Năm bà nội tôi 17 tuổi, được người ta giới thiệu rồi quen ông nội, ông yêu bà ngay từ cái nhìn đầu tiên. Lần đầu tiên ông đến nhà bà đã mặt dày xin ở lại ăn cơm.
Buổi trưa hôm đó ở nhà không có ai, bà nội lại là con gái út trong nhà, trước giờ chưa từng nấu cơm, bà liền nói: “Tôi không biết nấu đâu”, mượn cớ đuổi ông về, nhưng không, ông nội tôi lại tiếp tục mặt dày lần 2: “Em cứ nấu đi, em nấu cái gì anh cũng ăn.”
Vậy là, bà nội đem khoai lang xào và cơm nguội từ hôm trước rang lên cho ông ăn, cơm bị khét, vừa đen lại vừa cứng, giống như cơm cháy vậy, để dùng từ ngày nay mà nói thì chính là món “Cơm rang bóng đêm”. Vậy mà ông vẫn ăn hết sạch, bà nội thấy vậy liền bật cười, câu chuyện tình yêu của họ cũng bắt đầu từ đó.
Sau khi cưới ông, bà nội vẫn không biết nấu cơm, không phải bà lười, mà là do ông nấu rất ngon, mọi việc bếp núc trong nhà ông đều làm hết. Vậy nên, bà tôi chỉ việc chuyên tâm làm một người giáo viên nhân dân, bà mặc váy, tết tóc 2 bên, chép lời bài hát yêu thích vào sổ tay, dạy ông nội tiếng Anh – thứ tiếng mà ông nghe không hiểu, đôi tay ngọc ngà của bà chẳng phải động đến bất kì một việc gì.
Bây giờ, bà nội viết chữ vẫn rất đẹp, bà còn thêu những bông hoa vô cùng tinh xảo, nhưng tuyệt nhiên vẫn không biết nấu cơm. Đối với một người cầm kì thi hoạ đều tinh thông như bà nội, thì điều này giống như một vết bùn nhơ vương trên viên ngọc sáng vậy. Nhưng, một người phụ nữ cả cuộc đời đều không phải động tay đến việc cơm nước, quả là một điều đáng ngưỡng mộ biết bao!
Bà vẫn còn giữ dây đồng hồ đã cũ mà ông tặng cất trong ngăn kéo tủ, đó là bí mật nhỏ giữa hai ông bà.
Vào cái thời của ông bà, đồng hồ là một thứ rất quý, những gia đình bình thường không thể có được. Bỗng một hôm, ông nhận được chế độ đặc biệt của đơn vị, nghe nói sẽ được thưởng một chiếc đồng hồ đeo tay, ông vui lắm, vì ông biết, bà luôn muốn có một cái.
Sau khi về nhà, ông liền đem chuyện này kể cho bà nghe. Bà vui lắm, nghĩ một hồi bà liền nói: “Cái đồng hồ anh được thưởng, chắc chắn là đồng hồ nam, liệu có thể nói với đơn vị, đổi thành đồng hồ nữ không?”
Ông nội tôi nói chắc là được thôi.
Sau khi lên đơn vị đề nghị chuyện này, đồng nghiệp bảo với ông, trong danh sách được thưởng lần này, lại không có ai là nữ, vì vậy sẽ toàn là đồng hồ nam, không đổi được.
Nghe vậy, ông rất buồn, đồng nghiệp bèn chỉ cho ông một cách, kêu ông đi mua một cái dây đồng hồ của nữ, thay vào mặt đồng hồ là được rồi. Dây đồng hồ rẻ hơn rất nhiều so với việc mua cả chiếc đồng hồ!
Đây quả là một ý kiến không tồi, ông nội tôi phấn khích, ngay hôm đó đã đi ra cửa hàng chọn mua ngay một cái dây đồng hồ nữ, tốn không ít tiền, bây giờ chỉ cần đợi chiếc đồng hồ được thưởng đó phát xuống nữa thôi!
Hôm phát đồng hồ, ông nội đờ người, chiếc đồng hồ đó không phải là kiểu dáng như bao chiếc đồng hồ bình thường khác, mà là kiểu mặt và dây đồng hồ nối liền với nhau, không thể tháo riêng dây ra được, thế này thì phí tiền mua dây đồng hồ rồi! Ông nội không còn cách nào khác, chỉ đành mang chiếc đồng hồ “một nửa” đó về nhà, xin lỗi bà, mong bà sẽ nhận lấy nó.
Nhìn thấy ông như vậy, bà liền cười lớn, sau đó mang kim chỉ, khâu chiếc dây đồng hồ nữ không có mặt đó liền lại với nhau, đeo vào tay, sau đó lấy chiếc đồng hồ của ông, úp xuống dưới đính vào chiếc dây đã khâu xong, như vậy một mặt sẽ là đồng hồ nữ nhưng không có mặt đồng hồ, một mặt là đồng hồ nam, bà thích thú đưa tay ra nói với ông “Anh nhìn này, như vậy không phải cả hai chúng ta đều có đồng hồ rồi sao.”
Khi bà nội kể cho tôi câu chuyện này, không nhịn được cười, nói: “Sau đó thật sự có người nhìn thấy bà đeo đồng hồ mà hỏi bà mấy giờ, bà chỉ có đường giả vờ giơ tay lên nhìn đồng hồ rồi nói ”Ôi, mặt đồng hồ của tôi tự dưng biến mất rồi” làm tôi cũng bật cười theo.
Tôi từng rất nghiêm túc hỏi bố: “Khi ông nội còn trẻ có phải ông từng làm xã hội đen không bố?” Tại sao tôi lại hỏi như vậy á? Vì ông nội có 2 chiếc răng cửa kim loại, tôi không biết rõ là làm bằng kim loại gì, nói chung là nó màu bạc. Hai chiếc răng cửa này làm ông nhìn trông có chút hung dữ, hồi còn nhỏ, bạn bè của tôi mỗi lần thấy ông nội ở nhà đều không dám tìm tôi đi chơi cùng.
Bố tôi đáp: “Chuyện ông nội con gãy mất răng cửa, nói đúng ra phải trách bố.”
Tối hôm bà nội sinh bố, không có chút triệu chứng gì trước khi sinh, thế nên ông xong việc ở đơn vị liền ngủ qua đêm ở đó luôn. Khi nghe tin có người báo bà nội đã sinh, ông mới vội vàng chạy về nhà ngay trong đêm. Do chạy nhanh quá, lại không nhìn rõ đường, ông đã trượt chân ngã cắm đầu xuống mương, vì vậy mà bị rụng mất hai cái răng cửa.”
Ông cũng không có thời gian suy nghĩ nhiều, bịt miệng rồi tiếp tục chạy về nhà. Về đến nhà, bà nội đã ngủ rồi. Ông cũng không có thời gian lau đi vết máu quanh mồm, ôm luôn bố tôi, vừa nhìn, vừa khóc lại vừa cười, tràn ngập hạnh phúc.
Tiếng động làm bà tôi tỉnh giấc, do vừa sinh con xong và lại đang mơ ngủ, bà tôi nhìn không rõ, mơ mơ hồ hồ, chỉ nhìn thấy một người máu me đầy mồm đang ôm bố tôi, tên đó nom như sắp nuốt con bà vậy. Bà nội tôi thấy vậy liền hét lớn: “Không được ăn nó! Mọi người ơi! Có người ăn thịt trẻ con!”
Ông nội gọi tên bà, nói mấy câu liền: ”Là tôi mà, là tôi mà”, bà nội mới nhận ra ông. Bà nội nhìn ông mất răng cửa, xót ông lắm, ông nội bế bố tôi trên tay, cũng rất thương bà.
Sau đó, ông nội đi trồng lại răng, nhưng do thời đó công nghệ còn chưa phát triển nên chỉ có thể trồng răng kim loại, do vậy nhìn ông trở nên khá hung dữ, cũng kể từ lần đó, việc ăn uống của ông gặp nhiều bất tiện, giống như già trước tuổi vậy.
Trong nháy mắt, cậu con trai mũm mĩm của ông ngày nào giờ đây đã trở thành người cha trưởng thành và là bờ vai vững chắc của tôi. Bà nội tôi, từ một cô gái mảnh khảnh với bím tóc thắt hai bên ngày ấy giờ cũng đã già nua với mái tóc bạc phơ. Còn ông, ông không còn già đi nữa, bởi ông đã ngủ say dưới ánh chiều tà ngày ấy.
Sau khi ông nội đi, bà cũng không còn sức sống và rực rỡ như trước, giống như con đường sáng đèn bỗng chốc tối sầm vậy.
Ông nội được chôn cất, chôn cùng cả những đồ vật thân thuộc gắn bó hàng ngày với ông, và cả chiếc điện thoại mà ông đang dùng nữa.
Khi bà nội mất ngủ, bà thường hay gọi điện cho ông, chỉ khi nghe thấy: “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện đã khóa máy” từ đầu dây bên kia truyền tới, bà mới có thể yên tâm đi ngủ, bởi với bà, tín hiệu đó giống như lời chúc ngủ ngon của ông.
Tôi khuyên bà không nên gọi nữa, bởi số điện thoại đó sẽ sớm bị xóa và có người khác sử dụng. Nhỡ khi bà gọi mà người ta bắt máy, bà sẽ bị dọa ngất mất.
Nhưng bà nói: “Không sao, sẽ không có người khác dùng đâu, bà đã nạp cho điện thoại ông nhiều tiền lắm rồi.”
Ông nội đã bên cạnh và dìu dắt bà cả nửa cuộc đời, phần đời còn lại không có ông, bà phải tự mình bước tiếp.
Bà nội nói, cuối quãng đường còn lại của bà là cánh cửa đi đến bên ông, vậy nên, sống thêm một ngày cũng vui, bớt thêm một ngày vẫn sẽ rất hạnh phúc.
