Bây giờ nhớ lại tuổi thơ của mình, để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi chỉ là những kỷ niệm tồi tệ.
Từ nhỏ, tôi là một cô bé rất được mọi người yêu thương. Đương nhiên đứa bé nào lúc nhỏ cũng thật sự rất dễ thương, bây giờ chỉ sợ bị người khác ghét mà thôi.
Bởi vì tôi lớn lên trong gia đình tràn đầy năng lượng tiêu cực, vì thế tôi đặc biệt hiểu rõ sự phàn nàn ảnh hưởng tới người khác lớn như thế nào. Vì vậy tôi thường tỏ ra vui vẻ, lạc quan, luôn tràn đầy năng lượng trước mặt người khác, chỉ có bản thân tôi mới hiểu rõ trong lòng mình cảm thấy lo âu, bất an.
Tại sao tôi lại trở thành như vậy ư?
Mẹ tôi thường trách tôi “càng lớn càng không đáng yêu nữa”, “càng lớn càng xấu tính”. Bố tôi nói tôi “suốt ngày bày ra vẻ mặt như cái mặt buồn rầu”. Tuy nhiên, bọn họ chẳng bao giờ nghĩ tới lý do thực sự tôi trở nên như vậy, họ cho rằng dường như tất cả mọi thứ đều do bản thân tôi muốn nó xảy ra như vậy.
Lúc nhỏ, tôi cũng được xem là “con nhà người ta”, lớn lên xinh đẹp, dễ thương, thông minh, tính cách hoạt bát, thành tích học tập khá ổn. Đánh đàn, vẽ tranh, viết văn, ca hát, khiêu vũ v.v..rất nhiều sở thích khác, tôi đều làm tốt hơn nhiều so với các bạn đồng trang lứa. Bây giờ nhớ lại, chắc chắn bố mẹ cũng đã từng tự hào về tôi, nhưng bọn họ chưa bao giờ khen tôi.
Thậm chí có thể nói, mỗi lần tôi được người khác khen, bố mẹ đều “khiêm tốn” phủ nhận tất cả nỗ lực của tôi. Dường như, tôi không xứng đáng để nhận lời khen đó vậy.
Dù tôi có làm tốt như thế nào, cũng không một lần khen ngợi. Và nếu như tôi mắc một lỗi nhỏ, sẽ bị trách mắng ngay cả khi ở trước mặt người thân.
Mối quan hệ giữa bố mẹ không được hòa thuận, việc bọn họ cãi nhau cũng là lỗi của tôi.
Cãi nhau với bạn cùng lớp, về nhà nói với bọn họ, họ không những không an ủi, ngược lại còn la trách tôi, cho dù đó là lỗi của người khác.
Không được phép khó chịu, chỉ có ánh mắt khinh thường, cuối cùng chỉ nói “Đứa bé này có thể buồn vì điều gì được cơ chứ”
Lúc nhỏ tôi đã đọc một chuyện cổ ngụ ngôn như này:
Có một người không may rơi xuống sông, nhờ những người trên bờ cứu mạng, nhưng việc đầu tiên bọn họ làm không phải cứu anh ta, mà đứng trên bờ trách móc việc anh ta rơi xuống nước.
Lúc đó tôi cảm thấy “những người đứng trên bờ đó” rất giống mẹ của mình.
Đến tận bây giờ tôi vẫn cảm thấy, tôi đã rơi xuống hồ suốt bao nhiêu năm, bố mẹ tôi vẫn đứng ở trên bờ nhìn tôi như vậy.
Qua nhiều năm sau, tôi mới dám đề cập đến vấn đề này một lần, bố tôi tự hào bảo rằng, ông đã dùng “kế khích tướng” với tôi khi còn nhỏ. Ông cho rằng đó là phương pháp giáo dục hợp lý, nhưng ông lại không biết đó là nguồn gốc của bạo lực bằng lời nói mà tôi luôn phải chịu đựng từ nhỏ tới lớn.
Tôi không biết bắt đầu từ lúc nào bản thân mình dần trở nên giống họ, giữ thái độ bi quan, oán trách khi giải quyết vấn đề. Càng đáng sợ hơn, chính bản thân tôi cũng không nhận ra. Năm lớp 11 là một bước ngoặt đối với tôi.
Có một hôm, bạn cùng bàn đột nhiên phớt lờ tôi. Qua mấy ngày sau, tôi nhịn không được viết cho cậu ấy một bức thư, hỏi cậu ta vì sao phớt lờ tôi. Rất lâu sau, cậu ấy mới trả lời, nói luôn cảm thấy tôi truyền năng lượng tiêu cực cho cậu ấy.
Hôm đó về nhà tôi khóc rất lâu, bởi vì tôi nhận ra bản thân đã trở thành kiểu người mình ghét nhất.
Từ đó trở đi tất cả nguồn năng lượng tiêu cực tôi đều chôn sâu vào trong lòng, luôn tỏ ra lạc quan vui vẻ trước mặt người khác.
Đại học là bước chuyển ngoặt khác của tôi.
Lên đại học, lần đầu tiên sống xa nhà, đi học ở nơi khác. Rất nhiều người lưu luyến không muốn rời xa vòng tay bố mẹ, nhưng tôi cảm thấy sống ở ngoài càng thoải mái, vui vẻ hơn, ít nhất sự vui vẻ đó đều bắt nguồn từ trái tim.
Mỗi lần về nhà, tôi phải đối mặt với bố mẹ ngày nào cũng cãi nhau, chiến tranh lạnh với nhau không ngừng.
Vì sự khác biệt giữa hai môi trường sống, tôi dần nhận ra ảnh hưởng xấu của gia đình đối với tôi.
Tôi phát hiện, nội tâm bọn họ vẫn luôn tự ti, hèn nhát. Điều kiện gia đình tôi lúc đầu không đến nỗi nào, nhưng qua bao nhiêu năm, hàng xóm xung quanh đều giàu lên từng ngày, nhưng gia đình tôi vẫn giẫm chận tại chỗ. Bố mẹ tôi không dám nắm bắt lấy bất kỳ cơ hội nào, càng hy vọng tôi có thể làm người bình thường. Khi tôi còn nhỏ có tài năng về hội họa hơn người, nhưng ông ấy cắt sạch toàn bộ tranh mà tôi đã vẽ.
Tôi nhận ra bọn họ không bao giờ xem tôi như đúng vị trí của mình, câu nói tôi ghét nhất chính là “Con mãi là đứa con gái bé bỏng trong mắt bố mẹ.”
Tôi còn phát hiện nguồn năng lượng tiêu cực trong bọn họ lớn hơn gấp nhiều lần so với tôi nghĩ, hơn nữa họ còn cố gắng tác động đến tôi. Mỗi khi xuất hiện một mâu thuẫn nhỏ nào đó, bọn họ đều dùng thái độ tiêu cực “Có vậy mà làm cũng không xong”. Mỗi khi xuất hiện vấn đề, việc đầu tiên họ làm là thay nhau trách móc, oán trách về những việc không thể nào thay đổi, để những việc cần giải quyết sang một bên.
Mỗi lần tôi muốn khuyên nhủ họ, kết quả nhận lại chỉ có sự trách móc. Trong mắt họ, sự lạc quan giống như sự ấu trĩ, trẻ con vậy.
Tôi phát hiện…còn rất nhiều, rất nhiều thứ.
Nhưng tôi không còn muốn nói chuyện với họ nữa, khi tôi phát hiện mình vẫn còn dưới sông, họ ở trên bờ, tất cả nỗ lực của bản thân đều trở nên vô ích.
Tôi bây giờ là con người theo chủ nghĩa độc thân. Tôi chỉ muốn sau khi tốt nghiệp có thể nhanh chóng độc lập kinh tế, sau đó rời khỏi ngôi nhà đó mãi mãi.
Nhưng không phải tôi không yêu bọn họ, ít nhất, cảm ơn họ đã lo ăn lo mặc nuôi tôi khôn lớn.
Tôi chỉ muốn nói rằng tôi mệt rồi.
Hy vọng tất cả các bậc cha mẹ đều có thể cho con mình một tổ ấm hạnh phúc.