Nỗi đau HÙN HẠP

Có nhỏ học trò nó trách tui, sao trong muôn vàn cái ” nỗi đau” tui đã liệt kê ra trước giờ, phân tích các nguyên nhân, đưa ra mọi giải pháp… lại thiếu cái nỗi đau của nó, trong khi cái nỗi đau đó lại rất phổ biến ở Người Việt!!! 

Tui biết chớ, cũng muốn nói ra lắm chớ, nhưng tại vì suy nghĩ hoài chưa ra cái tên gọi sao cho đúng cái căn bệnh này nên chưa viết được thôi.

Chợt sáng nay, Saigon bỗng thênh thang hơn sau 1 đêm Noel nghẹt cứng mọi nẻo đường, nhìn những hình ảnh cây thông, hộp quà, cây kẹo…  trong cái không khi se lạnh, thấy đời nó ngọt ngào hẳn ra, chợt bật ra ý tưởng cho cái tên gọi chính xác của căn bệnh, của nỗi đau này là ” Nỗi đau ngọt ngào”. 

Nếu so với văn hóa, đời sống, ngôn ngữ… giữa Phương Đông và Phương Tây, chúng ta dễ dàng nhận ra sự khác biệt, đối nghịch, ngược nhau ở nhiều phương diện, đặc biệt là ở đời sống và ngôn ngữ. Và luôn bắt đầu từ giáo dục, gia đình ra đến xã hội. Từ đó nó hình thành nên tính cách, tư duy, quan điểm, ứng xử… trái ngược nhau rất nhiều.

Quốc gia nào, dân tộc nào cũng luôn phải chịu một áp lực giữ gìn bản sắc giữa thời đại THẾ GIỚI PHẲNG, người ta thường lấy cái lý do duy trì Bản sắc để nuôi dưỡng những điều giá trị,  lẫn vào đó là những thứ giá trị LỖI THỜI vẫn tiếp tục được duy trì, nó núp dưới danh nghĩa ” bản sắc, truyền thông, văn hóa dân tộc…” nó được bảo bọc bởi những hệ thống tư duy bảo thủ, an toàn. 

Tuy nhiên, ở cái THẾ GIỚI PHẲNG, ở cái thời đại 4.0, cái tư duy bảo thủ, tư duy an toàn chính là lực cản trong sự hội nhập và phát triển toàn cầu, từ đó nó sinh ra rất nhiều nỗi đau.

Và cái nỗi đau có tên gọi vừa nêu ở trên nó vẫn được quen gọi là: HÙN HẠP !!!

Vậy HÙN HẠP có cần thiết cho sự phát triển không? Câu trả lời là CÓ !

Vậy sao nó lại mang lại nhiều nỗi đau? Tại sao nó không phát huy được giá trị của nó, mà lại khiến cho người ta khổ sở với cái cảnh ” Bỏ thì thương – Vương thì tội” 

Thường thì tâm lý chung, khi quyết định hợp tác với nhau là do người ta… cần nhau, cần bổ khuyết cho nhau lẫn tận dụng thế mạnh của nhau, họ luôn nghĩ về những điều tốt đẹp từ mối quan hệ ấy, những cặp mắt của họ thường tập trung vào túi tiền của khách hàng mà họ tưởng tưởng rằng rất dễ dàng để lấy về lợi nhuận. Để đến khi cái doanh nghiệp được xây dựng trên nền móng bằng 1 thứ duy nhất là Niềm tin bắt đầu được triển khai, gầy dựng, khi họ phải bỏ ra rất nhiều thứ từ tiền của, công sức và thời gian, thì chính từ lúc những vết rạn nứt nó bắt đầu xuất hiện, bởi sự ràng buộc chỉ là những lời hứa, những cái gật đầu, những cái bắt tay vội vã… nó không đủ để trở thành chất keo kết dính họ lại với nhau, khi ấy những đội mắt của họ lại nhìn vào túi của nhau, liều thuốc độc có tên “Vị Nể” xuất hiện, nó sẽ gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như ức chế, tổn thương, nghi kị, chịu đựng lẫn nhau, rồi bùng nổ sự cãi vã, bỏ mặt nhau rồi … nghỉ chơi!

Vậy khi đó, ” đứa con chung” kia nó đi về đâu??? 

Đừng đợi đến khi nỗi đau này nó phá toang đi các mối quan hệ quí giá của mình, nó khiến bạn bị giằng xé như nhỏ học trò kia rồi mới đi tìm thuốc giải. 

Lời khuyên: 

Hãy nghiêm túc và khôn ngoan khi chọn đúng bạn đồng hành, mối quan hệ hợp tác này nó phải được thể hiện đầy đủ trên “giấy trắng – mực đen – con dấu đỏ” bằng những MOU, bằng những khế ước hợp tác, bằng nhưng liệt kê chi tiết vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ lẫn nhau, bằng những cam kết đầy đủ đúng luật.

Khi triển khai đứa con chung ấy, hãy ngay lập tức tìm cho mình một đối tác có chuyên môn, kinh nghiệm và năng lực đứng ra tư vấn lẫn triển khai dự án cho mình, điều này giúp bạn tránh sa đà vào việc tranh cãi các quan điểm cá nhân từ góc nhìn chủ quan của người… ngoại đạo.

Hoặc tối thiểu thì phải thuê 1 người quản lý cái dự án của mình, với kinh nghiệm và chuyên môn sẵn có của họ, họ sẽ đứng ở vị trị trí trọng tài, giúp các bên nhìn rõ hơn cái nghề này để hạn chế những sai xót, rủi ro. Rồi khi dự án đi vào hoạt động, họ sẽ tập trung vào việc vận hành, bạn chỉ việc giám sát vào cái tiến trình lẫn kết quả, có bạn mới thực sự là Hùn – Hạp 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *