NHỮNG NỮ DIỄN VIÊN ĐẠI DIỆN CHO MỘT THỜI HOÀNG KIM 80s-90s CỦA ĐIỆN ẢNH HOA LỤC- HƯỞNG CẢNG- ĐÀI BẮC: MẠN THẦN- CỦNG HOÀNG- HÀ ĐẾ- TRẦN XUNG/ Ô QUÂN MAI

Mạn Thần tức Trương Mạn Ngọc, cô bước vào giới giải trí với thân phận Á Hậu cuộc thi Miss HongKong. Trải qua 30 năm sự nghiệp có thể nói cô đã trở thành một ngôi sao thế giới, tượng đài của điện ảnh châu Á, ảnh hậu của những ảnh hậu. Là nữ diễn viên châu Á đầu tiên đạt Prix d’interprétation féminine của LHP Cannes, là nữ diễn viên châu Á thứ hai đạt Gấu Bạc diễn viên xuất sắc nhất của LHP quốc tế Berlin sau Kinuyo Tanaka, giữ kỷ lục về số lần đăng quang ảnh hậu tại Kim Mã (4 lần), Kim Tượng (5 lần)….Và như đã thấy chỉ với hai lần đăng quang “ảnh hậu” 2/3 LHP danh giá nhất thế giới đã đủ làm người ta choáng ngợp khi nói về Mạn Thần. Những giải thưởng vô tiền khoáng hậu đã nói lên tài năng thiên bẩm của một người vốn không được đào tạo qua trường lớp về diễn xuất như cô. Với gương mặt hơi góc cạnh cùng đôi mắt to tròn, long lanh như ngọc, Maggie Cheung đã từng bước chinh phục những vai diễn khác nhau. Bước đột phá lớn đầu tiên trong điện ảnh của Mạn Thần chính là tác phẩm đầu tay của Vương Gia Vệ “Vượng Giác Ca môn” đóng cùng hai thiên vương Trương Học Hữu, Lưu Đức Hoa và tác phẩm “toàn sao” “Đồng Tà, Tây Độc” cùng với Trương Quốc Vinh, Vương Tổ Hiền, Lâm Thanh Hà, Lương Triều Vỹ, Lưu Gia Linh, Lương Gia Huy…. Nhưng đỉnh cao nhất của Trương Mạn Ngọc có lẽ phải kể đến tác phẩm “Nguyễn Linh Ngọc” kể về cuộc đời của huyền thoại điện ảnh Ruan Lingyu, trở thành Holly Golightly của Hương Cảng trong “Bất Thoát Miệt Đích Nhân”, khiến cảnh khóc của Lý Kiều trong “Điểm Mật Mật” thành kinh điển, hay trở thành tượng đài với hình ảnh quý bà Trương cùng bộ sườn xám đậm chất thơ trong “In the Mood for Love” và đạt đỉnh cao nghệ thuật với vai cô gái nghiện ngập trong “Clean”.
Củng Hoàng tức Củng Lợi, thời hoàng kim hào quang rực rỡ nhất của Củng nữ hoàng gắn liền với những tác phẩm đỉnh cao của Trương Nghệ Mưu nhưng cô cũng góp mặt trong những danh tác điện ảnh của Trần Khải Ca. Sở hữu đường nét gương mặt sắc sảo, mạnh mẽ, Củng Lợi đã làm nên thương hiệu với những nhân vật gai góc, lanh lợi có cuộc đời đầy bi thương. Như nhân vật Cúc Đậu với câu chuyện gây ám ảnh trong tác phẩm cùng tên- bộ phim này đã trở thành tác phẩm Trung Hoa đầu tiên được đề cử giải Oscar cho hạng mục “Phim nước ngoài xuất sắc nhất”. Tiếp theo đó, cô thành công rực rỡ với vai Tùng Liên trong tác phẩm đạt Sư tử bạc và đề cử Oscar “Đèn lồng đỏ treo cao”. Ở tác phẩm này, tên tuổi Củng Hoàng đã bay xa như diều gặp gió khi cô khắc hoạ rõ nét kiếp đời như liễu trước gió của phận nữ nhi thời xưa cũ. Đỉnh cao nghệ thuật của Củng Lợi phải kể đến vai Thu Cúc trong tác phẩm đạt Sư tử vàng “Thu Cúc đi kiện”. Nhân vật người đàn bà đậm chất nông thôn Thu Cúc vô cùng đôn hậu lại gan lỳ, cố chấp cùng hành trình đi thực hiện cái mà cô gọi là “công lý” đã đem về cho đại minh tinh Củng Lợi Cúp Volpi cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất của LHP Venice- LHP lâu đời nhất và lần đăng quang ảnh hậu Kim Kê đầu tiên. Ngoài ra một tác phẩm kinh điển khác phải kể đến của Trương Nghệ Mưu là “Cao lương đỏ” dành giải Gấu vàng. Trong đó, Củng Lợi thể hiện xuất sắc vai Cửu Nhi vừa mạnh mẽ lại vừa bẽn lẽn, ngây thơ. Điều đặc biệt ở một “Mưu nữ lang” như Củng Hoàng chính là cô có mặt trong nhiều danh tác của Trần Khải Ca: là một phần của bộ ba huyền thoại Điệp Y-Cúc Tiên-Tiểu Lâu trong đại danh tác điện ảnh- Cành cọ vàng duy nhất của Trung Hoa “Bá vương biệt Cơ”, đóng cặp với Trương Quốc Vinh trong “Phong Nguyệt”và góp mặt trong “Hoàng đế và thích khách”.
Hà Đế tức Lâm Thanh Hà, giải thưởng của nữ diễn viên này có thể không đồ sộ bằng hai người kể trên nhưng diễn xuất lẫn nhan sắc của cô là điều không thể phủ nhận. Cô vụt sáng thành sao với tác phẩm “Song ngoại” chuyển thể từ tiểu thuyết của Quỳnh Dao, vai diễn nữ sinh trong trẻo Giang Nhạn Dung như được “đo ni đóng giày” cho thiếu nữ Thanh Hà đang ở độ tuổi 18 lúc bấy giờ. Đỉnh cao nghệ thuật của Lâm Thanh Hà là tác phẩm “Cổn cổn hồng trần” về những người phụ nữ dành cả cuộc đời cho một người đàn ông. Người thì c hết theo người yêu khi anh ấy chết vì lí tưởng của mình: “Anh ấy hy sinh vì lý tưởng của mình, em hy sinh vì anh ấy”, người thì sẵn sàng nhường tấm vé đến Đài Bắc cho người đàn ông đã từng không chung thuỷ với mình để bản thân ở lại Đại lục rơi vào tình cảnh thừa sống thiếu c hết. Vai diễn Thẩm Thiếu Hoa vừa thơ ngây, cá tính vừa quyến rũ, bi luỵ trong “Cổn cổn hồng trần” đã đưa Lâm Thanh Hà thành ảnh hậu Kim Mã năm 1990. Vai diễn ấn tượng khác của Lâm Thanh Hà là vai Dương Huệ Mẫn trong “Tám trăm tráng sĩ” giúp cô giành giải “nữ diễn viên xuất sắc nhất” của Asia-Pacific Film Festival. Còn trong các tác phẩm kiếm hiệp, người ta không thể không nói tới vẻ đẹp phi giới tính của Lâm Thanh Hà, chính vẻ đẹp ấy đã giúp cô tạo nên một hình tượng Đông Phương Bất Bại kinh điển, không thể thay thế trong “Tiếu ngạo giang hồ: Đông Phương Bất Bại”. Và nói đến vẻ đẹp phi giới tính của Hà Đế thì lại không thể không kể đến vai diễn Tào Vân trong “Đao Mã Đán”, tạo hình của Lâm Thanh Hà trong tác phẩm này đến nay vẫn được hậu thế bàn luận bởi vẻ đẹp khó lòng diễn tả. Lâm Thanh Hà đóng rất nhiều phim, cô ghi tên mình vào điện ảnh châu Á bằng những tác phẩm hiện đại như vai diễn sát thủ tóc vàng trong danh tác điện ảnh “Trung Khánh sâm lâm” của Vương Gia Vệ hay bộ phim hành động “Câu chuyện cảnh sát” của Thành Long. Nhưng có thể nói Hà Đế có đóng góp to lớn hơn rất nhiều với thể loại kiếm hiệp thần thoại qua những vai diễn trong “Đồng Tà, Tây Độc”, “Bạch Phát Ma Nữ truyện”, “Tân Long Môn khách sạn”, “Lục Chỉ Cầm Ma”, “Hoả Vân truyền kỳ”…
Và cuối cùng, vào năm 2022, hẳn rất nhiều người lướt tik tok đã thấy những đoạn phim về Tuyên Thống đế Phổ Nghi. Những thước phim ấy vốn được cắt ra từ tác phẩm “kinh điển của kinh điển” đạt 9 đề cử Oscar cách đây 35 năm mang tên “Hoàng đế cuối cùng”. Bộ phim như là khởi đầu cho cơn bão của diễn viên Trung Hoa kéo vào Hollywood những năm cuối thập niên 80 đầu thập niên 90. Mà tiếp sau đó là những phim như “Cúc Đậu”, “Bá vương biệt Cơ”, “Đèn lồng đỏ treo cao”… mở ra thời kì hoàng kim bởi thế hệ nghệ sĩ vàng trăm năm có một đưa nền điện ảnh Hoa Lục- Hương Cảng- Đài Bắc vang danh năm châu bốn bể. Ở tác phẩm “Hoàng đế cuối cùng”, người ta ngoài nói về huyền thoại Tôn Long còn là về vẻ đẹp của Hoàng Hậu Uyển Dung (Trần Xung) và Thục phi Văn Tú (Ô Quân Mai). Tên tuổi của Trần Xung và Ô Quân Mai sau đó sáng chói như sao. Trần Xung lần đầu đăng quang ảnh hậu Kim Mã với vai diễn Wang Jiaorui trong bộ phim “Red rose white rose” chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Trương Ái Linh. Cô thể hiện thành công nhân vật Mrs. Wang tựa như một đoá hồng đỏ rực rỡ, quyến rũ và ma mị. Phải nói thêm ở tác phẩm này, Quan Cẩm Bằng và Christopher Doyle đã khéo léo tạo ra những hình ảnh tương phản lẫn đan xen giữa hoa hồng đỏ và hoa hồng trắng, giữa mối tình vụng trộm, nhân tình với gia đình, người vợ. Vai diễn thứ hai mang đến cho Trần Xung ngôi vị ảnh hậu Kim Mã là vai Rose trong “The Home song stories”. Ô Quân Mai từng tham gia tác phẩm được trình chiếu ở LHP Cannes “Sách gối” và hình ảnh cô làm mẫu vẽ cơ thể được đánh giá là rất đẹp. Một tác phẩm kinh điển khác mà Ô Quân Mai tham gia là “Ba chị em họ Tống”, trong đó cô vào vai Tống Mỹ Linh. Bộ phim đã thành công rực rỡ khi gặt hát rất nhiều giải thưởng tại giải Kim Mã và Kim Tượng.
Như thế điện ảnh Hoa Lục- Hương Cảng- Đài Bắc đã từng có một thời thành công vang dội với những tác phẩm nghệ thuật vô giá. Ba mươi năm, từ thập niên 80,90 đến đầu những năm 2000, có thể nói nền điện ảnh Trung Quốc đại lục- HongKong- Đài Loan đã sản sinh ra vô số kỳ tài từ đạo diễn tới diễn viên. Và trong số đó Trương Mạn Ngọc, Củng Lợi, Lâm Thanh Hà, Trần Xung và Ô Quân Mai là những gương mặt nữ diễn viên đủ sức đại diện cho thời kì đó khi họ đã gặt hái vô số giải thưởng và cống hiến hết mình cho nghệ thuật.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *