SUY NGHĨ VỀ THÀNH TỰU CỦA MỘT GIA ĐÌNH GỐC VIỆT TẠI MỸ

(Chuyện kể sơ lược về gia đình ông Lê văn Thiệu và công ty Luraco Technologies của anh em anh Lê Thạnh)

*****

Nghe nói đến thành tựu của một gia đình gốc Việt ở hải ngoại chắc nhiều người hình dung gia đình đó ắt có gốc gác Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Hải Phòng hay Hà Nội, tức là từ những thành phố lớn. Nhưng đây chỉ là một gia đình đến từ làng Mai xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, một vùng quê bị tàn phá nặng nề qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt.

Chủ gia đình, ông Lê văn Thiệu, nguyên là trung úy quân đội VNCH, ông tốt nghiệp khóa 1 đại học chiến tranh chính trị Đà Lạt. Sau 1975 ông trải qua 7 năm trong các trại cải tạo và được trả tự do vào năm 1982. Trong thời gian vắng chồng, vợ ông, bà Lê Thị Lan kiếm được chân y tá trong một trạm y tế huyện Gio Linh và làm thêm nhiều việc khác để nuôi bốn đứa con còn nhỏ, đảm bảo cho chúng được đi học đều đặn. Trong cuộc sống chật vật ấy, sự giúp đỡ của cha mẹ và họ hàng bên ngoại rất đáng kể. Khi được tự do, ông Lê văn Thiệu về quê làm nghề thợ mộc kiếm sống cho gia đình và nuôi dạy các con học hành. Ông cố gắng dành thời gian dạy thêm cho các con tiếng Anh, tiếng Pháp, những ngoại ngữ mà ông sử dụng thông thạo. Vợ chồng ông yên chí với cuộc sống như vậy trong nhiều năm. Trong thời gian đó người con đầu, anh Lê Thạnh học xong PTTH Gio Linh, trúng tuyển vào ĐHSP Huế và sau khi tốt nghiệp được phân về giảng dạy ở Trường Trung Cấp Sư Phạm Quảng Trị (Nay là Cao Đẳng Sư Phạm Quảng Trị). Những người con kế tiếp: Lê Huy, Lê Thị Phương Khanh, Lê Hiếu và con út Lê Hiển (sinh năm 1982) đều theo học đều đặn ở các trường tiểu học, phổ thông cơ sở và phổ thông trung học ở Gio Linh.

Năm 1995, ông Thiệu đưa gia đình sang định cư ở Mỹ theo diện HO sau khi đã cân nhắc kỹ càng cho sự lựa chọn quan trọng này. Nơi họ được đến định cư là thành phố Arlington thuộc bang Texas. Trong khoảng 5 năm đầu, từ 1995 đến 2000, cả gia đình bươn chải để thích nghi với cuộc sống mới. Tuy đến Mỹ khá muộn so với các gia đình khác, gia đình ông Thiệu đã sớm thích nghi với cuộc sống mới khiến cho cộng đồng người Việt ở Texas rất ngạc nhiên thán phục. Trong các cuộc hội họp của cộng đồng người Việt, gia đình ông Thiệu luôn được biểu dương khen ngợi. Tất cả những người con của ông Thiệu đều được vào học ở các trường ở Arlington. Năm 2000 người con đầu Lê Thạnh lấy được bằng thạc sĩ (master) ngành điện tử ở Đại học UTA (University of Texas at Arlington). Các năm tiếp theo Lê Huy (con thứ hai) có bằng tiến sĩ cũng ngành điện tử, Lê Hiếu (con thứ ba) có bằng master ngành khoa học máy tính, Lê Hiển (con út) tốt nghiệp bác sĩ y khoa ngành tim mạch. Tiến sĩ Lê Huy trong một thời gian ngắn đã thành một nhà khoa học thực sự có tiếng tăm. Anh trở thành khoa học gia của một công ty lớn và là thành viên của Hội Kỹ thuật quang học quốc tế. Chỉ cần dừng lại đây ta đã thấy thành tựu về học vấn của gia đình ông Lê văn Thiệu là một điều kỳ diệu hiếm có trên đời rồi. Quả vậy, có ai hình dung được những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình nghèo làng Mai Xá lại trở thành những trí tuệ cao trên một xứ sở có nền khoa học lỗi lạc nhất thế giới?

Nhưng điều kỳ diệu này không thấm vào đâu so với điều kỳ diệu thứ hai mà tôi đế cập ngay sau đây. Đó là vào năm 2005, ba anh em Thạnh, Huy và Khanh tay không lập nên công ty công nghệ cao Luraco Technologies nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm có hàm lượng trí tuệ tinh vi phục vụ quốc phòng và những sản phẩm thông minh cho đời sống thường ngày. Bất cứ ở đâu, muốn mở một công ty thì tất yếu phải nghĩ đến các yếu tố vốn, cơ sở vật chất, nhân lực, nhu cầu thị trường vv. Ba anh em họ Lê tiếp cận vấn đề một cách khác, lấy chất xám tức trí tuệ làm vốn. Họ đi ngay vào công nghệ cao mà nước Mỹ cần khi chưa có ai đi trước. Những hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực điện tử cho phép ba anh em làm dự án sản xuất bộ cảm ứng thông minh cho máy bay chiến đấu. Tiêu chuẩn lựa chọn đối tác của Bộ Quốc Phòng khá khắt khe nhưng dự án của ba anh em được chấp thuận và vui thay, họ được Bộ Quốc phòng tạm ứng một khoản tiến khá lớn dành cho khâu nghiên cứu. Chẳng bao lâu sản phẩm ra đời trong sự hoan hỉ của giới quân sự Mỹ vì với những cảm ứng thông minh trang bị cho máy bay chiến đấu, người ta tiết kiệm hàng tỉ USD trong các việc bảo trì và giữ gìn an toàn cho máy móc và con người. Ngoài việc mở rộng doanh thu, công ty Luraco còn nhận được nhiều bằng khen cấp tiểu bang và cấp liên bang. Thành tựu đầu tiên này dẫn dắt công ty đi từ Bộ Quốc Phòng đến NASA (hàng không vũ trụ) và các công ty lớn khác như Boeing, GE…

Từ bộ cảm ứng thông minh cho lĩnh vực quốc phòng, công ty của ba anh em họ Lê nghĩ đến những thứ thông minh khác phục vụ đời sống dân sự thường ngày. Chẳng hạn đó là những thứ để chăm sóc cơ thể (body care) như ghế mát xa thông minh, bồn tắm thông minh, dụng cụ vật lý trị liệu vv. Những thứ này Mỹ vẫn nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc nhưng thế mạnh cạnh tranh của công ty Luraco Technologies là hàng hóa trong nước có chế độ bảo hành nghiêm túc, phụ tùng luôn có sẵn, chưa nói đến độ bền ưu việt. 

Chỉ trong một thời gian ngắn, Luraco Technologies Inc. trở thành một công ty hoàn chỉnh với đủ các ban bệ cần thiết theo tiêu chuẩn Mỹ, với nhân lực dồi dào đủ mọi màu da (Mỹ, Ấn, Phi, Mexico…) nhưng ưu tiên vẫn dành cho người gốc quê hương yêu dấu. Công ty có nhiều chương trình xã hội như cấp học bổng cho học sinh sinh viên tại Mỹ và tại Việt Nam, cấp kinh phí cho các nhóm nghiên cứu khoa học…Một ấn tượng mạnh mẽ đối với những nhà quan sát kinh tế: Công ty Luraco của ba anh em họ Lê là công ty duy nhất của người Việt có những hợp đồng trực tiếp với Bộ Quốc Phòng Mỹ để nghiên cứu và chế tạo sản phẩm kỹ thuật cao cho họ. Cho đến nay Luraco đã nhận được 43 bằng phát minh trong đó có bằng phát minh cho Quốc Phòng Mỹ.

Còn rất nhiều điều muốn nói nữa về hai sự kỳ diệu của mấy chàng trai làng Mai Xá sống ở Mỹ nhưng tôi phải dừng ở đây để trao đổi một vài suy ngẫm. Cách đây đúng 30 năm khi nhà tôi và tôi cùng các con sinh sống ở Huế, chúng tôi ít nhiều là chỗ dựa cho Lê Thạnh, một chàng trai đồng hương từ làng quê vào Huế tìm cơ hội thi vào đại học. Năm 1995, trước khi sang Mỹ định cư, Lê Thạnh cùng cha đến thăm chúng tôi ở Sài Gòn. Tôi vui mừng chúc gia đình ông Thiệu có cuộc sống mới tốt đẹp ở Mỹ. Tôi là một kẻ có ít nhiều khả năng tưởng tượng và sống với nhiều niềm mơ ước, nhưng khi chúc gia đình ông Thiệu lên đường bình an, tôi không mảy may hình dung được thành tựu của gia đình đó về sau. Mãi đến chừng hai mươi năm sau, Thạnh về Việt Nam ghé thăm tôi ở Sài Gòn tôi mới biết được kỳ công của họ.

Những năm 60 thế kỷ trước có một môn xã hội-nhân văn khá hấp dẫn ra đời ở Phương Tây, đó là môn “lịch sử giả định” (Tiếng Pháp: histoire hypothéthique; Tiếng Anh: hypothetical  history) đồng thời với một môn khác là “lịch sử định lượng” (Tiếng Pháp: histoire quantitative; Tiếng Anh: quantitative history). Trong môn lịch sử giả định, các nhà nghiên cứu đặt ra các giả thuyết và tìm cách giải đáp. Chẳng hạn 

– Nước Mỹ mà không có đường sắt thì sẽ phát triển ra sao?

– Nước Pháp sẽ thế nào nếu không có cách mạng 1789?

– Nước Trung Hoa sẽ ra sao nếu Mỹ công nhận Mao từ 1949?

…..

Bây giờ ta thử áp dụng môn lịch sử giả định vào trường hợp gia đình họ Lê xem sao. Nếu gia đình đó không sang Mỹ mà ở lại Việt Nam thì tình hình sẽ diễn biến theo chiều hướng nào? Trải nghiệm cuộc sống của nhiều gia đình Việt Nam trong hàng chục năm qua cho phép ta giả định rằng, nếu không gặp rủi ro gì đáng kể, gia đình họ Lê đó có thể thực hiện điều kỳ diệu thứ nhất, tức là thành tựu học vấn của những người con. Lê Thạnh kiên trì với Trường Cao Đẳng Sư Phạm và nhận được danh hiệu Nhà giáo ưu tú; Lê Huy sẽ là giáo sư tiến sỹ, có nhiều công trình tầm cỡ quốc tế, được nhiều nước mời hợp tác giảng dạy, nghiên cứu; Lê Hiếu thành chuyên gia công nghệ thông tin và có vị trí cao ở Đại học FPT, Lê Hiển cũng là bác sỹ tim mạch phụ trách một bệnh viện tư, Phương Khanh thành tựu trong các ngành dịch vụ. Nhưng ở Việt Nam ba anh em họ Lê sẽ không có được công ty công nghệ cao như ở Mỹ. Điều đó rất dễ hiểu vì ở ta việc làm ăn bị ràng buộc trong mấy từ chìa khóa: “đúng qui trình”, “trong khuôn khổ”. “làm gì thì làm miễn đừng vượt hơn người khác”, “không được làm cái gì chưa ai làm”. Bản thân tôi cũng vì các từ chìa khóa đó mà không thực hiện được giấc mơ tuổi trẻ của mình. Khi tôi tốt nghiệp đại học, hôm đến Vụ tổ chức của Bộ Giáo dục để nhận công tác, cán bộ tổ chức hỏi tôi có nguyện vọng gì. Tôi trả lời: Việc gì cũng được, dạy cấp nào cũng được. Sở dĩ tôi trả lời như vậy vì tôi không có ý định xây dựng sự nghiệp gì khi đất nước chưa hòa bình. Uớc mơ tuổi trẻ của tôi là khi đất nước hòa bình, tôi sẽ về quê khôi phục “Tiên Việt Học Hiệu” của cụ thân sinh tôi ngày xưa. Tôi sẽ xây dựng một cơ sở đào tạo không theo một qui mô nào, đào tạo không nhằm bằng cấp mà theo xu hướng của từng học viên. Đó là một nơi gồm mọi cấp học, từ tiểu học đến đại học và trung tâm nghiên cứu, sáng chế, từ việc dạy cách làm thơ làm văn đến những công trình khoa học trên nhiều lĩnh vực. Tôi cho rằng giáo dục theo kiểu ấy sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với nhà trường truyền thống. Nhưng ai cũng thấy trong hoàn cảnh nước ta đó là điều không khả thi. Cuối năm 1975 tôi về quê thấy nhà cửa vườn tược đã thuộc về người khác, mọi thứ thuộc sở hữu tập thể, các cấp đều có kế hoạch phát triển định sẵn, không còn chỗ nào cho sáng kiến cá nhân nữa. Cho đến nay, khi tuổi đã cao cái ước mơ thời trẻ vẫn còn nguyên vẹn.

Truong Quang De

Gia Nguyễn chia sẻ từ FB của GS Trương Quang Đệ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *