Trong cuộc sống, chắc chắn chúng ta không thể tránh khỏi những tình huống khiến chúng ta lo lắng như chuẩn bị thương thảo một hợp đồng lớn, bảo vệ luận án trước mặt hội đồng hay lần đầu hẹn hò với cô nàng mình thầm để ý. Nhưng mọi chuyện sẽ rất khác nếu như bạn cảm thấy run rẩy buộc phải nói chuyện với cô thu ngân ở siêu thị hay giật bắn mình chỉ vì vô tình có một người nhìn vào mắt mình.
Rối loạn lo âu xã hội (Social Anxiety Disorder hay Social phobia) là một dạng của nhóm Rối loạn lo âu, đặc trưng bởi cảm giác sợ hãi hay lo âu quá mức trong các tình huống xã hội thông thường. Người mắc hội chứng Rối loạn lo âu xã hội (từ đây sẽ viết tắt là SAD) luôn lo lắng về việc bị soi mói, đánh giá hay làm nhục trong các mọi tình huống xã hội, tạo ra một rào cản đáng kể đối với cuộc sống của họ.
Thời kỳ khởi phát SAD nói chung thường là cuối thời thơ ấu và tuổi vị thành niên. Mặc dù có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, nhưng sau 25 tuổi bạn ít có khả năng khởi phát hội chứng này. Tỷ lệ xuất hiện ở tuổi vị thành niên (khoảng 10 tuổi) là khoảng 3,5% và tăng lên 14% vào thời niên thiếu. Mặc dù sự phân bố giới tính ngang bằng trong giai đoạn trước tuổi vị thành niên, nhưng nữ giới bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới trong các giai đoạn sau của tuổi vị thành niên và trưởng thành. SAD thời thơ ấu nếu không được điều trị sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tuổi trưởng thành. SAD là một vấn đề dai dẳng suốt đời dù nó sẽ không trở nên trầm trọng theo năm tháng. Theo thống kê, 7% dân số Mỹ mắc chứng rối loạn lo âu xã hội và 13% trong số đó có nguy cơ chịu ảnh hưởng suốt đời. Số liệu thống kê cũng cho thấy 70-80% người mắc SAD có liên quan đến các rối loạn lo âu, cảm xúc hay các chất kích thích.
Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần (DSM-IV-TR) của Mỹ đã phân SAD thành 2 loại bao gồm:
Rối loạn lo âu xã hội phổ quát (Generalized SAD): Bệnh nhân có nỗi sợ tham gia bất kì tương tác xã hội nào.
Rối loạn lo âu xã cụ thể (Non-generalized SAD): Bệnh nhân căng thẳng, lo lắng khi tham gia một hoặc một số tình huống xã hội nhất định.
Một số tình huống gây căng thẳng cho người mắc SAD:
- Gặp gỡ những người mới
- Đi dự tiệc
- Bước vào phòng có người ngồi sẵn bên trong
- Đi hẹn hò
- Bắt đầu một cuộc trò chuyện
- Tương tác với những người có thẩm quyền, chẳng hạn như giáo viên, người đứng đầu tổ chức, huấn luyện viên thể thao
- Làm bài kiểm tra hoặc thực hiện một cuộc phỏng vấn, mặc dù đã chuẩn bị kỹ càng.
- Trở thành trung tâm của sự chú ý (có người giám sát theo dõi khi đang làm một thứ gì đó, bắt buộc phải nói trong lớp trước mặt người khác, v.v.)
Tùy thuộc vào từng đối tượng mà sẽ xuất hiện các biển hiện khác nhau.
Các dấu hiệu và triệu chứng vật lý bao gồm:
- Đỏ mặt
- Đổ mồ hôi
- Khô miệng
- Tim đập loạn nhịp
- Run rẩy
- Tức ngực
- Căng cơ
- Chóng mặt, choáng váng
- Gặp một số vấn đề về tiêu hóa như đau bụng hay tiêu chảy
Cho đến nay, hình thức điều trị hiệu quả nhất cho chứng rối loạn lo âu xã hội là Liệu pháp Nhận thức – Hành vi (CBT). CBT đối với chứng rối loạn lo âu xã hội có thể bao gồm liệu pháp tiếp xúc, bao gồm việc tiếp xúc trực tiếp hoặc tưởng tượng có kiểm soát với các đồ vật hoặc tình huống tạo ra lo lắng. Các loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống lo âu và thuốc chống trầm cảm cũng đã được chứng minh là có hiệu quả trong quá trình điều trị. Nhiều bệnh nhân kết hợp cả 2 liệu pháp này và nhận được kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, thường xuyên tập thể dục, ăn uống đầy đủ, kiểm soát căng thẳng, dành thời gian cho những người thân yêu, thiền định và hạn chế sử dụng rượu và các chất gây nghiện khác có thể giúp tình trạng lo lắng không trở nên tồi tệ hơn.
Nguồn: Talkie
