Nói về Napoleon I – Phần 20: Tổng tài trọn đời! Trên đường đến đỉnh cao quyền lực
Tên các địa danh sẽ được in đậm để phân biệt với tên người.
Mặc dù một số người đã chỉ trích Napoleon phạm phải một số sai lầm chiến thuật trong quá trình diễn ra trận đánh, họ cũng đồng thời tung hô ông vì đã cả gan lựa chọn một chiến lược nguy hiểm cho cả chiến dịch lần này: quyết định tấn công bán đảo Italia từ phía bắc khi mà đại đa số các cuộc tấn công của người Pháp thường diễn ra từ phía tây, dọc theo bờ biển. Theo như Chandler đã chỉ ra, Napoleon mất gần 1 năm để hất văng người Áo ra khỏi xứ pizza trong chiến dịch đầu tiên. Trong năm 1800, ông chỉ mất khoảng 1 tháng để làm được điều tương tự. Thống chế và nhà chiến lược người Đức Alfred von Schlieffen đã kết luận rằng: “Napoleon không tiêu diệt kẻ thù mà đã loại trừ chính bản thân mình và quay trở lại nguyên vẹn” trong khi “giành thắng lợi trong chiến dịch: chinh phục bắc Italy”.
Chiến thắng của Napoleon tại Marengo đã củng cố vị thế chính trị của ông và càng gia tăng sự nổi tiếng của ông tại quê nhà, nhưng chiến thắng này không lập tức kết thúc được cuộc chiến. Anh trai của Napoleon, Joseph, dẫn đầu một cuộc đàm phán phức tạp tại Lunéville và báo rằng phía Áo, được khuyến khích và hỗ trợ từ Anh quốc, sẽ không chấp nhận các vùng lãnh thổ mới mà Pháp vừa chiếm được. Khi không khí bàn đàm phán càng lúc càng căng thẳng và đi vào bế tắc, Napoleon ra lệnh cho tướng lĩnh của ông, Moreau, tấn công người Áo một lần nữa. Moreaucùng quân đội của mình quét qua vùng Bavariavà giành thắng lợi quyết định tại trận Hohenlindenvào tháng 12/1800. Kết quả là người Áo đầu hàng và ký vào Hiệp ước Lunéville tháng 1/1801. Hiệp ước này lập lại và mở rộng thêm những lợi ích nước Pháp đã đạt được trong Hiệp ước Campo Formio trước đó ký trong chiến dịch xứ pizza lần 1.
Hòa bình tạm thời tại châu Âu
Sau cả thập kỷ quánh lộn ì xèo, Pháp và Anh ký kết Hòa ước Amiens tháng 3/1802, kết thúc cuộc chiến tranh Cách mạng Pháp. Amiens bắt đầu cho việc quân Anh rút lui khỏi các thuộc địa họ vừa chiếm được cũng như đảm bảo việc ngăn chặn sự bành trướng của Cộng hòa Pháp. Với việc châu Âu bước vào thời kỳ hòa bình và nền kinh tế bắt đầu phục hồi, mức độ ủng hộ dành cho Napoleon cả trong và ngoài nước đều đạt đỉnh điểm trong thời gian ông làm Tổng tài. Trong một cuộc trưng cầu dân ý vào mùa xuân năm 1802, đại đa số người dân Pháp đã đồng ý thông qua Hiến pháp biến chức Tổng tài thành nhiệm kỳ trọn đời, cũng đồng nghĩa với việc biến Napoleon thành nhà độc tài trọn đời.
Mặc dù cuộc trưng cầu dân ý hai năm về trước chỉ có khoảng 1.5 triệu người đi bỏ phiếu, lần này có tổng cộng 3.6 triệu người tham gia bỏ phiếu bầu, tức là 72% tổng số người có quyền bầu cử. Không có khái niệm bỏ phiếu kín vào năm 1802 và có lẽ ít có ai dám công khai phản đối chế độ (mà thực ra lúc này Napoleon được ủng hộ quá cao). Hiến pháp mới được 99% phiếu bầu thông qua. Quyền lực của Napoleon được ghi rõ trong Hiến pháp mới: Chương 1: Nhân danh nhân dân Pháp, Nghị viện tuyên bố Napoleon-Bonaparte là Tổng tài Thứ nhất trọn đời. Từ sau năm 1802, ông thường được nhắc đến với cách gọi Napoleon như ngày nay hơn là Bonaparte như giai đoạn trước. Trong loạt bài này, mình đã chuyển thành Napoleon để cho mọi người dễ theo dõi. Chứ các tài liệu nhắc về Napoleon trước năm 1802 đại đa số đều gọi ông là Bonaparte.
Mặc dù Napoleon nổi tiếng là một tướng quân giỏi, nhưng hòa bình không có nghĩa là ông rảnh rỗi.
Nền hòa bình mong manh tại châu Âu lúc này cho phép Napoleon tập trung vào các thuộc địa hải ngoại của Pháp. Saint-Domingue đã đạt được quyền tự trị chính trị cao trong suốt chiến tranh Cách mạng Pháp, với việc Toussaint Louverture tự phong bản thân thành nhà độc tài vào năm 1801. Napoleon đã nhìn thấy cơ hội để thu hồi lại các thuộc địa giàu có sau khi ký kết Hiệp ước Amiens. Vào thập niên 1780, Saint-Domingue là thuộc địa giàu có nhất của Pháp, sản xuất nhiều đường hơn tất cả các thuộc địa Tây Ấn của Anh quốc cộng lại. Tuy nhiên, trong thời kỳ Cách mạng, Hội nghị Quốc gia đã bỏ phiếu bãi bỏ chế độ nô lệ vào tháng 02/1794. Theo các điều khoản của Hiệp ước Amiens, Napoleon đồng ý thỏa mãn các yêu cầu của người Anh bằng cách sẽ không xóa bỏ chế độ nô lệ ở bất kỳ thuộc địa nào mà các sắc lệnh năm 1794 chưa từng được thực thi. Tuy nhiên sắc lệnh 1794 chỉ đã được thực thi tại Saint-Domingue, Guadeloupe và Guyane, và là một sắc lệnh vô nghĩa tại Senegal, Mauritius, Reunion và Martinique, nơi cuối cùng bị chiếm đóng bởi người Anh, và họ đã tiếp tục duy trì chế độ nô lệ tại các hòn đảo thuộc biển Caribbean.
Tại Guadeloupe, đạo luật 1794 đã thủ tiêu chế độ nô lệ, và nó được Victor Huguesáp dụng đầy bạo lực với những người chủ nô chống đối. Tuy nhiên, khi chế độ nô lệ được phục hồi vào năm 1802, đã có một cuộc nổi dậy của nô lệ tại đây do Louis Delgres lãnh đạo. Kết quả là Luật của ngày 20/05 đã có mục đích rõ ràng là lập lại chế độ nô lệ tại Saint-Domingue, Guadeloupe và French Guiana, và khôi phục chế độ nô lệ trên khắp Đế chế Pháp cũng như các thuộc địa vùng Caribbean thêm nửa thế kỷ nữa, trong khi việc buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương của Pháp vẫn tiếp tục thêm 20 năm nữa.
Nói tới đây, chắc chúng ta bắt đầu chê trách Napoleon như chính cái cách mà những người biểu tình quá khích của phong trào Black Live Matter đang chỉ trích các nhân vật lịch sử. Theo quan điểm cá nhân của mình, chuyện thời đó, người ta xem người da đen là nô lệ là một điều dễ hiểu. Chúng ta không thể quá khắt khe với các nhân vật lịch sử nhân loại vì họ sống ở thời đại khác chúng ta, tầm nhìn cũng như cách suy nghĩ của họ cũng sẽ khác với chúng ta. Nhìn lại lịch sử phương Đông, tư tưởng “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu – Vua xử bề tôi chết mà không chết là bất trung; Cha xử con chết mà không chết là bất hiếu” hay “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử – Phụ nữ ở nhà theo cha, gả rồi thì theo chồng, chồng chết theo con trai” vân vân và mây mây. Những tư tưởng này cũng khá tương đồng với tư tưởng người da đen là hạ đẳng, chỉ xứng đáng làm nô lệ của người da trắng phương Tây khi cả thiên hạ đều là nô lệ của vua, vua muốn ai chết người đó phải chết, hay phụ nữ cũng chỉ là vật phụ thuộc của người đàn ông trong gia đình.
Thử tưởng tượng, bạn là một người da trắng tại châu Âu vào thời kỳ đó, văn minh và tiến bộ, vũ khí mạnh mẽ hơn hẳn những người da đen, mặc dù họ cũng là người, nhưng bạn có đặt họ ngang hàng với bản thân hay không? Kể cả người Việt chúng ta còn có phân biệt vùng miền, phân biệt dân tộc, nên việc trong lịch sử, các danh nhân họ cũng không phải thánh thần mà có thể hoàn hảo được. Hy Lạp cổ đại xem quan hệ đồng tính là chuyện rất đỗi bình thường, sau đó văn minh đi lên, nhân loại kỳ thị quan hệ đồng tính, rồi đến hiện tại chấp nhận quan hệ đồng tính tại nhiều nơi trên thế giới, khó nói, lúc trước văn minh chúng ta thục lùi so với Hy Lạp cổ đại? Việc gì cũng có hai mặt, biểu tượng âm dương mà còn trong âm có dương trong dương có âm cơ mà.
Tản mạn như vậy để chúng ta hãy khách quan hơn trong việc nhìn nhận lịch sử, đừng để một lúc nào đó nóng máu chúng ta lại đi đập đổ tượng như bên trời tây mấy tháng qua. Văn minh không phải là ăn hay không ăn thịt chó, thịt cá heo, thịt cá voi… văn minh theo mình là luôn cư xử đúng mực và không phán xét người khác theo ý kiến chủ quan của bản thân. Theo các phần của loạt bài viết này, đến nay, đã có vài lần Napoleon không hoàn hảo, chứng tỏ ông là một con người chứ không phải thần thánh: bắn đại bác vào người Pháp bảo hoàng nổi loạn tại Paris, tàn sát người tham gia nổi loạn tại Ý trong chiến dịch Italia lần thứ nhất, ngoại tình trong khi viễn chinh ở Ai Cập, bỏ lại binh sĩ ở Ai Cập và về Pháp, và lần này, là thiết lập lại chế độ nô lệ (tất nhiên trong bối cảnh lịch sử này, chế độ nô lệ đối với người phương Tây vẫn rất bình thường và hiển nhiên như cân đường hộp sữa).
Napoleon đã cho một đội quân viễn chinh dưới sự chỉ huy của em rể mình là tướng Leclerc để lập lại quyền kiểm soát tại Saint-Domingue. Mặc dù quân Pháp thành công chiếm được Toussaint Louverture, quân viễn chinh vẫn thất bại khi họ chịu thiệt hại nặng nề từ dịch bệnh (y chang lần viễn chinh Ai Cập), và Jean-Jacques Dessalines (tướng phía quân địa phương nổi dậy) đánh thắng một loạt trận đánh, đầu tiên là thắng Leclerc, và sau khi ông em rể Napoleon này chết vì sốt vàng da, ông lại thắng Donatien-Marie-Joseph de Vimeur, tử tước xứ Rochambeau, vị tướng được Napoleon gửi đến thay thế cho Leclerc với 20,000 quân tiếp viện (nói thiệt, mấy cha nội này ăn hại vãi ra). Vào tháng 05/1803, Napoleon được thông báo về việc người Pháp bại trận, và cuối cùng chỉ 8,000 lính Pháp rời khỏi hòn đảo, cũng như những người nô lệ đã tuyên bố một nền Cộng hòa độc lập mà sau này họ gọi là Haiti vào năm 1804. Trong quá trình này, tướng Dessalines trở thành một trong những chỉ huy quân sự thành công nhất trong việc giao tranh với nước Pháp dưới thời Napoleon. Nhận thấy thất bại trong các nỗ lực về thuộc địa của mình, Napoleon quyết định bán vùng Lãnh thổ Louisiana của Pháp tại Bắc Mỹ cho Hoa Kỳ vào năm 1803, ngay lập tức khiến diện tích nước Mỹ tăng gấp đôi. Giá bán cho toàn lãnh thổ Louisiana là 15 triệu đô, tương đương ít hơn 3 cent một mẫu Anh (0.4 ha). Nếu quy đổi ra đô la Mỹ ngày nay là khoảng 305 triệu đô theo thời giá năm 2017, quy ra tiền Việt là 13,725 đồng cho 4,000 mét vuông đất (rẻ như cho, giờ đất Sài Gòn đụng vô cái là toàn tiền tỷ hahaha).
Hòa bình với nước Anh đến không hề dễ dàng và có nhiều tranh cãi xung quanh nó. Người Anh đã không rời khỏi Malta như họ đã hứa và phản đối việc Napoleon chiếm đóng Piedmontvà Quyết định Act of Mediation ban hành vào ngày 19/01/1803 của ông trên cương vị Tổng tài Thứ nhất của Pháp, quyết định này đã thành lập liên bang Thụy Sĩ. Quyết định này cũng coi như là hủy bỏ nền Cộng hòa Helvetic tồn tại tại Thụy Sĩ cho đến năm 1798 khi quân Pháp tấn công Thụy Sĩ. Cả hai vùng lãnh thổ Piedmontvà Thụy Sĩ đều không nằm trong Hiệp ước Amiens, nhưng nó đã làm gia tăng căng thẳng đáng kể giữa Anh và Pháp. Căng thẳng lên đến tột đỉnh khi Anh tuyên chiến nước Pháp vào tháng 05/1803; Napoleon đáp trả bằng cách tái khởi động lại khu quân sự tấn công Anh tại Boulogne.
Thời gian là năm 1803 và chỉ còn một năm nữa, Napoleon sẽ trở thành Hoàng đế nước Pháp. Beethoven đã soạn bản giao hưởng số 3 “Sinfonia Eroica – Heroic Symphony – Bản giao hưởng Anh hùng” dành tặng cho Napoleon, người ông thần tượng và gọi là “người hùng của nền dân chủ” và “Tổng tài vĩ đại nhất của Rome”. Tại trang bìa, Beethoven đã đề “Sinfonia intitolata Bonaparte – Symphony entitled Bonaparte – Bản giao hưởng đề tặng Bonaparte”. Nhưng chỉ một năm sau, khi Napoleon lên ngôi hoàng đế, khi Beethoven biết tin, ông đã nổi cơn thịnh nộ: “Vậy ra hắn ta cũng chỉ là một người thường! Bây giờ, hắn ta sẽ chà đạp tất cả các quyền con người, thỏa mãn tham vọng của bản thân; bây giờ hắn sẽ nghĩ bản thân hơn hết những người khác và trở thành một bạo chúa!”. Beethoven đã xé bỏ đoạn đề tặng của mình và đổi tên bản giao hưởng thành Sinfonia Eroica – Bản giao hưởng Anh hùng. Về sau, bản giao hưởng này được xuất bản với tựa đề tiếng Ý là: Sinfonia Eroica … composta per festeggiare il sovvenire di un grande Uomo – Heroic Symphony, Composed to celebrate the memory of a great man – Tạm dịch: Bản giao hưởng Anh hùng, sáng tác để tưởng nhớ về một con người vĩ đại.
Bản thân cá nhân mình, thì một người khi đạt đến đỉnh cao quyền lực rồi, chuyện xưng hoàng đế có thể hiểu được, dù sao thời đó và thậm chí là thời nay ai chả muốn làm vua. Quan điểm cá nhân của mình là tập quyền như chế độ quân chủ chuyên chế, có hoàng đế như Napoleon là khá tốt, vì khi như vậy, đất nước sẽ hoàn toàn làm theo lời lãnh đạo, mà với một lãnh đạo tốt hay vĩ đại, có tầm nhìn xa rộng, thì đất nước sẽ phát triển vượt bật. Còn chế độ dân chủ thì chúng ta đã nhìn thấy nước Mỹ rồi, 8 năm đời tổng thống Obama làm nhiều thứ, nhiều di sản để lại đến đời tổng thống Trump phá hết. Tuy nhiên nếu vua hay hoàng đế mà ngáo đá thì đất nước lại khổ, trong khi dân chủ dù cho đời này tổng thống hay thủ tướng ngáo đá thì còn có thể thay đổi người lãnh đạo để khắc phục.
Các bạn bình luận dữ quá nên mình thêm vô dòng này: Trump phá di sản của Obama không có nghĩa là Trump sai, Obama đúng. Mình chỉ đang nhấn mạnh việc dân chủ khiến do thay đổi người lãnh đạo mà đường lối nhiều khi chồng chéo nhau. Chỉ có thời gian mới có thể trả lời rốt cuộc làm vậy là đúng hay sai. Mà như mình có nói, thế giới phức tạp hơn chuyện đúng và sai nhiều, chẳng có gì đúng hoàn toàn hay sai hoàn toàn như 1+1=2 cả. Bài này nói về Napoleon, và đoạn đó chỉ đơn giản là một ví dụ về dân chủ và quân chủ mà thôi nhé.
Thôi hẹn các bạn ở phần sau, cùng nhau xem anh Na lên ngôi và bắt đầu quá trình chống ngoại xâm theo phong cách đánh trước chứ không thủ của ảnh. Còn hiện tại Cô Vy đang hoành hành lại, mọi người chú ý giữ sức khỏe nhé.
Link bài giao hưởng số 3 – “Anh hùng” của Beethoven: https://www.youtube.com/watch?v=InxT4S6wQf4
Hết phần 20.
#Napoleon #Napoleonphan20