Thứ bảy, ngày 26/04/2025 19:00 GMT+7
Học sinh dùng AI để giải bài tập, nữ hiệu trưởng nêu quan điểm: “Nên khuyến khích”
Tào Nga Thứ bảy, ngày 26/04/2025 19:00 GMT+7
Cô Nguyễn Thị Minh Thuý, hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội, nêu quan điểm: “Sử dụng AI trong học tập là tư duy hiện đại nhưng cần tiếp cận có trách nhiệm”.
Học sinh sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để giải bài tập
Trong buổi trao đổi “AI và Văn hóa đọc” diễn ra tại Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc 2025, học sinh Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu đã có những chia sẻ cởi mở và thẳng thắn về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong học tập.
Khi được hỏi, nhiều học sinh cho biết đã từng sử dụng các công cụ như ChatGPT, Gemini… để hỗ trợ tra cứu thông tin về tác giả, nội dung sách, hoặc thảo luận cùng chatbot về nội dung đã đọc. Một số bạn cũng thừa nhận, trong quá trình học tập, đôi khi gặp bài khó chưa giải được, các bạn đã tìm đến công cụ AI như một “người bạn đồng hành”.

Các em cũng cho biết có nhận thức rõ ràng về những mặt tích cực và tiêu cực khi sử dụng AI. Các em hiểu rằng việc lạm dụng có thể dẫn đến thụ động, lệ thuộc, tiếp nhận thông tin sai lệch nếu không đủ năng lực phản biện. Quan trọng hơn, học sinh khẳng định: AI có thể hỗ trợ tư duy, chứ không thể thay thế tư duy.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt về việc học sinh sử dụng AI để giải bài tập, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thúy nêu quan điểm: “Chúng ta không thể cấm học sinh sử dụng AI, vì đó là xu thế không thể đảo ngược. Nhưng chúng ta có thể – cần – giáo dục để các em biết sử dụng AI một cách thông minh, có trách nhiệm và đúng mục đích.
Thứ hai, chúng ta có nên khuyến khích không? Có khuyến khích. Bởi vì, hôm nay chúng ta có ChatGPT, chúng ta cấm, ngày mai lại xuất hiện thêm nhiều ứng dụng khác nâng cấp hơn thì sao? Vì vậy, trong khuyến khích ấy cũng cần đi đôi với khuyến cáo để cho các em sử dụng thật tốt.
Chúng ta sẽ cần có hành trình chấp nhận, khuyến khích dùng và kèm khuyến cáo để học sinh sử dụng hiệu quả nhất. Đó cũng là cơ hội để rèn luyện năng lực tư duy phản biện, quản trị cảm xúc và khả năng tự chủ – những phẩm chất mà chỉ có môi trường giáo dục mới bồi đắp được”.

Tại Nguyễn Siêu, nhà trường hướng tới việc biến AI thành người bạn đồng hành, không phải người làm hộ. AI không thay thế sự sáng tạo, cảm xúc và bản lĩnh. Chỉ khi học sinh vững kiến thức nền, đặt câu hỏi đúng, biết chọn lọc thông tin và chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình, thì trí tuệ nhân tạo mới phát huy đúng vai trò.
Giúp học sinh trở thành người đọc thông minh
Tư vấn cho học sinh với nội dung “AI trong văn hóa đọc: Đối thủ hay Người bạn?”, anh Kenny Nguyễn, Giám đốc kỹ thuật tại Công ty công nghệ Cốc Cốc cho biết: “Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số đã có sự chuyển dịch của việc tiếp nhận thông tin. Cụ thể như đã có các định dạng mới Ebook, audiobooks, podcast; Người đọc ngày càng chọn lựa nội dung ngắn gọn và dễ hiểu, làm nổi bật sự cần thiết của AI trong việc cung cấp tóm tắt chính xác. Hay sự kết hợp giữa công nghệ và văn hóa đọc không chỉ thay đổi hình thức mà còn cả cách thức mà nội dung được truyền tải và tiêu thụ”.
AI đang làm gì trong văn hóa đọc? Theo anh Kenny Nguyễn, AI giúp người dùng tóm tắt nội dung dài thành những điểm chính, tiết kiệm thời gian và nâng cao khả năng nhận thức; Các thuật toán AI phân tích hành vi và sở thích đọc của người dùng để đưa ra các gợi ý sách phù hợp, cá nhân hóa hơn; Trí tuệ nhân tạo có khả năng chuyển văn bản thành tiếng nói cho những người có nhu cầu đặc biệt hoặc cho những ai ưu tiên nghe hơn là đọc. AI có thể hỗ trợ trong việc giải thích các khái niệm phức tạp khi đọc; Công nghệ AI giúp cải thiện khả năng tiếp cận sách và tài liệu cho người khiếm thị thông qua các dịch vụ đọc và chuyển đổi định dạng.


Dù có nhiều lợi ích nhưng mặt trái của AI trong văn hóa đọc là sự phụ thuộc quá mức vào AI có thể dẫn đến việc người đọc không còn khả năng tư duy độc lập và đối mặt với thông tin; Sử dụng AI để tìm kiếm thông tin có thể dẫn đến việc người đọc chỉ tiếp cận những quan điểm một chiều, gây hạn chế trong tư duy; AI có thể làm cho độc giả mất đi thói quen phân tích và phản biện đối với thông tin, dẫn đến việc tiếp nhận thông tin một cách thụ động; Người đọc có thể cảm thấy áp lực từ việc sử dụng công nghệ, làm giảm đi sự thư giãn và thoải mái mà việc đọc sách truyền thống mang lại.
Do vậy, lời khuyên cho học sinh cân bằng giữa đọc truyền thống và AI là chúng ta cần tìm cách cân bằng giữa việc sử dụng công nghệ mới và việc giữ gìn giá trị của đọc sách truyền thống; Nên chủ động tìm hiểu và lựa chọn sách một cách thông minh, không chỉ dựa vào gợi ý của AI.
Đặc biệt, việc sử dụng AI cần dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức, đảm bảo rằng công nghệ thực sự phục vụ lợi ích của con người.
Cũng tại Ngày hội Sách và Văn hóa đọc – Mừng 50 năm Thống nhất non sông được tổ chức vào sáng 26/4, học sinh được hóa thân thành nhân vật văn học và lịch sử trong chung kết cuộc thi “Nhân vật trong sách bước ra cuộc đời”. Ngoài ra, các em được trải nghiệm các hoạt động sôi nổi khác như triển lãm sách, đố vui, cosplay, kể chuyện bằng tranh, sáng tạo kết chuyện, vẽ bìa sách và gian hàng quyên góp sách cho dự án thiện nguyện “Tủ sách nuôi em” tại Thụy An – Ba Vì.