RỐI LOẠN CĂNG THẲNG SAU SANG CHẤN (PTSD) CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG ĐẾN MỐI QUAN HỆ CỦA BẠN NHƯ THẾ NÀO?

Trong cuộc sống hiện đại luôn tiềm ẩn những yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, dẫn đến dễ bị căng thẳng, trầm cảm, sang chấn và các rối loạn tâm lý thường gặp khác. Thời gian qua, dịch Covid – 19 bùng phát trong cả nước đã gây ra vô số những nỗi lo, ám ảnh cho nhiều người. Những con đường, hàng quán quen thuộc ngày nào tấp nập người qua lại, nay đã đóng cửa im lìm; không còn là tiếng cười nói nhộn nhịp, tiếng còi xe, tiếng rao của hàng quán nữa, thay vào đó là tiếng còi hú vô hồn của những chiếc xe cấp cứu đang miệt mài ngày đêm không ngơi nghỉ. Chứng kiến những hình ảnh, âm thanh, những thông báo về số ca mắc mới hàng ngày, hay chính chúng ta hoặc những người người thân yêu không may mắc phải Covid – 19, nếu không biết cách xử lý những cảm xúc bất ổn lúc này, thời gian dài sẽ khiến ta dễ rơi vào chiếc bẫy mang tên những căng thẳng sau sang chấn.

Nếu bạn hoặc những người thân yêu đang phải vật lộn với sự suy giảm cảm xúc bởi chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), thì bạn không hề đơn độc. PTSD không phải là một nỗi buồn vu vơ nào đó mà chúng ta thi thoảng gặp, không phải là những áp lực mệt mỏi hằng ngày, chỉ cần sự sẻ chia yêu thương là tan biến. Mà nó là một nỗi đau, một bệnh tâm lý cần được chữa trị từng bước một trong một khoảng thời gian dài với một đội ngũ bác sĩ chuyên gia tâm lý được đào tạo lâu năm. Bởi vì nếu chỉ tính riêng quân nhân giải ngũ thì cứ mỗi ngày lại có 22 người tự sát, cứ mỗi 65 phút thì lại có một người tự kết thúc mạng sống của mình.

PTSD đã từng được cho là một hệ quả của chiến tranh và chỉ có những người lính mới mắc PTSD. Nhưng không, tôi, bạn, và cả những người thân, người xung quanh chúng ta đều có thể mắc PTSD sau một chấn thương tâm lý khủng khiếp nào đó. Nó giống như một con quái vật – luôn im lặng chực chờ rồi vồ lấy chúng ta lúc nào không hay. Theo định nghĩa của DSM-5, sang chấn tâm lý là sự trải nghiệm hoặc đối mặt cận kề với cái chết, sang chấn nặng, hoặc bị xâm hại tình dục. Người mắc PTSD có thể là nạn nhân trực tiếp từ các sự kiện ấy, hoặc là nhân chứng chứng kiến vụ việc, hay khi biết được người thân yêu của mình bị nạn, trải nghiệm từng chi tiết của sự kiện nhiều lần lặp đi lặp lại (ví dụ như cảnh liên tiếp nhận được các tình huống/chi tiết của việc lạm dụng trẻ em). Những người này sau khi trải qua sự kiện như đã nêu trên, thường có nguy cơ mắc PTSD hơn bao giờ hết.

Những khó khăn của người mắc PTSD trong một mối quan hệ

Hiện nay, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn làm cho việc duy trì mối quan hệ giữa các cá nhân trở nên khó khăn hơn. Dưới đây là một số nguyên nhân chính mà bạn có thể gặp phải trong mối quan hệ của mình:

Điều chỉnh cảm xúc và cơn tức giận: Đấu tranh với việc mất khả năng điều chỉnh cảm xúc có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến các mối quan hệ thân thiết của một người. Sự tức giận quá mức hoặc vô cớ bộc phát cơn giận có thể là một đặc điểm của PTSD, khiến những người này dễ dẫn đến những hành vi bạo hành hay ngược đãi đối phương trong một mối quan hệ.

Tự cô lập: Những người đã sống sót sau một sang chấn dẫn đến PTSD cũng dễ trở nên mất hứng thú với những thứ họ đã từng rất thích. Họ trở nên xa cách hơn hoặc vô cảm, điều này có thể gây đau khổ cho người bạn đời.

Sang chấn có thể hình thành cách chúng ta lý giải về thực tế: Điều quan trọng cần lưu ý là chấn thương cũng có thể hình thành cách nhìn của chúng ta về thế giới xung quanh. Ví dụ, một người sống sót sau một sự kiện đau buồn có nhiều khả năng giải thích các tương tác trong tương lai theo một khía cạnh tiêu cực. Tệ hơn, điều này có thể khiến họ có cái nhìn thấp kém về bản thân và cả những người thân yêu.

Trầm cảm và lo âu: Nếu bạn hoặc đối phương đã trải qua một chấn thương làm thay đổi cuộc đời, trầm cảm hoặc lo lắng cũng dễ dàng xuất hiện trong mối quan hệ của mình. Một trong hai hoặc cả hai đều có thể là tác nhân gây ảnh hưởng đến mối quan hệ hiện tại.

Ác mộng: Một trong những triệu chứng phổ biến khác là ác mộng, suy nghĩ xâm nhập hoặc thậm chí là hồi tưởng đau thương. Những trải nghiệm này thường khiến đối phương lo lắng, luôn trong trạng thái chờ đợi để đánh thức người thân yêu của mình khỏi những giấc mơ đáng sợ luôn chực chờ khi đêm xuống. Ngoài ra, một người không ngủ đủ giấc dễ khiến họ trở nên cáu kỉnh hoặc thờ ơ vào ban ngày, đồng nghĩa với việc họ sẽ có ít tương tác với những người thân yêu. Thiếu ngủ cũng có những tác dụng phụ về thể chất. Về lâu dài, việc thiếu ngủ với mật độ dày đặc có thể góp phần gây ra những ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe.

Tránh né: Khi một cá nhân nào đó phải chung sống với PTSD, họ luôn muốn né tránh những sự kiện hoặc tình huống nhắc nhở họ về những sang chấn đã trải qua. Ví dụ, một cựu chiến binh Mỹ có thể gặp khó khăn với các sự kiện ngày 4/7 (Ngày Quốc Khánh của Mỹ) vì pháo hoa nhắc họ nhớ đến tiếng súng. Đối với một người bình thường như chúng ta, khi nhắc đến pháo hoa thì ta chỉ liên tưởng đến niềm vui và những ngày lễ kỷ niệm đầy màu sắc, việc này có thể rất khó để ta thực sự hiểu được toàn bộ những khó khăn trong quá trình đối phương đấu tranh với những đau khổ, ám ảnh của họ.

Tê liệt cảm xúc: Những người sống sót sau sang chấn cũng có thể cảm thấy xa cách về mặt cảm xúc hoặc thậm chí tê liệt. Sự suy giảm cảm xúc có thể khiến những người sống sót cảm thấy khó kết nối với những người thân yêu hoặc tận hưởng cuộc sống theo cách mà họ đã từng làm.

Sự tuyệt vọng: PTSD cũng có thể dẫn đến cảm giác đầy tuyệt vọng về việc mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Đây là một mối liên hệ đặc biệt đáng lo ngại vì cảm giác tuyệt vọng lâu dài có thể liên quan đến ý tưởng tự sát, chưa kể PTSD đặc biệt phổ biến ở những cựu chiến binh được đào tạo về vũ khí và có khả năng tiếp cận tốt hơn với vũ khí.

Các triệu chứng ngoài cơ thể: Sự tách rời là một triệu chứng khá phổ biến sau khi chấn thương tâm lý xảy ra. Nhiều người cảm thấy bàng hoàng, tách lập với môi trường xung quanh. Một số người thì mất đi nhân cách (depersonalization). Họ cảm thấy mình như một con robot, hoặc như đang bị mộng du, có một số trường hợp cảm thấy mình đang tách rời khỏi cơ thể, đứng một chỗ quan sát cơ thể mình hành động. Còn có cả trường hợp bệnh nhân trải nghiệm sự vô thức (derealization), cảm giác không thực. Ngay lập tức sau sự kiện 11/9, một số người tỉnh giấc và tự hỏi rằng có phải cuộc tấn công của bọn khủng bố chỉ là cơn ác mộng. Cảm giác không thực này có thể trải dài vài ngày hoặc lâu hơn. Triệu chứng mất trí nhớ phân ly (dissociative amnesia) cũng có thể xảy ra với bệnh nhân mắc PTSD. Họ không thể nào nhớ được các khía cạnh của sự kiện gây chấn thương tâm lý.

Chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ?

Nếu bản thân hoặc người bạn đời đang chung sống với chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn, hãy biết rằng sẽ luôn có những nguồn lực có thể hỗ trợ và giúp ích cho mình. PTSD không phải là một sự lựa chọn, và nó càng không phải là một “bức tường chắn mỏng manh” mà bất kỳ ai cũng có thể tự mình “vượt qua” trong đời. Nếu bạn yêu một ai đó đang phải đối mặt với PTSD, đây là một số hướng dẫn đơn giản để bạn có thể hỗ trợ họ:

Tìm kiếm trị liệu cặp đôi từ các nhà chuyên môn: Bạn có thể khuyến khích đối phương tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp từ một nhà trị liệu có chuyên môn về sang chấn. Cùng đối phương tham gia đầy đủ các phiên trị liệu sẽ là nhân tố thúc đẩy mối quan hệ của cả hai trở nên gắn kết và gần gũi hơn.

Tránh đổ lỗi: Mặc dù sẽ rất khó để bản thân không đổ lỗi cho người thân về các triệu chứng PTSD của họ, nhưng hãy thật cẩn thận để tránh gây ra những thương tổn. Khi những người thân thương vô tình khiến một cá nhân mắc PTSD thương tổn về mặt cảm xúc, họ càng trở nên mặc cảm và thiếu tin tưởng vào bản thân, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều trị.

Thấu cảm và lắng nghe một cách sâu sắc: Nếu có thể, hãy khuyến khích đối phương chia sẻ cảm xúc thật sự của mình nếu họ thấy cần thiết, tuy nhiên hạn chế việc thúc ép họ cởi mở. Việc thể hiện sự đồng cảm thay vì đưa ra lời khuyên không cần thiết sẽ giúp đối phương tin tưởng nhiều hơn vào khả năng của bạn trong quá trình hỗ trợ họ chữa bệnh. Chúng ta thường chỉ muốn nói điều đúng hoặc có mong muốn mọi thứ phải thay đổi theo hướng tốt hơn, nhưng rèn luyện kỹ năng lắng nghe một cách sâu sắc là cách khiến bản thân trở nên tinh tế hơn trong quan hệ với mọi người.

Hiểu các yếu tố kích hoạt đối phương: Trị liệu cặp đôi cũng có thể giúp bạn hiểu sâu hơn về các yếu tố khởi phát của đối phương, cũng như cách giúp giảm thiểu tác động của chúng đến mối quan hệ của cả hai.

Tài liệu tham khảo:

  1. American Psychiatric Association (2013). Diagnostic & Statistical Manual of Mental Disorders, Fifth Edition, Arlington, VA: American Psychiatric Publishing.
  2. Rubin Khoddam (2021). How PTSD Can Affect Your Relationship. Truy xuất từ: https://bom.to/WEE9xQOMzUwNDU

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *