Liberia – cuộc chiến hoang dại của thế kỷ 21.Phần cuối: Kim cương máu và Nội chiến S…

Liberia – cuộc chiến hoang dại của thế kỷ 21.Phần cuối: Kim cương máu và Nội chiến S…

Liberia – cuộc chiến hoang dại của thế kỷ 21.
Phần cuối: Kim cương máu và Nội chiến Sierra Leone.
Tác phẩm điện ảnh đình đám ''Kim cương máu'' với Leonardo DiCaprio thường được nói là giúp nhiều người biết đến cuộc nội chiến Sierra Leone. Một phần! Bộ phim này đúng là có giá trị nhân đạo, hướng thế giới đến tình trạng khai thác lao động và tài nguyên trong các cuộc xung đột châu Phi. Còn giá trị lịch sử thực sự không cao (dĩ nhiên, vì nó là phim điện ảnh). Cuộc chiến khiến nhiều người biết đến nội chiến Sierra Leone, nhưng điều tai hại là quên hẳn nội chiến Liberia. Sự thật rằng cuộc chiến ở Liberia là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến cuộc chiến ở Sierra. Không được phép tách riêng 2 cuộc chiến ra, đó là điều nên biết khi đọc về cuộc chiến Sierra Leone. Quân RUF trong phim thực ra chính là sản phầm của nhà lãnh đạo Liberia Charles Taylor.
1/ Nước Sierra Leone.
Nước Sierra Leone thực ra bị chia thành 2 phần khác nhau khá xa. Phần lớn đất nước không hoàn toàn là thuộc địa, mà chỉ là xứ bảo hộ của Anh. Xứ thuộc địa duy nhất mang một cái tên rất mỉa mai – Cảng Freetown (thị trấn tự do) – nhưng những gì bến cảng này làm là…buôn bán nô lệ sầm uất nhất Đại Tây Dương. Chính vì vậy mà tồn tại sự khác nhau giữa Freetown và phần còn lại của đất nước. Trong khi Freetown là nơi tập trung mọi tinh hoa của chế độ cai trị từ Anh, thì phần còn lại của Sierra Leone gần như vẫn như thời tiền thuộc địa, nơi các bộ lạc nguyên thủy địa phương thống trị.
So với nước láng giềng Liberia, Sierra Leone đối lập khá nhiều. Diện tích Liberia gấp rưỡi Sierra Leone (110.000 so với 70.000). Nhưng dân số Sierra Leone gấp 3, năm 1980 khoảng 7 triệu so với Liberia khoảng 2 triệu. Dù ngay sát nhau, nhưng thành phần dân tộc 2 nước rất ít liên hệ. Và cuối vùng, trong khi Liberia nghèo tài nguyên (nên mới không bị xâm lược), thì Sierra Leone ngập tràn kim cương (một trong những nước nhiều kim cương nhất thế giới), vàng, bauxite, rutile, sắt,… Nói tóm lại, trong khi Liberia đất rộng, người thưa, nghèo tài nguyên, … thì Sierra Leone là đất chật, người đông nhưng ngồi trên đống vàng.
Tuy vậy, hậu quả của sự quản lý yếu kém, nền kinh tế của Sierra Leone rất kém dù chính trị rất ổn định. Suốt lịch sử Sierra Leone không trải qua bất cứ đảo chính nào, là nước ổn định nhất Tây Phi. Nhưng tham nhũng và nghèo đói rất phổ biến, ngược hẳn với láng giềng Liberia. Vì vậy, chưa cần đến khi nội chiến bùng nổ và DiCapiro làm ''Kim cương máu'', người ta đã gán cho Sierra Leone ''lời nguyền tài nguyên'' (Resource curse) – chỉ những nước giàu tài nguyên nhưng vẫn nghèo. Sierra Leone trở thành nước tiêu biểu hàng đầu để ví dụ khi thuật ngữ ''căn bệnh Hà Lan'' được đưa ra.
Khi nội chiến ở láng giềng Liberia bùng nổ, Sierra đã hứng thêm hàng trăm nghìn người tị nạn tràn qua, làm tồi tệ thêm tình hình.
2/ RUF và nội chiến Sierra Leone.
Năm 1991, sau khi giành chiến thắng ban đầu trong nội chiến Liberia, lãnh đạo Charles Taylor mở rộng tham vọng của mình sang nước láng giềng Sierra Leone. Sở dĩ ông chọn Sierra Leone mà không phải nước khác là vì những lý do đã nói trên: đất nhỏ, dân đông nhưng nghèo, lại giàu tài nguyên,… Vì vậy năm 1991, Mặt trận thống nhất Cách mạng, gọi tắt là RUF được Charles Taylor đỡ đầu thành lập, do một người Sierra Leone là Foday Sankoh đứng đầu, hoàn toàn là tay sai.
Ngoài ra, RUF còn được hưởng lợi từ tham vọng của Muammar Gaddafi và việc Liên Xô sụp đổ. Gaddafi thì hỗ trợ Charles Taylor nên liên đới luôn qua Sierra Leone. Còn tại sao lại có Liên Xô ở đây thì nói luôn ở đây Sierra Leone là một trong những nơi đầu tiên mà kho vũ khí khổng lồ của quân đội Liên Xô được giải phóng. Hàng đống vũ khí hiện đại của quân đội Liên Xô, sau khi liên bang sụp đổ, không có người kiểm soát đã rơi vào tay các nhóm mafia Nga. Và Sierra Leone, với những nhóm phiến quân nắm các mỏ kim cương là nơi không thể tuyệt vời hơn để mafia Nga bán vũ khí. Vì vậy không ngạc nhiên khi mà phiến quân Sierra Leone từng sở hữu cả … trực thăng Mi-24. Còn lại những AK, RPG mới tinh không hiếm trong nội chiến Sierra Leone. Khi nói đến việc này, không thể không nhắc tới ''lái buôn thần chết'' người Nga Viktor Bout, người buôn vũ khí khắp châu Phi thách thức tình báo Mỹ. Người ta đồn rằng chính Viktor Bout đã lái trực thăng Mi-24 đến Sierra Leona giao cho quân nổi dậy.
Kể từ khi bắt đầu nổi dậy năm 1991, RUF không có vẻ gì là chiến đấu giỏi. Nhưng họ hưởng lợi từ sự tham nhũng tràn lan trong chính phủ Sierra Leone, không ngoại trừ quân đội. Điều này khiến quân đội chính phủ Sierra Leone, dù trang bị không kém hiện đại, lại được cả quân đội Anh huấn luyện, vẫn không đánh bại được RUF. Khi các mỏ kim cương rơi vào tay quân nổi dậy, tình hình chuyển biến xấu đi khi nhiều binh lính chính phủ không được trả lương đã đào ngũ sang quân nổi dậy để được trả bằng kim cương. Vì vậy từ năm 1991 đến 1993, dù không thắng nhiều nhưng RUF vẫn kiểm soát các vùng đất quan trọng với mỏ kim cương giàu có nhất của Sierra Leone. Ở những nơi bị chiếm đóng, RUF thường xuyên bắt trẻ em làm việc trong các mỏ kim cương với điều kiện vô cùng tồi tệ, không được trả lương và vì vậy họ trở nên rất giàu, còn dân chúng thì nghèo đói và chết dần. Những điều này, phần nào ''Kim cương máu'' cũng thể hiện.
Năm 1995, tình hình xấu như vậy, nhưng chính phủ Sierra Leone lại gặp may. Số là ở Nam Phi, có một công ty chuyên cung cấp lính đánh thuê tên là Executive Outcomes, nổi tiếng với các đơn vị khét tiếng tàn bạo và thiện chiến. Khi chế độ phân biệt chủng tộc sụp đổ năm 1994 và các cuộc chiến ở Angola cũng kết thúc, Executive Outcomes đứng trước nguy cơ phá sản. Tức thì, chính phủ Sierra Leone đưa ra đề nghị trả 1,8 triệu USD 1 tháng để Executive Outcomes cung cấp 3000 lính đánh thuê Nam Phi đến Sierra Leone chiến đấu. Executive Outcomes nhận lời ngay lập tức.
Sự có mặt của lính đánh thuê Executive Outcomes thay đổi 180 độ cuộc chiến Sierra Leone. Chỉ trong vòng 7 tháng, những chiến binh thiện chiến của Nam Phi dễ dàng đánh bại những tay súng da đen không được huấn luyện. Tháng 4 năm 1996, lính đánh thuê Nam Phi dễ dàng đánh sập thủ phủ của quân RUF ở thành phố Bo, lớn thứ 2 đất nước Sierra Leone. Trước đó quân chính phủ suốt 5 năm không thể tiếp cận thành phố chứ chưa nói đến đánh chiếm.
Với thất bại ở thủ phủ Bo, tháng 11/1996, RUF phải cay đắng ngồi vào bàn đàm phán hòa bình ở Abidjan, Bờ Biển Ngà với tư cách là bên thua cuộc. Mọi công sức họ gây dựng trong 5 năm chiến đấu với chính phủ Sierra Leone, nay bị một nhóm lính đánh thuê Nam Phi phá sạch trong 7 tháng.
3/ RUF bội ước, tổng thống bỏ chạy – Nội chiến tiếp tục.
Tuy nhiên, chính phủ Sierra Leone ngủ quên trên chiến thắng, mà thực chất là hết tiền trả cho lính đánh thuê của Executive Outcomes. Năm 1997, Executive Outcomes rút quân về Nam Phi, và một năm sau (1998) thì phá sản và giải tán.
Trong bối cảnh đó, RUF đã thừa cơ nối lại nổi dậy, xé bỏ hiệp ước hòa bình. Nhận thấy không còn lính đánh thuê, ngày càng nhiều binh lính Sierra Leone phản bội và đầu quân cho RUF. Khi con số binh sĩ đào ngũ lên cao, họ tự tập hợp nhau và tự đặt cái tên ''Hội đồng vũ trang cách mạng'' – Armed Forces Revolutionary Council, gọi tắt AFRC. AFRC trên thực kế tuyên bố liên minh với RUF chống lại chính phủ. Năm 1997, AFRC tuyên bố tự cho mình là chính phủ mới của Sierra Leone. Thấy bị quân đội phản bội, tổng thống Sierre Leone, Ahmad Tejan Kabbah bỏ chạy sang Guinea tị nạn, tạo điều kiện cho AFRC chiếm lấy quyền lực không tốn một viên đạn. RUF từ đó cũng được tuyên bố là hợp pháp và trở lại chính trường.
Nhưng sự tiếm quyền của AFRC và sự bỏ chạy hèn nhát của tổng thống Kabbah đã làm người dân Sierra Leone tức giận. Sau khi AFRC chiếm quyền, liên tục các liên đoàn sinh viên, nhà báo, phụ nữ,… của Sierra Leone biểu tình phản đối từ tháng này qua tháng khác, kéo dài nhiều năm. Đôi khi các cuộc biểu tình kết thúc đẫm máu khi quân đội nổ súng làm hàng trăm người chết, nhưng nó không dập tắt được sự phản kháng. Các hành vi tàn bạo với người biểu tình làm các nước châu Phi xung quanh tức giận, chỉ trích chính quyền quân sự của Sierra Leone. Và điều tai hại là nó làm chính phủ Anh để ý đến Sierra Leone – trên danh nghĩa là thuộc địa cũ của Anh trong khối Thịnh Vượng chung, và quân đội Anh có quyền can thiệp khi được yêu cầu.
Và điều này thực sự đã xảy ra. Sau khi được các nước châu Phi yêu cầu can thiệp, quân đội Anh quyết định đây cũng là cơ hội để họ thử sức quân đội đã lâu không chiến đấu của mình. Trước đó, quân đội Nga đã có mặt ở Sierra Leone, là nước châu Âu đầu tiên có mặt trong nhiệm vụ hòa bình ở Sierra Leone. Tháng 7 năm 2000, quân đội Anh quyết định kéo Ấn Độ, Nepal vào một cuộc ''tập trận'' ở Sierra Leone với tên ''Chiến dịch Khukri''.
Chiến dịch Khurki trên thực tế chỉ có ý nghĩa với quân đội Ấn Độ, khi lần đầu tiên họ chiến đấu xa như vậy. Màn trình diễn của họ khá ấn tượng: chỉ có một lính Ấn Độ thiệt mạng và tiêu diệt hàng trăm tay súng phiến quân RUF, giải cứu một tiểu đoàn lính Gurkha Nepal. Quân Ấn Độ sau đó được người dân Sierra Leone chào đón, và dựng tượng đài tưởng niệm chiến thắng ở thành phố Daru.
Khiếp sợ trước sức mạnh của quân đội Anh can thiệp và nản lòng trước sự phản đối của người dân, chính quyền quân sự Sierra Leone chịu đầu hàng. Năm 2002, họ trả lại quyền lực cho Tổng thống Kabbah. Ngày 18/1/2002, tổng thống Kabbah tuyên bố Nội chiến Sierra Leone kết thúc.
4/ Hậu quả và ảnh hưởng chiến tranh.
Thiệt hại nhân mạng của chiến tranh Sierra Leone không quá thảm khốc: 50.000 người chết so với gần 1 triệu ở nước láng giềng Liberia. Sau chiến tranh, tổng thống Kabbah đã ân xá cho toàn bộ quân nổi dậy, chỉ xét xử 3 thủ lĩnh cao nhất của RUF. Nhờ vậy mà vết thương chiến tranh lành nhanh chóng. Nhưng những hậu quả kinh tế về nhân đạo vẫn ám ảnh người dân Sierra Leone đến tận ngày nay. Giống như Liberia, Sierra Leone cũng có nạn chặt tay trong nội chiến, làm phần lớn dân số mất đi khả năng lao động.
Chiến tranh Sierra Leone gắn chặt với cuộc chiến ở nước láng giềng Liberia. Nó cũng góp phần làm quân Liberia của Charles Taylor phải căng sức trên nhiều mặt trận, dẫn đến thất bại của ông trong cuộc nội chiến lần 2.
Và điều có vẻ buồn cười nhất, là trong khi không phải hứng chịu tội ác lớn nhất của Charles Taylor (chỉ có 50.000 người chết), Sierra Leone lại là nước đưa Charles Taylor ra tòa. Cụ thể, trong khi ở quê nhà Liberia chính phủ đã tha cho Charles Taylor, thì Sierra Leone lại kiện Charles Taylor vì chống lưng cho tội ác của RUF trong chiến tranh. Và điều này khiến Charles Taylor chịu 50 năm tù.
Cuối cùng, cuộc nội chiến Sierra Leone, cùng gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn sử dụng lính và lao động trẻ em trong các cuộc xung đột, điều trước đây ít được chú ý. Việc này, ''Kim cương máu'' làm khá tốt.
Tài liệu tham khảo:
-Kho tư liệu AP Archive
-Phim tài liệu: Living in Emergency: Stories of Doctors Without Borders
-Phim tài liệu: Cannibal Warlords of Liberia
-Military Interventions in Sierra Leone: Lessons From a Failed State (Larry J. Woods)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *