KIẾP SAU!

Tác giả: Trương Thành Sơn

Chuông điện thoại reo, là Nhung gọi.

– Anh có rảnh không? Đi uống coffee với em nhé!

– Ừ, được, cũng lâu quá rồi, hâm lại một chút cho vui, nhỉ? 

Quen Nhung lâu rồi, từ thuở em là sinh viên, chưa bao giờ Tú dám tơ tưởng tình ái gì mà luôn coi cô như em gái. Ấy là bởi Tú thấy Nhung trong sáng quá, thánh thiện quá, không nỡ động vào. Cứ như người ta đứng trước bông hoa đẹp, chỉ chiêm ngưỡng, thưởng thức hương sắc mà không nỡ hái mang về làm của riêng.

Bẵng đi mấy năm, ai cũng bận bịu cuộc sống riêng nên ít có cơ hội chuyện trò, em đã lấy chồng, tên Bảo, một kỹ sư hàng không thông minh, giỏi giang, đầy triển vọng. Họ đã có hai đứa con đẹp như thiên thần, gia đình thật hoàn hảo, ai cũng ước được như vậy. 

Đùng một cái, hai người ly dị, lý do nghe nói Bảo có bồ, một cô gái làm hướng dẫn viên du lịch. Họ gặp nhau, hút nhau vì chàng giỏi giang, nàng xinh đẹp, trẻ và năng động. 

Hôm nay Nhung chủ động đề nghị gặp Tú, chắc cũng nhiều tâm sự, lại có thời gian rảnh, nàng tỷ tê vào chuyện, chẳng rào đón gì:

… Chuyện em với Bảo chia tay có lẽ tại em nhiều hơn anh ạ. Lúc yêu nhau, chẳng ai khắt khe với những thói quen, những tính đặc biệt của đối tượng, cưới rồi, những “vênh” ấy mới bộc lộ, thế là phải ấm ức chấp nhận nhau, hoặc phải cố điều chỉnh phù hợp, mỗi người nhường nhịn một chút.

Thời sống với Bảo, nhiều khi buồn cười lắm, cũng có lúc tức đến nghẹt thở vì những chuyện vớ vẩn con con. 

Có lần, anh ấy hôn em, em hỏi “anh đánh răng chưa”, thế là chàng buông em ra, bỏ xuống phòng khách xem bóng đá, đêm ngủ lại đó luôn. Tức quá, nhưng nghĩ cũng thương, em mang cái vỏ chăn xuống đắp cho Bảo, chàng chụp lấy tay em, kéo vào, thế là hoà, là “tình tính tang”.

Em không chịu được mùi nước tiểu hoặc mùi mồ hôi, cứ mỗi khi Bảo ra khỏi toilet là em vào xả nước lại, dùng vòi hand xịt khắp xung quanh, vẩy nước thơm. Khó chịu về việc ấy, có hôm Bảo đi làm sớm, em hỏi, chàng bảo:

– Đi sớm tý để vào cơ quan đái, mót quá rồi.

Em cáu tiết nói to:

– Ai cấm anh đái ở nhà hả? 

– Không cấm nhưng đái xong em vào xả, xịt nước ầm ầm ức chế lắm, y như anh là thằng hủi, là đứa mắc dịch, có hôm về gần đến nhà rồi mà anh còn quay lại cơ quan để đái đấy.

– Giời ạ, em ác nghiệt đến thế ư?

– Thì em cứ thử ngẫm lại mình, đặt mình vào hoàn cảnh anh sẽ rõ thôi.

Lúc trẻ, những chuyện ấy lướt qua dễ vì có sex để “cân bằng” lại, để che lấp những chuyện “vênh” nhau, nhưng đến lúc nhiều tuổi hơn, sex không còn vạn năng thế nữa. Có lần, anh đang hứng tình, ôm hôn em, em hỏi:

– Anh tắm chưa đấy?

– Tắm rồi.

– Từ hai tiếng trước mà, anh đi tắm đã.

Anh ấy lạnh lùng buông em, đi ra ngoài, em cứ tưởng anh đi tắm, khoả thân chuẩn bị sẵn sàng nằm chờ, mãi chẳng thấy Bảo đâu. Hoá ra chàng xuống xem TV, em giận quá hét toáng lên, anh ấy lẳng lặng lấy xe đi đâu đó, 1 giờ đêm mới về, rồi vẫn ngủ ở phòng khách chứ không lên với vợ, dù em đã trần truồng nằm đợi. 

Phải một tuần sau em mới bằng các chiêu lả lơi, quyến rũ anh ấy, nhưng vừa vào cuộc em lại lỡ miệng hỏi “anh tắm chưa”, thế là anh ấy thô bạo đẩy em ngã ngửa ra, rồi mang gối xuống phòng khách ngủ. Một tháng sau Bảo mới ngó đầu vào buồng ngủ để lấy thêm đồ lót, không bao giờ thèm đứng gần vợ dưới 2 mét nữa.

Tích mãi những chuyện chủng chẳng ấy lại, cộng với nhiều chuyện vớ vẩn khác, em không thể chịu được nữa, thẳng thắn đề nghị chia tay. Anh ấy thuyết phục, anh ấy van xin, anh nhờ cả cơ quan, Bảo nhờ cả bố mẹ hai bên để giải hoà, để nói giúp cho em thay đổi ý kiến, nhưng em đã quyết rồi.

Khi chia tay, anh ấy mặc kệ em nói gì thì nói, chia con, chia tài sản thế nào cũng được.  

Xét cho cùng anh Bảo rất tốt, đồng lương nào cũng bàn bạc chi tiêu với vợ, mối quan hệ với họ hàng, bạn bè hai bên rất chuẩn, anh làm ăn giỏi nên thu nhập cao và quan trọng nhất là yêu thương vợ con hết mức. 

Nhung rớm lệ, ngừng lời kể, Tú hỏi:

– Người ta đồn Bảo có nhân tình mới ly dị em.

– Không đúng đâu anh ạ, cô ấy có quen anh Bảo trước khi chúng em ly dị nhưng Trang cũng thân em mà, họ chỉ đến với nhau thực sự sau khi chúng em ly dị. 

– Em có tiếc không? 

– Có! Có lúc, em muốn tìm cách giành lại Bảo, nhưng khi họ có ý định cưới thì em từ bỏ việc tranh cướp, chỉ đau lòng nhìn họ hạnh phúc thôi.

Chưa bao giờ Tú thấy một cô gái nói về chồng cũ trân trọng, quý mến, khen ngợi nhiều như Nhung. 

Để kéo cô khỏi những tâm trạng nặng nề, Tú hỏi sang chuyện khác:

– Anh có nghe chuyện em tái hôn mà?

– Có, cũng được 1 năm, anh ta xét nét từng tý một về những mối quan hệ xã hội của em, thậm chí ghen cả với người thu tiền điện vì em cười với anh ta khi đưa tiền, em có cảm giác mình đang ở nhà tù. 

– ! 

– Hơn thế nữa, anh ấy giành quyền quyết định chi tiêu nhưng không làm ra tiền nên cực kỳ bủn xỉn với vợ, với họ hàng và bạn bè. Đó cũng không hẳn là lỗi, điều quyết định là anh ta không ưa con riêng của em, vì thế phải chia tay.

Lần chia tay này được cái chẳng vướng mắc gì về tiền bạc của cải. Anh ta và em đều đã có mọi thứ riêng từ trước cưới, chẳng ai nhờ vả, xin xỏ ai cả, chỉ là góp gạo thổi cơm chung thôi. 

Chia tay anh ta, em không một chút vương vấn.

Tú nhìn Nhung hỏi:

– Thế chàng kế toán công ty thép?

– Úi! Anh cũng biết chuyện ấy ạ? 

– Ừ, vô tình thôi. 

– Em sợ mẫu người ấy lắm, lúc yêu nhau anh ta phóng khoáng bao nhiêu thì khi giành được cảm tình của em rồi, anh ta tủn mủn, chi ly, sòng phẳng, bần tiện bấy nhiêu. Chỉ kết bạn một thời gian rồi đường ai nấy đi, có kết hôn đâu.

Trầm tư mãi, cô bỗng rớm nước mắt:

– Chỉ có Bảo, em thấy tiếc thực sự. Nếu em không quá cay nghiệt với những chuyện vặt thì đâu đến nỗi mất anh ấy vĩnh viễn. Mỗi lần nhận tiền Bảo gửi vào tài khoản em để nuôi con, em đều khóc đấy anh ạ.

– Thì …

– Anh ấy có vợ rồi mà, một hướng dẫn viên du lịch, rất hạnh phúc. Thế mới cay đắng chứ, nếu anh ấy chưa lấy vợ, chưa có con với vợ mới, em sẽ nhất định quyến rũ lại anh ấy.

Biết cô còn rất nhiều tơ vương với chồng cũ, Tú khuyên:

– Thôi đừng dây dưa nữa, khổ đấy em ạ.

– Khổ nỗi em chẳng đứt tình được, chúng em có con chung mà. Đứa con của em đẹp rạng ngời, nên cứ nhìn nó là em lại nhớ Bảo. 

– Khi có gia đình mới, em sẽ dần quên thôi.

– Chẳng quên được, đã hơn 4 năm rồi, sau Bảo đã có mấy người rồi, không ai có thể thay thế được anh ấy. Hẹn kiếp sau vậy thôi.

– Kiếp sau? Xa vời quá, hãy sống với hiện tại, Nhung ạ.

Thấy Nhung vất vả chuyện tình duyên, dường như đang khủng hoảng tâm lý, Tú hỏi thẳng:

– Chàng trai như thế nào mới vừa mắt em, để anh giới thiệu kẻo lại trật giơ?

Cô bất ngờ hắt mái tóc lên, nhìn thẳng mắt Tú nói:

– Nếu có kiếp sau, em sẽ không để anh thoát khỏi đời mình, Tú ạ. Kiếp này an bài rồi.

– Ư … ơ … em? Đừng có dại khờ, 40 tuổi rồi đấy. Vừa mới hẹn kiếp sau với Bảo, giờ lại…

– Nếu ngày xưa anh không “lướt qua” em thì đâu đến lượt Bảo.

Tú sợ hãi cô gái này thật sự, nhưng biến thành chuyện hài:

– Thế có mà ly dị lâu rồi ấy, em ơi.

– Hic.

Đôi mắt Nhung buồn vời vợi khiến lòng Tú thắt lại, anh thầm nói với Nhung:

“Có lẽ em phải biết hy sinh nhiều hơn người ta mới mang hạnh phúc đến cho em, Nhung ạ”. 

“Kiếp sau hay mười kiếp nữa, muốn được người ta yêu thì phải yêu người ta thực lòng chứ Nhung? Em cứ chơi vơi đứng nơi này ngó nơi kia làm sao hạnh phúc kịp mọc rễ, xanh cây được?”. 

Chẳng thấy yên lòng, Tú nhắn tin cho Nhung:

“Đừng đợi đến kiếp sau, hãy sống thực với kiếp này, em ơi”. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *