( Viết: Rishma Hansil | Dịch: H.Y)
___________________
Nhật Bản có lịch sử lâu đời về thiết kế bao bì và sản phẩm bắt nguồn từ truyền thống tặng quà. Rất lâu trước khi các vật liệu công nghiệp như nhựa và bìa cứng, quà tặng được gói bằng rơm, tre, lá và giấy. Mặc dù vật liệu đã thay đổi, nhưng giá trị cốt lõi của thiết kế luôn nằm ở – sự hài hòa, khác biệt và công năng.
Ứng dụng thiết kế UX trên các sản phẩm là một lĩnh vực thành công của Nhật Bản; cả trong cách tiếp cận về chất lượng, thẩm mỹ và chức năng. Dưới đây là một vài điều mà Nhật Bản có thể dạy chúng ta về thiết kế sản phẩm.
1.SỰ HÀI HÒA TRONG THIẾT KẾ
Các thiết kế bao bì sáng tạo luôn hướng về sự trải nghiệm. Họ sử dụng các yếu tố tương tác trong cách đóng,mở sản phẩm, tạo ra những cơ hội trải nghiệm hoàn toàn mới. Sự sáng tạo trong thiết kế của người Nhật thường nằm ở khả năng tạo cảm giác hài hòa giữa sản phẩm và người dùng.
Hãy xem các hộp bento bên dưới, màu sắc ấm áp, hình dạng tròn và bề mặt phủ nhám mờ, mang đến sự hài hòa cả về xúc giác và thị giác cho người dùng.
Khi đóng mở, hộp và nắp được canh chỉnh một cách hoàn hảo, mang lại sự hài lòng tuyệt đối cho khách hàng. Trách sao các cô nội trợ lại không vui cho được nhỉ?
“Hình ảnh hộp bento và giấy origami hiện diện khắp nơi trên bao bì của Nhật Bản, vì vậy, thiết kế không chỉ về hình thức mà nó còn quan trọng ở việc mang lại cảm giác khi cầm và cách người dùng tương tác với sản phẩm cũng như cảm xúc của họ trong suốt quá trình sử dụng và tiêu dùng.” Ksenia Pedchenko
Một ví dụ khác về sự hài hòa trong thiết kế. Bao bì cho bánh gạo Nhật Bản và bánh quy Thụy Điển. ( xem hình dưới)
“Hình lục giác tượng trưng cho sự giao tiếp và cân bằng, lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Thiên nhiên cũng là nguồn cảm hứng cho mô hình với những ngọn núi, gió thổi, sông chảy và những cánh đồng chè và lúa. Hộp cookie đóng vai trò bảo vệ cookie cũng như khay phục vụ. “- Saiki
2. THIẾT KẾ KHÁC BIỆT
Thiết kế bao bì có khả năng ứng dụng trong việc chăm sóc sức khỏe đã là một chủ đề được nhiều thương hiệu toàn cầu xem xét. Tại Nhật Bản, nó mở rộng ra ngoài các thị trường ngách và các thương hiệu xem xét nhiều người dùng với các khả năng khác nhau khi thiết kế các sản phẩm hàng ngày.
Các hộp sữa được trang bị một vết lõm đặc biệt trên đầu hộp để giúp khách hàng khiếm thị nhận biết sữa nguyên chất trong số tất cả các loại thức uống có bao bì giống nhau. Những cân nhắc đơn giản như thế này có thể có tác động rất lớn đến trải nghiệm của người dùng.
“ Bạn nghĩ xem có bao nhiêu sản phẩm hiện nay được thiết kế cho con người (được thiết kế để làm cho trải nghiệm dễ dàng hơn, dễ chịu và thậm chí là kỳ diệu), và những sản phẩm được thiết kế bởi con người (được xây dựng theo cách khiến chúng không thể phức tạp và khó hiểu) “ – Wipro Digita
3. CHỦ NGHĨA TỐI GIẢN & CHỦ NGHĨA TỐI ĐA ( Minimalism and Maximalism)
Tản bộ trên các lối đi của một siêu thị ở Tokyo, tôi bị phân tâm bởi những viên kẹo được thiết kế lấp lánh, táo bạo đang hét lên với bạn từ các kệ hàng. Điều này mang lại sự tương phản hoàn hảo với các màu đơn sắc bóng bẩy của các thương hiệu như Muji. Tính đối lập này trong thiết kế nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta không thể có tất cả mọi thứ cùng một lúc nhưng chúng ta có thể tận hưởng nhiều khía cạnh trong tính cách của mình thông qua các sản phẩm của mình.
“Ý tưởng đằng sau một thiết kế tối giản là tạo ra một sự nâng cấp sản phẩm. Loại thiết kế bao bì này làm nổi bật các tính năng quan trọng nhất của sản phẩm.” – Inkbot
VĂN HÓA “ KAWAII” của Nhật Bản là một ví dụ khác về tính cách trong thiết kế.
Rải khắp thành phố, trên mọi thứ từ bảng hiệu xây dựng đến văn phòng phẩm. “Kawaii” là một bộ môn thẩm mỹ không chỉ dành riêng cho trẻ em mà dành cho tất cả mọi người. Các nhà thiết kế đã tìm cách mang lại cảm giác thoải mái, thân thuộc và thân thiện hơn cho các biển báo này, mặc dù bình thường chúng khá nhàm chán. Một người thường không mỉm cười trước biển báo công trình đường, đặc biệt là biển báo làm gián đoạn tuyến đường đi làm hàng ngày của họ… nhưng tôi thấy mình đang làm điều đó ở Nhật Bản. Những hiệu ứng tinh tế của “sự dễ thương” là một phần làm nên sự đặc biệt của Nhật Bản.
Các nhà thiết kế sản phẩm luôn “sống cuộc sống của người dùng” khi thiết kế sản phẩm có mục đích rõ ràng. Họ có thể tiến một bước xa hơn để tin rằng các sản phẩm nên được chia sẻ trong cuộc sống của người tiêu dùng. Hộp mì ly có nắp đậy có thể đóng lại, bao bì thực phẩm có nơi đục lỗ để mở, hoặc quy trình 3 bước được phác thảo gọn gàng để mở gói cơm nắm – đó là tất cả các ví dụ về sản phẩm dự đoán nhu cầu của người dùng và hướng đến trải nghiệm tuyệt đối. Các sản phẩm chắc chắn thay đổi theo thời gian nhưng giá trị cốt lõi của thiết kế Nhật Bản vẫn được giữ nguyên.