Một số học phái của Nho gia Nhật Bản thời Edo


Phái chủ trương công lợi (功利主義/ Kôrishugi): Đứng đầu là Ogyù Sorai/ Địch Sinh Tồ Lai 荻 生 徂 徠 (1666-1728). Sorai chỉ ra những nhược điểm của phái Cổ học của Itô Jinsai, sau đó lên vùng Nihonbashi ở Edo mở trường tư thục gọi là “Huyên Viên” 蘐園. Học phái Sorai (Tồ Lai học) không phủ định Cổ học, mà phát triển thêm tư tưởng của nó. Năm 1717 ông viết các sách Biện đạo, Biện danh, đồng thời thành lập học phái “Cổ văn từ học”. Từ năm 1722 đến 1727 ông viết Chính đàm 政談, Thái bình sách dâng lên cho Tướng quân Yoshimune đúng vào lúc Tướng quân đang tiến hành cải cách Hưởng bảo nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển. Các bài luận Hoá tệ phẩm chất cải thiện luận, Đồng tiền đại lượng đào tạo luận trong đó đã phê phán nặng nề chính sách kinh tế xã hội của Mạc phủ. “Cổ văn từ học” không chỉ là nơi bàn về văn học mà còn là nơi truyền bá tư tưởng triết học nhân sinh. Ông cho rằng nội dung của “tính người” không chỉ là luân lý đạo đức, mà còn chính trị, kinh tế, luân lý xã hội, và cả văn học nghệ thuật nữa. Trường Huyên Viên của ông là trường tư của phái Nho học “Phục cổ”, nhưng cũng là văn thi xã của Cổ văn từ, có ảnh hưởng rất sâu rộng đối với xã hội. Sorai là con người điển hình nhất cho nho giáo Nhật Bản thời cận thế. Ông là nhà kinh doanh, nhà kinh tế hơn là một nhà nho. Ông lập quán rượu bình văn, cửa hàng bán sách, cửa hàng bách hoá theo kiểu cổ phần rồi chia lời cho văn hữu. Khách hàng của ông gồm nhiều thành phần khác nhau, từ vũ sĩ cho đến thợ thủ công, thương nhân. Các cửa hàng chi nhánh của ông phát triển rộng khắp, và tiếp tục tồn tại sau khi ông qua đời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *