NHẬT ĐẦU HÀNG VÌ BOM NGUYÊN TỬ, KHÔNG PHẢI VÌ LIÊN XÔ

Thực tế thì lý do Nhật đầu hàng phức tạp hơn nhiều, nó là sự kết hợp của các yếu tố sau:

1/ Cú sốc gây ra từ HAI quả bom nguyên tử.

2/ Các cuộc nổi loạn trong nước.

3/ Nhật hoàng mất niềm tin vào quân đội.

Những điều này đã khiến chính Nhật hoàng Hirohito hạ lệnh cho các lãnh đạo cấp cao của Nhật đầu hàng.

Để đưa ra kết luận chính xác về sự kiện nào đã khiến Nhật phải đầu hàng – bom nguyên tử hay là chiến dịch Mãn Châu của Liên Xô – chúng ta phải xem xét:

1/ Những sự kiện chính cũng như những suy nghĩ, hành động và quyết định của các nhà lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản sau khi bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagasaki, tức nhiên là cũng phải xét đến quan điểm của Nhật về sự tham chiến của Liên Xô.

2/ Xét đến ảnh hưởng giữa hai sự kiện lên quyết định của chính phủ Nhật.

Vậy những lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản lúc bấy giờ là ai? Họ là:

1/ Thiên Hoàng Hirohito

2/ Bộ trưởng Bộ Hải quân: Mitsumasa Yonai

3/ Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Hải quân: Soemu Toyoda

4/ Bộ trưởng Bộ lục quân: Korechika Anami

5/ Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Lục quân: Yoshijiro Umezu

6/ Thủ tướng: Kantaro Suzuki

7/ Bộ trưởng Bộ ngoại giao: Shigenori Togo

6 trong số những người này Anami, Umezu, Yonai, Toyoda, Suzuki và Togo là thành viên của Hội đồng Chiến tranh Tối cao Nhật Bản, hay Lục Đại. Hãy nhớ tên những người này và chức vụ của họ, những nhân vật quyết định số phận của đất nước và nhân dân Nhật sẽ được nhắc tới nhiều trong biết viết.

Bài này sẽ được tách ra hai phần, mỗi phần xem xét luận điểm của mỗi bên, thay vì đi theo thứ tự thời gian (Liên Xô tham chiến sau khi Mỹ thả bom xuống Hiroshima và trước Nagasaki). Và mặc định là sẽ có hai phe:

1/ Phe Liên Xô: chỉ những người cho rằng chiến dịch Mãn Châu của Liên Xô là lý do khiến Nhật đầu hàng.

2/ Phe bom nguyên tử: chỉ những người cho rằng hai quả bom nguyên tử là lý do khiến Nhật đầu hàng.

_____

ẢNH HƯỞNG TỪ CHIẾN DỊCH CỦA LIÊN XÔ:

Khi khẳng định rằng cuộc tấn công của Liên Xô là lý do chính khiến Nhật đầu hàng, phe Liên Xô dựa vào những bằng chứng sau.

Bằng chứng 1:

Khi Thủ tướng Suzuki nói chuyện với Ikeda, một sĩ quan từ Đạo quân Quan Đông vừa đến Tokyo sau cuộc tấn công Mãn Châu của Liên Xô, cuộc đối thoại diễn ra như sau:

Ikeda: Đạo quân Quan Đông đã mất hết hy vọng.

Suzuki: Đạo quân Quan Đông yếu đến vậy à? Vậy thì đã hết thật rồi.

Cuộc trao đổi này được phe Liên Xô dùng để làm bằng chứng cho thấy chiến dịch Mãn Châu là yếu tố quan trọng khiến Nhật đầu hàng.

Bằng chứng 2:

Trong một hồ sơ thẩm vấn sau chiến tranh, Phó Tham mưu trưởng Torashiro Kawabe nói với các thẩm vấn viên Mỹ rằng:

“Các sĩ quan quân đội vô cùng sợ hãi khi nghe Nga tham gia cuộc chiến.”

Tuyên bố của Kawabe, là một trong những bằng chứng được trích dẫn nhiều nhất để khẳng định rằng chiến dịch của Liên Xô là lý do chính khiến các nhà lãnh đạo Nhật đầu hàng.

Bằng chứng 3:

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1949, đô đốc Toyoda nói với các phóng viên Mỹ rằng:

“Việc thả bom nguyên tử là một nguyên nhân dẫn tới đầu hàng nhưng không phải nguyên nhân duy nhất… Sự tham gia của Nga vào cuộc chiến chống Nhật đã đẩy nhanh tiến trình đầu hàng hơn là bom nguyên tử.”

Lời nói từ một nhà lãnh đạo cấp cao của Nhật cũng được nhiều người phe Liên Xô trích dẫn.

Cuối cùng thì phe Liên Xô lấy lý do Nhật không muốn gặp phải sự thống trị kinh hoàng của Cộng Sản nên rất sợ Liên Xô chiếm đóng.

Tuy nhiên, tức cả những bằng chứng này đều có thể dễ dàng bị bác bỏ hết. Về bằng chứng 1, điều được ít người nói tới là cuộc đối thoại giữa Ikeda và Suzuki chỉ là do Ikeda nói ông nhớ như vậy sau chiến tranh, và trí nhớ là một thứ rất khó tin nên có thể bác bỏ. Mà dù cho có thật đi nữa thì Ikeda chỉ là một sĩ quan bình thường không có quyền tham gia vào quá trình ra quyết định, có nghĩa là tuyên bố của Ikeda khó có thể có bất kỳ ảnh hưởng nào đến quyết định đầu hàng cuối cùng. Quan trọng nhất là trí nhớ của Ikeda mâu thuẫn với những gì Suzuki làm vào thời điểm tháng 8 năm 1945, thủ tướng Nhật làm vài ngày sau chiến dịch tấn công của Liên Xô không có vẻ gì là tuyệt vọng cả, và lúc đấy Suzuki chỉ quan tâm với điều kiện và thời gian để kết thúc chiến tranh.

Về bằng chứng số 2 thì phe Liên Xô quên mất rằng chính Nhật hoàng Hirohito mới là người đưa ra quyết định đầu hàng, không phải Kawabe. Và quyết định của Nhật hoàng chỉ được đưa ra sau khi Liên Xô bắt đầu chiến dịch hơn 25 tiếng. Tại sao điều này lại quan trọng, bởi vì thông tin liên lạc bị sai, thậm chí 25 giờ sau khi cuộc chiến bắt đầu, Đạo quân Quan Đông vẫn chưa nhận ra quy mô của cuộc tấn công, các quan sát viên tiền tuyến của Đạo quân Quan Đông đã báo cáo sai rằng:

“Quy mô của cuộc tấn công không hề lớn.”

Và do các quan sát viên của Đạo quân Quan Đông đã đánh giá sai mức độ nghiêm trọng của chiến dịch này, các lãnh đạo Nhật ở Tokyo còn không biết chuyện gì đang xảy ra ở Mãn Châu. Quyết định đầu hàng của Hoàng đế không thể bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công của Liên Xô bởi các lãnh đạo Nhật hoàn toàn không biết gì các sự kiện diễn ra tại Mãn Châu 25 giờ sau đó, và tất nhiên là không bao giờ có chuyện lãnh đạo Nhật sợ Liên Xô tham chiến. Bằng chứng số 2 cũng dễ dàng bị bác bỏ.

Về bằng chứng 3 thì cũng như bằng chứng 1, đây là tuyên bố dựa trên trí nhớ 4 năm sau cuộc chiến. Ai mà biết đô đốc Toyoda đã quên mất điều gì vào những ngày cuối cuộc chiến? Ngoài ra có thể thấy bằng chứng này hoàn toàn ngược lại với những gì lãnh đạo Nhật biết về cuộc tấn công của Liên Xô.

Còn về lập luận lãnh đạo Nhật Bản sợ Liên Xô sẽ chiếm đóng chính quốc cũng không có căn cứ thực tế. Không cần phải đi quá sâu vào chi tiết, nhưng Liên Xô không có đủ khả năng đổ bộ cũng như khả năng không vận để thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn vào chính quốc Nhật. Mặc dù đúng là Liên Xô đã chiếm được quần đảo Sakhalin và thực hiện một cuộc tấn công quy mô nhỏ ở Hokkaido, nhưng họ đã phải đối mặt với sự kháng cự quyết liệt và hiệu quả của Nhật Bản nhằm ngăn Liên Xô có thể mở chiến dịch tấn công lớn vào chính quốc Nhật.

Quân Liên Xô không chỉ không có đủ khả năng đổ bộ mà còn phải dùng các phương tiện của Mỹ. Hoa Kỳ đã cho mượn Liên Xô rất nhiều tàu đổ bộ bộ binh (LSI) và tàu đổ bộ xe tăng (LST). Mỹ cũng phải huấn luyện cho quân đội Liên Xô để triển khai chiến dịch đổ bộ. Nhưng tất cả những thiết bị này đều là hàng mượn và Mỹ muốn Liên Xô trao trả lại. Hơn nữa số lượng quân đội Liên Xô được huấn luyện để tham gia đổ bộ chỉ có vài nghìn lính, quá nhỏ để đổ bộ lên chính quốc Nhật, trong khi tất cả các trận đánh trên các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương của Mỹ đều phải huy động hàng chục nghìn lính thủy đánh bộ để đổ bộ. Vì vậy Liên Xô không có khả năng thực hiện một chiến dịch tấn công lớn lên chính quốc Nhật.

Quan trọng hơn là các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao của Nhật đã lường trước cuộc tấn công của Liên Xô. Liên Xô đã thông báo với chính phủ Nhật Bản là họ sẽ không gia hạn thêm cho Hiệp ước Xô-Nhật ký năm 1941, hết hạn năm 1946. Vì vậy lãnh đạo Nhật biết Liên Xô một lúc nào đó sẽ tấn công. Điều làm họ ngạc nhiên là Liên Xô đã tấn công vào tháng 8 năm 1945 chứ không phải vào mùa xuân năm 1946 như đã dự đoán. Một phần là do lãnh đạo Nhật tin Liên Xô sẽ tôn trọng hoà ước, một phần là thời tiết lúc đó sẽ thuận lợi để tấn công hơn so với tháng 8 năm 1945. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ lục quân Anami đã bình tính nhận xét:

“Điều không thể tránh khỏi cũng đã đến.”

Hành động của Phó Tham mưu trưởng Lục quân, Tướng Kawabe là một trong những bằng chứng thuyết phục nhất bác bỏ lập luận rằng cuộc tấn công của Liên Xô đã khiến Nhật Bản phải đầu hàng. Mặc dù choáng váng trước chiến dịch Mãn Châu của Liên Xô, Kawabe vẫn quyết tâm tiếp tục chiến tranh. Ông đã phác thảo một kế hoạch tuyên bố rằng tiếp tục cuộc chiến chống lại Mỹ là mục tiêu chính. Ông đề nghị thực thi thiết quân luật trong nước VÀ TỪ BỎ MÃN CHÂU. Rõ ràng, cuộc tấn công của Liên Xô đã không buộc ông phải xem xét việc đầu hàng.

Và một trong những bằng chứng chống lại phe Liên Xô nhất là chính là Ketsu-Go. Ketsu-Go có nghĩa là “trận chiến quyết định.” Dự đoán chính xác rằng Mỹ sẽ đánh vào Kyushu, Lục quân Đế quốc Nhật Bản đã xây dựng và thực hiện kế hoạch Ketsu-Go để chống lại cuộc tấn công. Mục tiêu của Ketsu-Go là dụ quân Mỹ vào một cuộc chiến tiêu hao gây thương vong nặng nề cho Mỹ và khiến Hoa Lỳ phải ngồi vào bàn đàm phán. Để đạt được mục tiêu đó, các lãnh đạo Nhật đã ra lệnh đưa các đơn vị tinh nhuệ từ Đạo quân Quan Đông sang chính quốc để phòng thủ Kyushu và Đồng bằng Kanto.

Các sư đoàn bộ binh và thiết giáp, cũng như các đơn vị bộ binh đã bị rút khỏi Mãn Châu và vận chuyển sang chính quốc để phòng thủ trước cuộc tấn công từ Mỹ. Kết quả là quân Nhật đã bố trí quân phòng thủ như trong hình.

Kết quả của cuộc rút quân này là Đạo quân Quan Đông hùng mạnh đã bị suy yếu trầm trọng. Trên giấy tờ, Đạo quân vẫn còn tới 10 sư đoàn, nhưng sức chiến đấu cũng chỉ tương đương với 6-7 sư đoàn do toàn bộ lính tinh nhuệ đã được đưa đi chống Mỹ hết, còn lại nói thẳng là quân không ra gì.

Sẵn tiện phải nói là trước Ketsu-Go thì Đạo quân Quan Đông đã bị “rút ruột” tới mục rỗng để vận chuyển binh lính đi chiến đấu với Mỹ. Năm 1942, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã có một trận đánh ác liệt tại Guadalcanal kéo dài suốt 6 tháng, cả hai bên đã thiệt hại nặng nề. Không còn đơn vị có khả năng chiến đấu ở chính quốc, Lục quân Đế quốc Nhật Bản đã chuyển các đơn vị ở Trung Quốc sang Tây Nam Thái Bình Dương để chống Mỹ. Sư đoàn số 20 và 41 đã được chuyển từ Bắc Trung Quốc và Triều Tiên đến Guadalcanal, nơi lực lượng này bị tiêu diệt hoàn toàn do bệnh tật, đói khát, thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và… Banzai. Vào tháng 3 năm 1943, đoàn tàu chở Sư đoàn số 51 từ Trung Quốc đến New Guinea đã bị máy bay Mỹ tiêu diệt. Hầu hết quân lính bị nhấn chìm chung với đoàn tàu đó. Ngay sau đó, Sư đoàn số 32 và 35 được vận chuyển từ Trung Quốc sang Thái Bình Dương cũng chịu chung số phận tương tự do tàu ngầm Mỹ gây ra. Sư đoàn số 52 được vận chuyển đến Truk, căn cứ hải quân tiền tuyến lớn nhất của Nhật ở Nam Thái Bình Dương, nơi họ bị bao vây và đói tới chết.

Năm 1944, các sư đoàn của Đạo quân Quan Đông bắt đầu được đưa đi chống Mỹ. Vào thời điểm đó, Đạo quân Quan Đông có tổng cộng khoảng 19 sư đoàn. Tháng 2 năm 1944, hai sư đoàn bộ binh (số 29 và 14) của Quan Đông được chuyển đến đảo Guam và Palau, nơi lực lượng này hoàn toàn bị tiêu diệt. Vào tháng 10 năm 1944, 4 sư đoàn bộ binh (số 1, 8, 10 và 24) cộng với 2 sư đoàn thiết giáp (số 2 và 23) đã được gửi đến Philippines để đối phó với cuộc tấn công của Mỹ. 3 sư đoàn bộ binh (số 9, 12 và 71) đã được gửi đến Formosa (nay là Đài Loan) để chống lại cuộc tấn công không bao giờ diễn ra của Mỹ. Sư đoàn 109 được gửi đến Iwo Jima bị tiêu diệt vào năm 1945.

Vậy là đến năm 1945, chưa tính Ketsu-Go thì Đạo quân Quan Đông đã mất tới 2 + 4 + 2 + 3 + 1 = 12 sư đoàn để chống Mỹ. Các đơn bị không quân cũng giảm đáng kể do bị chuyển từ Mãn Châu đến Nam Thái Bình Dương thực hiện các nhiệm vụ Kamikaze.

Việc quân đội Nhật Bản quyết định đưa các sư đoàn tốt nhất của Đạo quân Quan Đông đến phòng thủ chính quốc cho thấy một điều: họ đã quyết định từ bỏ Mãn Châu, nếu họ còn quan tâm đến Mãn Châu thì đã không bao giờ làm như vậy. Kết luận này đã được nói rất rõ trong cuộc họp giữa các tướng lĩnh Nhật với Thiên Hoàng. Trong cuộc họp này, Tướng Umezu đã tuyên bố rằng cuộc tấn công của Liên Xô không làm ảnh hưởng tới chiến dịch Ketsu-Go. Tướng Kawabe, một trong những người lên kế hoạch cho Ketsu-Go, cũng đã đồng ý với Umezu rằng Nhật Bản nên tiếp tục cuộc chiến chống Mỹ.

Như vậy, cuộc tấn công của Liên Xô có rất ít ảnh hưởng lên quyết định đầu hàng của Nhật.

_____

Về phần phe bom nguyên tử, họ lại có một bằng chứng không thể chối cải đó là lời kêu gọi đầu hàng từ chính Nhật hoàng Hirohito LÚC CHIẾN TRANH, ngay trong Thánh chỉ ông đã viết rằng:

“một loại bom mới nhất và tàn khốc nhất, sức mạnh gây tổn hại thực sự là khôn lường, gây ra nhiều cho nhiều tổn thất cho các sinh mạng vô tội.”

Ban đầu chính phủ Nhật còn lưỡng lự, nghĩ rằng Mỹ chỉ có 1 quả bom, nhưng khi quả thứ 2 thả xuống Nagasaki thì họ lại sợ quả thứ 3 nhằm vào Tokyo. Vào ngày 9 tháng 8 năm 1945, trong một cuộc họp nội các về việc có nên tiếp tục chiến tranh, Đại tướng Anami (trước đây là người có tiếng nói nhất trong phe chủ chiến) đã thốt ra những lời sau và được Bộ Ngoại giao của Nhật ghi và in lại:

“Một quả bom nguyên tử có thể phá hủy 6 dặm vuông, tương đương với 2000 chiếc B-29 mang 300 quả bom thông thường, mỗi quả khoảng 500 pound […] Người Mỹ dường như có một trăm quả bom nguyên tử […] trong khi họ có thể thả ba quả mỗi ngày. Mục tiêu tiếp theo có thể là Tokyo.”

____

Vì vậy bom nguyên tử mới là nguyên nhân dẫn đến Nhật đầu hàng. Nài viết không hè có ý chê cuộc tấn công của Liên Xô là không đáng kể, mà chỉ nói đây không phải yếu tố quyết định, vì Nhật đã chọn bỏ Mãn Châu và thực hiện Ketsu-Go. Nhưng chính 2 quả bom nguyên tử đã khiến chính phủ Nhật lo lắng (một cách sai lầm) rằng Mỹ có hàng trăm quả bom nguyên tử, dẫn tới quyết định đầu hàng.

Nguồn: Werner Hermann

Tham khảo thêm:

1/ “Downfall – The End of the Japanese Empire” của Richard B. Frank.

2/ “Hell to Pay: Operation Downfall and the Invasion of Japan 1945–1947” của D. M. Giangreco.

3/ “Racing the Enemy: Stalin, Truman, and the Surrender of Japan” của Tsuyoshi Hasegawa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *