Trong hình dung của nhiều bạn sinh viên, freelancer là nghề chỉ dành cho những ai có chuyên môn khá cứng. Họ thường là những người làm trong các công ty lớn, tích lũy kiến thức lên một trình độ nhất định rồi xin nghỉ và ra ngoài làm việc như một freelancer. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Hãy cùng Tây đi khám phá xem làm thế nào để trở thành một freelancer từ khi còn là sinh viên bên dưới nhé:
XÂY DỰNG CÁC MỐI QUAN HỆ (NETWORK):
Bản chất của nghề này là cung cấp những sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng có nhu cầu với một mức thù lao nhất định. Vì thế, để tìm được khách hàng, một trong những nhiệm vụ đầu tiên và rất quan trọng là các bạn phải xây dựng được các mối quan hệ chất lượng.
Sinh viên có thể kết nối với các anh chị trong câu lạc bộ hay tổ chức mà mình tham gia. Bên cạnh đó, các bạn có thể theo dõi một số những người đi trước có nhiều kinh nghiệm hoặc thường xuyên tham gia sự kiện, workshop chuyên môn để xin thông tin và liên hệ với những “tiền bối” ấy. Thậm chí, nếu có điều kiện, các bạn nên đăng ký workshop, webinar trong lĩnh vực mà các bạn quan tâm vì ở đó bạn không chỉ tiếp thu được kiến thức mà quan trọng hơn hết là bạn có cơ hội được tiếp xúc với các speakers – những người có thể kết nối học viên với khách hàng.
ĐỪNG CHỈ HỌC, HÃY “HÀNH” NỮA:
Hiện nay, các bạn sinh viên thường có lối suy nghĩ rằng làm freelance rất khó vì mình chưa có gì nhiều, nên cố nhồi nhét vào đầu rất nhiều kiến thức và tin rằng khi mình có nhiều kiến thức rồi thì khi job freelance đã về tay mình sẽ làm rất tốt. Tuy nhiên, việc học lý thuyết sẽ trở nên hoàn toàn vô nghĩa nếu các bạn không áp dụng nó để làm những công việc trong thực tế. Điều quan trọng ở đây là các bạn phải biết chắt lọc để thu nạp những kiến thức “có thể dùng được” thay vì ôm đồm quá nhiều và tìm kiếm những cơ hội để sử dụng chúng.
TIỀN THÌ QUAN TRỌNG ĐẤY, NHƯNG ĐÂU LÀ ƯU TIÊN CỦA BẠN?
Khi làm một công việc freelancing, chắc hẳn bạn sinh viên nào cũng có kỳ vọng nhận được khoản thu nhập xứng đáng. Vì thế, có khá nhiều sinh viên rơi vào “bẫy thu nhập” (income trap) nghĩa là các bạn sẵn sàng từ bỏ một cơ hội cho mình được học hỏi nhiều hơn để lựa chọn những công việc có mức thù lao cao. Tuy nhiên, các bạn nên nhớ tiền không phải là ưu tiên hàng đầu. Cái quan trọng hơn là việc được trải nghiệm và trau dồi thêm những kỹ năng trong quá trình làm. Khi bạn đã có bộ kỹ năng vững vàng, việc tìm kiếm công việc freelancing có mức thu nhập tốt dễ dàng hơn rất nhiều.
LỰA CHỌN NHỮNG CÔNG VIỆC PHÙ HỢP:
Freelancing hiện nay đang là một xu thế vì vậy, không khó để tìm những công việc cho một freelancer. Nhưng các bạn nên lựa chọn công việc phù hợp với năng lực của bản thân thay vì những lĩnh vực đòi hỏi quá nhiều kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm.
Không có khách hàng nào lại thuê một bạn sinh viên năm hai năm ba chưa hề có kinh nghiệm làm những việc như kiểu thiết kế bản vẽ xây dựng, ví dụ. Thay vào đó, một số lĩnh vực sinh viên có thể cân nhắc là design, tuyển dụng, sales, hỗ trợ nghiên cứu,…
Nói tóm lại, làm những công việc của một freelancer thực sự là một trải nghiệm nên có đối với sinh viên, vừa giúp kiếm thêm thu nhập, lại còn có cơ hội học hỏi những kiến thức và kĩ năng mới. Vậy ngại gì mà không thử?
Cre: Adele Doan