự việc này.

Việc điều tra thực hư của nhà Minh đã làm Quang Hải Quân cảm thấy vô cùng đau lòng. Nhà Minh đã bác bỏ danh phận thái tử của Quang Hải Quân với lý do ông không phải con trưởng. Và đương nhiên vì điều này Quang Hải Quân có thái độ không tốt về nhà Minh. Vả lại việc nhà Minh điều tra chân tướng sự việc ngay cả khi Quang Hải Quân đã lên ngôi vua chính là việc khinh thường triều đình Chosun và Quang Hải Quân.

Sự tức giận của Quang Hải Quân lại đổ lên đầu những kẻ thuộc phái So Bok đã phản đối ông lên ngôi và những nho sinh chỉ biết xu nịnh và coi trọng danh phận. Quang Hải Quân cho rằng việc nhà Minh gửi sứ thần sang điều tra mình là do yêu cầu của một số kẻ thuộc thế lực thân Minh trong nội bộ Chosun. Và chính những kẻ trong phái Dae Bok đã kích động Quang Hải Quân. Bọn chúng thuyết phục Quang Hải Quân trừ khử những kẻ đối đầu để độc chiếm quyền lực. Quang Hải Quân đã nghe theo yêu cầu của bọn chúng và coi đó là mục tiêu ổn định triều chính. Thế nhưng việc làm này lại tạo ra nhiều kẻ thù địch hơn cho Quang Hải Quân. Cũng bởi vậy cuối cùng vụ phản chính In Jo xảy ra và dẫn tới việc phế vị Quang Hải Quân.

Năm 1611 ngay khi người lãnh đạo phái Dae Bok Jeon In Hong phản đối việc chăm sóc miếu thờ của hai học giả Nho học Lee Eon Jeok và Lee Hwang, các nho sinh thuộc Seong Gyoon Gwan đã xóa tên của Jeong In Hong ra khỏi danh sách Choeng Geum (danh sách ghi tên Nho sinh). Quang Hải Quân đã đối mặt với sự việc bằng lập trường cứng rắn và đã đuổi hết các Nho sinh ra khỏi Seong Gyoon Gwan. Vì vụ việc này cuối cùng Quang Hải Quân đã có quan hệ không tốt với các nho sinh từ ngay khi lên ngôi. Sang năm sau lại xảy ra vụ thảm sát lớn thanh toán 100 người của phái So Bok, và vụ này được gọi với cái tên “ngục Kim Jik Jae”. Vụ thảm sát này bắt đầu từ việc Kim Kyeong Rip làm giả con dấu để trốn quân dịch, và sau đó sự việc bị lộ ra không thể nào khống chế được nữa. Cuối cùng nó bị kết luận là một vụ phản nghịch.

Năm 1613 lại xảy ra vụ “ngục Thất thư”. Bố của thái hậu In Mok là Kim Jae Nam tự tử, con trai bà Yeon Chang Dae Gun bị đi đày ở Kang Hwa rồi bị nhốt vào nhà kín và hun khói tới chết. Còn bảy vị đại thần nhận được di mệnh của Seon Jo thì bị tước bỏ chức quan.

Sau đó vào năm 1615 vụ tiến cử Neung Chang Gun lên làm vua xảy ra. Đương nhiên Neung Chang Gun (em trai vua In Jo) và những kẻ có dính líu tới vụ này như Shin Kyeong Hui bị loại bỏ. Ngay từ khi còn nhỏ Neung Chang Gun đã rất thông minh và có tướng mạo phi phàm hơn người, chính bởi thế mà ông bị Quang Hải Quân và phái Dae Bok cảnh giác. Vụ tiển cử của Shin Kyeong Hui xảy ra, ông bị kết án giam giữ lưu đày ở đảo Kang Hwa, biết sớm muộn gì mình cũng bị giết nên ông đã tự tử ngay tại đây. Shin Kyeong Hui bị tử hình, những người khác như Yang Shi Hoo, Kim Jeong Ik,… bị đi đày. Vì thế vụ này còn được gọi với cái tên “ ngục Shin Kyeong Hui”.

Với những việc làm trên, Quang Hải Quân và phái Dae Bok đã thành công trong việc loại bỏ tất cả những thế lực đe dọa đến ngôi vua của mình. Nhưng cuối cùng người ta cũng phủ nhận danh phận của ông bởi ông đã làm quá nhiều người phải hi sinh với những hành vi vô luân.

3. Những thành tựu đạt được của Quang Hải Quân

Nhưng Quang Hải Quân cũng có những đóng góp to lớn trong việc an dân. Năm 1608 ngay khi lên ngôi vua ông đã cho xây dựng Seon Hye Cheong ( ban thu thuế và chịu trách nhiệm các vấn đề về thuế), làm giảm gánh nặng thuế cho dân bằng cách thống nhất cơ cấu thuế khi thực hiện luật Dae Dong trên khắp tỉnh Kyeong Gi. Năm 1611 ông cho điều tra đo đạc đất nông nghiệp, kiểm tra sản lượng thu hoạc thực tế, mở rộng đất canh tác, và bảo tồn tài nguyên quốc gia. Ngoài ra năm 1608 ông còn cho hoàn thành xây dựng cung Chang Deok đã được khởi công xây dựng từ cuối thời Seon Jo, tu sửa cung Kyeong Deok (năm 1619), cung In Kyeong( năm 1621). Trong quá trình xây dựng và tu sửa các cung điện trên ông đã cho huy động quá nhiều nhân lực nên bị nhân dân ca thán, thế nhưng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ thì đó là việc không thể tránh khỏi. Bởi vì các cung điện hầu như đã bị phá hoại hoàn toàn trong ngoại nạn Nhâm Thân nên mọi việc nghị sự triều chính đều được tiến hành tại phủ thân vương Wol San Dae Gun( anh trai của vua Seong Jong).

Thời gian này tình hình vùng Đông Bắc Á đang diễn biến một cách nhanh chóng. Khi bộ tộc cường mạnh Yeo Jin ở Mãn Châu lập ra nhà Hậu Kim, Quang Hải Quân đã bổ nhiệm Giám sự tỉnh Pyeong Yang Park Yeop và Tham sự Man Po Jeong Chung Shin đẩy mạnh quốc phòng. Lúc đó nhà Minh cần viện trợ để đối phó với Hậu Kim nên ông đã cấp cho Kang Hong Rip (võ tướng của Quang Hải Quân) 1 vạn quân đi tiếp ứng. Sau khi nhà Minh thất thế trong trận Boo Cha, Kang Hong Rip giả vờ mang quân giao chiến rồi sau đó đầu hàng hậu Kim. Việc làm này cho thấy tài ngoại giao khéo léo của Quang Hải Quân để kí kết hòa ước với Nurhachi.

Tháng 3 năm 1619 ngay khi tin Kang Hong Rip đầu hàng được truyền đi, Park Yeop đã bắt giam toàn bộ gia đình Kang Hong Rip. Các đại thần trong triều thì cho rằng phải trừng trị tên Kang Hong Rip vì tội phản bội nhà Minh để đi đầu hàng nhà Kim và phải giết sạch gia đình của hắn. Nhưng Quang Hải Quân đã không để ý đến những ý kiến của các đại thần mà muốn đưa cả nhà Kang đến Han Yang, ban cho đồ dùng để họ có thể sống yên ổn.

Kang Hong Rip đầu hàng là kế sách hai mặt của Quang Hải Quân. Một mặt ông vừa có thể xuất binh cứu viện cho Minh, giả vờ hợp tác, mặt khác lại vừa có thể dùng Minh đánh hậu Kim mà cả Minh và Hậu Kim không phát hiện ra ý đồ của mình. Và như thế ông vẫn giữ được mỗi hòa hảo với cả Minh và Hậu Kim. Kang Hong Rip đã thực hiện hoàn hảo kế sách này của Quang Hải Quân. Mặc dù bị Hậu Kim giam giữ nhưng Kang vẫn liên tục gửi mật thư về cho Quang Hải Quân.

Nhờ vào những mật thư này Quang Hải Quân đã nắm bắt được toàn bộ tình hình của Hậu Kim. Nhờ đó mà phòng được âm mưu xâm lược của Hậu Kim. Với Nhật Bản ông cũng áp dụng đối sách như vậy. Năm 1609 ông kí hiệp ước với Nhật, nối lại mối quan hệ đã bị gián đoạn sau loạn Nhâm Thân, và thoát khỏi nguy cơ chiến tranh.

Ngoài ra Quang Hải Quân còn có những quyết định sáng suốt khiến cho quốc thái dân an như việc dời kinh từ thành Han Seong đến Gyo Ha, phát triển trong các lĩnh vực như học thuật và nhiều lĩnh vực khác nữa

P/s: Gwang Hae – Quang Hải Quân giống như là sự kết hợp giữa 2 vị hoàng đế của Đại Việt là Quang Trung và Gia Long. Ông vừa có công chống quân xâm lược Nhật Bản khi vua cha chạy trốn đến nhà Minh, vừa điều hành vực dậy kinh tế đất nước sau chiến tranh. Nhưng tất nhiên ông không thoát khỏi tai tiếng là 1 vị bạo chúa. Cuối đời ông bị lưu đày và không được đặt lăng tẩm như các vị vua khác của Triều Tiên. Trong khi vị vua thứ 16 là Triều Tiên Nhân Tổ không những thua thảm bại trước nhà Thanh, mà còn phải quỳ lạy Hoàng Thái Cực 9 lần, thì lại được dựng lăng tẩm.

2 bộ phim Hàn Quốc làm về vua Gwanghae hay nhất là Warriors Of The Dawn và Masquerade, mọi người kiếm xem cho sinh động nha. Còn phim truyền hình thì có 4 phim mà dài lắm xem không nổi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *