Chủ nhật, ngày 11/05/2025 15:25 GMT+7
Hà Nội: Thời tiết không thuận lợi, hàng nghìn lao động vẫn tới ngày hội nghề nghiệp, tìm cơ hội việc làm
Nguyệt Tạ Chủ nhật, ngày 11/05/2025 15:25 GMT+7
Hàng nghìn lao động và học sinh, sinh viên đã tới tham dự Ngày Hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2025. Nhiều lao động được tư vấn, kết nối tìm việc làm thành công.
Lao động quyết tâm có việc làm
Sáng nay (11/5), UBND TP.Hà Nội đã tổ chức Ngày hội giáo dục nghề nghiệp Thủ đô gắn kết với Thị trường lao động việc làm năm 2025. Ngày hội có nhiều sự kiện, một trong số sự kiện đó là Phiên giao dịch việc làm lưu động quận Nam Từ Liêm.
Quyết tâm tìm kiếm việc làm, Trần Ngọc Huy Hoàng (21 tuổi, quận Hoàng Mai) – một lao động khuyết tật vận động, khuyết tật giọng nói đã một mình đi xe đạp điện 17km, bất chấp trời mưa để đến phiên giao dịch việc làm. Huy Hoàng tâm sự: “Thông qua trường học em biết tới phiên giao dịch việc làm lần này. Em mong sẽ tìm kiếm được công việc phù hợp với chuyên ngành, mức lương kỳ vọng trong năm đầu tiên làm việc từ 5 triệu đồng trở lên, các năm tiếp theo có thể lên tới 10 triệu đồng, hoặc hơn”.
Theo Hoàng, hiện tại em vừa tốt nghiệp khóa học lập trình tại một trung tâm đào tạo về công nghệ thông tin. Em mong muốn được đi làm luôn để gia tăng kinh nghiệm và có thu nhập nuôi sống bản thân. Rất nhanh sau đó, khi Huy Hoàng trình bày nguyện vọng, em đã được cán bộ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tư vấn, giới thiệu và kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động ở cùng nhóm ngành nghề.

Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Trần Thị Nhung San – Cán bộ tư vấn giới thiệu việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trình độ, chuyên môn và nhu cầu tìm việc của Huy Hoàng có thể “khớp” với tiêu chí tuyển dụng của một số doanh nghiệp. Theo chị San, có một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân viên thiết kế web, quản trị website hoặc chỉnh sửa ảnh… Vị trí này có thể hơi dễ so với lập trình nhưng công ty chấp nhận tuyển lao động khuyết tật.
“Sau khi lao động cung cấp thông tin, cán bộ trung tâm sẽ ngay lập tức kết nối với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cùng chuyên ngành tại phiên, hoặc gửi thông tin cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cùng trình độ, chuyên môn khác, để doanh nghiệp chủ động liên hệ với ứng viên phỏng vấn”, chị San nói.
Ngoài việc chủ động kết nối, truyền thông qua các trường, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội còn duy trì thông tin về các phiên tới lao động bằng nhiều hình thức khác nhau như: Gửi Email; gửi tin nhắn trên Facebook; tin nhắn điện thoại… nhờ vậy mà 100% lao động đang hưởng BHTN tại trung tâm, và nhiều đối tượng lao động, học sinh, sinh viên đều nắm được thông tin tới tham gia tìm kiếm việc làm.

Tương tự, chị Lê Thị Phương (29 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng là một trong số nhiều lao động được tham gia kết nối việc làm tại phiên giao dịch lần này. Chị Phương cho biết, trước đây chị làm nhân viên chăm sóc khách hàng cho ViettelPost. Tuy nhiên, sau đó do công việc xa chỗ ở nên chị nghỉ việc. Hiện chị đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và tìm kiếm cơ hội việc làm mới.
Sau một thời gian tư vấn, chị được cán bộ trung tâm hướng dẫn tới bàn tuyển dụng lao động của đơn vị Phức hợp nghỉ dưỡng Phương Đông ASAHI. Tại đây chị đã nộp hồ sơ ứng tuyển vào vị trí nhân viên quản lý dịch vụ, nhân viên trực chát.
Bà Nguyễn Thị Xiêm – Trưởng phòng nhân sự của Phương Đông ASAHI (Thuộc Công ty TNHH Tổ hợp y tế Phương Đông) cho biết, đây là lần thứ 5 đơn vị tham gia tuyển dụng qua các kênh phiên giao dịch của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Bà Xiêm tỏ ra hài lòng với cách tổ chức chuyên nghiệp của ban tổ chức.
Trong phiên hôm nay (11/5), đơn vị bà mong muốn tuyển dụng 20 vị trí việc làm ở nhiều vị trí khác nhau: Từ lao động phổ thông làm buồng phòng; bảo vệ; nhân viên bếp; nhân viên dọn dẹp vệ sinh… tới các vị trí quản lý, nhân viên tiếp đón ở khoa…
“Tùy các vị trí, chúng tôi tuyển dụng lao động từ trình độ trung cấp trở lên. Lao động yếu về chuyên môn, nghiệp vụ chúng tôi có thể chấp nhận, đào tạo nhưng không chấp nhận lao động yếu về tinh thần, thái độ”, bà Xiêm chia sẻ.
Bà Xiêm cho biết, các ứng cử viên được lựa chọn vào làm việc phải là những người cầu thị, tinh thần làm việc tốt, quan trọng là phải biết truyền tải thông điệp của ban lãnh đạo tới với khách hàng.
Cũng theo bà Xiêm, chỉ trong một buổi sáng, công ty đã tiếp nhận hơn 20 ứng viên nộp hồ sơ, tìm hiểu thông tin xin việc là.
Tăng gắn kết việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động
Theo quan sát của PV Dân Việt, trong sáng 11/5 có khá đông lao động, doanh nghiệp tham gia phiên tuyển dụng. Đông đảo trong số này là lực lượng lao động trẻ, học sinh, sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp tham gia thị trường lao động.
Mặc dù có rất đông lao động tham gia phiên giao dịch việc làm nhưng không ít doanh nghiệp than “khó” khi tiếp cận với người lao động.
Bà Lã Thị Hương Thảo – Nhân viên tuyển dụng Công ty Cổ phần Cuộc sống Cân bằng cho biết, đơn vị bà thường xuyên tuyển dụng qua kênh Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Mặc dù vậy, không phải lúc nào cũng tìm được lao động.
“Lý do là bởi giờ đây lao động phổ thông có nhiều sự lựa chọn hơn. Có thể là về địa điểm làm việc gần nhà, môi trường, phúc lợi, lương thưởng… nên doanh nghiệp phải cạnh tranh, giành giật mới có lao động”, bà Thảo nhận định.

Về phía công ty, do là lĩnh vực đặc thù làm dọn vệ sinh… ngoài việc cố gắng duy trì mức tiền lương tốt (từ 10-15 triệu đồng cho lao động làm toàn thời gian; bán thời gian từ 5-7 triệu đồng/tháng), công ty còn duy trì chế độ phúc lợi với nhiều điểm vượt trội so với các đối thủ cùng lĩnh vực như: Đóng BHXH cho lao động có thâm niên, gắn bó; duy trì thời gian làm việc linh hoạt cho lao động.
Mặc dù gặp khá nhiều khó khăn do là lĩnh vực hoạt động đặc thù, nhưng trong sáng nay công ty của bà Thảo cũng đã nhận được gần chục bộ hồ sơ đăng ký ứng tuyển tìm việc làm của người lao động.
Phiên giao dịch việc làm sáng nay, chỉ là một trong nhiều hoạt động nằm trong sự kiện Ngày Hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2025.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết: Ngày hội việc làm lần này có sự góp mặt của 56 đơn vị giáo dục nghề nghiệp, 50 doanh nghiệp; 23 đơn vị trưng bày sản phẩm với quy mô trên 1.000 người tham gia.
Sự kiện nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông về GDNN, góp phần nâng cao nhận thức cho người học về ngành, nghề đào tạo, xu hướng việc làm cũng như tạo ra sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người lao động trong việc giải quyết việc làm. Sự kiện cũng góp phần tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT vào học các trình độ GDNN phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và trên địa bàn Thành phố.
Cũng tại ngày hội, nhiều cơ sở GDNN đã ký kết hợp tác đào tạo với các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp và người lao động cũng đã kết nối với nhau để tìm việc và tuyển dụng việc làm.