Đầu tiên cho mình gửi lời xin lỗi chân thành đến những bạn bè/ anh chị đang theo đuổi phong cách thời trang Lolita vì trạng thái gây hiểu lầm hôm qua. Bên cạnh đó mình cũng đề cập tới Lolita hiện nay – xin được làm rõ cụ thể là những người đang sử dụng hashtag #Lolita xuất hiện rất nhiều trên Tiktok hay các diễn đàn thời trang (Đặc biệt là thời trang đường phố, thời trang hàng ngày), điều này làm mình khó chịu mặc dù mình biết trong Lolita có một dạng là Ero-loli (Hoặc sexy Loli) nhưng nó đều phải theo một số tiêu chuẩn nhất định. Không phải cứ mặc vài ba bộ đồ maid chất lượng thấp – đi vài đôi vớ ren là được xem là Lolita. Với những câu chuyện thú vị, một văn hóa có từ những năm 70s – mình nghĩ nó cần được hiểu hơn nhiều như thế hơn bởi cộng đồng và những người xung quanh hơn là 1 cô gái, 2 cô gái xinh đẹp trên nền tảng mạng xã hội nào đó.
Mình sai, mình nhận và mình cố gắng sửa theo cách nào đó. Mình không giấu dốt, mình muốn giữ nó như 1 bài học dành cho riêng bản thân mình. Còn nếu các bạn kêu mình là người ảnh hưởng, là idols thì mình không phải thần tượng – mình để ngay từ đầu nó là blog cá nhân, mình xóa thì cái lỗ hổng và hiểu lầm đó vẫn như vậy. Chẳng giải quyết được điều gì, trong khi đó thì ở dưới có rất nhiều góc nhìn và comments của người khác giải thích về việc khái niệm “Lolita” hay “Loli”. Thế chẳng phải là từ mình và các bạn, chúng ta đều được lợi là có góc nhìn đa chiều hơn về vấn đề này à. Người thu thập thông tin tốt là người thắng cuộc các bạn ơi.
Quay trở lại vấn đề về Lolita “Not” Loli. Lolita là một subculture (Văn hóa phụ) nghiêng về thời trang và lifestyle/phong cách sống xuất phát từ Nhật Bản từn những năm 70s và phát triển thành một hệ thống có cấu trúc khá phức tạp đến ngày nay. Và không để nhầm lẫn với tác phẩm tiểu thuyết cùng tên “Lolita” của Vladimir Nabokov năm 1955 sau đó mới được nhiều khi nó chuyển thể thành phim dưới bàn tay của đạo diễn Stanly Kubrick vào năm 1962, một phiên bản khác là “Lolita” của Mario Kassar và Joel B. Michaels vào năm 1997 – tất cả đã tạo ra một khái niệm “Lolita” hoàn toàn khác với phong cách thời trang ảnh hưởng bởi văn hóa Nhật, một “Lolita” nghệ thuật hóa về việc miêu tả vẻ đẹp một cô bé với sự hấp dẫn (nghiêng về phần dục) không thể nào cưỡng lại đối với người đàn ông lớn tuổi. Bộ phim này gây rất nhiều tranh cãi ở phương Tây. Nhưng nó không phải để miêu tả phong cách Lolita ở Nhật Bản. Và thực ra thì cái việc hiểu lầm giữa “Lolita” Âu phương và phong cách “Lolita” này phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà là toàn thế giới.
Nhắc tới phong cách Lolita, hẳn là chúng ta sẽ thường nhớ tới hình ảnh của những người con gái/phụ nữ (Không phân biệt tuổi tác, không phân biệt thân hình – vì nó là phong cách, mà phong cách là dành cho tất cả mọi người) với những bộ váy công phu với nhiều layer khác nhau được xen lẫn những chi tiết ren, những lớp make-up đậm, những kiểu màu tóc nổi bật được cho rằng là lấy cảm hứng từ Châu Âu ( Váy Rococo hay trang phục thời Victoria). Lolita ở Nhật Bản luôn mang lại cho chúng ta một cảm giác về một phiên bản “búp bê” sống đang hiện diện ở đời thật. Nhưng đó chỉ là một phương diện của phong cách Lolita khi văn hóa này nổi lên mạnh mẽ vào cuối thập niên 90 ở Nhật Bản (mặc dù đã manh nha và xuất phát vào những năm 70). Phong cách Lolita được ảnh hưởng và cũng tác động ngược lại, được lan truyền bởi nhiều popculture/sub-culture diễn ra tại Nhật bao gồm Western Goth, manga, anime và Visual-kei (Visual Rock). Visual-kei là một thể loại âm nhạc phổ biến và yêu thích tại Nhật vào đúng khoảng thời gian thập niên 80-90s, đóng góp một vai trò lớn trong việc phổ rộng phong cách thời trang Lolita với những nghệ sĩ ăn mặc cầu kì cùng lớp makeup đặc trưng và phần tóc không thể lẫn vào đâu được. Khi nhìn vào những nghệ sĩ thuộc dòng chảy văn hóa Visual-kei chúng ta dễ dàng nhận ra được một điều rằng ngay cả những male artist cũng có thể diện Lolita style tự do được. Từ đó, thời trang của Lolita nhận được hưởng ứng không hề nhỏ của công chúng, giới truyền thông và cả những fashion journalist vì tính bắt mắt,độc đáo của nó.
Câu hỏi đặt ra rằng “Sao ở một nước Phương Đông là Nhật Bản lại xuất hiện những trang phục được lấy cảm hứng khá nhiều từ Châu Âu”. Thì việc này có nguyên căn nhiều khi mà Phát Xít Nhật thua cuộc trong chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật và Mĩ kí nhiều hiệp định an ninh trong đó có việc Mĩ sẽ bảo hộ Nhật, đóng quân ở Nhật trong 1 khoảng thời gian để kiểm soát cũng như là “sân sau” để ổn định khu vực bất ổn trong mắt người Mĩ (Trung Quốc – Việt Nam hay khu vực Đông Dương). Văn hóa Nhật cũng trải qua nhiều sự thay đổi – người Nhật có tự tôn về tinh thần dân tộc của họ nhưng cũng mở lòng để học hỏi các văn hóa và trải nghiệm những thứ của phương Tây,của Mỹ trong thời kì Hậu chiến để nâng cấp kiến thức của bản thân. Tại thời điểm đó, lính Mỹ rất phổ biến ở Nhật (Nếu các bạn nhớ thì chính phủ Nhật từng có chính sách cải tạo gene của người Nhật khi khuyến khích kết hôn với người ngoại quốc) thì đây chính là một trong những kênh đưa văn hóa của âm nhạc, phim ảnh phương Tây trở nên phổ biến và là động lực thúc đẩy của nhiều nghệ sĩ Nhật Bản. Điều này biến văn hóa nước Nhật trở nên đa dạng và sinh động hơn nhiều.
Rất nhiều nhà sử học và văn hóa đã nói về vấn đề “Chiếm đoạt văn hóa giữa các quốc gia” hay tranh cãi giữa “Các nền văn hóa có xu hướng thống nhất hay phân mảnh dựa vào điều kiện của mỗi môi trường”. Thì Lolita là một ví dụ điển hình về việc người Nhật lấy cảm hứng từ phương Tây nhưng biến nó thành một bản sắc riêng của mình và phát triển nó lên thành một thứ đặc sắc hơn. Lolita là từ chung để miêu tả phong cách nhưng nó bao gồm rất nhiều thể loại khác nhau – từ Kuro-loli (Gothic/Black Lolita), Ama-Loli (Sweet Lolita) trong đó sử dụng những gam màu ngọt hay Kurashikku-lolita (Classical Lolita) cổ điển hơn. Panku – Loli (Punk Lolita) là sự pha trộn giữa hiện đại của văn hóa Punk và những tiêu chuẩn trước đó của Lolita. Phong cách Lolita nhiều khi còn phát triển nhánh khai thác các trang phục truyền thống của Châu Á, như là sườn xám của Trung Quốc hay kimono Nhật Bản – các biến thể nhỏ hơn như là Guro-loli (Grotesque Lolita) hay như mình nói ban đầu là Ero-loli (Sexy Lolita) cũng có.
Phong cách Lolita chính thống và nguyên bản nhất là sự kết hợp giữa ba yếu tố Black, Sweet và Classic. Thông thường nhất 1 outfit tiêu biểu của Lolita là 1 chiếc váy dài đến bắp chân công phu với nhiều tầng, một đôi vớ dài tới đầu gối (thường là ren) và phía trên có các chi tiết xếp nếp đi cùng một đôi Mary-Janes shoes (Mình đã từng có viết bài). Để tham khảo rõ hơn, các bạn có thể tìm đọc bộ phim khá nổi tiếng và mang hình ảnh phong cách Lolita là Shimotsuma Monogatari (Được biết với tiếng Anh là Kamikaze Girls) được dựng lên từ novel ăn khách tại Nhật bởi tác giả Takemoto (Phát hành vào năm 2004).Trong Kamikaze Girls,chúng ta thấy được hai nhân vật chính là hiện thân của các loại hình văn hóa đường phố khác nhau của giới trẻ Nhật Bản: đó là Ichigo “Yanki” và Sweet Lolita Momoko. Momoko theo phong cách Lolita, theo nét vẽ không khác gì một “alive doll” (búp bê sống) – Momoko ăn cắp và nói dối để kiếm sống và có tiền mua những bộ quần áo cầu kì của Lolita. Cô bé cũng có những vấn đề về tâm lý khi tâm hồn bên trọng đã mục nát và sử dụng phong cách Lolita như là 1 phương tiện để gây chú ý và che đậy cảm xúc của bản thân.
Việc đó cũng miêu tả một phần tâm lý của thanh niên Nhật. Chúng ta đều biết rằng người Nhật rất quy củ và coi trọng hình thức, bằng cấp và sự thành công. Đây cũng là một nước nặng nề về việc “Trọng nam khinh nữ” thế nên không chỉ thanh niên Nhật mà rất nhiều người lớn ở Nhật cảm thấy tù túng trong cái vòng lặp “Đi học – Đi làm – Ăn – Ngủ” ngày qua ngày. Họ khao khát thể hiện bản thân nhiều hơn, sống điên loạn hơn, sống thật với bản thân mình hơn (Đó cũng là lí do vì sao Harajuku thu hút như vậy). Dù có tích cực và tiêu cực song hành, nhưng phong cách Lolita với những bộ váy cầu kì được coi là biểu tượng của sự áp bức với phụ nữ. Họ không thể tự do chạy nhảy, làm điều họ muốn hoặc đơn giản là làm những điều mà đàn ông làm – họ chỉ có thể nhẹ nhàng đi lại,nói chuyện, tỏ sự dễ thương bên cạnh đàn ông. Khiến những người phụ nữ trở thành trang sức, thành chiến tích của người đàn ông đi cạnh – Mang ý nghĩa phục tùng nhiều hơn. Nhưng sau này khi xã hội phát triển thì việc theo đuổi classic Lolita thể hiện rằng người phụ nữ đang muốn nêu bật quan điểm của họ, tăng quyền lực và cho người khác xem nhận thức được sự tồn tại của họ trong xã hội. Không chỉ mờ nhạt mà thực sự họ có tồn tại trong xã hội, khiến người khác phải ngước nhìn. CHưa biết là đẹp hay không, nhưng chí ít là họ nổi bật trong mắt người khác.
Các nữ nhi Nhật cũng yêu thích sử dụng phong cách Lolita để lãng mạn hóa. Lolita không chỉ đơn thuần là một lựa chọn về thời trang, về quần áo mà còn là bản sắc và lối sống của họ. Bằng cơ thể, bằng thời trang – họ mong muốn mình có một đặc quyền trong xã hội, được phép xinh đẹp và ngang hàng với đàn ông, được yêu thương và chiều chuộng ( link tới sự “Trọng nam khinh nữ” phổ biến tại Nhật Bản”). Điều này lại tạo ra sự nhập nhằng giữa văn hóa Tây Phương và Đông Phương – khi đó là cách mà giới quý tộc thể hiện ở châu Âu (Chúng ta có thể tham khảo thêm ở Alice in Wonderland hay Marie Antoinette của Pháp).
Nhưng rõ ràng, Lolita thể hiện nhiều khía cạnh khác nhau của người sử dụng nó. Lãng mạn có, thi vị có, cổ điển có, nữ tính cũng có. Để mà viết hết thì cần một lượng bài viết khổng lồ bổ sung.Mình nghĩ sẽ tiếp tục ở các bài viết sau, nếu có gì sai sót mong mọi người bổ sung.
Cảm ơn mọi người!
Trí Minh Le