Thứ bảy, ngày 17/05/2025 09:00 GMT+7
Tỉnh sở hữu nóc nhà của Nam Bộ sẽ “ôm trọn” địa danh nào nếu “về chung một nhà” với Long An?
Kiều Anh (tổng hợp) Thứ bảy, ngày 17/05/2025 09:00 GMT+7
Sáp nhập Tây Ninh – Long An: Vùng đất mang nhiều giá trị biểu tượng về địa lý, văn hóa và tôn giáo, tiềm năng sinh thái để đón chào bước chân du khách khắp mọi miền.
Theo phương án tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh đang được đề xuất, tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An sẽ hợp nhất thành một đơn vị hành chính mới mang tên tỉnh Tây Ninh, với trung tâm chính trị – hành chính đặt tại Long An. Bên cạnh thay đổi về cơ cấu quản lý và phân cấp hành chính, sự kiện này cũng mở ra một viễn cảnh mới về bản đồ địa lý – văn hóa của vùng đất Tây Ninh tương lai.
Tây Ninh hiện là tỉnh có địa hình cao nhất Nam Bộ, nổi bật với đỉnh núi Bà Đen cao 986 m. Địa phương này nằm ở cửa ngõ Tây Bắc của miền Đông Nam Bộ, giáp ranh Campuchia, có nhiều tiềm năng về du lịch, nông nghiệp và cửa khẩu quốc tế. Trong khi đó, Long An nằm ở vùng chuyển tiếp giữa Đông và Tây Nam Bộ, tiếp giáp trực tiếp với TP.HCM, có thế mạnh về công nghiệp, logistics và thu hút đầu tư nước ngoài.
Sáp nhập Tây Ninh – Long An: Tiềm năng sinh thái để đón chào bước chân du khách khắp mọi miền

Nằm trong lòng khu bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười, khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận sở hữu không gian trong lành, khí hậu mát mẻ và một hệ sinh thái giàu có, đặc biệt thích hợp cho những ai đang tìm kiếm một chốn nghỉ dưỡng yên bình sau những ngày làm việc căng thẳng.
Từ những năm 1980, vùng đất hoang sơ đã được khơi dậy tiềm năng bằng bàn tay con người, từng bước chuyển mình thành một hệ sinh thái trù phú. Đến năm 2009, nơi đây chính thức mang tên “Cánh Đồng Bất Tận” – cái tên gợi nhớ đến bộ phim cùng tên từng làm say lòng bao thế hệ khán giả.
Trải rộng trên diện tích hơn 1.000 hecta, khu du lịch được bao phủ bởi những cánh rừng tràm gió bạt ngàn, trong đó có không ít cây tràm hàng trăm năm tuổi. Không gian sinh thái ở đây là nơi bảo tồn hơn 80 nguồn gen quý cùng 21 loài thực vật bậc cao. Hệ động vật phong phú với các loài chim đặc trưng như sếu, giang sen, cò, diệc, cồng cộc… tạo nên bức tranh thiên nhiên sống động, mang đậm hơi thở của vùng Đồng Tháp Mười.
Điểm thú vị là khu du lịch còn được người dân gọi bằng cái tên thân thuộc: “Rừng thuốc”, bởi nơi đây quy tụ nhiều loài dược liệu quý như mã đề, râu mèo, hoắc hương, tràm trà, tràm năm gân, tràm hoa vàng… Từ những loại cây này, du khách có thể tham gia trải nghiệm chế biến các sản phẩm như tinh dầu, dược mỹ phẩm – những món quà lưu niệm đậm chất bản địa, mang mùi hương đặc trưng của đất rừng phương Nam.
Không chỉ dừng lại ở thiên nhiên và dược liệu, Cánh Đồng Bất Tận còn gây ấn tượng bởi những món ăn dân dã mà đậm đà hương vị miền Tây. Ngay khi đặt chân tới nơi, du khách sẽ được mời thưởng thức ly nước lá vối mát lành, nước thanh long ruột đỏ thơm nhẹ hay món khoai mì hấp nước cốt dừa béo bùi. Bữa ăn nơi đây còn hấp dẫn với các món đặc sản như lẩu cá vồ đém, lươn um lá nhàu, ốc bươu hấp sả hay rau tập tàng luộc chấm mắm cá linh – tất cả đều mang hương vị của đất, của người Long An hiền hòa, mộc mạc.
Sáp nhập Tây Ninh – Long An: “Viên ngọc quý” bởi hài hòa giữa thiên nhiên, lịch sử và văn hóa truyền thống

Bên cạnh những giá trị thiên nhiên, Long An còn sở hữu nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nổi bật là khu làng cổ Phước Lộc Thọ tại huyện Đức Hòa. Đây là nơi hội tụ số lượng nhà cổ nhiều nhất Việt Nam với 22 ngôi nhà nằm trong khuôn viên rộng hơn 5 hecta, mỗi ngôi nhà mang đậm dấu ấn văn hóa đặc trưng của từng vùng miền trong ba miền Bắc, Trung, Nam và cả nhà sàn Tây Nguyên. Khu làng cổ này do ông Dương Văn Mỹ – một người đam mê đồ gỗ và đồ cổ sưu tầm, phục dựng và xây dựng từ năm 2006, trở thành một công trình du lịch sinh thái độc đáo và ý nghĩa.
Khu làng được chia thành hai phần chính: khu tham quan và khu giải trí – ăn uống – nghỉ dưỡng. Khi bước chân vào cổng làng, bất kỳ ai cũng sẽ bị cuốn hút bởi bộ tượng Phước Lộc Thọ bằng đá cẩm thạch được điêu khắc tỉ mỉ và sống động, biểu tượng cho những điều tốt đẹp: phước lành, tài lộc và trường thọ.
Khám phá sâu bên trong, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng từng ngôi nhà cổ gỗ được phục dựng nguyên vẹn, trưng bày hàng trăm hiện vật quý giá từ vật dụng sinh hoạt hàng ngày của vua chúa, quan quân, địa chủ cho đến những đồ vật mang đậm dấu ấn tâm linh văn hóa dân tộc. Mỗi gian nhà như một câu chuyện sống động, mở ra bức tranh đa chiều về lịch sử, văn hóa và truyền thống của người Việt qua các thời kỳ.
Đối với những tín đồ xê dịch, khu làng cổ Phước Lộc Thọ không chỉ là điểm dừng chân lý tưởng để thưởng thức vẻ đẹp cổ kính, tìm về nguồn cội mà còn là không gian check-in đầy ấn tượng, giúp lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ giữa bối cảnh văn hóa đặc sắc, khó quên.
Sáp nhập Tây Ninh – Long An: Xuôi về miền Tây sông nước, chiêm ngưỡng thiên nhiên vẫn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ và thanh khiết hiếm có

Láng Sen không đơn thuần là một khu du lịch sinh thái, mà còn là Khu Ramsar thứ 2227 của thế giới và là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam, được công nhận vào năm 2015. Nằm trên vùng đất trũng của hạ lưu sông Mê Kông, thuộc địa bàn ba huyện Tân Hưng của tỉnh Long An, Láng Sen nổi bật với hệ sinh thái ngập nước đặc trưng, phản ánh rõ nét cảnh quan và đời sống tự nhiên của miền Tây Nam Bộ.
Với địa hình thường xuyên chịu ảnh hưởng của chế độ thủy văn sông Cửu Long, Láng Sen sở hữu một hệ sinh thái đặc biệt phong phú gồm rừng tràm, đồng cỏ ngập nước, rừng ven sông, tất cả hoà quyện tạo nên một bức tranh thiên nhiên sống động, biến chuyển theo từng mùa. Đây cũng là nơi cư ngụ của 156 loài thực vật, 149 loài động vật có xương sống, 62 loài thủy sản, và hơn 100 loài thực vật nổi, trong đó có khoảng 20 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam, cần được gìn giữ nghiêm ngặt.
Không chỉ là “mái nhà xanh” của nhiều loài quý hiếm như sếu đầu đỏ, giang sen, rái cá vuốt bé, quắm đen, rùa vàng,… Láng Sen còn nổi bật với hình ảnh đặc trưng của “lúa ma” – loại lúa mọc hoang tự nhiên, chín từng hạt, dễ rụng và có hương vị thơm ngon đặc biệt. Vào mùa lúa chín, từng đàn chim trời kéo về kiếm ăn, tạo nên một khung cảnh vừa mộc mạc vừa đầy chất thơ.
Một trải nghiệm không thể thiếu khi đến đây chính là chéo thuyền len lỏi trong rừng tràm cổ thụ, nơi những tán cây đan vào nhau tạo thành mái vòm xanh mát. Giữa khung cảnh yên bình ấy, tiếng chim gọi đàn, tiếng cá quẫy nước và mùi tràm thoang thoảng sẽ khiến du khách như lạc vào một thế giới khác.
Sáp nhập Tây Ninh – Long An: Nơi khói lửa lịch sử còn vọng lại

Nếu Láng Sen đưa người ta đến với sự sống mơn mởn của thiên nhiên miệt thứ, thì Vàm Nhựt Tảo lại khiến lòng người chùng xuống, tự hào xen lẫn xúc động khi bước vào vùng đất linh thiêng từng nhuốm màu khói súng. Chính tại nơi này, vào ngày 10/12/1861, người anh hùng áo vải Nguyễn Trung Trực đã cùng nghĩa quân đánh chìm chiến hạm L’Esperance của Pháp trên dòng sông Nhựt Tảo, ghi dấu một trong những chiến công đầu tiên, chói lọi nhất trong phong trào kháng Pháp ở Nam Bộ – chiến công “hỏa hồng Nhựt Tảo”.
Bước qua cổng tam quan, du khách sẽ cảm nhận được không gian trang nghiêm nhưng cũng rất đỗi gần gũi. Đền thờ Nguyễn Trung Trực nằm ở trung tâm, được thiết kế theo lối kiến trúc đình làng Nam Bộ xưa, với mái ngói đỏ tươi, cột gỗ to bản và hoa văn truyền thống. Bên trong, tượng bán thân bằng đồng của ông hiện lên với thần thái cương nghị, ánh nhìn kiên định như vẫn đang dõi theo quê hương trong từng hơi thở.
Hai bên đền thờ là gian phụ: một bên dành cho các nghĩa quân đã ngã xuống trong trận đánh lịch sử, bên còn lại thờ các vị tướng lĩnh cùng thời. Gần đó, nhà văn bia ghi lại chiến công Nhựt Tảo bằng những dòng chữ khắc sâu trên đá và một mô hình chiến hạm Pháp bị đánh chìm được đặt ngay giữa sân, như một minh chứng sống động cho trang sử oanh liệt từng diễn ra trên dòng sông này.
Không chỉ là điểm đến cho người yêu sử, khu di tích còn mang dáng vẻ thư thái của miền sông nước. Cây xanh rợp bóng, bờ kè rộng rãi, không gian thoáng đãng hướng ra dòng sông Nhựt Tảo lặng lờ trôi. Đứng tại đây, trong làn gió nhẹ, du khách dễ dàng hình dung lại cảnh tượng oanh liệt năm xưa: một Nguyễn Trung Trực quả cảm, cùng đồng đội dùng ý chí và lòng yêu nước đánh bại kẻ thù có tàu to súng lớn – đúng như câu nói bất hủ của ông: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây!”
Sáp nhập Tây Ninh – Long An: Một “bản đồ thu nhỏ” của những biểu tượng kiến trúc huyền thoại trên toàn cầu

Nằm trong khu đô thị và du lịch sinh thái Cát Tường Phú Sinh, tọa lạc tại tỉnh lộ 9, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, công viên 7 kỳ quan thế giới chỉ cách TP.HCM khoảng 30 km, là điểm đến lý tưởng cho những tín đồ xê dịch mong muốn “vi vu năm châu” mà không cần xuất ngoại.
Tại đây, du khách sẽ có cảm giác như đang thực sự chu du qua nhiều quốc gia: từ nước Mỹ sôi động với tượng Nữ thần Tự do, đến nước Pháp lãng mạn với tháp Eiffel, rồi qua nước Nga với sắc màu rực rỡ của nhà thờ thánh Basil… Tất cả những công trình ấy đều hiện hữu một cách sống động tại công viên dưới hình thức mô hình thu nhỏ, được chế tác tỉ mỉ và công phu.
Các thiết bị thi công đều được nhập khẩu từ nước ngoài, quá trình lắp ráp thực hiện bởi đội ngũ chuyên môn cao nên mỗi công trình đều đạt độ tinh xảo và mỹ thuật ấn tượng. Dù là mô hình thu nhỏ, nhưng các kỳ quan vẫn giữ được vẻ đẹp kỳ vĩ và sức hút kiến trúc như nguyên bản.
Từ nhà hát Opera với hình ảnh cánh buồm căng gió đến cây cầu biểu tượng của London, từ vẻ trầm mặc của lăng Taj Mahal đến nét lãng mạn của tháp nghiêng Pisa, công viên không chỉ mô phỏng kỳ quan mà còn khơi gợi ước mơ khám phá thế giới trong mỗi người.
Khác với Tây Ninh vốn chủ yếu mang đặc trưng địa hình bán sơn địa và biên giới, Long An mang dáng dấp rõ rệt của vùng đồng bằng sông nước, với hệ thống kênh rạch, chợ nổi và sinh hoạt nông nghiệp gắn với lúa nước, hoa màu. Những địa danh như làng nổi Tân Lập, khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, chợ Thạnh Hóa, chợ Tân Trụ… nếu được đầu tư phát huy, sẽ là nét bổ sung đáng kể vào bản sắc của tỉnh hợp nhất. Đây cũng là cơ hội để xây dựng tuyến du lịch liên vùng, từ núi non Tây Ninh đến vùng sông nước Long An, kết hợp du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng và sinh thái – trải nghiệm.