Tôi đã từng nghe những nhân viên dịch vụ y tế khẩn cấp nói rằng câu hỏi phổ biến nhất mà họ thường nghe từ những người đang hấp hối là ‘liệu bạn sẽ nhớ về tôi chứ?’
Chẳng phải câu hỏi đó đã trả lời được nguồn gốc của nỗi sợ hãi trước cái chết bắt nguồn từ đâu sao – rằng chúng ta sợ việc ra đi và mãi mãi bị lãng quên, rằng toàn bộ sự tồn tại của chúng ta sẽ không còn quan trọng nữa.
Ở nơi tôi sống, những người có kỹ năng viết lách sẽ tình nguyện dành thời gian để làm người viết lại tiểu sử của bệnh nhân nhằm xoa dịu tinh thần của họ. Những tình nguyện viên này sẽ đến khu điều trị ung thư, lắng nghe và ghi lại những câu chuyện đời của bệnh nhân. Nó có tác dụng trị liệu cực kì hiệu quả và là thứ duy nhất có thể giúp giảm bớt những nỗi đau khủng hoảng hiện sinh mà nhiều bệnh nhân cảm thấy.
Những bệnh nhân trẻ còn nhận thấy việc viết lại tiểu sử mang đến cho họ một cảm giác thoải mái. Theo đó, các tiểu sử sẽ thường được viết như một lời nhắn gửi trực tiếp tới bạn bè họ, hoặc tới những đứa con còn quá nhỏ để có thể hiểu được những gì mà họ muốn truyền đạt.
Thật sự khiến tôi nhớ đến một câu nói của Christopher Hitchens. Đại loại như “Khi bạn chết, bạn không cảm thấy tệ vì bữa tiệc đã kết thúc. Bạn cảm thấy tệ là vì bữa tiệc vẫn tiếp tục, chỉ là bạn bị buộc phải rời đi”
Thật ra đoạn sau của câu nói trên mới làm trọn vẹn ý nghĩa của nó cơ: “Nhưng điều mà khiến bạn cảm thấy khủng khiếp, là thông báo bữa tiệc sẽ tiếp tục vĩnh viễn, song bạn bị cấm phải rời đi. Dẫu cho đó là một bữa tiệc tệ hại kinh khủng hay là một bữa tiệc tuyệt vời hoàn hảo về mọi mặt, thì kể từ khoảnh khắc bữa tiệc kéo dài vĩnh viễn và mang tính ép buộc, nó đã trở thành một thứ đầy ngán ngẩm vô vị rồi”
Đây quả thực là một món quà tuyệt vời. Cảm ơn bạn đã chia sẻ, tôi hiện đang thức vào lúc 2h30 sáng căng thẳng vì chị gái 50 tuổi của tôi được chẩn đoán là đã mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Chồng chị cũng mất bốn năm trước vì căn bệnh ung thư. Chị ấy cũng có hai đứa con gái 22 và 17 tuổi nữa.
Tôi sẽ làm điều này cho chị ấy và cho cháu gái của tôi.
Một việc khác bạn có thể làm là soạn lại mấy bức ảnh cũ và cùng cô ấy gắn nhãn cho chúng. Con của cổ sẽ rất trân trọng nếu trên ảnh có tên, ngày tháng, sự kiện, vv… Đồng thời việc soạn ảnh cũng có thể gợi cho cô ấy nhớ đến những câu chuyện mà cổ chưa từng nghĩ đến để mà chia sẻ.
Cảm ơn bạn
Ý bạn là “ai rồi cũng sẽ chết”? Hay là “sắp chết” vào một lúc nào đó vì một nguyên nhân mà bạn biết rõ?
Ý tôi là vế sau. Có khả năng cao là tôi đã mắc ung thư vậy nên tôi muốn chuẩn bị tinh thần thôi.
Chào anh bạn, tôi là một thiếu niên 17 tuổi cũng mắc ung thư đây. Điều quan trọng trước hết lúc này là ông cần phải giữ một thái độ tích cực. Có thể là ông không bị mắc ung thư. Cũng có thể là ông đã mắc ung thư. Nếu mắc phải, chả sao cả, hãy tìm cách đá đít nó đi. Nếu bây giờ ông phát hiện ra mình thật sự đã mắc ung thư, thì tôi sẽ trích dẫn lại cho ông một câu nói tôi yêu thích: “Suốt bấy lâu nay, tôi đã luôn sống để được điều trị, trong khi đáng lẽ ra, tôi phải điều trị để được sống”
Ai rồi cũng sẽ chết thôi, chỉ là một vài người sẽ rời đi trước những người khác. Bây giờ tôi luôn dành phần lớn thời gian để chơi khúc côn cầu, đầu tư vào đam mê, cũng như dành thời gian cho bạn gái, bạn bè, và gia đình. Có nhiều người trong cuộc đời này thật sự yêu thương ông, vậy nên hãy đi nói chuyện với họ ngay đi nếu lâu rồi ông vẫn chưa làm. Hãy viết ra một danh sách những điều muốn làm trước khi chết và đi thực hiện chúng. Hãy thật sự sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng. Tôi biết là nghe nó sến sẩm nhưng việc sống như ngày mai sẽ chết có thể khiến ông trân trọng ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất trong đời và cảm giác khá là tuyệt vời đấy.
Cái chết chỉ là một phần của cuộc đời. Và theo một cách nào đó, cái chết thật sự đẹp đẽ. Nó đại diện cho sự kết thúc của một hành trình, và cũng có thể là sự khởi đầu cho một hành trình khác. Sau tất cả, người tuyệt vời nhất cổ vũ ông tiếp tục tiến lên là chính bản thân ông đấy, vậy nên đừng bỏ cuộc nhé anh bạn. Dành cho ông mọi điều tốt lành nhất
Một trong những điều an ủi nhất tôi từng được đọc, hay từng được nghe, từ một số ít những người có trải nghiệm gần cửa t ử (như một cơn đau tim đột ngột chẳng hạn) rằng họ đã trải qua một cảm giác bình lặng đến kinh ngạc.
Trách nhiệm của bạn đến đây là hết, và những người xung quanh mà bạn phải chịu trách nhiệm với họ, chắc hẳn sẽ phải tự giải quyết những thứ còn lại thôi. Chẳng có gì có thể dừng nó lại được, và cũng chẳng có gì khác bạn có thể làm cho họ được. Chiếc xe buýt chậm dần, bạn đã đến điểm dừng của mình rồi.
Khi tôi nhập ngũ hồi còn 18 tuổi, tôi đã nghe theo lời khuyên từ một thượng sĩ cố vấn đại đội rằng hãy chấp nhận sự thật là tôi đã chết sẵn rồi. Tôi quả thật đã chấp nhận điều đó sau khi trải qua một vài pha suýt chết. Và nó mang đến cho tôi một cảm giác thư giãn kỳ lạ. Tôi đã có thể ngủ ngon hơn. Tôi đã thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn. Tôi đã có cảm giác thèm ăn trở lại. Tất cả là vì tôi đã chấp nhận sự thật rằng tôi sẽ chết trong cuộc chiến.
Rõ ràng là, may mắn thay tôi vẫn còn sống. Tôi trở về nhà 12 năm trước, lập gia đình và có ba đứa con. Tới tận ngày hôm nay, tôi vẫn tin chắc rằng việc tôi còn sống là vì tôi đã chấp nhận. Việc được nghỉ ngơi đàng hoàng và tràn đầy sinh lực thì luôn tốt hơn là việc cảm thấy kiệt sức và dễ bị tổn thương.
Được rồi, cái tôi định kể chỉ vừa mới xảy ra với tôi chưa đầy 3 năm trước vậy nên nó vẫn còn khá khó khăn đối với tôi, cho nên tôi xin lỗi nếu nó trở thành một bài dài quá, méo ai thèm đọc nhé
Nói ngắn gọn, tôi đã từng bị nghiền nát bởi một băng chuyền tại nơi làm việc. Khi tôi đi qua hệ thống băng tải, tôi bị kẹt lại bên dưới một thứ gì đó được gọi là thanh (chịu) kéo. Nó nằm trên băng chuyền tầm 7.62cm và có tác dụng giúp giữ hàng hóa lại trước khi trượt xuống đoạn dốc.
Chuyện là tôi bị mắc kẹt bên dưới thứ này. Tôi thì bị hút lên vậy nên cái thanh đó kẹp chặt vào giữa lưng làm tôi bị gãy 5 cái xương sườn và xẹp phổi (cộng với vô số vết thương gây ra bởi những đoạn khác của cái băng chuyền).
Tôi đúng nghĩa bị kẹt hẳn bên dưới thứ đó luôn. Tôi cố gắng di chuyển nhưng không có tác dụng. Rồi tôi cảm thấy hơi thở của mình ngày càng ngắn lại và càng trở nên khó khăn hơn để thở.
Sau hơi thở thứ 3, tôi đã tự nhủ rằng “Hờ, vậy ra đây là cách mình chết sao” Tôi phải thừa nhận với bản thân rằng mọi chuyện kết thúc thật rồi. Nhưng tôi không cảm thấy sợkhông tức giậnkhông buồn bãkhông gì cả. Tôi hiểu mọi thứ đã chấm dứt. Suy nghĩ cuối cùng còn đọng lại trong tôi là “Đây sẽ là một cuộc gọi điện tồi tệ đối với bố mẹ đây”
Không còn điều gì tôi có thể làm để thoát khỏi cái thanh đó cả. Tôi đã cố gắng hết sức nhưng đó là tất cả những gì tôi còn sót lại. Mắt tôi dần nhắm lại và thế là hết. Tôi sắp chết thật rồi.
Như vừa bừng tỉnh khỏi cơn mơ, tôi mở mắt ra và thấy sếp lẫn đồng nghiệp đang nhìn xuống tôi. Tôi không biết mình đã bất tỉnh trong bao lâu hay chuyện gì đã xảy ra giữa lúc “mọi thứ tối mịt” cho đến lúc bị sếp tát vào khuôn mặt xanh xao nhằm cố đánh thức tôi dậy nữa.
Khi đó không hề có một tí ánh sángcũng không hề nhìn thấy cuộc đời lóe lên trước mắt mìnhkhông có nỗi sợcũng không hề đau đớn…..tôi chẳng buồn cho mình mà chỉ buồn cho bố mẹ khi họ biết rằng con trai họ đã đi làm và chẳng thể trở về.
Tôi không thể nói thay cho những người biết trước rằng họ sẽ chết trong tương lai nhưng đây là trải nghiệm của tôi khi mọi thứ dần sụp đổ chỉ trong vài giây.
Nhận thức được rằng bạn đã thay đổi Vũ trụ này.
Sự tồn tại của bạn đã thay đổi được nhiều thứ. Khi bạn băng qua cuộc đời của mình chỉ bằng việc tồn tại, bạn đã tạo ra sự khác biệt.
Mọi người rồi sẽ nhớ đến bạn. Những điều bạn làm rồi sẽ để lại dấu ấn.
Bạn chính là ví dụ về một sự trật tự nhỏ nhoi tồn tại giữa một vũ trụ hỗn loạn.
Trích dẫn lại lời của Aaron Freeman:
“Chắc hẳn bạn sẽ muốn được một nhà vật lý học phát biểu tại tang lễ của mình. Chắc hẳn bạn sẽ muốn nhà vật lý học ấy nói cho gia đình đang đau buồn của bạn biết về sự bảo toàn năng lượng, để họ hiểu rằng năng lượng của bạn không hề biến mất. Chắc hẳn bạn sẽ muốn nhà vật lý học ấy nhắc cho người mẹ đang thổn thức của bạn hiểu về định luật đầu tiên của nhiệt động lực học; rằng không có năng lượng nào được tạo ra trong vũ trụ, cũng như không có năng lượng nào bị phá hủy.
Chắc hẳn bạn sẽ muốn bà ấy biết rằng mọi năng lượng, mọi dao động, mọi đơn vị nhiệt Anh, mọi sóng – hạt mà đã từng thuộc về đứa con yêu dấu của bà ấy vẫn ở bên bà ấy trên thế giới này. Chắc hẳn bạn sẽ muốn nhà vật lý học ấy nói với người cha đang than khóc của bạn rằng giữa những nguồn năng lượng của vũ trụ, bạn đã cho đi những gì tốt đẹp nhất.
Và đến một lúc nào đó, chắc hẳn bạn sẽ hy vọng rằng nhà vật lý học ấy sẽ bước xuống bục giảng, tiến đến người bạn đời đang đau khổ của bạn tại hàng ghế đó mà nói rằng, tất cả những hạt photon đã từng phản chiếu lại khuôn mặt bạn, tất cả những hạt mà đường đi của chúng bị ngắt quãng bởi nụ cười của bạn, bởi cái chạm vào làn tóc của bạn, hàng trăm nghìn tỷ hạt, rồi sẽ rời đi như những đứa trẻ, con đường của chúng đã thay đổi vĩnh viễn nhờ vào bạn.
Và khi người bạn đời góa phụ của bạn được bao bọc trong vòng tay yêu thương của gia đình, mong cho nhà vật lý học ấy nói cho họ biết rằng mọi hạt photon phản xạ lại bản thân bạn đều đã được tập hợp lại bởi một cái máy dò hạt chính là đôi mắt họ, rằng những photon đó đã tạo ra các chùm tế bào thần kinh tích điện từ bên trong họ mà năng lượng của chúng sẽ tồn tại mãi mãi.
Chắc hẳn bạn sẽ mong muốn gia đình mình xem xét lại những bằng chứng và thỏa mãn rằng khoa học đã đúng, để họ được an ủi hơn khi biết rằng năng lượng của bạn vẫn tồn tại quanh đây. Rằng theo định luật bảo toàn năng lượng, không có một phần nào trong bạn bị mất đi cả; chỉ là bạn trở nên ít gọn gàng hơn mà thôi”
Edit: Cảm ơn mọi người vì phần thưởng platinumgold. Tôi hy vọng bình luận này có thể giúp mọi người vượt qua nỗi sợ hãi cái chết mà tôi cũng gặp phải.