Làm sập cầu bằng…. bã trầu ?

Một cây cầu có thể bị sập bởi nhiều yếu tố như: chất lượng xây dựng kém, bị rút bớt nguyên vật liệu, bị sóng thần và do lượng phương tiện đi qua quá tải trọng cho phép. Những lí do nêu trên thì nghe rất hợp lí và cũng là điểu hiển nhiên. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ tới việc làm sập một cái cầu bằng bã trầu chưa? Nghe thì vô lý nhưng đây thực sự là một sự việc có thật và đã suýt xảy ra ở Ấn Độ. 

 Cầu Howrah là một trong những địa điểm nổi tiếng nhất ở Kolkata. Cây cầu kết nối Kolkata với thành phố công nghiệp lân cận là Howrah qua sông Hooghly. Cầu Howrah được xây dựng không đai ốc và bu lông mà các kết cấu thép sẽ được gán lại với nhau hoàn toàn bằng đinh tán. Đây cũng là một trong những cây cầu đúc hẫng bận rộn nhất thế giới. Nó xử lý khoảng 100.000 phương tiện và hơn 150.000 người đi bộ mỗi ngày. Ít ai biết được rằng cây cầu được đúc kết bởi hơn 26.000 tấn thép này từng suýt bị đánh sập bởi bã trầu của người dân. 

Thay vì nhai kẹo cao su giống như phần còn lại của thế giới, người dân Ấn Độ rất thích nhai trầu-cụ thể hơn là loại trầu đóng gói. Việc người đi bộ trên cầu khạc nhổ bã trầu ra các cột trụ chính của cầu đã quá là phổ biến. Không một kiến trúc sư nào có thể nghĩ đến việc cây cầu lại có thể bị đánh sập bởi bã trầu của người dân. Cụ thể thì trong thành phần hoá học của bã trầu và vôi tôi có tính ăn mòn cực kì cao. Việc người dân liên tục khạc nhổ lên các cấu trúc của cầu đã bồi đắp lên một lớp siêu ăn mòn đe doạ trực tiếp đến sự toàn vẹn của cây cầu. Lớp siêu ăn mòn với thành phần chính là bã trầu đó được cho là đã ăn mòn đi 50% cấu trúc thép của các cột trụ trên cầu. Để ngăn không cho cây cầu sập và đe doạ đến tính mạng của hàng nghìn người, chính quyền địa phương đã nhiều lần cho thay thế những tấm thép và quét sơn chống rỉ. Cơ mà sơn chống rỉ cũng là chưa đủ đô để có thể ngăn chặn được lớp siêu ăn mòn đó. Cuối cùng thì họ quyết định bọc các cột trụ của cầu bằng một lớp sợi thuỷ tinh cao hai mét. Trên lớp bọc sợi thuỷ tinh có in dòng chữ “không khạc nhổ trên cầu” kèm theo đó là những tấm hình của các vị thần. 

Tính đến năm 2021, cây cầu đã được 78 năm tuổi và hiện vẫn đang nắm giữ một vài kỉ lục thế giới. 

Tài liệu tham khảo:

1.Wikipedia

2.Báo Người Lao Động

3.Cẩm nang du lịch Ấn Độ

4.Vfacts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *