PHẢI CHI NĂM ẤY…

Lúc vừa từ giã những trò nghịch quỉ, tạt lon, thả diều, làm ná bắn chim, để bước qua tuổi “biết buồn” thì bác Tám sát vách nhà tôi quyết định cho thuê phòng trọ kiếm thêm tí tiền chi tiêu chợ búa. Nhờ thế tôi may mắn được làm hàng xóm của bốn anh sinh viên từ dưới Long An lên học. Các anh hiền lành, thật thà, tốt và thương tôi lắm nhưng hình như tôi hạp với anh Thi hơn chắc vì chúng tôi có nhiều điểm tương đồng. Không chỉ học giỏi anh đàn hát rất hay. Những lúc rảnh rỗi anh hay đàn hát nghêu ngao, anh thuộc nhiều bài lắm nhưng làm gì thì làm cũng phải mở màn bài “Cô hàng xóm” của nhạc sĩ Lê minh Bằng và “Căn nhà ngoại ô” của nhạc sĩ Anh Bằng.

– Vùng ngoại ô tôi có căn nhà tranh, tuy bé nhưng thật xinh……..

– Tôi ở ngoại ô một căn nhà xinh có hoa thơm trái hiền……..

Thật ra bài nhạc hay và giọng anh rất hợp với thể loại nhạc này, lần đầu nghe tôi vỗ tay bôm bốp khen không tiếc lời nhưng ngày nào cũng nghe đến thuộc như cháo thì hơi ngán. Cam tuy ngon ngọt nhưng lâu lâu phải đổi chanh chứ. Tôi cằn nhằn anh:

– Anh Thi người ta có nhà đẹp to lớn sang trọng còn chưa khoe tiếng nào. Còn anh có căn nhà tranh nhỏ xíu mà ngày nào anh cũng khoe um sùm lên vậy.

Anh chỉ cười dễ dãi vẫn hát mà chẳng giải thích lời nào. Từ đó mỗi tối mấy anh thanh niên trong xóm kéo tới rần rần nhờ anh dạy đàn, chẳng lẽ mình sát vách mà lại chịu thiệt thòi thế là đập heo tậu ngay cây đàn và sang nhà anh học ké. Chỉ sau vài giờ tập tôi khám phá ra máu nghệ sĩ trong tôi cao hơn cả nhạc sĩ chính hiệu, tôi say mê tập bất kể giờ giấc. Khoảng chừng một tháng là tôi đàn nhuần nhuyễn không sai một nốt bài “Ò e con ma đánh đu, Tarzan nhẩy dù, Si rô bắn súng”  (Au revoir). Hôm sau vô lớp học tôi khoe ngay với thằng bạn thân nhất:

– Tao biết đàn guitar rồi.

Thằng An tròn mắt nhìn tôi cười sằng sặc:

– Nhà mày mới tậu trâu à.

Cái thằng láo thế nó dám bảo tôi là đàn gảy tai trâu. Điệu này không biểu diễn cho nó xem thì nó chưa sáng mắt ra:

– Không tin thì thôi, tao còn định hỏi mày muốn học không tao dạy miễn phí.

Tức thì nói vậy cho nó tiếc vừa đánh mất cơ hội ngàn vàng chứ trình độ này dạy được ai? Xui xẻo thay thằng bạn ngây thơ nó đánh giá sự tử tế của tôi quá cao nên quàng vai tôi thân mật giả lả:

– Tao chọc chơi cho vui thôi chứ mày nói gì tao chả tin, tao thích đàn lắm mà không có tiền đi học vậy từ nay mình kết nghĩa sư đồ nhe.

Cái thằng tham lam thế, nghe nói miễn phí là mắt sáng lên tôn ngay tôi lên làm sư phụ. Nhưng thôi nghĩ lại những lần nó chịu khó thức khuya thức hôm gạo bài rồi hí hí cho mình

 cóp khi làm bài kiểm tôi dễ dãi chấp nhận coi như ơn đền nghĩa trả. Thế là tôi tạm dừng việc học đàn dồn hết thời gian vào việc dạy thằng An những gì mình đã học được cả tháng nay. Đến khi hai đứa trình độ ngang nhau tôi mới bưng nó đến giới thiệu với anh Thi để từ nay hai đứa học chung. Học chưa được bao nhiêu thì Việt cộng vào thành phố, anh Thi trở về quê vì vấn đề hộ khẩu. Hai đứa chỉ nhai đi nhai lại bài “ Ò e con ma đánh đu” đến chán nên bỏ luôn chuyện học đàn.

                       *******

Mùa Xuân đầu tiên trên xứ người của bảy thành viên trong gia đình anh em tôi không cách nào quên được. Gọi là anh em nhưng chúng tôi có bảy cái họ khác nhau và đến từ ba miền Bắc, Trung và Nam của đất nước Việt Nam. Học cùng trường mà tuổi cũng ngang  nhau nên cùng nhau kết nghĩa anh em và thuê nhà ở chung. Hồi mới quen gọi nhau bằng tên nhưng từ hôm kết nghĩa, thằng An bạn thân nhất cùng đi vượt biên chung đề nghị gọi theo thứ tự cho có tôn ti trật tự. Thế là tờ giấy trắng lấy ra mọi người lần lượt ghi ngày sanh tháng đẻ của mình vào rồi từ đó mỗi người được khai sinh cho một số. Chỉ đơn giản thế thôi mà cũng mất cả buổi mới tạm ổn vì anh Tâm già tháng nhất được gọi anh Một. Anh nhẩy đong đỏng:

– Phải là anh Hai chứ sao lại Một nghe quê và ghê quá, cứ như ông Một mắt trong phim kiếm hiệp vậy.

Sáu cái miệng nhao nhao phản đối:

– Bắt đầu từ anh Hai thì đứa chót sẽ là thằng Tám. Như vậy người ta tưởng nhóm mình có tám đứa mắc công giải thích này nọ. 

– Vậy thằng nào thích thì tao nhường, tao chịu lép xuống một cấp.

Mà thiệt tình ở đời gắp xương cho người thì dễ chứ ai ngu tự gắp cho mình nên cãi nhau cả buổi vẫn chẳng ai chịu nhận cái tên xấu xí ấy. Thằng Hiển thóc lúc này mới lên tiếng:

– Ở quê tôi con đầu lòng gọi là anh Cả, nghe không quê mà thấy đầy vẻ kính trọng.

Cả đám ồn lên: 

– Sao không nói sớm, mày đợi tới lúc ăn thôi nôi mới đặt tên cho thằng nhỏ hả? Đặt tên cho mày là Hiển thóc thiệt không sai tí nào.

– Nãy giờ tụi bay cứ tranh nhau nói, đâu tới phiên tao?

– Thế mày không biết tranh à, hay để tụi tao sắm cho mày cái còi mỗi lần muốn nói thì tuýt lên để mấy đứa khác im cho mày nói nhé.

Tội nghiệp thằng Hiển rất ít nói nên tụi bạn đặt là Hiển thóc vì im như hột thóc, khi nó nói thì lại bị trêu là cóc mở miệng. Đằng nào cũng không được yên thân, được cái thằng này hiền lành chẳng giận bao giờ chỉ gãi đầu cười ruồi như đang nhận khuyết điểm. Bàn qua cãi lại chẳng tìm ra tên nào hay hơn anh Tâm đành nhận chức danh anh Cả. Oái oăm thay thằng chuyên bị cả nhóm bắt nạt lại xếp hạng kế tiếp là anh Hai Hiển. Bình cà pháo thì thứ Năm, gọi là cà pháo nghe cho có vẻ bình dân chứ thật ra thằng này là vua, vua lèo. Nó dở ẹt, chậm chạp và vụng về lắm chỉ có cái miệng là nhanh thôi. Ai nhờ gì cũng gật đầu cái rụp “OK sa lem” tới khi làm không xong thì lèo. Hồi đầu gọi là Bình cà chớn nhưng nghĩ cũng tội nghiệp sợ sau này chết tên không lấy được vợ mắc công cả đám phải bảo bọc đời em cho nó suốt đời thì chết nên đổi lại Bình cà pháo ai muốn hiểu sao thì hiểu. Tôi nhỏ tháng nhất nên được ưu tiên có ba tên. Vì thằng người Bắc thì gọi tôi là Bẩy, thằng người Trung thì cứ  Bậy ơi, Bậy mô, còn thằng người Nam thì Bải, Bải mày đâu rồi. Khổ hết sức học tiếng Anh, tiếng Pháp là đã lòi mắt ra rồi bây giờ còn phải học thêm ngôn ngữ vùng miền của tiếng Việt nữa. Nhưng cũng nhờ ở chung cãi nhau chí choé suốt ngày thì mới có cơ hội nói tiếng Việt và đỡ buồn nhớ nhà, và giúp đỡ nhau trong việc học nên đứa nào cũng tiến bộ nhiều.

Chiều nay bước ra khỏi lớp học ngước mặt nhìn trời, mây xám u buồn tuyết rơi lất phất. Cảnh đã buồn như thế bước vô nhà nhìn cảnh thằng Tư ngồi cầm lá thư vàng úa tay run run cả bọn giật mình ngơ ngác nhìn nhau rồi chạy lại giật lá thư cắm đầu đọc. Thì ra thư em gái nó gửi từ quê nhà “Anh Hai ơi còn một tháng nữa là Tết rồi, năm nay không có anh ai sẽ chẻ củi cho má luộc bánh tét cả nhà ai cũng buồn và nhắc anh. Mùng một Tết năm nay là ngày 14 -2 đó anh Hai .” Đọc xong cả bọn ngồi im bất động, mắt cay cay nhớ nhà.

Anh Cả nhìn lên tờ lịch treo trên tường:

– Vậy thứ sáu tuần sau là Tết, í vậy hôm nay là ngày đưa ông Táo về trời mình cũng phải cúng chứ.

– Bất ngờ vậy có mứt, kẹo thèo lèo cứt chuột đâu mà cúng.

– Nấu chè đi.

– Nhà có đậu, nước dừa bao giờ đâu mà chè.

Lục tung hết các ngăn tủ bếp chẳng có gì ngoài gạo, muối, đường và vài chai gia vị để nêm nếm. Trong tủ lạnh thì cả chục kilo cánh gà ông hàng xóm mới cho hôm qua. Chẳng biết trước khi có người tỵ nạn đến người dân địa phương làm gì với cánh, xương, cổ và tim gan gà. Nhưng từ khi có chúng tôi cứ mỗi tuần ông lại khệ nệ bưng cho ăn đến nỗi không cần để đồng hồ báo thức mà sáng nào cũng có tiếng gà gáy ò ó o. Thôi thì “vũ như cẩn” một tờ giấy xé ra làm bảy, năm phiếu trắng và hai phiếu “đi chợ”. Trời ơi phải chi những tờ giấy bé bé kia là số lô độc đắc thì tôi đã thành tỷ phú từ lâu lắm rồi vì lần nào tôi cũng là người may mắn bất đắc dĩ bốc trúng. Mặt ngậm ngùi, mắt rưng rưng ngấn lệ tôi và anh Tư mặc quần áo đi chợ. Ngoài trời tuyết bắt đầu rơi dày đặc, gió mạnh như muốn hất tung hai cây mía lau đáng thương, thời tiết tháng hai dân bản xứ còn sợ huống chi những người dân tỵ nạn đến từ xứ nóng.

– Tư ơi quay về thôi chứ mình đi một bước gió đẩy mình lùi hai bước, đi kiểu này biết bao giờ đến chợ?

– Rồi lấy gì cúng ông Táo?

– Mai cúng.

– Không được cúng phải đúng ngày, mày định cho ông Táo đi trễ hả. Mà Táo mình là Táo Tây ổng không quen chuyện đi trễ rồi đổ thừa kẹt xe đâu. 

– Hay mình vô Dunkin ‘ Donuts bên kia đường mua bánh ngọt đi Tư.

– Tao chưa thấy ai đưa ông Táo bằng bánh donuts bao giờ mày ơi.

– Thì đúng vậy ở bên mình cúng bánh mứt, thèo lèo cứt chuột. Nhưng bên này làm gì có những món đó. Chưa kể ông Táo Tây của mình quanh năm nhìn bánh donuts chắc cũng thèm lắm rồi. Tao tưởng tượng mình cúng thèo lèo cứt chuột ổng nghe chữ cứt chuột thôi là té xỉu quá.

Cuối cùng tôi cũng thuyết phục được Tư băng qua đường mua một hộp donuts. Về nhà cả đám xúm lại xỉ vả, tôi chạy ra vén màn cửa bảo:

– Tụi bay nhìn đi, trời như thế này đứa nào đi được tới chợ trước giờ chợ đóng cửa tao gọi là ông ngoại.

Thế là thoát không ai hó hé thêm một lời, mọi người lăng xăng bày bàn thờ. Một đĩa táo, một nải chuối, một chùm nho, sáu ly nước trà và một hộp donuts, cái ly thứ bảy đựng gạo để cắm nhang. Nhưng nhà không có nhang nên chúng tôi cắm tạm cây đũa, nhìn xa xa cũng giống như bàn thờ mẹ bày để cúng rằm. Bảy đứa xếp hàng ngang nghiêm trang thành kính khấn vái. Cúng xong mỗi đứa ngồi ôm gối thu lu một góc với nỗi buồn nhớ nhà. Thằng Năm rên rỉ:

– Tết nhất kiểu này thê thảm quá, phải làm gì cho có không khí Tết chứ tụi bay.

– Còn có một tuần nữa thôi làm gì bây giờ, mà có kịp không?

– Thì ráng trong khả năng của mình, được gì hay nấy chứ không lẽ ngồi ủ rũ như vậy?

– Mà tụi bay muốn làm gì?

– Trước tiên mình tổ chức mừng Tân niên, có văn nghệ, phát lì xì, ăn uống.

Thằng Hai Hiển cóc mở miệng hôm nay hăng lắm nói văng cả nước bọt, mọi người ngồi im nghe nó lên kế hoạch. Mà cũng rất có lý nên ai nấy đồng tình nghe theo, được thì vui mà không thì cũng chả mất mát gì. Sáng hôm sau chợ vừa mở cửa bảy thằng xông vào vét sạch các bao đậu xanh, nếp, chuối và hai vỉ thịt heo. Về đến nhà nhìn nhau cười chảy nước mắt vì làm sao gói bánh chưng, bánh tét khi không có lá chuối, dây lạt để cột? Lại họp nội các để tìm ra sáng kiến, Ba Huy vừa nghe bàn cãi vừa cắt giấy đỏ xếp bao lì xì. Thằng Năm cà pháo hí hoáy vẽ thêm nhành mai, thằng bé đang đốt pháo, cái bánh chưng và đĩa dưa hành, trái dưa hấu và hai đòn bánh tét và chữ “Chúc mừng năm mới” lên mặt ngoài của bao lì xì. Những giấy cắt dư cũng được tận dụng cuốn lại rồi lấy chỉ xâu liên kết làm phong pháo để treo trang trí. Làm bao lì xì xong thì lấy giấy vàng cắt hoa mai, viết thiệp mời các bạn Việt Nam các lớp khác, nhớ gì làm nấy thế mà cũng xong khối việc. Sau cùng bảy cái đầu húi cua cũng tìm ra biện pháp là gói bánh bằng aluminum foil và wrap plastic rồi cột bằng dây cotton. 

Giờ thì vào rừng sau nhà bẻ nhánh cây khô để gắn hoa mai, kỳ này khỏi cần bốc thăm vì đi dạo trong rừng mùa đông cũng thú vị lắm nên ai cũng muốn đi. Loay hoay chạy khắp khu rừng mới tìm được nhánh cây đẹp như ý thế là năm đứa nặng kí nhảy lên níu cành xuống đứa khác cầm dao phay chặt. Nhánh lìa thân cây thì năm tạ thịt cũng rơi lộp bộp, may mặt đất tuyết phủ dày đặc nên thịt không bị đau và bầm tím, cả đám cười vang rồi kéo chiến lợi phẩm về. Vài tiếng đồng hồ sau cây mai vàng rực rỡ được trang trí thêm những dây pháo nhỏ và bao lì xì vẽ thật dễ thương ngạo nghễ nằm giữa phòng khách. Thế thôi mà đã thấy Xuân từng bước từng bước đến rất gần. Mỗi chiều sau giờ học chúng tôi gói bánh chưng, đợt đầu gói được mười hai cái thì đủ các hình thù khác nhau méo mó sẹo xọ chỉ thiếu hình tròn như quả địa cầu mà thôi. Hôm sau gói bánh tét nhân chuối, cái dài cái ngắn có cái còn cong cong hình lưỡi liềm nữa chứ. Và dĩ nhiên không quên một nồi thịt kho trứng to tướng, dưa hành, cánh gà ướp xả ớt để nướng.  

Sáng thứ bảy tuyết vẫn rơi rơi nhưng đúng mười giờ tất cả các bạn được mời đều có mặt. 

– Chúc mừng năm mới, chúc mừng năm mới.

Những chữ nghe biết bao nhiêu lần nhưng chưa bao giờ làm mình cảm động đến nghẹn lời như lúc này. Vừa chủ nhà vừa khách chúng tôi có hai mươi hai thanh niên và sáu cô thiếu nữ. Các cô gái mang bánh ích trần, bánh bột lọc, chả giò và bánh khoai mì nướng, còn các thanh niên thì phần đông mang nước ngọt và beer. Ủa mà kỳ, từ khi các cô đến chủ nhà chúng tôi như những pho tượng vô tri bị gạt ra khỏi lãnh thổ, các cô thiểu số đã chiếm đoạt căn bếp lập khu tự trị. Cành mai hơi bị nghiêng muốn vào lấy cây đũa cả để chống cái gốc cho thẳng thì phải trả lời cả trăm câu hỏi, còn hơn công an tra hỏi sát thủ. Cũng tại thằng Ba tài lanh đã bảo chỉ mời con trai mà cãi, làm vậy kỳ quá người ta nói mình kỳ thị trọng nam khinh nữ. Đã thế tí ăn xong tôi dặn mấy đứa kia không vào bếp cho các nàng rửa chén đã luôn. Chờ mãi cũng đến giờ được ăn, cả đám hân hoan thưởng thức toàn là món ngon nhưng đất hàng nhất vẫn là bánh chưng và bánh tét. Tiệc tàn đám con trai vừa dọn xong chiến trường và lau sạch sàn nhà thì trong bếp bát đĩa cũng đã rửa sạch và lau khô chất lên tủ. Ừ làm nhiều cho mau lớn chứ em nào em nấy bé tí còn chưa biết tỉa lông mày, chưa biết đánh tí phấn cho hồng đôi má, chưa biết tô son cho môi mọng thắm, chán.

 Vì có chút vốn liếng học với anh Thi khi ở nhà nên tôi với thằng Tư An tự tin vác hai cây đàn guitar ra dạo lưng tưng bắt đầu nhạc mừng Xuân. Mấy chục ca sĩ kẻ giọng cao thánh thót, người giọng thổ trầm ấm và đặc biệt anh Cả giọng ngang phè phè như con ngan cùng hoà chung với nhau nghe hay lạ. Hát kiểu này nhạc sĩ thứ thiệt cũng không theo nổi huống chi là a ma tưa (amateur) như chúng tôi. Mà may nhờ thế không ai thẩm định được trình độ của nhạc sĩ. Sau màn hợp ca đến đơn ca theo quy luật bốc thăm, lại là bốc thăm.

Tôi lúng túng cầu trời vì thú thật tôi chỉ thuộc nằm lòng mỗi bài Quốc Ca và bài Ò e con ma đánh đu, ngay cả những bài nhạc Xuân khi nãy tôi chỉ lớn họng vài câu đầu những câu sau thì hát kiểu ăn theo mà thôi. Cầu trời mình không bị bốc trúng, nhưng…….. có những chữ nhưng thật làm người ta tan nát cõi lòng, tên tôi đang nằm êm ái trong tay Mc Năm Cà Pháo. Chẳng lẽ không khí đang náo nhiệt như thế này mà hát bài tủ “Ò e con ma đánh đu” chẳng khác gì đuổi khách. A nhớ ra rồi, cũng may người hiền lúc nào cũng được cứu lúc nguy nan còn hai bài tủ mà anh Thi hay hát đến nỗi in sâu vào ký ức nữa chứ. Ôi không ngờ bài “Căn nhà ngoại ô” đã đưa tôi lên đỉnh cao danh vọng, thiên hạ vỗ rát cả tay lại con bis bis nữa, thừa thắng xông lên tôi rên tiếp bài “Cô hàng xóm”. Các cô gái nhìn tôi ngưỡng mộ, con bé bếp trưởng tủm tỉm cười lộ hai cái lúm tiền nhìn dễ thương không còn ác như lúc làm công an chất vấn tôi khi sáng. 

Chỉ vì nụ cười của “lúm tiền” mà ngày Tết đầu tiên nơi xứ người không còn cô đơn buồn chán mà ngược lại đáng yêu làm sao. Tan tiệc tiễn em ra về tôi ngắt một hoa mai bỏ vào bao lì xì trao em coi như quà lần đầu gặp mặt. Những ngày sau đó chúng tôi cứ vô tình đi chung con đường mỗi khi tan trường, bây giờ tôi mang máng hiểu chắc lúc tôi hát “Cô hàng xóm” em tưởng tôi có chủ ý nên cười tủm tỉm. Thề có trời đất làm chứng tôi không hề biết em là hàng xóm vì thường khi tan học bọn con trai chúng tôi hay ở lại đá banh, chơi bóng rổ về rất trễ. Mùa này lạnh không đá banh về ngay lúc tan trường nên mới biết, thôi kệ coi như ông trời dun dủi cho tôi chợt nhớ ra hai bài hát tủ của anh Thi để thay lời làm quen với “lúm tiền”. Một hôm tôi làm gan sánh bước cùng em, cô nàng quay qua mỉm cười duyên dáng:

– Hi, hôm nọ ăn Tết vui không?

– Dạ vui, hôm đó anh hát hay lắm.

– Thích nhạc không?

– Dạ thích.

– Muốn học đàn không anh dạy cho.

– Dạ…… dạ muốn.

Tôi không hiểu sao em lại ngập ngừng nhưng kệ miễn là có chuyện để nói cho đỡ lúng túng chứ chẳng biết nói gì khác. Từ đó mỗi khi có dịp là tôi tận tình chỉ dạy như ngày xưa dạy thằng An, dĩ nhiên là cũng bắt đầu bằng bài “Ò e con ma đánh đu”. Đúng là minh sư xuất cao đồ, thầy dạy giỏi nên học trò tiếp thu nhanh dạy tới đâu lúm tiền hiểu tới đó mà đôi khi hình như hay hơn thầy nữa chứ. Mùa đông dài lê thê rồi cũng qua ai nấy thở phào nhẹ nhõm cộng thêm niềm vui tốt nghiệp chúng tôi tổ chức picnic, mượn sân sau nhà lúm tiền.

Đúng 10 giờ không trễ một giây tôi hân hoan thò tay bấm chuông, người mở cửa là anh Thi thầy dạy đàn của tôi. Chúng tôi vui mừng ôm nhau nhảy tưng tưng, không ngờ trái đất thiệt tròn hai anh em lại gặp nhau. Thì ra khi vừa mất nước gia đình anh đã nhanh chân chạy ngay, một trong những người tỵ nạn bằng ghe đầu tiên. Sau khi hỏi thăm tin tức quê nhà hàng xóm láng giềng và gia đình bà chủ trọ,  cuộc sống hiện tại của bảy anh em chúng tôi anh chợt hỏi:

– Dạo này Bảy có còn chơi đàn không?

Trời ơi đang vui mà anh nhắc đến đàn làm tôi đỏ mặt xấu hổ muốn độn thổ vì cái chuyện hổm giờ mình làm thầy của em gái “ông thầy”. Tôi lí nhí:

–  Dạ không có thời gian nên bỏ lâu rồi anh.

– Vậy hả khi nào rảnh qua đây anh dạy lại cho. Mà nếu anh không có nhà thì bé Hân chỉ cũng được nó đàn khá lắm có khi còn giỏi hơn anh nữa đấy vì dạo này anh đi làm suốt không có thời gian chơi nên hơi lụt nghề. 

Phải chi hồi sáng tôi đau bụng hay nhức răng không đến được thì giờ này đâu quê đến như vậy. Bà tiên ơi xin cho con đôi cánh con bay ra khỏi đây ngay, đi một nơi không ai biết mình.

 Phải chi năm ấy…… không có mùa Xuân nhỉ.

Tác giả: Lê Ka

Montreal, Canada.

Báo Trẻ Xuân Tân Sửu 2021.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *