Tại sao mọi người lại coi thường các môn khoa học xã hội? Tôi đăng cái này lên subreddit này bởi vì tôi theo chuyên ngành xã hội ở trường đại học. Chính vì lí do đó, luận điểm chứng minh sự quan trọng của khoa học xã hội của tôi sẽ xoay quanh bộ môn xã hội học, nhưng nó cũng có thể được áp dụng với tất cả các ngành khoa học xã hội khác.
Gần đây, tôi đã tham gia nhiều cuộc tranh luận với những người học các chuyên ngành khoa học tự nhiên và thậm chí cả các nhà khoa học tự nhiên vì họ liên tục tìm cách hạ thấp các môn khoa học xã hội. Tôi hơi khó chịu vì một người mà tôi đã nói chuyện nói rằng “khoa học xã hội “thậm chí còn không tồn tại và khoa học tự nhiên là mới thực sự là khoa học bởi vì khoa học tự nhiên (sinh học, hóa học, vật lý, thiên văn, địa chất, v.v.) có thể giải thích tất cả các khái niệm mà khoa học xã hội đưa ra theo một cách ưu việt hơn
Tôi hỏi họ làm thế nào khoa học tự nhiên có thể giải thích quá trình xã hội hóa, sự lạm dụng, xã hội, tâm trí con người (khác với bộ não vật lý), ý thức hoặc kinh tế. Họ đã đưa ra những lời giải thích tự nhiên cho một số khái niệm này. Mặc dù tôi cảm thấy rằng câu trả lời dựa trên kiến thức sinh học là thích đáng, nhưng chúng không thể bao quát được mọi khía cạnh của hiện tượng — ví dụ, tại sao nam giới lại có xu hướng thực hiện các hành vi lạm dụng tình dục cao hơn. Sinh học giải thích rằng đàn ông có ham muốn tình dục cao hơn và được lập trình sẵn để giao phối, v.v. Tuy nhiên, điều này đã vật hóa cả đàn ông và phụ nữ. Lời giải thích này đã bỏ qua thực tế rằng người đàn ông nhận thức rõ về việc thực hiện hành vi này, và cách hành vi đó sẽ gây những tổn thương rất lớn lên phụ nữ. Theo tôi, việc phủ nhận sự giải thích của khoa học xã hội về hiện tượng này là một sai lầm.
Con người không phải là đồ vật. Họ biết suy nghĩ, và họ có đầu óc. Mục đích duy nhất của nam giới không phải là giao phối và mục đích duy nhất của phụ nữ không phải là sinh con. Lời giải thích của Sinh học là cơ bản và hợp lệ, nhưng nó chỉ là một nửa của câu chuyện. Có những cách giải thích khác theo cách nhìn của khoa học xã hội cũng đáng để được lưu tâm, chẳng hạn như quan điểm cho rằng đàn ông được sinh ra để trở nên hung hăng, hay xã hội của chúng ta đã bình thường hóa sự lệch lạc và phân biệt giới tính, sự đồ vật hóa phụ nữ của truyền thông, vân vân…
Tôi hơi khó chịu khi mọi người phủ nhận hoàn toàn ý nghĩa của khoa học xã hội. Điều đó có nghĩa là ta đã chối bỏ một phần rất lớn cách thức hoạt động của thế giới. Tôi nhận thấy rằng những người phủ nhận khoa học xã hội có xu hướng bảo thủ. Giả thuyết của tôi cho điều này là vì khoa học xã hội vẫn còn là ý niệm tương đối mới mẻ. Xã hội chưa bao giờ được nghiên cứu theo một cách khoa học cho đến gần đây bởi vì, trong quá khứ, trật tự tôn ti xã hội (theo tiêu chuẩn phương Tây) được mặc định là do Thiên Chúa đặt ra, và vì cách xã hội vận hành chưa bao giờ được nghiên cứu kĩ lưỡng. Bởi vì, những người có tư tưởng bảo thủ cũng thường chống lại tiến bộ xã hội, họ cũng dường như chống lại khoa học xã hội.
Hãy cho tôi biết bạn nghĩ gì vì tôi cũng tò mò muốn nghe ý kiến của các bạn đấy.
_____________________
Link Reddit: https://redd.it/lb94wg
_____________________
u/bint_amrekiyyah (55 points)
Tôi nghĩ đôi khi mọi người quên mất rằng mặc dù khoa học tự nhiên dựa trên thực tế và các con số, con người lại không phải là bất biến giống như các định luật vật lý, một phương trình toán học hoặc các kì của tế bào. Con người phức tạp hơn nhiều so với các quá trình tự nhiên đang diễn ra bên trong chúng ta. Nếu bạn tin vào khái niệm “linh hồn”, thì bạn càng dễ nhận ra rằng mặc dù khoa học giúp chúng ta hiểu cách thức và lý do tại sao một số điều nhất định xảy ra, về cơ bản chúng không thể phân tích được bản chất con người hoặc khái niệm nhân loại.
Đây là lý do tại sao tôi yêu thích khoa học xã hội. Chúng ta nhìn vào nhân loại như nó vốn có, một quần thể luôn thay đổi không ngừng. Văn hóa, tôn giáo, tâm lý xã hội, đây đều không phải là những khái niệm có thể được giải thích dễ dàng chỉ bằng kiến thức sinh học hay bất kỳ môn khoa học tự nhiên nào khác. Chúng ta thường sử dụng kiến thức khoa học tự nhiên để có thể hiểu được (có lẽ là) một phần nhỏ của bức tranh, nhưng xã hội học và khoa học xã hội lại là những ngành có tính phổ quát.
Tôi nghĩ những suy nghĩ của bạn về sự né tránh tiến bộ xã hội và khoa học xã hội là một luận điểm quan trong đấy. Nhưng ngay cả trong một cộng đồng khoa học tự nhiên có tư tưởng cởi mở hơn, tôi nghĩ ngay cả chủ nghĩa thế tục cũng có thể tạo ra cùng một loại môi trường nhưng theo một cách khác.
Hãy bắt đầu với tư tưởng bảo thủ, bởi con người không thích sự thay đổi. Mọi người không thích bị nói thẳng vào mặt cách sống của họ đã lỗi thời. Quan niệm của họ về sự gắn kết xã hội của họ đã ăn sâu bám rễ vào truyền thống, và đối với họ không có gì bất thường nếu các tư tưởng “truyền thống” lại mang tính phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, v.v. Tiến bộ xã hội khiến bạn nhìn thẳng vào cách sống của mình, và bạn thấy những lựa chọn và niềm tin của mình có thể ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Điều này sẽ khiến cho nhiều người khó chịu và phản đối đấy.
Một số người dường như không có khả năng hiểu được sự tương đối của văn hóa; quan điểm “chỉ có MỘT CÁCH và đây là CÁCH ĐÚNG” trong chủ nghĩa bảo thủ và khoa học tự nhiên có thể cản trở sự mở rộng hiểu biết về khoa học xã hội. Còn với cộng đồng khoa học, chủ nghĩa thế tục và có lẽ đôi khi là chủ nghĩa vô thần dường như tạo ra cho khoa học tự nhiên một vị thế ưu việt hơn, bởi mọi thứ sẽ có một đáp án đúng và còn lại đều là sai hoặc vô nghĩa. So với việc có bằng Cử nhân Khoa học hoặc Kinh doanh, bằng cấp của các ngành xã hội thường bị bông đùa là ít giá trị hơn; trong khi chính người ta lại quên mất giá trị của văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, triết học, v.v … bởi vì họ cứ mặc định thừa nhận chúng y như họ thấy mà thôi. Thật không may, dù tiếp xúc hàng ngày nhưng họ lại không mảy may để ý đến chúng.
Mọi người quên rằng mặc dù chúng ta có thể tách các lĩnh vực và chủ đề, nhưng mọi thứ trên thế giới này đều có mối quan hệ tương giao và liên kết rất chặt chẽ. Nếu không có khoa học, dù là tự nhiên hay xã hội, mọi thứ sẽ đều trở nên vô nghĩa! Đối với tôi, điều tuyệt diệu nằm ở chỗ mọi thứ đều đang tương tác và giúp kiến tạo nên thế giới mà chúng ta trải nghiệm hàng ngày.
_____________________
u/blacmagick (41 points)
Theo kinh nghiệm của tôi, nó có liên đới nhiều đến quan điểm sặc mùi tư bản rằng các lĩnh vực không sản xuất hàng hóa có giá trị hữu hình đều không đáng được tôn vinh, trừ khi chúng có tác dụng rõ ràng ngay lập tức, như chăm sóc sức khỏe.
Các nghiên cứu mất nhiều thời gian để hoàn thành và chúng hiếm khi dẫn đến thay đổi. Vì vậy, bạn có thể phát hiện ra điều gì đó quan trọng cần giải quyết, nhưng nếu những người có khả năng tạo ra sự khác biệt lại không mảy may quan tâm, công việc của bạn có thể bị coi là lãng phí thời gian.
_____________________
u/Easelaspie (15 points)
Một phần là do niềm tin chung vào phương pháp khoa học vốn coi giả thuyết-thí nghiệm-kết luận là nguồn tri thức và chân lý duy nhất. Nó cực kỳ hữu ích trong nhiều tình huống đấy, nhưng nó cũng có những mặt hạn chế căn bản. Khoa học xã hội đôi khi có thể sử dụng phương pháp khoa học chặt chẽ nhưng nhiều lĩnh vực cũng có thể được dựa trên các phương pháp luận khác: Tìm hiểu tự nhiên, Lý thuyết có cơ sở, vân vận, vốn sử dụng các cách tiếp cận khác để khám phá và tạo ra tri thức.
Những phương pháp luận này thường thích hợp hơn nhiều đối với loại câu hỏi mà xã hội học đặt ra. Tuy nhiên, cách tiếp cận của phương pháp khoa học đã đi vào cuộc sống từ lâu như phương pháp nghiên cứu duy nhất được chấp nhận. Chính vì vậy, bất kỳ nỗ lực nào đi lệch khỏi điều trên sẽ gặp phải sự phản đối từ những người mà toàn bộ hiểu biết của họ về thế giới đều được dựa trên khuôn khổ của phương pháp này.