Kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào cuối tháng 2 năm 2022, các trường đại học, trường học, nhà hát, bệnh viện và nhiều địa điểm dân sự khác ở Ukraine đã bị phá hủy bởi các cuộc pháo kích của Nga và hơn 4 triệu người đã phải rời bỏ đất nước. Đối mặt với những hậu quả tàn khốc của các hành động của mình, Nga ngày càng cố thủ bằng một biện pháp pháp lý duy nhất: lá chắn sống. Trên thực tế, Moscow liên tục cho rằng quân đội Ukraine đang cố tình sử dụng dân thường như một bức bình phong để bảo vệ các mục tiêu quân sự hợp pháp.
Vào ngày 25 tháng 2, chỉ vài giờ sau khi cuộc xâm lược bắt đầu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trực tiếp kêu gọi các nhân viên của các lực lượng vũ trang Ukraine: “Không cho phép những người theo chủ nghĩa tân quốc xã và chủ nghĩa dân tộc cực đoan cánh hữu Ukraine sử dụng trẻ em, phụ nữ và người lớn tuổi làm lá chắn sống”.
Bắt chước lãnh đạo của mình, Thiếu tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn chính của Bộ Quốc phòng Nga, đã tuyên bố trong một cuộc họp báo ngày 28 tháng 2 rằng “các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga chỉ tấn công vào các mục tiêu quân sự”.
Về thủ đô Kyiv, ông Konashenkov nói thêm rằng “ban lãnh đạo Ukraine và chính quyền thành phố, đã ban bố lệnh giới nghiêm, đang thuyết phục người dân thủ đô ở lại nhà của họ”. Ông kết luận, điều này “một lần nữa chứng minh rằng chế độ Kyiv sử dụng cư dân của thành phố làm‘lá chắn sống’cho những người theo chủ nghĩa dân tộc, đã triển khai các đơn vị pháo binh và thiết bị quân sự trong các khu dân cư của thủ đô”.
Sau đó, vào ngày 3 tháng 3, Matxcơva cáo buộc chính quyền Ukraine giam giữ một nhóm 6.000 sinh viên Ấn Độ và các công dân nước ngoài khác làm “lá chắn sống”. Bản thân các nhà chức trách Ấn Độ đã bác bỏ tuyên bố này. Vài ngày sau, Putin tuyên bố rằng “Bọn quốc xã mới” đang cản trở việc tạo ra các hành lang nhân đạo do chính phủ Ukraine yêu cầu để sơ tán dân thường bị mắc kẹt trong làn đạn, tuyên bố “các chiến binh” đang giữ những người cần sơ tán để làm lá chắn sống.
Lời cáo buộc về “lá chắn sống”
Nga đã lặp lại các tuyên bố tương tự trên các diễn đàn ngoại giao như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trên các phương tiện truyền thông xã hội cũng thế, các nhà ngoại giao Nga đã ra sức định hình nhận thức về chiến trường, miêu tả cuộc kháng chiến của Ukraine là tội ác chiến tranh bằng cách nhấn mạnh rằng họ đã sử dụng con người làm “lá chắn sống”.
Do đó, bên cạnh cuộc chiến trên bộ, chúng ta đã và đang chứng kiến một cuộc chiến thông tin dữ dội, mà như Đại sứ Nga tại LHQ đã nói, dường như là một yếu tố quan trọng trong cái gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” của Nga.
Lời cáo buộc về lá chắn sống đã thực sự trở thành một biện pháp chống chế ngày càng phổ biến khi các quốc gia hành động trái đạo đức. Như chúng tôi đã trình bày trong cuốn sách gần đây về lá chắn con người, Ả Rập Xê-út, Syria, Israel, Sri Lanka và Ấn Độ chỉ là một số quốc gia đã triển khai lý lẽ đó để biện minh cho thương vong dân sự cao trong những năm gần đây.
Điều này một phần là do về mặt pháp lý, cáo buộc về lá chắn sống dường như là một điều khoản hữu ích để phủi tay. Điều khoản pháp lý trong luật quốc tế liên quan đến lá chắn bằng con người quy định rằng “sự hiện diện hoặc di chuyển của dân thường theo từng nhóm hoặc riêng lẻ sẽ không được sử dụng để làm cho một số địa điểm hoặc khu vực miễn nhiễm với các hoạt động quân sự, đặc biệt là trong nỗ lực bảo vệ các mục tiêu quân sự khỏi các cuộc tấn công hoặc che chắn, tạo ưu thế hoặc cản trở các hoạt động quân sự ”.
Theo luật pháp quốc tế, việc sử dụng con người làm lá chắn cấu thành tội ác chiến tranh, trong khi bên chịu trách nhiệm về cái chết của lá chắn sống không phải là bên giết người mà là bên triển khai lá chắn sống.
Thật vậy, ngay vào ngày Nga xâm lược Ukraine, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã công bố bảng Hỏi & Đáp – Về Chiếm đóng, Xung đột Vũ trang và Nhân quyền – nêu rõ rằng nếu một cuộc tấn công tương xứng, các lực lượng vũ trang có thể tấn công hợp pháp “một mục tiêu quân sự đang sử dụng lá chắn của con người” – mặc dù Human Right Watch cũng lưu ý rằng “nó chỉ che chắn khi có mục đích cụ thể là sử dụng dân thường để ngăn chặn một cuộc tấn công”.
Do đó, khi cáo buộc Ukraine sử dụng lá chắn con người, Nga tuyên bố rằng họ không phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với những thường dân mà họ giết. Và trong khi Nga có thể thua trong cuộc chiến tranh thông tin, Con ngựa thành Troy hợp pháp của sự xâm lược của họ – cáo buộc về lá chắn sống – vẫn chưa nhận được sự phản đối đáng kể.
Không chỉ các quốc gia, mà cả các tổ chức nhân quyền hầu hết đều thất bại trong việc lên tiếng chỉ trích nhất quán đối với các cáo buộc. Ví dụ, khi Hoa Kỳ cáo buộc ISIS ở Mosul hoặc chính phủ Sri Lanka cáo buộc “Những con hổ giải phóng Tamil” trong vùng an toàn sử dụng hàng trăm nghìn người làm lá chắn sống, Tổ chức Ân xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã không bác bỏ hoặc đưa ra bất kỳ sự ngờ vực đáng kể nào chống lại những câu chuyện như vậy.
4,5 triệu dân thường
Một khi người Nga thấy rằng các quốc gia phương Tây và các tổ chức nhân quyền không phản đối cáo buộc của họ rằng người Ukraine đang sử dụng lá chắn con người, họ dường như đã quyết định được thể làm tới. Vào ngày 8 tháng 3, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc “các chiến binh” Ukraine đã bắt giữ “hơn 4,5 triệu dân thường làm con tin”. Về cơ bản, Moscow đã áp dụng lập luận pháp lý của mình đối với 10% dân số Ukraine, biến hàng triệu dân thường thành mục tiêu hợp pháp tiềm năng.
Điều này gây ra những hậu quả đáng kể. Như chúng tôi đã trình bày trong một bài báo gần đây trong bối cảnh cuộc nội chiến Sri Lanka, các học giả pháp lý và nhà điều tra nổi tiếng đã giúp hợp lý hóa việc giết hại hàng nghìn người vô tội sau khi họ được coi là lá chắn sống chỉ vì họ nằm gần nơi xảy ra trận đánh.
Các cựu công tố viên trưởng trong tòa án tội phạm chiến tranh quốc tế, David Crane và Desmond de Silva – những người đã cung cấp ý kiến pháp lý của họ cho Ủy ban điều tra của chính phủ Sri Lanka về cuộc nội chiến – lập luận rằng việc giết chết 12% số người trong một nhóm được sử dụng làm lá chắn sống là hành vi giết người tương xứng.
Nếu một người áp dụng các tính toán tương tự trong khi chấp nhận một cách thiếu thận trọng cáo buộc lá chắn sống của Nga, thì nửa triệu thường dân Ukraine có thể bị Nga giết mà không vi phạm luật pháp.
Thật không may, không có cuộc thảo luận thực sự nào về việc làm thế nào, trong thập kỷ qua, những cáo buộc về lá chắn sống đã được Israel, Sri Lanka, Nga và các bên tham chiến khác thường xuyên sử dụng trong nhiều trường hợp bạo lực như một biện pháp bảo vệ pháp lý phủ đầu để biện minh cho việc giết hại dân thường. Tương tự, các chính phủ đã không nói gì về hình thức thao túng pháp lý này.
Nhiều thập kỷ lặp đi lặp lại, không có bất kỳ thách thức quan trọng nào ở cấp quốc gia hay phi quốc gia, cũng không có bất kỳ hệ thống học thuật pháp lý quan trọng nào giải quyết vấn đề sử dụng lời buộc tội “lá chắn sống”, đã tạo ra một sự đồng thuận pháp lý theo thông lệ, theo đó các điều khoản về lá chắn sống có thể được sử dụng để biện minh cho việc giết hại dân thường.
Để phản bác các lập luận pháp lý mà Nga viện ra nhằm biện minh cho việc giết người vô tội, các cơ quan điều tra, các tổ chức nhân đạo và các nhóm nhân quyền trước tiên cần phải đối mặt với sự dễ dàng mà các bên tham chiến đưa hàng trăm nghìn và thậm chí có lúc hàng triệu thường dân làm những tấm chắn. Họ đã thất bại ở Mosul, Gaza, Aleppo và Sanaa – có lẽ ở Kyiv, cuối cùng họ sẽ lật tẩy những cáo buộc về “lá chắn sống”.
Why we need to challenge Russia’s human shields narrative
by Neve Gordon and Nicola Perugini, Aljazeera