nguoi-dan-vung-nay-that-thu-boi-long-ho-can-tro-day

Người dân vùng này thất thu bởi lòng hồ cạn trơ đáy

Có mặt tại hạ nguồn sông Nậm Na, thượng nguồn sông Đà, đoạn chạy qua địa phận xã Lê Lợi (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu), phóng viên Dân Việt chứng kiến cảnh lòng hồ cạn trơ đáy. Khu vực này thuộc lòng hồ thủy điện Sơn La. Không ít thuyền đi nương, đánh bắt thủy sản của người dân bản địa bị mắc cạn trên lòng hồ cạn trơ đáy đó.

Lòng hồ cạn trơ đáy, nông dân Lai Châu thất thu từ đánh bắt thủy sản, cuộc sống khó khăn - Ảnh 1.

Nhiều chiếc thuyền của người dân bản Chợ (xã Lê Lợi) nằm phơi nắng trên lòng hồ cạn trơ đáy từ nhiều ngày nay. (Ảnh: Thanh Ngân)

Chúng tôi bắt gặp lão nông Mào Văn Hoàng khi ông đang chống gậy đi từ dưới lòng hồ cạn trơ đáy, lên đường nội bản của bản Chợ (xã Lê Lợi). 

Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, ông Hoàng thở dài sườn sượt: “Tình trạng nước lòng hồ xuống thấp như này xảy ra từ nhiều ngày nay rồi. Sống quá nửa đời ở nơi này, tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh lòng hồ cạn trơ đáy như hiện tại. Những năm trước, khu vực này nước hồ cũng xuống thấp, nhưng không thấp thế này. Lòng hồ cạn trơ đáy thế này, gia đình tôi và nhiều hộ dân trong bản phải vất vả đi bộ lên nương ngô. Khi hồ chưa cạn nước, chúng tôi đi bằng thuyền, mất ít thời gian hơn và cũng đỡ vất vả hơn. Hơn nữa, chúng tôi còn có thể đánh bắt thủy sản trên lòng hồ, kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Từ khi nước lòng hồ cạn kiệt, tôi không còn đi thả lưới bắt cá, thả rọ bắt tôm như trước. Thu nhập của gia đình giảm, cuộc sống rất vất vả”.

Lòng hồ cạn trơ đáy, nông dân Lai Châu thất thu từ đánh bắt thủy sản, cuộc sống khó khăn - Ảnh 2.

Người dân sở tại cho biết, tình trạng lòng hồ cạn trơ đáy như này xảy ra từ nhiều ngày nay. (Ảnh: Tuấn Hùng)

Qua câu chuyện với ông Hoàng được biết, bản Chợ nằm trong diện di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Người dân trong bản đã di vén lên trên, nhường đất cho lòng hồ thủy điện Sơn La. Thu nhập, đời sống của người dân trong bản chủ yếu dựa vào trồng 1 vụ ngô và đánh bắt thủy sản trên lòng hồ thủy điện. Nương trồng ngô của người dân ở khá xa, bà con chủ yếu là đi bằng đường sông. Giờ sông cạn nước, người dân cực chẳng đã, phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ mới lên tới nương.

Lòng hồ cạn trơ đáy, nông dân Lai Châu thất thu từ đánh bắt thủy sản, cuộc sống khó khăn - Ảnh 3.

Người dân bản Chợ không thể di chuyển bằng đường thủy lên nương ngô bởi lòng hồ cạn trơ đáy. (Ảnh: Tuấn Hùng)

Lòng hồ cạn trơ đáy khiến thu nhập của người dân sụt giảm

Từ nhiều năm qua, gia đình chị Lù Thị Dung, ở bản Chợ (xã Lê Lợi) sống chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Từ khi lòng hồ cạn nước, thu nhập của gia đình chị giảm hẳn. 

Chị Dung chia sẻ: “Khi lòng hồ chưa cạn nước, hai vợ chồng tôi sáng đi nương, chiều về lại đi đánh bắt cá tôm. Gia đình tôi ngoài làm vó bè, còn đi thả lưới trên lòng hồ thủy điện. Bình quân mỗi tháng, gia đình tôi cũng thu gần 10 triệu đồng từ đánh bắt thủy sản bán ra thị trường. Năm nay, khu vực này, nước hồ xuống quá thấp, gia đình đã phải dỡ bỏ vó bè làm củi đun. Đi thả lưới thì hôm được, hôm không, thu nhập chẳng đáng là bao, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Không biết đến khi nào lòng hồ mới lại đầy nước như trước”.

Lòng hồ cạn trơ đáy, nông dân Lai Châu thất thu từ đánh bắt thủy sản, cuộc sống khó khăn - Ảnh 4.

Thu nhập của nhiều hộ dân ở xã Lê Lợi giảm hẳn từ khi lòng hồ cạn trơ đáy. (Ảnh: Thanh Ngân)

Chia sẻ với Dân Việt, ông Lường Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) cho hay: Nhiều ngày qua, mực nước trên vùng lòng hồ cạn thấy rõ. Lòng hồ cạn nước đã khiến cho cuộc sống của người dân trong xã bị đảo lộn. Toàn xã có tới hơn 100 hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sắt trên lòng hồ thủy điện, tập trung ở các bản: Bản Chang, bản Co Mủn, bản Chợ và bản Phiêng Ban. Thu nhập từ đánh bắt thủy sản giảm xuống, các hộ dân trong xã gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. 

Tàu thuyền mắc cạn, thủy điện giảm công suất vì mực nước hồ Thác Bà thấp kỷ lục

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *