KIỂU TRÌ HOÃN NÀO ĐANG KHIẾN BẠN TRỄ DEADLINE?

Việc trì hoãn khi cần thực hiện một nhiệm vụ nào đó có lẽ không còn quá xa lạ đối với tất cả chúng ta. Có nhiều lúc trì hoãn đúng cách lại là một công cụ hiệu quả hỗ trợ quá trình làm việc. Tuy nhiên, khi sự trì hoãn bị vượt ngưỡng và cản trở đến tiến độ công việc chung, đó là khi chúng ta cần chú ý cải thiện vấn đề này.

Cùng Bloom “bắt mạch” kiểu trì hoãn bạn đang mắc phải và tìm phương pháp giúp bạn vượt qua chúng nhé!

1. TRÌ HOÃN LO ÂU

Đa số những người trì hoãn thường mang tâm lý “tham công tiếc việc” do kỳ vọng đặt ra không thực tế. Bên cạnh đó, họ không thành thạo kỹ năng quản lý thời gian nên hậu quả là nhận quá nhiều việc nằm ngoài khả năng chỉ trong khoảng thời gian hạn hẹp.

Việc ôm đồm như vậy khiến những người trì hoãn lo âu thường xuyên thấy bất an, căng thẳng. Họ sinh ra thói quen “để mai tính” để đối phó với nỗi bất an ấy và rơi vào “chiếc hố” trì hoãn – lo âu do chính mình tạo nên.

Cách giải quyết: Điều quan trọng đầu tiên bạn cần là cân nhắc kỹ lưỡng mục tiêu nào thực sự có ý nghĩa để theo đuổi, thay vì ôm đồm tất cả. Hãy học cách quản lý thời gian hiệu quả để giảm bớt áp lực cho lộ trình làm việc của mình. Bạn có thể liệt kê đầu mục công việc theo ngày để quản lý. Khi biết được số lượng, trình tự và thời gian cần để hoàn thành các đầu việc, bạn sẽ bớt đi cảm giác lo âu do bị quá tải công việc mà không biết bắt đầu từ đâu.

2. TRÌ HOÃN “DỄ TRƯỚC KHÓ SAU”

Không phải nhiệm vụ não cũng có mức độ phức tạp như nhau. Ngoài những công việc đơn giản, bạn còn phải đối mặt với những việc hết sức “hại não”, gây tốn thời gian và công sức hơn. Những lúc như vậy, bạn thường chọn những công việc nhẹ nhàng như pha cà phê, kiểm tra email, trả lời tin nhắn…để né tránh sự căng thẳng và mệt mỏi. Sau rất nhiều việc vặt như vậy, bạn cảm thấy chán và mệt, trong khi nhiệm vụ chính thì vẫn còn bỏ ngỏ.

Cách giải quyết: Thay vì “ngại khó”, bạn cứ bắt tay vào làm luôn, chuyển “dễ trước khó sau” sang “khổ trước sướng sau”. Hãy xác định nhiệm vụ quan trọng nhất trong ngày và lập kế hoạch thực hiện nó một cách tập trung nhất. Khi đã hoàn thành thử thách khó ngay từ giây phút đầu tiên, những nhiệm vụ sau sẽ dễ thở hơn rất nhiều.

3. TRÌ HOÃN CHỦ QUAN

Một tình trạng thường xuyên diễn ra ở chúng ta là cho dù thời gian thực hiện lâu tới đâu, cuối cùng bạn cũng sẽ kết thúc nhiệm vụ trong trạng thái hối hả ở “phút thứ 89”.

“Nước đến chân mới nhảy” là thói quen xấu, song trên thực tế có những người ưa chuộng phong cách làm việc này. Họ cho rằng việc chạy nước rút sẽ khiến mình tập trung hơn, làm việc hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, điều này lại không có lợi chút nào. Về sức khỏe, nó khiến bạn dễ mắc các bệnh tim mạch, lo lắng, tăng cân, đau đầu và mất ngủ. Thêm vào đó, việc hoàn thành công việc vào phút chót cũng không mang lại chất lượng như mong muốn, do thiếu đi thời gian để kiểm tra lại, điều chỉnh và hoàn thiện. Chưa kể sẽ có những vấn đề phát sinh khiến bạn mất thời gian hơn dự kiến.

Cách giải quyết: Bạn có thể nhờ người khác nhắc nhở mình thông báo hạn nộp bài, nộp báo cáo…để bản thân thấy có áp lực cần phải hoàn thành công việc đó do có người quan sát và chú ý. Ngoài ra, bạn có thể xem các video “study with me” hoặc làm việc nhóm, học nhóm để có thêm động lực hoàn thành công việc.

4. TRÌ HOÃN CẦU TOÀN

Người cầu toàn luôn muốn sự hoàn hảo, sợ thất bại hoặc kết quả không như ý nên dễ rơi vào vòng xoáy quẩn quanh trong suy nghĩ tiêu cực mà không thực sự bắt đầu. Hoặc có những người sẽ “đập đi xây lại” toàn bộ thành quả vào phút chót do chưa vừa ý dẫn đến việc không theo kịp tiến độ.

Cách giải quyết: Hãy phá bỏ lối suy nghĩ “được ăn cả ngã về không”. Bạn có thể chia nhiệm vụ lớn thành nhiều phần nhỏ để dễ quản lý hơn, giúp giảm bớt căng thẳng, nghiêm trọng của việc hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ lớn. Khi đạt được những chiến thắng từ những phần việc nhỏ, bạn cũng sẽ dễ hài lòng với thành quả của mình hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *