
Tôi rơm rớm nước mắt mè nheo:
- Cho con ở nhà đi mẹ. Con đóng cửa ở trong nhà không sao đâu mà.
- Không là không – mẹ tôi kiên quyết
- Vậy cho con đi theo tới cơ quan mẹ đi.
- Chỗ đó đâu phải chỗ cho con nít chơi!
- Vậy cho con theo ba đi – tôi không bỏ cuộc
- Ba đi nhiều chỗ lắm đâu có chở con theo được!
Cuối cùng tôi phải chịu thua, vừa nức nở vừa leo lên chiếc cánh én của ba tôi. Đoạn đường dài hơn 10 cây số từ nhà tôi ra nhà ngoại đủ để tôi nín, không khóc nữa. Nhưng tôi vẫn mang mặt mâm thất thểu bước vô nhà ngoại.
Tôi thích bà ngoại tôi lắm. Bà ngoại hiền, không khi nào lớn tiếng nặng lời với ai. Mấy tháng hè trước khi lên lớp 3, tôi chỉ có bà ngoại làm bạn. Tôi lẽo đẽo theo bà ngoại từ nhà trước ra nhà sau, từ ngoài sân ra tới ngoài cổng. Ngoại ngồi coi tivi thì tôi mới an tâm ngồi kế bên.
Tại tôi ngán ông ngoại và cậu Út tôi.
Ông bà ngoại có 6 người con gái, và cậu thứ 4, tất cả đều lấy chồng lấy vợ rồi ra riêng. Còn mỗi cậu Út chưa vợ ở với ông bà.
Ông ngoại tôi ít nói. Ông có nghề đóng sách và vẽ chữ. Công việc ông cần tập trung và xung quanh ông thì có nhiều đồ nguy hiểm như kéo, kim…nên mỗi lần thấy tôi xáng lại ông đều xua tôi ra chỗ khác chơi.
Cậu Út tôi đi làm, tới trưa mới về ăn cơm. Đó là lúc tôi áp lực nhất và cũng là nguyên nhân tôi khóc ngắn khóc dài mỗi sáng với ba mẹ tôi.
Trong ký ức tôi ông cậu vô cùng đáng sợ. Đám cháu như tôi nghe nhắc tới cậu Út là xếp re. Út đi làm ít khi ở nhà, nhưng khi ổng ở nhà thì tôi có cảm giác vô cùng cùng ngột ngạt. Ổng đi tới đâu tôi de lẹ chỗ khác, không dám láng cháng trước mặt.
Bà ngoại biểu “Kim ra kêu cậu Út vô ăn cơm”
Tôi chạy ra trước cửa phòng ông cậu gào lên “Út ơi bà ngoại kêu Út vô ăn cơm” xong chạy biến ra nhà sau.
Ông cậu mang mặt hầm hầm ngồi xuống mâm cơm. Mặt tôi thì xanh lè.
Tôi lóng ngóng làm rớt đũa. Tôi lấm lét nhìn ông cậu mặt nhăn hết cỡ.
Tôi múc canh không khéo làm đổ ra ngoài. Ông cậu không nhịn nổi nạt ngang:
- Ăn cho đàng hoàng coi!
Ổng nạt xong thì xách chén đũa đứng dậy bỏ đi nước một.
Ổng ăn xong nhưng tôi vẫn còn sợ hãi. Tôi từ đó tới cuối bữa cơm nước mắt lưng tròng.
Bà ngoại dỗ tôi ăn hết bữa cơm rồi kêu tôi đi ngủ trưa.
Tôi thức dậy trời cũng ngả về chiều. Tôi hết cảm giác sợ cậu tôi như ban sáng, nhưng vẫn buồn buồn.
Tôi lò dò đi kiếm bà ngoại. Giờ này ngoại thường ở ngoài hàng ba. Nếu không phải sàn gạo, nhặt thóc thì cũng ngồi trên võng may gối, may mền.
Chiều nay, bà ngoại tôi cũng ngồi trên võng nhưng không may vá chi cả mà ngồi xếp cọng dừa làm chổi. Thấy tôi bà ngoại chỉ vô cái tô để trong cái lồng bàn nhỏ, nói “ngoại làm cho mày đấy”
Trong tô là món ăn trước giờ tôi chưa từng thấy. Một tô vàng ươm thơm phức, nhìn như gạo rang, có đường quến lại với vài hạt đậu phộng, ăn vào giòn giòn ngọt ngọt, béo béo. Mắt tôi sáng rỡ:
- Ngon quá ngoại ơi. Món gì lạ vậy ngoại?
- Cơm khô ngào đường đó. Ngon thì ăn nhiều vô. – Bà ngoại ôn tồn nói
Tôi ngồi kế võng bà ngoại ôm tô cơm khô ngào đường ăn quên sầu.
Hôm đó bà ngoại tôi bỏ giấc ngủ trưa làm món này cho tôi.
Thời đó ít đồ ăn vặt, bà ngoại vốn sống tiết kiệm nên mỗi lần dư cơm, bà không bỏ mà phơi khô đổ sẵn vô keo.
Để mấy dịp cần kíp, ví dụ như dịp nhỏ cháu bị la nè, bà đem ra làm thành món ăn vặt dỗ dành đứa cháu mít ướt của bà.
Kim.