Những sự cố tai nạn máy bay nào khiến bạn không bao giờ quên?

Vừa nhìn thấy câu hỏi này… trong lòng tôi đã rất sốc, vì có một câu chuyện về vụ tai nạn hàng không của một nhà khoa học Trung Quốc xảy ra cách đây 45 năm trước, sau khi tôi biết được câu chuyện này thì tôi mãi mãi không bao giờ quên được.

Nếu như bạn đã từng đến Bắc Kinh, chắc hẳn bạn sẽ biết mùa đông ở Bắc Kinh lạnh giá đến mức độ nào, mùa đông Bắc Kinh mang đến cho con người ta cảm giác trắng toát đến ảm đạm và nặng nề. Không khí thành phố Bắc Kinh vào rạng sáng ngày 5 tháng 12 năm 1968 chính là như vậy, bình minh ngày hôm đó vừa ló dạng từ phía đông, trong ánh sáng xen lẫn một chút sương trắng.

Thời điểm đó, sân bay thủ đô Bắc Kinh đã được đưa vào sử dụng vào ngày 2 tháng 3 năm 1958, là sân bay dân dụng đầu tiên được xây dựng và đưa vào sử dụng sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và cũng là sân bay thứ tư trong lịch sử Trung Quốc mở các đường bay quốc tế (Ba đường bay quốc tế đầu tiên là Thượng Hải Long Hoa năm 1926, Côn Minh Vu Gia Bá năm 1937 và Trùng Khánh Bạch Thị Dịch năm 1939)

Sân bay thủ đô nằm ở huyện Thuận Nghĩa, khi đó nó vẫn thuộc Hà Bắc. Sau đó, Thuận Nghĩa thuộc quyền quản lý của Bắc Kinh, và sân bay này thuộc sở hữu của quận Triều Dương, vì vậy, sân bay Thủ đô nằm trên đất của Thuận Nghĩa, nhưng thuộc về Triều Dương. Nhưng đây là chuyện của một vài thập kỷ sau đó.

Lại nói về rạng sáng ngày 5 tháng 12 năm 1968, bình minh thành phố Bắc Kinh trắng xóa, lạnh lẽo thấu xương, khoảng 6 giờ sáng, người dân sinh sống gần sân bay Thủ đô nghe thấy một tiếng nổ lớn, sau đó là một quả cầu lửa khổng lồ và khói đen dày đặc, bay thẳng lên bầu trời, khiến làn sương trắng tỏa ra màu đỏ như màu máu, rồi người ta loáng thoáng biết được rằng có một chiếc máy bay nhỏ đã bất ngờ gặp nạn khi chuẩn bị hạ cánh. Rơi thẳng xuống bãi ngô gần sân bay.

Hiện trường vô cùng khủng khiếp, xác máy bay rải rác khắp nơi, 13 thi thể cháy đen nằm ngổn ngang khắp chốn, không thể nhận dạng, thậm chí thân thể và tứ chi của họ cũng vương vãi các nơi nên rất khó mà xác định. Sau đó một nhóm binh sĩ Giải phóng quân đã được điều động đến đây, trong không khí tản ra mùi thịt cháy khiến người khác buồn nôn. Rõ ràng, khó mà có ai còn sống sót trong tình huống này. (Người sống sót duy nhất sau đó đã bị thương rất nặng)

Nhưng trong trường hợp này, ánh mắt mọi người đồng loạt tập trung vào một nơi, vì trong tình huống như vậy quả thật quá bất thường: Có hai cơ thể cháy đen ôm chặt lấy nhau. Hai cái xác đã cháy đen như than hoàn toàn không thể nhận diện, nhưng họ vẫn giữ nguyên tư thế ôm chặt lấy nhau.

Nhiều chiến sĩ trẻ tuổi đã bàng hoàng trước hình ảnh này, ai nấy đều đứng chết lặng như tờ. Sau khi ngài thủ trưởng xuất hiện, mọi người mới có đủ can đảm để cố gắng tách họ ra. Họ ôm nhau rất chặt, hơn nữa do bị đột tử, nên thi thể của họ gặp phải hiện tượng co cứng tử thi. Khi tách rời họ, phải dùng rất nhiều sức, cứ như đang tách một khối than gỗ lớn vậy, do họ quấn chặt vào nhau, nên trong khi tách họ ra liên tục phát ra âm thanh rắc rắc.

Cuối cùng sau nhiều nổ lực “ầm” một tiếng bọn họ đã bị tách ra, tất cả mọi người có mặt tại hiện trường lập tức ong ong hết cả đầu, cảm thấy một sự trống rỗng, thời gian như đông cứng lại, ai cũng không ai thốt nỗi lời nào, bởi vì sau khi tách ra, bọn họ vô cùng kinh ngạc phát hiện ra giữa ngực hai thi thể này, là một chiếc cặp da, tuy hơi cháy nhưng vẫn còn nguyên vẹn dưới nổ lực che chở của hai thi thể ôm chặt lấy nhau này, sau khi mở cặp da ra: một tập văn kiện số liệu thử nghiệm tên lửa nhiệt hạch vẫn còn nguyên vẹn.

Trông thấy mọi thứ trước mắt khiến những người lính tiếp viện ở hiện trường xúc động không kiềm được nước mắt đều quỳ xuống đất thể hiện sự kính trọng, thì ra hai thi thể đó chính là Phó giám đốc Viện Cơ học của họ: Quách Vĩnh Hoài và viên cảnh vệ của ông ấy Mâu Phương Đông.

Mãi đến những năm 1980, công nghệ giám định DNA mới được phát minh và ứng dụng vào việc giám định và nhận dạng các thi thể bị hủy hoại. Quách Vĩnh Hoài và viên cảnh vệ của ông Mâu Phương Đông đã sớm bị hỏa thiêu để an táng nên không thể nào xác định được, phương pháp để nhận ra họ trong những năm ấy là, căn cứ theo lời khai tài xế của Quách Vĩnh Hoài.

Theo Thiệu Xuân Quý (tài xế của Quách Vĩnh Hoài): Làm sao để nhận định thi thể nào là Quách Vĩnh Hoài? Năm đó ông ấy đã ngoài 59 tuổi, mái đầu hoa râm, tóc sau gáy đều bạc trắng cả, do tử vong trong tư thế nằm nên cả phần sống lưng không bị cháy hết, vẫn còn sót lại một ít tóc, nên có thể nhận định là ông ấy.

Ba người đầu tiên nhận được tin tức về cái chết của Quách Vĩnh Hoài, chính là ba người quan trọng nhất trong cuộc đời ông ấy.

Người đầu tiên là vợ ông ấy – bà Lý Bội, năm đó Lý Bội vẫn đang công tác ở Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ở Hợp Phì và được gọi về Bắc Kinh bằng một bức điện khẩn cấp. Nghe nói, sau khi nhận được tin dữ bà ấy lặng thinh không thốt nên lời, quả thật là kiên cường nuốt nước mặt ngược vào trong.

Năm đó, Lý Bội thuyên chuyển theo đơn vị công tác tức Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đến làm việc ở thành phố Hợp Phì tỉnh An Huy, sau khi bà nhận được bức điện báo khẩn cấp từ viện, vội vàng bắt chuyến tàu sớm nhất về Bắc Kinh ngay trong đêm, ngay khi bà bước chân vào cửa nhà đã cảm nhận được sự khác thường, cấp trên và đồng nghiệp của ông Quách đều đứng đầy cả phòng, trên bàn trà bày một cặp kính râm đen và một đồng hồ bỏ túi, khi cấp trên thông báo cho Lý Bội tin về vụ tai nạn máy bay, bà ấy không rơi một giọt nước mắt nào. Khi phỏng vấn, cháu gái của Lý Bội người luôn túc trực bên cạnh bà ấy, hồi tưởng lại tình hình lúc đó, cô nói: “Dì tôi đứng trên ban công cứ nhìn về phương xa rất lâu rất lâu mà không nói một lời…”

Người còn lại là Thủ tướng Chu Ân Lai, người phụ trách cao nhất các vụ thử nghiệm hạt nhân của Trung Quốc.

Theo như hồi tưởng sau này của các nhân viên công tác ở Quốc vụ viện, tin tức về tai nạn máy bay của Quách Vĩnh Hoài được thông báo đến Quốc vụ viện sớm nhất, Thủ tướng Chu Ân Lai đã nức nở nghẹn ngào và im lặng một lúc lâu.

Và còn một người là “đàn anh” thân thiết như anh em ruột thịt của ông – Tiền Học Lâm, sau khi Tiền Học Lâm nhận được tin tức về cái chết của Quách Vĩnh Hoài đã khóc thương thảm thiết không thôi cho người anh em tri kỷ xấu số.

“Đúng vậy! Chỉ trong vòng 10 giây ngắn ngủi như vậy thôi! Một con người có sinh mệnh, có trí tuệ, một nhà lực học và toán học ứng dụng ưu tú nổi tiếng toàn Thế giới đã ra đi như vậy: Sự sống và cái chết, chỉ cách biệt trong vòng 10 giây ngắn ngủi vậy thôi.” (trích mặt sau “Văn tập Quách Vĩnh Hoài”)

Vào ngày thứ 22 sau khi Quách Vĩnh Hoài qua đời, thử nghiệm quả tên lửa nhiệt hạch đầu tiên của Trung Quốc đã thành công. Hai năm sau đó tức ngày 24/4/1970, Trung Quốc phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên.

Quách Vĩnh Hoài là một trong những người đặt nền móng cho ngành lực học cận đại của Trung Quốc và là người tiên phong trong nghiên cứu về động lực khí, đồng thời là phó chủ tịch của Viện nghiên cứu hạt nhân. Hết thảy có 23 người có đóng góp lớn trong dự án “Hai đạn một tinh” , giai đoạn đầu “Hai đạn một tinh” là dự án của ba hạng mục [bom nguyên tử], [tên lửa] và [vệ tinh nhân tạo], trong cả 3 hạng mục, chỉ có Quách Vĩnh Hoài là người duy nhất cống hiến cho cả 3 hạng mục. Ông cũng là nhà khoa học duy nhất được truy tặng Huân chương liệt sĩ trong dự án “Hai đạn một tinh”.

Tái bút:

Trên thực tế, tư liệu về Quách Vĩnh Hoài, do tính chất công việc của ông ấy, vì vậy thông tin được công bố về ông đến nay toàn bộ đều là các bài báo của chính phủ, nên tất cả những gì tôi có thể làm là tìm từng chút manh mối từ các bài báo chính thức, trong bài phỏng vấn của mình bà Lý Bội cũng từng nói rằng, về việc ông Quách Vĩnh Hoài chết như thế nào, chỉ đến những năm gần đây bà ấy mới biết được từ các bài báo, trước đó, ngay cả vợ của ông ấy cũng không được biết chi tiết về vụ tai nạn máy bay của ông.

Ngay cả những gì ông Quách làm trong công việc, ông cũng chưa bao giờ kể với vợ, sau vụ thử nghiệm nổ hạt nhân bà Lý Bội kỳ thực chỉ biết rằng ngày hôm đó ông ấy rất vui mừng, còn mời bạn bè đến nhà ăn mừng, nhưng khi bà ấy hỏi tại sao ông lại vui mừng như vậy, thì ông ấy lại không hở ra một lời.

Kể cả việc máy bay xảy ra sự cố ở sân bay Tây Giao hay sân bay Thủ đô đến nay vẫn còn là một bí ẩn, chỉ có thể nói rằng cho đến hiện tại tôi hoàn toàn không thể tìm thấy 90% tư liệu về những nghiên cứu của ông ấy, và không có bất kỳ hồi ký hay sách nào về ông cả.

Kể cả người sống sót duy nhất trong tai nạn máy bay đó cũng là một bí ẩn, có tài liệu nói rằng không còn một ai sống sót sau vụ tai nạn, tuy nhiên trong bài phát biểu chào mừng tân sinh của khoa nghiên cứu sinh viện Khoa học Trung Quốc năm 2011, lại đề cập đến lời khai của “người sống sót” trong ghi chép “Khắc ghi chức trách, dũng cảm cống hiến” của buổi lễ khai giảng của khoa Nghiên cứu sinh viện Khoa học Trung Quốc niên khóa 2011

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *