Lần đầu tiên đi phỏng vấn, HR đã hỏi tôi rằng: “Mục tiêu nghề nghiệp của em trong 5 năm tới là gì?”.
Tôi buột miệng trả lời: “Lương hàng năm là 300000 tệ (hơn 1 tỷ VND)”. Vừa dứt lời tôi liền cảm thấy miệng nhanh hơn não mất rồi, thật sự muốn tát cho mình một cái.
HR hơi cau mày, sau đó lại hỏi tôi: “Mục tiêu này không hề nhỏ, em đã có kế hoạch cụ thể nào để đạt được nó chưa?”. Tôi đứng hình mất vài giây và sau đó nói ra một tràng những lời sáo rỗng mà đến bản thân mình cũng không thể tin được. Và sau đó… à tất nhiên là chẳng có sau đó nữa.
Gửi đến những bạn sinh viên sắp bước chân vào đời, hãy chuẩn bị thật kỹ trước khi đi phỏng vấn. Vậy, phải chuẩn bị như thế nào? Mọi người cùng xem tiếp nhé!
**NHỮNG CÂU HỎI HÓC BÚA VÀ KHÓ TRẢ LỜI NHẤT **
**1. Bạn nghĩ điểm yếu của mình là gì? **
Câu trả lời đi vào lòng đất:
- Thiếu sót của tôi là mặc dù tôi chưa có khả năng xxx cho vị trí này trong thời điểm hiện tại, nhưng tôi rất chịu khó học hỏi và có thể làm việc dưới áp lực. Tôi chắc chắn sẽ làm việc thật chăm chỉ để thành thạo những kỹ năng này.
- Tôi khá thiếu ý chí và sự kiên nhẫn, tuy nhiên tôi vẫn đang cố gắng thay đổi.
…
Tip: Đừng quá thẳng thắn, thật thà.
Câu trả lời gợi ý:
- Nhược điểm của tôi là có quá nhiều băn khoăn, đắn đo khi làm việc. Mặc dù điều này sẽ giúp tôi ít mắc sai lầm hơn nhưng tôi có thể bỏ lỡ một số cơ hội tốt trong quá trình đưa ra quyết định. Sự thiếu sót này đòi hỏi tôi phải tập trung vào làm việc nhóm, sử dụng “trí tuệ tập thể” để xác định rủi ro và nắm bắt cơ hội.
- Tôi khá thẳng thắn và do đó dễ làm mất lòng mọi người. Tuy nhiên, tôi chỉ nhắm vào sự việc, không nhắm vào bất cứ cá nhân nào. Đồng thời, tôi cũng sẽ chủ động xin lỗi nếu đó là lỗi sai của mình.
Tóm lại, đừng đề cập đến những kỹ năng liên quan trực tiếp đến yêu cầu công việc khi bạn chưa thành thạo nó. Đồng thời, câu trả lời cũng không nên quá khéo léo, giả tạo.
2. Vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?
Câu trả lời đi vào lòng đất: Bởi vì cấp trên của tôi ở công ty quá ngốc, không xem trọng người tài, thế nên tôi không muốn làm việc ở đó nữa.
Tip: Không nói xấu về công ty trước đây mình từng làm việc và hãy trả lời với năng lượng tích cực. Những lí do như lương quá thấp, việc quá nhiều, không muốn tăng ca, vv. thì không nên nói ra.
Câu trả lời an toàn hơn: Tôi đã hoàn thành khá tốt các công việc được giao và cũng đã đạt được những thành tích nhất định ở công ty cũ. Tuy nhiên, tốc độ thăng tiến lại khá chậm. Vì vậy, tôi muốn tìm kiếm một không gian rộng lớn hơn để có thể phát triển và thực hiện được giá trị cuộc sống của mình.
3. Hãy nói về kế hoạch nghề nghiệp của bạn trong 5 năm tới
Câu trả lời đi vào lòng đất: Tôi muốn mức lương hàng năm là xxx; Tôi muốn trở thành quản lý, giám đốc bộ phận xxx.
Làm thế nào bạn đạt được điều đó? Các kế hoạch cụ thể của bạn là gì? Hàng loạt câu hỏi được HR đặt ra tiếp đó sẽ khiến bạn chết đứng như trời trồng và nghi ngờ về năng lực của bản thân mình đấy.
Tip: Chú trọng vào chi tiết.
Câu trả lời gợi ý:
- Trước tiên, đây là ngành nghề mà tôi rất quan tâm bởi nó có thể kết hợp công việc và sở thích của tôi. Vì vậy, tôi sẽ rất nghiêm túc với công việc này và hy vọng sẽ sớm được hòa nhập vào tập thể công ty. Đồng thời, trong vòng 5 năm tôi sẽ tiếp tục học hỏi các kiến thức về xxx, nắm vững khả năng xxx, phấn đấu đạt vị trí xxx… Ngoài ra, tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh kế hoạch theo sự phát triển của bản thân sao cho hợp lý và dễ đạt được hơn. Đối với việc lập kế hoạch nghề nghiệp, tôi hiểu đại khái là như vậy, xin cảm ơn!
4. Tại sao bạn lại ứng tuyển vào vị trí này?
Câu trả lời đi vào lòng đất: Tôi không biết tại sao, tôi chỉ nghĩ rằng vị trí này phù hợp với tôi.
Với câu hỏi này HR đang muốn kiểm tra xem khả năng của bạn có phù hợp với yêu cầu công việc hay không. Do đó, trước khi phỏng vấn hãy nhớ làm rõ yêu cầu công việc và phân tích những khả năng bạn cần để ứng tuyển vào công việc.
Tip: Tùy theo điều kiện của bản thân, hãy tập trung mô tả kinh nghiệm làm việc và khả năng bạn đã có để chứng minh rằng bạn phù hợp với vị trí ứng tuyển.
Câu trả lời gợi ý: Trước hết, cá nhân tôi rất hứng thú với vị trí này bởi nó cho phép tôi kết hợp công việc và cuộc sống. Thứ hai, tôi có chứng chỉ xxx, đã từng làm việc tại xxx, đạt được thành tích xxx và có khả năng xxx… Tôi nghĩ đây là những điều mà vị trí này cần.
5. Bạn mong muốn mức lương thế nào?
Bạn có thể truy cập vào các trang web, các ứng dụng tìm việc để tìm hiểu trước về mức lương của vị trí bạn ứng tuyển. Sau đó, hãy đánh giá kết quả phỏng vấn của bản thân. Nếu cảm thấy buổi phỏng vấn diễn ra khá suôn sẻ, bạn có thể đưa ra mức lương yêu cầu gần với mức lương cao nhất cho vị trí này. Ngược lại, bạn chỉ nên đưa ra mức lương trung bình.
Sai lầm điển hình khi trả lời câu hỏi này chính là nói rằng không có yêu cầu về lương. Điều này cho thấy bạn không có tự tin vào bản thân nên không dám nói về mức lương mà bản thân mong muốn.
Tip: Đưa ra các yêu cầu hợp lý theo mức lương quy định, không quá cao cũng không quá thấp.
**NHỮNG CHI TIẾT NHỎ SẼ THÊM ĐIỂM CHO BẠN **
1. Ngoại hình
Trừ những ngành nghề đặc thù hoặc công ty có yêu cầu đặc biệt, các bạn nam khi đi phỏng vấn không nhất thiết phải mặc trang phục quá trang trọng và không nên để tóc quá dài.
Đối với các bạn nữ, đừng trang điểm quá đậm, không để tóc mái quá dài và không nên mặc quần áo có màu quá sáng. Hãy thử những gam màu trung tính để tạo cho người nhìn cảm giác bạn là người chuyên nghiệp và nghiêm túc với công việc.
2. Cử chỉ và thái độ
- Hai vai nên thả lỏng, không nên gồng người bởi như vậy sẽ khiến bạn trông rất thiếu tự tin.
- Nhìn HR và mỉm cười khi nói. Hãy nhìn một cách lịch sự, đừng nhìn chằm chằm vào người khác.
- Không thực hiện những động tác thừa thãi như: rung chân, cắn móng tay…
- Cư xử đúng mực, không tự ti cũng không kiêu ngạo. Hãy thật kiên nhẫn và tinh tế, tỉ mỉ.
KẾT THÚC BUỔI PHỎNG VẤN NHƯ THẾ NÀO?
Khi HR hỏi: “Bạn có điều gì muốn hỏi không?”, bạn sẽ trả lời như thế nào?
Trong trường hợp này, câu trả lời sai lầm nhất chính là “không có”. Bạn sẽ vô tình khiến HR cảm thấy bạn không thực sự quan tâm đến công ty hoặc vị trí ứng tuyển và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh giá phỏng vấn của bạn. Những câu hỏi về mức lương, phúc lợi, tần suất tăng ca, vv. chỉ nên hỏi khi công ty nói rõ rằng bạn sẽ được tuyển dụng.
Những câu hỏi gợi ý:
- Anh/chị có thể cho em biết về cơ chế thăng tiến của công ty được không?
- Thách thức lớn nhất mà công ty đang phải đối mặt lúc này là gì?
- Anh/chị mong đợi điều gì ở các ứng viên nếu họ có thể gia nhập công ty trong tương lai?
___________________
Mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp ích được cho mọi người.
Chúc các bạn thành công!