Tại sao Coca Cola không kiện Pepsi vì đã vi phạm bản quyền (Coca có trước mà)?

Trả lời bởi Robert Bonwell Parker, luật sư chuyên về luật tranh chấp và giải trí

Đầu tiên, xin chúc mừng bạn vì đã đề cập tới một trong những vụ kiện hấp dẫn trong lịch sử của sở hữu trí tuệ! Thứ hai, cảm ơn vì đã nhấn mạnh câu hỏi về bản quyền. Bởi vụ này liên quan tới cả bốn dạng luật sở hữu trí tuệ chính, và xin phép cho tôi được nói tới cả bốn luôn. Hãy nhớ rằng, việc này liên quan tới hai công ty Mỹ, nên tôi sẽ nói về luật Mỹ mà thôi.

Phiên bản cho ai lười: Thực sự thì Coca-Cola không có trước đâu  – hai công ty đã ra đời cùng lúc đấy. Mọi cáo buộc sẽ được dựa theo luật bằng sáng chế, và bằng sáng chế của họ đã hết hạn 100 năm trước rồi. Giờ đây, hai công ty chỉ được bảo vệ chủ yếu thông qua luật bí mật kinh doanh mà thôi.

Phiên bản dài thực sự:

Khuyến cáo miễn trách nhiệm: nhiều người đã bình luận để hỏi chi tiết về vụ Coca-Cola. Tôi nói lại, chưa từng có tranh cãi giữa Coca-Cola và Pepsi. Tôi không biết về các hoạt động cũng như giao dịch của cả hai công ty, hay bất kỳ yêu cầu nào có thể có giữa các bên. Những lời sau đây chỉ đơn giản để thể hiện sự phức tạp thú vị của luật sở hữu trí tuệ và sự tương tác qua lại dưới nhiều hình thức khác nhau. Tôi khuyến khích các bạn đọc những bình luận, trong đó nhiều người đã nêu ra những góc nhìn khác không có trong câu trả lời này!

Bốn lĩnh vực chính của sở hữu trí tuệ đó là: bản quyền, bằng sáng chế, nhãn hiệu và bí mật kinh doanh. Mỗi lĩnh vực bảo vệ một loại tàn sản khác nhau, và một nhóm người khác nhau.

Trước khi tìm hiểu sâu, có một điều cần phải ghi nhớ được nhắc lại nhiều lần trong thế giới Sở Hữu Trí Tuệ và hoàn toàn chính xác trong trường hợp này: bạn không thể bảo vệ một ý tưởng được. Một ý tưởng không phải một tài sản trí tuệ. Bạn chỉ có thể bảo vệ một ý tưởng đã thành sản phẩm chứ không phải chính ý tưởng đó.

Luật bản quyền bảo vệ những “sản phẩm hữu dụng”. Nhóm người được bảo vệ ở đây là những người tạo ra sản phẩm. Khi một người tạo ra được một thứ gì đó, một bản nhạc, một cuốn tiểu thuyết, hoặc thậm chí là một tấm thiệp chúc mừng thông minh, sản phẩm đó được luật bản quyền bảo vệ. Mặc dù những người khác cũng có thể sử dụng ý tưởng đó, nhưng họ không thể sao chép cách làm cụ thể đó được. Đồng thời, người tạo ra sản phẩm cũng chỉ được phép bảo vệ sản phẩm bản đầu của anh/cô ấy chứ không phải những thứ sao chép ở đâu đó. Vì thế, khi J.R.R. Tolkien viết ra bộ ba Lord of the Rings, ông ấy không thể nói rằng những câu chuyện về những yêu tinh hay người lùn đều được bảo vệ, bởi đã có những câu chuyện về chủ đề đó từ trước khi có tiếng Anh rồi. Với lý do tương tự, ông ta cũng không thể đòi hỏi quyền lợi đối với những câu chuyện về người “halfling”, nhưng ông ta có thể đòi hỏi quyền lợi đối với người “Hobbit”, bởi nhóm người này do chính ông tạo ra. Đó là lý do khi bạn chơi Dungeons & Dragons, một game lấy ý tưởng từ Lord of the Rings, bạn có thể đóng vai một con elf, người lùn hay halfling, nhưng không phải là một hobbit. Luật bản quyền hiện tại của chúng ta có nguồn gốc từ một bộ luật được thông qua vào năm 1909. Thời hạn của một bản quyền là một thứ khá phức tạp, nên cứ nói rằng nó sẽ tồn tại khoảng 95 năm đi.

Luật sáng chế bảo vệ “sự phát triển của khoa học”. Nhóm người được bảo vệ ở đây là những nhà sáng chế. Khi ai đó tạo ra được một cách thức mới để làm một việc gì đó, anh hoặc cô ấy có thể tuyên bố quyền sáng chế với cách làm đó. Cũng như bản quyền thì sáng chế đòi hỏi một mức độ sáng tạo nhất định, trong đó nhà sáng chế không thể đòi hỏi bất kỳ quyền lợi gì đối với những “sản phẩm đã có trước đó”, hay nói đơn giản là những thứ mà mọi người đều đã biết, hoặc một thứ gì đó “rõ ràng” – một thứ mà có lẽ nhiều người khác cũng sắp sửa tạo ra theo cách của riêng họ rồi. Luật sáng chế thay đổi khá thường xuyên, nhưng điều luật quan trọng nhất đối với câu hỏi này là vào năm 1836. Các sáng chế chỉ tồn tại trong vòng 20 năm thôi, tới lúc đó thì bất cứ ai cũng đã có thể tạo ra một phiên bản “chung chung” cho sáng chế được cấp bằng đó rồi.

Luật nhãn hiệu giúp mọi người tránh bị “nhầm lẫn” và nhóm người được bảo vệ chính là những người tiêu dùng (chứ không phải các doanh nghiệp như nhiều người vẫn nghĩ). Một nhãn hiệu là bất kỳ từ ngữ, biểu tượng hay những đặc tính phân biệt nào đó nhằm giúp người tiêu dùng biết được xuất xứ của sản phẩm mình đang mua. Không giống như bản quyền và sáng chế, các nhãn hiệu chẳng hề có tác dụng theo bất kỳ cách nào khác. Thực tế thì, nếu một nhãn hiệu thực sự có tác dụng, nó sẽ chẳng thể được sử dụng để làm một nhãn hiệu. Ví dụ, những tính năng thẩm mỹ của một sản phẩm không thể dùng làm nhãn hiệu được, vì chúng phục vụ cho một mục đích khác (làm hài lòng đôi mắt). Nhãn hiệu, thông thường chỉ để thông báo cho người tiêu dùng biết được sản phẩm đó xuất xứ từ đâu mà thôi. Luật bản quyền và sáng chế về cơ bản là để đem lại cho người tạo ra sản phẩm hay nhà sáng chế một sự độc quyền nhất thời để họ có thể bù đắp chi phí đã bỏ ra để thực hiện việc sáng tạo. Còn các nhãn hiệu được thiết kế để bảo vệ người tiêu dùng chứ không phải những người tạo ra sản phẩm. Vì thế nhãn hiệu có thể tồn tại mãi mãi. Luật kinh doanh hiện nay bắt đầu có từ năm 1946, nhưng chính phủ Mỹ đã ban hành những nhãn hiệu có hiệu lực từ năm 1881.

Luật bí mật kinh doanh là thành viên mới của nhóm này. Nó chỉ được công nhận chính thức trong phạm vi của riêng mình vào năm 1974 và chỉ trở thành tài sản trí tuệ được bảo vệ liên bang từ năm 2016. Trước thời gian đó, luật bí mật kinh doanh phải được áp dụng một cách bí mật (tức là không được tòa án can thiệp) hay thông qua rất nhiều luật về hợp đồng, bằng sáng chế, điều khoản sử dụng và chống gián điệp. Các bạn đã đoán ra rồi đấy, luật bí mật kinh doanh bảo vệ các bí mật kinh doanh và chủ yếu là các công ty có nhiều nhân viên. Các công ty thường giữ những bí mật cho phép họ duy trì một lợi thế cạnh tranh, như các danh sách khách hàng hoặc các công thức. Tuy nhiên, để nói rộng ra thì, những công ty này có thể phải tuyển những người có thể rời công ty bất cứ lúc nào theo luật lao động. Những nhân viên này không thể thực hiện công việc của mình trừ khi họ biết được một phần hoặc toàn bộ những bí mật cạnh tranh đó. Luật bí mật kinh doanh cho phép các công ty ngăn những nhân viên từng (hoặc đang) làm việc tại công ty sử dụng, bán hoặc công bố những bí mật đó ra ngoài. Luật bí mật kinh doanh sẽ tồn tại chừng nào công ty đó vẫn giữ những bí mật sở hữu trí tuệ của mình. Ngay khi họ tiết lộ bí mật vì lý do riêng (có lẽ là bán công ty hoặc quảng cáo cho chính bí mật đó), thì bí mật kinh doanh sẽ không thể được bảo vệ nữa.

Vậy đó – bốn loại sở hữu trí tuệ chính. Và giờ chúng ta tiến tới chuyện:

Tại sao Coca-Cola không kiện Pepsi?

Như chúng ta đều biết, Coca-Cola ra đời vào năm 1886. Ban đầu nó được chế tạo bằng cách kết hợp các dẫn xuất của cocaine (“Coca”) và caffein (“Cola”, từ hạt kola ở châu Phi) như một thứ thay thế cho chất có tính gây nghiện cao là morphine, và rượu – thứ bị miền Nam nước Mỹ cấm. Coca-cola được cấp bằng sáng chế với tên gọi một liều thuốc mới và được bán dưới nhãn hiệu Coca-Cola. Logo hình chữ viết được cả luật nhãn hiệu lẫn luật bản quyền bảo hộ được ra đời lần đầu vào năm 1888.

Vào năm 1892, Asa Candler thành lập Công ty Coca-Cola. Đó chính là công ty tồn tại cho tới ngày nay. Tuy nhiên, công ty không có được quyền lợi thực sự nào đối với sáng chế này, hay biết được công thức thực sự. Cả hai đều được Charley Pemberton, con trai người dược sĩ đưa ra công thức ban đầu nắm giữ. Khi biết được giá trị của công thức này, tình hình giữa Pemberton và Candler khá căng thẳng. Lúc Pemberton chết vào hai năm sau đó (trớ trêu thay, lại là vì cả đời lạm dụng rượu và thuốc phiện), Candler đã có thể giành được toàn quyền kiểm soát tài sản sở hữu trí tuệ của Coca-Cola. Quyền này bao gồm bằng sáng chế y học ban đầu, nhãn hiệu tên tuổi, nhãn hiệu và bản quyền đối với logo viết bằng chữ, và cả bí mật kinh doanh của công thức ban đầu được giữ gìn rất cẩn thận nữa.

Trong khi đó, thật thú vị lại cùng vào thời điểm đó, một dược sĩ ở gần Bắc Carolina đang phát triển loại thuốc bổ của riêng mình có tên gọi là Pepsi. Công thức của Pepsi không được cấp bằng sáng chế mãi tới tận năm 1903, nhưng quan trọng là, công thức này có thể đã được phát minh ra trước Coca-Cola. Loại đồ uống này cũng chứa soda và hạt kola, nhưng thay vì sử dụng coca làm thành phần chính, nó lại dùng vani – ít tê, nhưng lại ngon hơn. Dù cạnh tranh với nhau trên cùng thị trường, nhưng Pepsi đã đưa ra một vài quyết định kinh doanh sai lầm. Và trong khi Coca-Cola cực kỳ hưng thịnh vào những năm 1920, thì Pepsi tuyên bố phá sản vào năm 1923, đúng 20 năm sau khi được cấp bằng sáng chế. Công ty phá sản ấy đã khốn đốn nhiều lần trước khi nó được tái sinh vào năm 1941 tại New York.

Vì thế, đây là lý do khiến người ta chú ý đến các khoảng thời gian:

• Những năm 1880: Công thức của Pepsi được phát minh ra

• 1886: Công thức của Coca-Cola được phát minh ra

• 1886: Công thức của Coca-Cola được cấp bằng

• 1903: Công thức của Pepsi được cấp bằng

Những đan xen nhỏ thú vị này khiến bất kỳ vụ kiện tụng sáng chế nào cũng là cực kỳ phức tạp. Coca-Cola không thể nói rằng Pepsi ăn cắp sáng chế của họ được, bởi Pepsi được phát minh ra trước, nhưng Pepsi cũng không thể cáo buộc Coca-Cola vi phạm bản quyền bởi Coca-Cola được cấp bằng trước. Trong trường hợp nào đi nữa, cả hai công ty cũng không thực sự đối đầu với nhau, bởi sẽ chẳng đáng lôi nhau ra tòa đâu: Pepsi không phải kẻ đáng để Coca-Cola phải chú ý tới tận năm 1941, và bằng sáng chế của Coca-Cola hết hạn vào năm 1906, gần ba năm sau khi bằng của Pepsi có hiệu lực.

Chẳng công ty nào có thể tuyên bố rằng đối thủ của mình đang ăn cắp bí mật kinh doanh, bởi chẳng hề có “quan hệ thân thiết” nào giữa hai công ty như hồi thế kỷ 19 vẫn yêu cầu. Thậm chí tới tận ngày nay, việc này cũng sẽ rất khó thực hiện. Bởi hai công ty xuất phát từ những công thức thuộc về hai dược sĩ khác nhau, những người đã đưa ra công thức của mình vào gần như cùng một thời điểm (và lúc đó, khả năng hai dược sĩ thuộc về hai bang khác nhau đó quen biết lẫn nhau, và có một người ăn cắp công thức của người kia thấp hơn nhiều so với ngày nay).

Đối với những nhãn hiệu, tất nhiên rồi, Coca-Cola có một nhãn hiệu của mình và Pepsi cũng vậy. Nhưng chẳng ai nhầm hai công ty với nhau cả. Chỉ cần khách hàng phân biệt được hai công ty, thì chẳng có chuyện khách hàng bị nhầm lẫn, và luật nhãn hiệu không áp dụng được trong trường hợp này.

Vậy còn bản quyền thì sao? Chậc, bạn sẽ không biết đâu, chuyện này đã xảy ra lâu lắm rồi. Có lý do khá hay ho để tin rằng logo ban đầu của Pepsi đã thực sự sao chép logo Coca-Cola.

Lúc đó người ta đã nghi rằng Pepsi không đủ lớn mạnh để làm đối thủ của Coca-Cola. Và cũng thời điểm ấy, cũng có những câu hỏi về việc ai sẽ kiện Pepsi—Pemberton không quan tâm, và Candler vẫn chưa có quyền kiểm soát bản quyền. Khi Candler có được toàn quyền, công ty Pepsi đã dần chuyển mình rồi. Giờ đây, Pepsi đã hồi sinh, và logo của công ty vẫn khá giống như thế.

Nhưng, dù việc “khá giống” sẽ đặt ra vài vấn đề trong luật nhãn hiệu và sáng chế, thì đối với luật bản quyền lại chẳng mấy quan trọng. (Ai đó có thể nói rằng lúc đấy có khiếu nại về nhãn hiệu, và ai biết cơ chứ, có thể có một vụ kiện mà tôi không biết, nhưng với kiến thức của tôi thì lúc đó, Coca-Cola là thức uống ở miền Nam và Pepsi thì ở miền Bắc nên vẫn chưa có gì.) Với logo này, Pepsi thực sự chỉ đang sao chép ý tưởng của Coca-Cola – những chữ viết xoáy, chữ hoa lớn, hơi cách điệu ở đáy và cả màu đỏ nữa. Nhưng họ đã không sử dụng cách thể hiện kiểu “hobbit” của Coca-Cola để thể hiện ý tưởng “halfling” của mình. Dù sao đi nữa, tôi không nghĩ rằng Coca-Cola thực sự thích thú với việc bảo vệ bản quyền của mình như họ hứng thú với việc bảo vệ nhãn hiệu và các bí mật kinh doanh. Sau cùng thì, tiền bạc vẫn là do thứ đồ uống, chứ không phải những chữ viết nằm trên thân chai.

Và sau cùng thì lần này Pepsi đã lại thay đổi logo của mình thành một thứ hoàn toàn khác vào năm 1962.

Do đó, vào năm 1962 bất kỳ loại vi phạm nào cũng đã không còn nữa. Sáng chế đó đã hết hạn từ lâu rồi, và chẳng có quan hệ nào để có thể có những bí mật kinh doanh, cũng chẳng thể nào xảy ra chuyện khách hàng bị nhầm lẫn, và logo Pepsi bằng chữ viết cũng chẳng còn được sử dụng nữa. Nhưng nếu giờ Coca-Cola kiện vì những tổn thất trong quá khứ thì sao? Không đâu. Thời hạn hiệu lực đối với các khiếu nại đòi hỏi rằng khiếu nại đó cần được đưa ra trong vòng ba năm, vì thế Coca Cola chỉ có thể kiện trong vòng từ 1941–1944, và trong bất kỳ trường hợp nào, dù Coca-Cola có thể đã có một bản quyền đối với thiết kế chữ viết của mình, song giờ nó đã hết hạn, và nó cũng đã trên 130 năm tuổi rồi.

Tới khi Pepsi trở thành đối thủ thực sự của Coca-Cola, thì thứ sở hữu trí tuệ duy nhất mà Coca-Cola còn đó là bí mật nhãn hiệu, tức là bí mật trong công thức. Vậy liệu Coca-Cola có sử dụng điều đó để đối phó với Pepsi không? Có thể! Nhưng thú vị là, Pepsi cũng có thể dùng tới điều này. Chúng ta biết điều này bởi vào năm 2006, một nhân viên của Coca-Cola là Joya Williams đã lấy trộm một lọ mẫu thử của Coca-Cola, lọ thuốc này có thể sẽ tiết lộ “công thức bí mật” hiện tại của họ. Anh ta cố bán nó cho Pepsi với giá 1,5 triệu $. Khi nhận được lời đề nghị, Pepsi đã giao nộp Williams cho FBI, anh này đã bị kiện vì tội vi phạm luật bảo hộ bí mật kinh doanh lúc bấy giờ. Tại sao à? Có lẽ bởi Pepsi giờ đã có được bí mật kinh doanh của riêng mình và chẳng có hứng thú với việc cố làm suy yếu luật bí mật kinh doanh đang bảo vệ cả hai công ty khỏi những đối thủ cạnh tranh khác. Cuộc chiến cola đã kết thúc từ lâu rồi – giờ đây Coca-Cola và Pepsi đang nằm cùng phe với nhau.

___________

Bài dịch của bạn Thong Nguyen được đăng ở group Quora Việt Nam (QRVN): https://www.facebook.com/groups/vietnamquora/permalink/2242130682686722

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *