KIM SÁCH TRIỀU NGUYỄN – BÁU VẬT GHI DẤU MỘT THỜI VÀNG SON

Triều Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử dân tộc, đã tồn tại suốt hơn 143 năm (1802-1945) với 13 đời vua, cũng là vương triều để lại nhiều tư liệu, cổ vật nhất cho tới ngày nay. Những giá trị mà các tư liệu, cổ vật đó mang lại là không thể đong đếm được, hơn nữa còn giúp lớp hậu nhân phần nào có được cái nhìn rõ nét hơn về cuộc sống đế vương thuở trước. Trong số ấy, không thể không kể đến kim sách – một bảo vật Hoàng cung vô giá.

Kim sách là một trong những nguồn thư tịch cổ, mang nhiều giá trị to lớn trong lịch sử thành văn Việt Nam. Nó được đúc bằng những kim loại quý (chủ yếu là vàng), đã sớm trở nên phổ biến từ đời vua Lê Thái Tổ, tức khoảng đầu thế kỷ XV. Đến thời Nguyễn, loại thư tịch cổ này trở nên ngày càng đa dạng, phong phú hơn cả về chất liệu và loại hình, được sử dụng trong việc ghi chép chính sự, nghi lễ quan trọng trong triều đình cũng như nội cung. 

Cụ thể, vào thời nhà Nguyễn công việc chế tác kim sách được giao cho bộ Lễ, thực hiện theo quy trình rất nghiêm ngặt và bảo mật. Đội ngũ nghệ nhân bậc thầy được lựa chọn trên khắp cả nước rồi đưa về kinh đô. Quy trình chế tác cũng vô cùng kỳ công, đòi hỏi tay nghề cao và thời gian dài. Vàng dùng để làm kim sách tuy là vàng non tuổi (để dễ chế tác), nhưng vẫn phải có chất lượng tốt, độ tinh khiết cao. Sau khi chọn chất liệu xong, thợ thủ công tiến hành công đoạn dập lá. Những bậc đại nho trong hàn lâm viện sẽ đưa bản mẫu chứa nội dung cần khắc lên kim sách cho những người thợ, sau đó người thợ sẽ thực hiện công đoạn khắc lên kim sách. Tất thảy đều theo trình tự nghiêm ngặt mà làm. Trong lịch sử đã từng ghi nhận những trường hợp gian lận, sai sót và khi bị phát hiện đều lĩnh án phạt rất nặng. 

Kim sách trước hết được dùng cho lễ đăng quang của nhà vua. Sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” do Nội các triều Nguyễn biên soạn vào giữa thế kỷ XIX chép: “Phàm kính gặp đại lễ đăng quang, trước kỳ làm lễ, các quan văn, võ tâu xin tôn hiệu, sau khi được chỉ, hội đồng những quan coi việc đúc chế sách vàng, viện Hàn lâm soạn sách văn, chiếu cáo và bài biểu mừng, chọn ngày tốt tấu xin sai quan làm lễ kính cáo giao, miếu và đàn xã tắc. Đến ngày làm lễ, đặt nghi lễ đại triều ở điện Thái Hòa, hoàng đế tới ngự, bách quan kính đưa sách vàng lên, dâng tôn hiệu và bài biểu, làm lễ khánh hạ”.

Tiếp đến, sách vàng dùng trong cách lễ kính dâng thuỵ hiệu hoàng đế, hoàng hậu các đời trước; kính dâng tôn hiệu hoàng thái hậu; sách phong hoàng tử, các công quyến trong hoàng thân; sách phong các bậc trong cung (hoàng quý phi thì làm sách bằng vàng, sáu ngôi phi khác thì làm sách bằng bạc mạ vàng, (cung) tần trở xuống thì làm sách bằng bạc).

Về chất liệu, kích thước, số trang, hòm đựng cũng ít nhiều có sự khác biệt. Nếu như sách của vua làm chín tờ bằng vàng mười tuổi, hai tờ trước, sau khắc rồng, mây, bảy tờ giữa sách văn; dài sáu tấc ba phân, ngang ba tấc sáu phân, dày hai li; bốn khuyên tròn bằng vàng, hòm để sách bằng bạc, hòm gỗ đỏ đựng ở ngoài, bịt góc và chìa khóa đều bằng vàng; thì loại sách được ban cho bậc mẫu nghi thiên hạ được làm bằng vàng mười tuổi, có năm tờ, tờ trước tờ sau chạm rồng, mây; ba tờ giữa khắc sách văn; dài sáu tấc ba phân bốn li, ngang ba tấc năm phân một li; dày hai li; bốn khuyên tròn bằng vàng; đựng bằng hòm bạc; chung quanh và nắp đều khắc rồng, mây; hòm gỗ đỏ đựng ở ngoài. Với hoàng thái tử, sách được làm bằng vàng mười tuổi, có năm tờ, tờ trước tờ sau khắc rồng, mây, ba tờ giữa khắc sách văn; dài năm tấc sáu phân sáu li, ngang ba tấc hai phân bốn li, dày hai li; bốn khuyên tròn bằng vàng; đựng bằng hòm bạc; chung quanh và nắp đều khắc rồng, mây; hòm gỗ đỏ đựng ở ngoài. 

Ngoài ra còn có: Sách của hoàng đế ở hữu miếu (vàng mười tuổi); sách của hoàng hậu ở hữu miếu (vàng tám tuổi); Sách của hoàng đế ở tả miếu (vàng tám tuổi hay năm tuổi); Sách của hoàng hậu ở tả miếu (vàng tám tuổi hay năm tuổi); sách của hoàng tử công, hoàng thân công (bạc mạ vàng); sách của quốc công (bạc); Sách của quận công (bạc); Sách của công chúa (bạc mạ vàng); sách của phi, tần (bạc, sách của phi thì mạ vàng); Sách của quận công được tập phong (bạc); sách của hầu tước được tập phong (bạc).

Khác với kim sách nhà Thanh ở Trung Quốc được đúc theo dạng gập, liên kết các tờ bằng bản lề, xếp mở tương tự như bộ bình phong, ở triều Nguyễn sách được đóng theo quyển có gáy, có bìa và ruột. Thêm nữa, bởi mỗi kim sách là một văn bản độc lập, gắn với sự kiện riêng lẻ của nhân vật được dâng hoặc ban kim sách nên tên hiệu của mỗi người ở mỗi cuốn cũng khác nhau. 

Trong suốt 143 năm của triều đại nhà Nguyễn với chín chúa, mười ba vua và vô vàn hậu phi, hoàng thái tử, hoàng tử, công chúa.v.v… chắc chắn số lượng kim sách được làm phải nhiều không đếm xuể. Thật tiếc, những báu vật này đã qua bao thăng trầm, chiến tranh, phần lớn đã thất lạc hoặc bị hủy. Hiện nay chỉ còn lại 22 bản kim sách bằng vàng, đã được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam công bố và trưng bày triển lãm vào năm 2016. Đáng chú ý, nhiều kim sách có kèm theo kim bảo được đúc trong cùng thời điểm, cùng sự kiện. Một trong số đó là kim sách bằng bạc mạ vàng, niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (1836). Hoàng đế Minh Mạng truy phong vợ là Chiêu Nghi Hồ Thị Hoa làm Thần phi. Kèm theo kim sách là ấn chính hậu chi bảo đúc bằng vàng.

Không chỉ mang giá trị to lớn về mặt thẩm mỹ, kỹ thuật, cũng như lịch sử, bản thân những kim sách, kim ấn này còn thể hiện sự thăng trầm của triều nhà Nguyễn rất rõ nét. Có thể thấy, những kim sách, kim ấn Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… được chế tác rất công phu. Tuy nhiên, từ triều Đồng Khánh, Thành Thái… trở đi, khi thực dân Pháp can thiệp vào nền chính trị , lúc này do sự khó khăn của triều đình, nên những kim sách, kim ấn độ tinh xảo đã giảm đi nhiều. 

Quả thực không ngoa khi nói mỗi cuốn kim sách còn được lưu giữ lại cho đến ngày nay đều là độc bản, chứa đựng trong đó những thông tin vô giá về lịch sử, văn hóa của một triều đại đã qua, xứng đáng là bảo vật quốc gia cần được gìn giữ và biết đến, để lớp người trẻ rồi đây phần nào hiểu thêm về nền văn hiến nước nhà, lại thêm phần tự hào vì những giá trị lịch sử quý báu của dân tộc. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *