KHI TÍCH CỰC CŨNG TRỞ NÊN ĐỘC HẠI

“Buồn á? Tại sao lại buồn? Vui lên đi, sao lại buồn?” Và muôn kiểu tích cực độc hại khác…

Trong cuộc sống liệu có ai mà không phải đối mặt với những cảm xúc và trải nghiệm tiêu cực chẳng hạn như cảm giác mất việc làm, ly hôn, hoặc như đại dịch Covid-19 mà toàn cầu đang phải chống chọi? Mặc dù một thái độ tích cực và tâm thế lạc quan thoạt nhìn bên ngoài thì có vẻ sẽ hữu ích trong những thời điểm khó khăn như thế này, nhưng trớ trêu thay, việc tránh né những cảm xúc tiêu cực thực chất lại tiềm tàng nhiều mối nguy hại hơn chúng ta nghĩ. Đây là hiện tượng cảm xúc mang tên “Tích cực độc hại” (Toxic Positivity).

TÍCH CỰC ĐỘC HẠI LÀ GÌ?

Sự tích cực độc hại là nỗ lực duy trì trạng thái vui vẻ, lạc quan bất chấp cùng niềm tin rằng mọi người đều nên làm như vậy, bất kể trong những thời điểm khó khăn, bi kịch nhất. Nó dẫn đến việc phủ nhận, đánh giá thấp và xem thường những trải nghiệm cảm xúc thật của con người.

CÁC “TRIỆU CHỨNG” CỦA MỘT NGƯỜI TÍCH CỰC ĐỘC HẠI

Phải thừa nhận rằng không phải tất cả sự tích cực đều độc hại. Sự tích cực chỉ trở nên độc hại khi bạn thể hiện sự lạc quan một cách quá mức, gạt đi những cảm xúc thật, không chịu nhìn nhận đúng bản chất vấn đề. Một số “triệu chứng” phổ biến của sự tích cực độc hại bao gồm:

  • Luôn tươi cười để che giấu cảm xúc thật của bản thân
  • Tránh né vấn đề thay vì đối mặt và giải quyết chúng
  • Cảm thấy xấu hổ hoặc tội lỗi vì những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực mà mình có
  • Chối bỏ toàn bộ nhu cầu được hỗ trợ, giúp đỡ từ người khác
  • Thúc giục người khác trở nên vui vẻ/lạc quan thay vì công nhận trải nghiệm cảm xúc của họ, đặc biệt là trong những hoàn cảnh éo le, khổ đau
  • Coi nhẹ cảm xúc của người khác
  • Chỉ trích, mỉa mai người khác nếu họ thể hiện tiêu cực như buồn bã, thất vọng

TÁC HẠI CỦA SỰ TÍCH CỰC ĐỘC HẠI

1. Sự tích cực độc hại ngăn cản chúng ta thấu hiểu bản thân

Việc chỉ công nhận cảm xúc tích cực trong quang phổ cảm xúc đa màu sắc sẽ ngăn cản ta thấu hiểu chính mình bởi cảm xúc là một phần tạo nên con người chúng ta và thường tiết lộ rất nhiều điều về ta cho những người xung quanh. Chỉ khi dám đối mặt với tất cả những xúc cảm phức tạp của bản thân đối với những sự vật, sự việc, con người khác nhau mới giúp ta nhận thức rõ hơn và nhìn nhận sâu sắc hơn về tính cách và sở thích của mình.

2. Sự tích cực độc hại có thể ảnh hưởng đến khả năng đưa ra quyết định

Khả năng chấp nhận những cảm xúc đích thực dù cho chúng có tiêu cực không chỉ cho phép chúng ta hiểu bản thân một cách thấu đáo mà còn giúp chúng ta điều hướng cuộc sống của mình tốt hơn.

Cảm xúc của chúng ta có ảnh hưởng lớn đến các quyết định và hành động của ta. Trong trường hợp có mối nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, chính nỗi sợ hãi sẽ kích hoạt phản ứng chiến-hay-chạy (fight-or-flight response). Đây là cơ chế đóng vai trò quan trọng cho sự sống còn của chúng ta trong tình huống hiểm nghèo. Ví dụ như trong đại dịch Covid 19, chính cảm giác lo lắng, sợ hãi sẽ góp phần thúc giục chúng ta đeo khẩu trang và tuân thủ yêu cầu giãn cách xã hội để giữ an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh.

Do đó, có thể thấy rằng, những người có trí tuệ cảm xúc tốt hơn có thể giải quyết vấn đề và ra quyết định tốt hơn. Ngược lại, do những người tích cực một cách độc hại nhất quyết không chịu thừa nhận cảm xúc thật của mình, và luôn lạc quan trong mọi tình huống nên họ dễ trở nên thiếu chuẩn bị và phản ứng thiếu hợp lý hơn trong các tình huống bất ngờ.

3. Sự cực độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần

Hành động lảng tránh và phớt lờ những cảm giác tiêu cực rõ ràng không phải là một cách tiếp cận lành mạnh để đối phó với chúng vì nếu không được giải tỏa thì lâu dần những cảm xúc tiêu cực ấy sẽ bị tích cụ lại và trở nên nặng nề hơn, thậm chí chúng có thể kéo theo nguy cơ trầm cảm và các vấn đề tinh thần nghiêm trọng khác. Cố gắng phủ nhận hoàn toàn sự tiêu cực, suy cho cùng, chính là sự tiêu cực.

4. Sự tích cực độc hại cản trở sự phát triển bản thân

Sự tích cực độc hại cũng là một rào cản đối với sự phát triển bản thân và thành công cá nhân. Những người có tư duy tích cực độc hại thường gặp khó khăn trong việc đánh giá và thừa nhận những hạn chế của bản thân bởi họ luôn lạc quan một cách phi lý về khả năng và tương lai của họ. Chính điều này dẫn đến hệ quả là họ thiếu đi động lực để cải thiện bản thân.

5. Sự tích cực độc hại gây khó khăn cho việc xây dựng và duy trì các kết nối xã hội

Chúng ta thường hiểu hơn về những người xung quanh mình thông qua việc chia sẻ và lắng nghe cảm xúc của họ. Do đó, những người có khả năng thấu hiểu cảm xúc tốt sẽ dễ dàng hơn trong việc xây dựng và duy trì các kết nối xã hội. Mặt khác, những người lạc quan theo hướng tiêu cực thường gạt bỏ hoặc coi nhẹ những trải nghiệm cảm xúc của người khác bằng việc đưa ra những lời khuyên thúc ép họ cũng phải trở nên tích cực và vui vẻ. Đây là lí do khiến cho mối quan hệ giữa họ và người khác bị rạn nứt.

Ngoài ra, tích cực độc hại còn tạo ra rào cản kết nối vô hình trong các mối quan hệ. Một vỏ bọc “cố tỏ ra là mình ổn nhưng sâu bên trong nước mắt là biển rộng” khiến chúng ta trở nên xa cách và tạo cảm giác khó gần với mọi người xung quanh vì khi ấy họ nghĩ ta không cần đến sự giúp đỡ hay sẻ chia nào từ họ.

“LIỀU THUỐC” CHO SỰ TÍCH CỰC ĐỘC HẠI

1. Học cách chấp nhận sự phức tạp muôn màu của cảm xúc

Điều đầu tiên ta cần làm để tránh rơi vào bẫy tích cực độc hại là ý thức được rằng những cảm xúc tiêu cực là hết sức bình thường và là một phần quan trọng trong trải nghiệm của con người. Chúng ta nên cố gắng chấp nhận sự đa dạng của các khía cạnh cảm xúc và cho phép bản thân giãi bày chúng một cách tự nhiên hơn là gượng ép kìm nén chúng.

2. Học cách thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh

Không có cảm xúc tốt hay xấu chỉ có cách thể hiện cảm xúc lành mạnh hay tiêu cực. Học cách thể hiện cảm xúc sẽ giúp xây dựng một nền tảng vững chắc để đối phó với sự tích cực độc hại.

Chúng ta không nên kìm hãm những cảm xúc tiêu cực (tức giận, thất vọng…) nhưng cũng không nên bày tỏ chúng một cách tùy tiện và thiếu suy nghĩ vì điều đó có thể dẫn tới việc ta có những hành động hoặc lời nói làm tổn thương người khác mà sau này sẽ khiến ta hối hận. Một số cách giúp bản thân bình tĩnh hơn mà chúng ta có thể thực hành trong những tình huống như vậy là đếm từ 1 đến 10, hít thở nhẹ nhàng hoặc lặp đi lặp lại một cụm từ chẳng hạn như “Bình tĩnh nào!” để ta bình ổn cảm xúc ngay tức khắc.

Ngoài ra, bạn có thể thử giải tỏa cảm xúc thông qua liệu pháp sáng tạo nghệ thuật. Sáng tạo nghệ thuật là một “liệu pháp điều trị” tuyệt vời nhằm tăng cường sức khỏe tinh thần cho những cá nhân gặp phải các vấn đề tâm lý như tính tích cực độc hại. Việc viết, vẽ hoặc nặn đất nặn hay bất kỳ hình thức sáng tạo nghệ thuật nào khác đã được chứng minh là có thể thể giúp ta vừa giải tỏa cảm xúc một cách an toàn vừa trở nên vui vẻ, hạnh phúc hơn.

Đặc biệt, nhật ký cảm xúc là một người bạn đồng hành tuyệt vời trên hành trình đấu tranh với “căn bệnh” Tích cực độc hại của ta. Mỗi người nên dành ra ít nhất năm phút viết nhật ký mỗi ngày để có cái nhìn sâu sắc hơn và hiểu được nguyên nhân sâu xa của những điều ta cảm nhận.

Ví dụ, tâm trí lạc quan tiêu cực sẽ khiến ta phớt lờ những dấu hiệu cảnh báo (red flags) để rồi ta cứ mắc kẹt mãi trong một mối quan hệ độc hại. Thế nhưng, một cuốn sổ ghi chép với đầy “bằng chứng” về sự độc hại của mối quan hệ đó sẽ là lời nhắc nhở không thể chối bỏ giúp ta nhận ra bản chất của mối quan hệ đó một cách khách quan hơn.

3. Tìm kiếm sự giúp đỡ

Một chiến lược khác để đối phó với sự tích cực độc hại cho bản thân là chủ động chia sẻ với những người đáng tin cậy như thành viên gia đình hoặc bạn bè về cảm xúc của ta, bao gồm cả những cảm giác tiêu cực. Hoặc chúng ta cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn từ những người trung lập hơn, chẳng hạn như một nhà trị liệu.

4. Bày tỏ sự đồng cảm với người khác

Để loại bỏ tư duy tích cực độc hại, chúng ta cần đồng cảm với người khác nhiều hơn. Nói cách khác, ta cần suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều để hiểu được bản chất của nó thay vì mù quáng nhìn đời qua một lăng kính màu hồng. Đây cũng chính là cách để ta xây dựng mối liên kết bền chặt hơn với những người xung quanh.

Trong những trường hợp khác nhau, mỗi người lại có phản ứng cảm xúc khác nhau. Do đó, thay vì cố gắng áp đặt sự tích cực độc hại lên người khác thì chúng ta nên khuyến khích họ bày tỏ cảm xúc một cách cởi mở và tích cực lắng nghe cũng như công nhận cảm xúc của họ ngay cả khi những cảm giác đó khác với ta. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tránh việc đưa ra lời khuyên lạc quan sáo rỗng, không phù hợp với hoàn cảnh.

Mặc dù lợi ích của tư duy tích cực là không thể phủ nhận, chúng ta nên chấp nhận và đón nhận tất cả các sắc thái cảm xúc, ngay cả những cảm xúc tiêu cực một cách bình đẳng và tận dụng chúng để có được bức tranh toàn vẹn về bản thân cũng như hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới xung quanh mình.

Cảm ơn bạn đã đọc!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *