Kiến thức thú vị xoay quanh câu hỏi ai là người Châu Á đầu tiên đạt giải Oscar


Khi Dương Tử Quỳnh được đề cử và thắng giải Oscar, đã có tranh cãi về việc các tờ báo lớn như NPR, EW và The Hollywood Reporter gọi bà là nữ diễn viên “tự nhận dạng là người Châu Á” đầu tiên được trao giải Best Actress. Tuy nhiên, có người băn khoăn rằng tại sao lại sử dụng thuật ngữ “tự nhận dạng” trong khi chúng ta đều có thể biết bà là người Châu Á ngay từ cái nhìn đầu tiên. Thực tế mọi thứ lại không đơn giản như vậy.

Ở Việt Nam, sách địa lý cấp 2 phân loại con người dựa trên các nhóm như Mongoloid, Caucasoid, Negroid và ba nhóm này được gọi lần lượt là người da vàng, người da trắng và người da đen. Tuy nhiên, đây là một khái niệm lỗi thời và phản cảm theo các nhà nhân chủng học của thế kỉ 21. Các nhà khoa học hiện đại không hề có bằng chứng khoa học nào để khẳng định cách phân loại này, và cho rằng nó được tạo ra để phục vụ cho lý thuyết da trắng thượngđẳng.

Thực chất, họ nhận định rằng chủng tộc là một khái niệm mang tính cấu trúc xã hội (social construct), chứ không phải khoa học. Trong cuộc sống hàng ngày, chủng tộc cũng có thể là một khái niệm rất dễ thay đổi và gây tranh cãi. Bản sắc chủng tộc của mọi người có thể thay đổi tùy thuộc vào bối cảnh xã hội và văn hóa của họ, và cách phân loại chủng tộc có thể phụ thuộc vào các yếu tố như màu da, tổ tiên, quốc tịch và tập quán văn hóa.

Chẳng hạn, ở Hoa Kỳ, cách phân loại chủng tộc trong lịch sử từng dựa trên qui tắc “One-drop rule”, cho rằng bất kỳ người nào thậm chí có một chút dấu vết của tổ tiên người châu Phi đều sẽ được coi là người da đen. Điều này được sử dụng để biện minh cho chế độ nô l- và á-bức người gốc Phi nói chung. Ngược lại, ở Brazil, có hơn 100 kiểu chủng tộc và sắc tộc để phân loại dựa trên mức độ lai của đất nước này. Chẳng hạn, nếu da bạn sáng và thuộc tầng lớp thượng lưu, bạn sẽ được xếp vào một nhóm là người da trắng ở đây.
Khái niệm về người Châu Á còn đa dạng gấp nhiều lần trên thế giới. Ví dụ, ở Anh, bạn phải có gia đình đến từ các quốc gia Ấn Độ và Nam Á khác để được xem là người Châu Á, trong khi người Trung Quốc lại bị xếp vào các nhóm chủng tộc khác. Hoặc ở Na Uy, người Châu Á dùng để chỉ người Iran, nhưng người Iran ở Mỹ lại sẽ bị xếp vào nhóm Ả Rập. Cách xác định người Ấn Độ ở Mỹ thuộc chủng tộc nào cũng gây tranhcãi trong suốt một thời gian dài, từ được xếp vào nhóm người da trắng, người da nâu, người ả rập đến gần đây hơn là người Châu Á.

Quay trở lại Dương Tử Quỳnh, việc xem bà là “người châu Á” rõ ràng khá đơn giản: bà có quốc tịch Châu Á, đến từ một nhóm dân tộc bản địa Châu Á và có ngoại hình thường thấy của người Châu Á. Tuy nhiên, để xác định ai là người Châu Á/gốc Á không phải lúc nào cũng đơn giản như vậy. Chẳng hạn, nam diễn viên Henry Golding được xem là người Châu Á nhưng không có quốc tịch Châu Á, nữ ca sĩ H.E.R cũng được xem là người Châu Á mặc dù không có ngoại hình thường thấy của người Châu Á và không ai gọi Shakira là người gốc Á mặc dù cô có gốc gác người bản địa ở Lebanon.
Vì vậy, một số người lập luận rằng các nữ diễn viên thắng giải Best Actress như Vivien Leigh, Natalie Portman và Cher có thể được coi là người châu Á dựa trên nguồn gốc hoặc quốc tịch của họ. Những người khác lại lập luận rằng danh tính và trải nghiệm của các nữ diễn viên trên không phản ánh trải nghiệm “châu Á” nên không thể được xếp vào nhóm Châu Á, cụ thể như:

  • Vivien Leigh được sinh ra ở Ấn Độ và có gốc Parsi Ấn và Armenia, nếu dựa theo quy tắc “one-drop rule”, bà sẽ được xem là người da màu. Nhưng cũng giống với nhiều diễn viên lai Á thời điểm đó, bà đã không tiết lộ điều này trong xuyên suốt sự nghiệp.
  • Cher cũng có gốc Armenia do gia đình của cha bà là một người Armenia nhập cư tới Mỹ. Tuy nhiên, người Armenia và người Tây Á không được xếp là người Châu Á ở Mỹ như một số nơi khác.
  • Natalie Portman là một nữ diễn người Do Thái gốc Âu và có quốc tịch Israel, nhưng người Israel thường không được xem là người Châu Á mặc dù quốc gia này nằm ở châu Á.

Điều này làm nổi bật cách về việc chủng tộc thường được xác định không chỉ bởi các đặc điểm ngoại hình và gốc gác mà còn bởi các yếu tố văn hóa và xã hội. Ví dụ: một người thuộc hai chủng tộc hoặc đa chủng tộc có thể được phân loại khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh văn hóa của họ. Tương tự, một người được coi là thuộc về một bản sắc văn hóa nhất định có thể được phân loại khác tùy thuộc vào ngoại hình hoặc các tập quán văn hóa khác của họ. Chẳng hạn như những nghệ sĩ như Halsey, Logic, Kehlani có thể xem bản thân là người da đen dù ngoại hình và gốc gác của họ có thể không hoàn toàn phản ánh điều đó.
Một giải pháp loại bỏ phân loại chủng tộc khi bàn về một người có thể thông qua việc sử dụng các thuật ngữ thay thế về sắc tộc, dân tộc và quốc tịch, chẳng hạn như: người Mỹ gốc Phi, người Do Thái, người bản địa Thái Bình Dương, người Mỹ bản địa, người Mỹ Latinh, người Bắc Âu, người Hispanic, người Kinh (Việt), người Nhật, người Ả Rập,…

Tranh cãi xung quanh việc Dương Tử Quỳnh được xếp là nữ diễn viên Châu Á đầu tiên giành giải Best Actress phản ánh sự phức tạp của khái niệm chủng tộc thuộc về một hình thái cấu trúc xã hội. Điều quan trọng cần nhớ là cách chúng ta định nghĩa và phân loại chủng tộc có thể có thể khác biệt trong thế giới thực khi xét về trải nghiệm của mỗi cá nhân.
Chủng tộc tuy không có cơ sở khoa học, nhưng phân biệt chủng tộc hoàn toàn có sức ảnh hưởng rộng rãi, vì nó được dựa trên cách người khác nhìn nhận chúng ta chứ không phải cách chúng ta xác định bản thân. Vì thế, chúng ta cần nâng cao nhận thức đúng đắn về chủng tộc để có thể tiếp cận một thế giới đa dạng xung quanh ta.
Cre:afro usuk

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *