Nhộn nhịp không khí buổi đầu của làng báo Việt

Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương của nhà báo Cù Mai Công sẽ là thước phim thanh xuân đẹp về một Sài Gòn rực rỡ, vừa như chuyến di hành thờ i gian để cùng tìm về một Gia Định trầm mặc, hoang sơ của ngày đầu. Bài viết dưới đây được Trạm Đọc trích dẫn chương về Buổi đầu của làng báo Việt

Gia Định Là Nhớ Sài Gòn Là Thương

Không chỉ là nơi tập trung các hàng quán ăn uống, khu vực xung quanh đại lộ Charner (đường Nguyễn Huệ ngày nay) còn là nơi đặt tòa soạn và tổ chức phát hành của hàng loạt tờ báo chữ Quốc ngữ lẫn tiếng Pháp. Việc này khiến cho đường Charner trở thành đầu mối thông tin quan trọng bậc nhất của báo chí Nam kỳ từ cuối thế kỷ 19.

Nhà văn Sơn Nam trong Tâm lý người Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ nhận định: “Người Sài Gòn cũng ưa nghe tin tức, hay còn gọi là tìm lượng thông tin, bởi vậy báo chí là món ăn cần thiết. Họ đọc báo để tìm hiểu tình hình chung, đặc biệt là tin tức liên quan đến công việc làm ăn hàng ngày của mình. Thiếu lượng thông tin, hóa ra lạc hậu, thất bại trong việc làm ăn, vì tình hình luôn biến động từng giờ, từng phút. (…). Ngồi quán cà phê đọc báo, chờ bạn bè, ai không đọc báo thì lắng nghe người đã đọc tóm lược giùm”.

Ngày 1-8-1901, Nông Cổ Mín Đàm – tờ báo kinh tế tiếng Việt đầu tiên trên đất Sài Gòn – ra số đầu tiên và phát hành thứ Năm hằng tuần bằng chữ Quốc ngữ. Tòa soạn ban đầu đặt ở đường La Grandière (nay là Lý Tự Trọng) rất gần đại lộ Charner. Ngày 15-11-1907, tờ Lục Tỉnh Tân Văn ra đời và cũng xuất bản vào ngày thứ Năm. Cả hai tờ có điểm chung là từng có chủ bút là nhà yêu nước Trần Chánh Chiếu nên dễ hiểu những số đầu tiên đã trở thành “tiếng nói của cuộc vận động Minh Tân, hướng theo cải cách, tự cường đang sôi động ở Bắc và Trung kỳ“. Lục Tỉnh Tân Văn cổ vũ lòng yêu nước, chống Pháp và phong kiến tay sai, tư tưởng vong bản… nên đã trở thành tờ báo có uy tín nhất ở Nam kỳ lúc ấy. Nhiều cây bút miền Bắc, miền Trung đã vào Sài Gòn học nghề báo tại tờ báo này như: Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Trần Huy Liệu, Tản Đà…

Ngoài ra, ngay đại lộ Charner cũng là nơi đặt tòa soạn hai tờ báo tiếng Pháp: Journal L’Indochine Française và Moniteur des Provinces (sau tờ này có thêm phiên bản tiếng Việt lấy tên Nhật báo tỉnh). Tờ Moniteur des Provinces được chính quyền Pháp lúc ấy cấp phép xuất bản cho ông Georges Garros, một luật sư người Pháp am hiểu và cấp tiến từng viết nhiều sách và bài nghiên cứu về Nam kỳ. Ông cũng có mối quan hệ bạn bè với nhiều người Việt yêu nước. Vì vậy, danh nghĩa là công báo nhưng rất thú vị khi Nhật báo tỉnh có đăng cả những bài viết của Gilbert Trần Chánh Chiếu kêu gọi canh tân xã hội Việt Nam thời thuộc Pháp.

Ngoài ra, những tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên của lục tỉnh Nam kỳ như Gia Định báo (1865-1910), Nhật Trình Nam Kỳ (1883 – ?), Phan Yên báo (1898-1899), Thông Loại Khóa Trình (1988-1889), Phụ Nữ Tân Văn (1926-1935)… dù có tòa soạn nằm trên những con đường lân cận cũng tìm đến phát hành tại đại lộ Charner vốn tập trung rất nhiều người Việt.

Không chỉ vậy, đại lộ Charner còn là tuyến giao thông quan trọng cho việc phát hành báo đi khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gò Vấp (tỉnh Gia Định) bằng các tuyến xe lửa bên đại lộ de la Somme và xe điện (đặt giữa đại lộ Charner), đồng thời có thể đi lục tỉnh Nam kỳ bằng tuyến đường thủy theo rạch Bến Nghé.

Rõ ràng, sau khi kinh Chợ Vải trước chợ Bến Thành bị lấp vào năm 1887, đại lộ Charner đã trở thành đầu mối thông tin lớn của Sài Gòn đi các tỉnh. Vì vậy, những tờ báo chữ Quốc ngữ này đăng khá nhiều những quảng cáo hướng đến không chỉ khách hàng cư ngụ tại vùng Sài Gòn – Chợ Lớn mà cả những khách hàng ở khắp lục tỉnh. Thậm chí, lò bánh mì lớn trên đại lộ Charner của ông Louis Roux ở số 125 đã bổ sung thêm “bánh tròn mặn, bánh bò chế mật” vào ngày thứ Năm là ngày phát hành của nhiều tờ báo Quốc ngữ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *