HÀN TÍN CHẾT CÓ OAN KHÔNG ?

Lâu nay chúng ta vẫn thường nghe nói Hàn Tín là công thần khai quốc nhưng bị chết một cách đầy oan ức, rằng Lưu Bang : “Thỏ chết thì chó săn bị làm thịt, chim hết thì cung nỏ bị vứt bỏ”. Hàn Tín một lòng phò trợ cho Lưu Bang dựng nên đế nghiệp nhưng lại bị chết oan uổng. Nhưng sự thật thì không phải như vậy, thật ra cái chết của Hàn Tín không hề oan khuất như mọi người vẫn nghĩ, thật ra Hàn Tín còn tự đào hố chôn mình, hãy xem những dẫn chứng sau đây :

1./ Lúc Lưu Bang bị Hạng Vũ vây khốn ở Hùynh Dương, Hàn Tín không xuất binh ứng cứu mà vẫn giữ đại quân của mình ở nước Tề sau khi đã bình định được, còn gửi thư cho Hán Vương bắt Hán Vương phong cho mình làm Tề Vương, Lưu Bang cả giận mắng “Ta đang nguy khốn ở đây, sớm chiều trông ngươi đến giúp thế mà ngươi lại còn muốn tự lập làm vương à?”.

Các mưu sĩ Trương Lương, Trần Bình giẫm vào chân Hán vương, nhân đấy ghé vào tai Hán vương nói: “Nhà Hán hiện nay bất lợi, có thể cấm không cho Tín làm vương được không? Chi bằng nhân đấy mà lập, đối xử với ông ta cho tử tế, khiến ông ta vì mình mà giữ. Nếu không sẽ sinh biến”. Hán vương nghe theo, liền sai Trương Lương đi lập Hàn Tín làm Tề vương, Hàn Tín mới cho binh đi cứu viện, Hán Vưong liền trưng dụng binh của Hàn Tín mà đánh Sở, từ đấy Lưu Bang bất mãn với Hàn Tín.

2./ Lừa vua phản bạn

Sau khi tiêu diệt được Hạng Vũ thống nhất được thiên hạ, Lưu Bang cho tróc nã hai tướng thân cận của Hạng Vũ là Quý Bố và Chung Ly Muội. Lệnh cho ai bắt được thì ban thưởng, còn nếu chứa chấp trong nhà thì mắc tội khi quân, nhưng Chung Ly Muội là bạn cũ của Hàn Tín (lúc còn ở quân Sở) nên Hàn Tín đã dấu Lưu Bang mà lưu Chung Ly Muội ở nhà. Đến khi Lưu Bang nghe nói Muội ở Sở, ra chiếu cho Sở Vương Hàn Tín bắt Muội. Sau đó Hán Cao Tổ theo kế của Trần Bình bèn đến nước Sở. Hàn Tín lo lắng vì chứa Chung Ly Muội trong nhà. Có người khuyên Hàn Tín chém Muội để ra mắt Cao Tổ thì sẽ khỏi tội.

Hàn Tín bèn đến gặp Chung Ly Muội nói về việc ấy. Chung Ly Muội nói :

“Nhà Hán sở dĩ không dám đánh lấy Sở là vì Muội ở nhà ông. Nay ông muốn bắt ta để nịnh nhà Hán, thì ta hôm nay chết nhưng ông cũng chết theo như trở tay mà thôi”.

Thấy Hàn Tín không dung tha mình, ông mắng Hàn Tín :

“Nhà ngươi không phải bậc trưởng giả!”.

Sau đó ông đâm cổ chết. Hàn Tín ôm đầu ông ra mắt Lưu Bang ở đất Trần, nhưng cuối cùng vẫn bị Lưu Bang bắt giữ và giáng chức thành Hoài Âm hầu, giải về Lạc Dương, vì chủ đích chuyến đi của Hán Cao Tổ là nhằm bắt Hàn Tín vì tội chiếm đoạt đất dân và khi quân.

3./ Liên kết với Trần Hy mưu phản

Sau khi cùng Cao Tổ dẹp được Mặc Đốn ở phía bắc, Trần Hy được Lưu Bang phong làm tướng quốc nước Triệu mà nắm quân đội ở biên thùy Triệu, Đại, cũng tức là quân đội ở biên thùy của nhà Hán. Khi ấy Hy đến từ biệt Hoài Âm hầu Hàn Tín (lúc này bị giam lõng bên trong thành Lạc Dương). Hàn Tín nói với Trần Hy rằng: “Nơi ngài ở, là chỗ tinh binh thiên hạ đấy; còn ngài, được bệ hạ tin yêu vậy. Có người nói ngài phản, bệ hạ ắt không tin; nói lần nữa, bệ hạ bèn nghi ngờ; lần thứ ba, ắt giận mà tự làm tướng. Ta vì ngài làm nội ứng, thiên hạ có thể tính được.”

Năm 196 TCN, Trần Hy làm phản. Lưu Bang thân hành làm tướng, đem quân đi đánh. Hàn Tín mưu tập hợp người nhà làm phản ở kinh đô để làm nội ứng cho Trần Hy. Nhưng vì có người môn hạ có tội với Hàn Tín bị ông bỏ tù, muốn giết đi nên em của người này ra đầu thú báo tin với triều đình, tố cáo ông muốn làm phản.

Lã hậu muốn gọi Hàn Tín vào, nhưng sợ ông không đến, nên bàn với Tướng quốc Tiêu Hà, giả vờ sai người từ ngoài chiến trường chỗ Lưu Bang trở về báo tin rằng: Trần Hy đã chết, các chư hầu, các quan đều đến mừng. Tiêu Hà lừa Hàn Tín rằng:

“Tuy ngài ốm, cũng xin cố gắng vào mừng”.
Hàn Tín theo Tiêu Hà vào cung, Lã hậu lập tức sai võ sĩ trói ông, rồi mang chém ở nhà treo chuông trong cung Trường Lạc. Lã hậu bèn giết cả ba họ nhà Hàn Tín. Sau khi Lưu Bang đã dẹp xong quân của Trần Hy trở về kinh đô, thấy ông đã chết nhà vua vừa mừng vừa thương.

Tóm lại là cái chết của Hàn Tín không hề oan ức, từ việc không cứu viện Lưu Bang đến việc khi quân rồi mưu phản, dù sao đi nữa, hậu thế vẫn luôn nhìn nhận ông là một trong các tướng cầm quân xuất sắc nhất lịch sử Trung Quốc. Đền ơn bà giặt lụa, lại không báo oán tên đồ tể hàng thịt chứng tỏ ông là người trung hậu, đạo đức, nhân từ. Nhưng những bước đi trong con đường chính trị của ông có nhiều điểm sai lầm, nên mới chết vậy.

Duy Minh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *