ĐỜI SINH VIÊN CÀNG NHÀN THÌ TƯƠNG LAI CÀNG “NHẠT”

🥇Tại sao khi ra trường, có bạn phát triển nhanh chóng; nhưng cũng bạn lận đận mãi vẫn chưa tìm được hướng đi đúng cho bản thân?

1. Sinh viên là thời kỳ vàng để “đầu tư”.

Sinh viên hay được mặc định là nghèo, nhưng thời gian chính là một dạng vốn, chẳng khác gì tiền mặt. Và sinh viên thì giàu cái này.

Nếu bạn đầu tư nó vào hoạt động có ích, nó sinh lời cho bạn bằng những kiến thức và trải nghiệm mới, và cả tiền nữa (nếu bạn lao động).

Nếu bạn đầu tư nó vào hoạt động vô bổ, nó làm bạn tổn thất đấy vì loại vốn này đặc biệt, mất là mất hẳn, không lấy lại được.

Nếu bạn không chịu đầu tư, bạn chậm phát triển. Ráng chịu!

Chuyện ngủ hai giấc hoặc chơi ba ván game online hết veo 4 năm đại học là hoàn toàn có thật! Rất nhiều trong số 200.000 tân cử nhân thất nghiệp năm 2019 sẵn sàng chứng thực điều này.

2. Món sinh viên cần ăn nhất là gì? Ăn “hành”.

Càng ăn hành sớm và ăn hành nhiều, bạn càng sớm nên người.

Thay vì thời gian rảnh rỗi ngoài giờ học ngồi xem anh kia cặp với chị này thì hãy xông ra ngoài và năn nỉ người ta hãy “bóc lột” mình đi!

Đừng sợ bị bóc lột, mà hãy biết sợ nếu mình không có gì để người ta bóc lột!

Bị “bóc lột” càng sớm, càng thậm tệ, bạn sẽ thấy mình càng giá trị, và cái giá trị nhất đối với sinh viên là hiểu được một điều giản dị: Đời không phải là mơ, và amateur là chết!

3. Vô tư, nhiệt huyết nhưng đừng để bị lợi dụng!

Tình nguyện là rất tốt, nhưng giữa trưa nắng ra đứng phân luồng giao thông hoặc đứng nắm tay nhau làm hàng rào người thay cho 1 sợi dây thừng là……chưa cần thiết. Đó trước hết là nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát giao thông và thanh niên xung phong – những người được trả lương để làm công việc đó. Còn bạn được bố mẹ nuôi trước hết là để…… đi học.

4. Hãy “đầu tư” khôn ngoan và có chọn lọc.

Một vốn kiến thức toàn diện khác rất xa với một bảng điểm toàn diện. Khi phỏng vấn, rất nhiều bạn không vượt qua được câu hỏi của mình: Vì sao điểm các môn chính trị bắt buộc của em lại cao hơn rất nhiều môn chuyên ngành? Và mình thì coi ứng viên đó là “không biết lựa chọn trọng tâm và sắp xếp thứ tự ưu tiên” – yếu tố tối quan trọng khi đi làm bất cứ công việc gì.

Hãy xác định môn nào là “core” (bắt buộc) – môn nào là “optional” (tuỳ chọn) để đầu tư thời gian và sức lực tương ứng với nó. Mình đã chọn chỉ học đủ để đạt điểm qua với tất cả những môn mà nghĩ rằng “không quan trọng” (useless) và dùng thời gian của các môn đó lên thư viện học môn khác hoặc làm việc khác cần thiết hơn.

5. Nghĩ lớn nhưng làm nhỏ trước.

Nhiều bạn bây giờ nghĩ lớn quá, toàn nghĩ đến chuyện làm ra triệu đô mà bỏ qua giai đoạn kiếm được triệu đồng. Đừng quên, dù có là Big Data thì đơn vị cơ bản vẫn là kilobyte (kb). Hãy chịu khó làm những con kiến chuyên nghiệp trước khi tính chuyện thịt mấy con voi.

Một trong những câu hỏi tuyển dụng ưa thích của tôi là: “4 năm đại học, ngoài học, em làm được cái gì?”. Tôi thích một bạn có bảng điểm khá hoặc vừa phải nhưng có 1- 2 năm làm bán thời gian ở một cửa hàng tiện lợi hơn là một bạn bảng điểm toàn giỏi nhưng chưa-từng-làm-một- cái- gì. Vì ít nhất, bạn đi làm thêm kia, ngoài kiến thức đã giao tiếp với nhiều người và có nhiều thực tế cuộc sống hơn một người chỉ biết học. Đừng đùa, điều đó rất quan trọng!

👋Hãy “kêu gọi” bạn bè để cùng nhau bớt “nhạt” sau khi tốt nghiệp bạn nhé!

(sưu tầm)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *