PHÁT HIỆN RA MÌNH LÀ KIỂU NGƯỜI YÊU TOXIC (ĐỘC HẠI) LÀ LOẠI CẢM GIÁC NHƯ THẾ NÀO?

Có lạ lẫm không khi nói mình là kiểu người thích ở 1 mình, thích đọc và enjoy bản thân. Và bạn biết gì không, càng trò chuyện với bản thân, càng thành thật với chính mình, mình càng nhận ra, MÌNH LÀ MỘT NGƯỜI YÊU ĐỘC HẠI.

Sở dĩ mình nói điều này là vì càng đọc nhiều, càng “soi” mình trong những mối quan hệ đã qua, mình càng lờ mờ nhận ra, mình là một người thích KIỂM SOÁT. Quả thật, thú nhận điều này không hề dễ dàng gì, nhận ra 1 thứ đã là điều khó, để thay đổi nó, lại càng khó khăn hơnVà đây là đôi điều mà mình đã học được trong cuộc chiến mỗi ngày với chính mình.

1. Tại sao mình lại trở nên như thế?

Mình không phải là kiểu người thích đổ lỗi cho hoàn cảnh, nhưng trong mọi chuyện, mình luôn muốn tìm ra căn nguyên sâu xa của vấn đề, nên mình đã dành nhiều thời gian để tự hỏi tại sao mình lại là kẻ thích kiểm soát.

Cho đến khi mình đọc cuốn Cha mẹ độc hại và mình thấy tuổi thơ mình trong đó. Mẹ vì quá yêu mình, bà đã luôn kiểm soát mình. Đương nhiên là từ lúc vào đại học, mình đã tự do và giành lại cuộc sống cho riêng mình.

Nếu bạn có đủ nhẫn nại thì, cha mình vốn là con trai út trong một gia đình địa chủ, còn mẹ mình là con gái của một gia đình nông dân nghèo, bà rất đẹp (trong mắt mình). Và như bao câu chuyện thời bấy giờ khác, cha mình đã phải lòng mẹ mình trong một lần gặp gỡ (mặc dù ông đã có hứa hôn với cô gái môn đăng hộ đối khác). Mối tình này đương nhiên không hề dễ dàng, vì nó vướng phải sự phản đối của bà nội – 1 người phụ nữ quyền lực, khó tính nổi tiếng trong vùng.

Theo lời kể của ông mình thì cha mình vốn rất hiền lành, nhưng khi không thể có được mẹ mình, ông đã bắt đầu tìm đến hơi men, đỉnh điểm là ông uống say rồi nằm ngồi chuồng bò, suýt nữa bị bò giẫm chết. Bà nội thấy thế, sợ mất con, đành cho đôi trẻ đến với nhau. Nhưng khi cưới mẹ mình về thì bà hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần mỗi lần ba mình đi vắng.

Mẹ mình, dưới những áp lực ấy, không biết cách nào nguôi ngoai, chỉ có mình là “bảo bối”, động lực sống duy nhất. Vì không thể nói với chồng, cũng không thể kiểm soát đời mình, nên bà quay sang kiểm soát con gái. Và đó là cách mà mình đã học được định nghĩa như thế nào là yêu thương: yêu thương = kiểm soát.

2. Mình đã tiếp tục kiểm soát những người yêu cũ của mình như thế nào?

Mình có một niềm tin mãnh liệt rằng, mọi thứ trong mối quan hệ đều có thể giải quyết, bằng cách chúng ta giao tiếp. Nên khi có bất cứ mâu thuẫn nào, mình cũng chọn cách nói ra hết mọi cảm xúc, suy nghĩ của mình.

Và khi đối phương im lặng, dù chỉ là họ đang suy nghĩ thôi, thì mình đã không biết cách tôn trọng sự cô đơn riêng tư cần có của họ. Mà ngay lập tức đánh đồng nó với ý nghĩa là họ không muốn giải quyết vấn đề, họ muốn trốn tránh, họ không đủ năng lực nhìn nhận sự việc, và trên hết là họ không yêu mình đủ nhiều.

Mình tìm đủ mọi cách khiến họ phải nói (trong khi họ chưa nghĩ, chưa nghĩ xong, hoặc đôi khi là nghĩ chậm hơn phụ nữ một chút). Và từ một người muốn giải quyết mọi thứ bằng giao tiếp, muốn nhìn thấy kết quả ngay lập tức, mình bỗng biến mình thành nạn nhân, khi phải dùng đến nước mắt và những hành động làm đau bản thân.

Rồi từ đó mình quay sang ngờ vực, cảm thấy mâu thuẫn với chính mình, càng thấy tự ti, càng cảm thấy mình không được yêu thương, rồi càng cố kiểm soát người ấy, cứ như thể 1 vòng lặp địa ngục.

Đọc đến đây, bạn có cảm thấy nghẹt thở không? (nếu như bạn rơi vào 1 mối quan hệ như thế).

3. Mình đã học cách vượt qua những điều đó như thế nào?

Khi mình viết ra được những dòng này, cũng chính là lúc mình đã đủ mạnh để chế ngự bản ngã “thích kiểm soát” trong con người mình. Đương nhiên, nó vẫn giống như 1 vết thương, vẫn sẽ có lúc nó đau nhức lúc trái gió trở trời, nhưng hơn bao giờ hết, lúc này đây, mình đã học được cách trò chuyện và xoa dịu nó.

  • Mình nhận ra rằng, mình thích kiểm soát người khác là vì mình đã không thể kiểm soát nổi đời mình (giống như mẹ mình vậy). Chính vì vậy, mình học cách làm cho cuộc sống của mình trở nên rực rỡ, muôn màu muôn sắc hơn, mình tò mò và học hỏi mọi thứ… mình học cách kiểm soát cuộc đời của chính mình.
  • Mình cũng hiểu ra rằng, tình yêu chính là tin tưởng. Nếu mình không thể tin tưởng thì có nghĩa là mình vẫn chưa yêu, chỉ là mình đang dối gạt bản thân và đánh tráo khái niệm. Nên mình học cách tin tưởng người yêu của mình. Nếu vì sự tin tưởng này mà mối quan hệ của mình càng trở nên khăng khít thì đó là 1 điều tốt; còn nếu vì mình tin tưởng 1 cách vô tư mà bị đối phương dối lừa, thì chính là vì họ không phải là người dành cho mình. Nhưng trên tất cả, mình học cách toàn tâm toàn ý tin tưởng 1 người.
  • Mình biết rằng, mình – người mình yêu- chúng ta là bình đẳng trong 1 mối quan hệ, họ không phải là 1 món hàng, 1 chú thú cưng, 1 quả bóng để mình có thể đá đi đá lại, kiểm soát theo cách của mình. Người ấy cần có những khoảng trời riêng để vẫy vùng và mình cũng vậy.

Mình từng đọc cuốn tiểu thuyết Suối Nguồn của Ayn Rand, nhưng mình đã luôn không thể hiểu nổi tình yêu của đôi nhân vật nam nữ chính trong ấy – Roark và Dominique. Nhưng giờ thì mình ngày càng vỡ lẽ về cái cách mà Dominique đã luôn ghen với những khung cửa sổ nơi Roark đi qua, những bản vẽ mà Roark say mê, những tòa nhà mà Roark yêu. Mình càng hiểu vì sao Roark đã để Dominique tự đương đầu với cuộc chiến nội tâm của chính mình và họ sẽ gặp lại nhau khi mà Dominique không còn sợ bất cứ thứ gì nữa.

Và mình, mình vẫn đang trải qua cuộc chiến của chính mình, học từ những tổn thương, lớn lên từ những vấp ngã… và có cho mình 1 tình yêu “healthy” theo đúng nghĩa của nó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *