Đôi điều cần suy ngẫm – Thấu hiểu để vui sống mỗi ngày

 “Đôi điều cần suy ngẫm” là tập hợp các bài nói chuyện giữa Krishnamurti với học sinh, giáo viên và phụ huynh ở Ấn Độ, nhưng sự thấu suốt mà nó mang lại có thể chạm đến tất cả những ai có một tâm thức ham học hỏi và tìm tòi. 

Đôi Điều Cần Suy Ngẫm -  J. Krishnamurti

 

Chức năng của giáo dục là gì?

 

Krishnamurti rất quan tâm đến giáo dục. Những vấn đề ông đặt ra dù ở chủ đề nào cũng đều có liên quan mật thiết đến giáo dục. Trong cuốn sách Đôi điều cần suy ngẫm, ông đã có những phân tích chi tiết về giáo dục. Theo ông, giáo dục chỉ thực sự có ý nghĩa khi mà nó giúp cho người học thấu hiểu được sự mênh mông rộng lớn của cuộc sống với tất cả sự tinh tế của nó, cùng với cái đẹp diệu kỳ phi thường của nó, cũng như mọi phiền não và niềm vui của nó.

Giáo dục không chỉ là việc lấy được bằng đại học, có một danh hiệu đi kèm với tên mình, và kiếm được một công việc lương cao. Với Krishnamurti, những điều đó sẽ không có ý nghĩa gì nếu như trong cuộc sống đó, trí não của ta trở nên tăm tối, cạn kiệt, ngu ngốc.

Đây là những hiện tượng đang ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại nói chung và xã hội Ấn Độ nói riêng, khi  cuộc sống đã trở thành một cuộc chạy đua thành tựu, địa vị và vật chất, khi mà mọi người người liên tục nói đến bảng điểm, bảng xếp hạng, mức lương, du học, định cư nước ngoài… Krishnamurti đã thẳng thắn mà nói rằng, những điều đó hoàn toàn không phải là chức năng của giáo dục. Theo ông, chức năng đích thực của giáo dục phải là chuyên chú trau dồi và nuôi dưỡng trong mỗi người trí tuệ để tìm ra lời giải cho những vấn đề của đời sống. Trí tuệ không phải là khả năng tư duy một cách tự do, không sợ hãi, không rập khuôn theo bất kỳ công thức nào cả.

Krishnamurti phản đối mọi lối tư duy rập khuôn theo cấu trúc của xã hội, buộc người trẻ phải tuân thủ theo những gì xã hội, cha mẹ hay thầy cô giáo nói. Ông khẳng định rằng, sống là tự bản thân phải khám phá xem cái gì là chân thực, và giáo dục chân chính phải tạo ra được môi trường tự do, khuyến khích được điều này trong mỗi người. 

Tự do cũng là một khái niệm được đề cập xuyên suốt trong cuốn sách Đôi điều cần suy ngẫm của Krishnamurti. Dù trả lời câu hỏi nào, ông cũng luôn đề cập đến tự do. Nhưng cái tự do mà tác giả nhắc đến có phải là làm việc gì khiến bạn thoải mái, đi đến nơi nào bạn thích, nghĩ điều gì bạn muốn không? Krishnamurti đã lý giải rằng, tự do không chỉ nằm ở những điều đó, tự do thực sự nằm ở hành động thấu hiểu bản thân mình đang là gì trong từng phút, từng giây. Để đạt được sự tự do này, theo ông, con người cần một quá trình chuyển hóa đầy khó khăn và nói đòi hỏi một sự giáo dục đúng đắn từ thuở ấu thơ để bạn không bắt chước bất kỳ người nào, mà phải luôn là chính bạn, nhìn vào con người thực sự của bạn và thấu hiểu nó.

 

 Tâm hồn và sự vui sống không cần cố gắng

 

Xuyên suốt những trò chuyện của mình, Krishnamurti luôn bày tỏ một mối suy tư trăn trở về tự do và niềm vui sống của con người. Ông đề cao vai trò của giáo dục chân chính cũng như phản biện những quy tắc con người đang buộc phải tuân theo trong xã hội. Theo ông, phần lớn con người đang đánh mất toàn bộ niềm vui sống. Tại sao nhiều người khi đã đạt đến cái gọi là tuổi trưởng thành, lại trở nên tăm tối, ngu muội và vô cảm trước niềm vui, trước cái đẹp, trước bầu trời rộng mở và mặt đất tuyệt vời này.

Ông đã đưa ra một quan điểm mà tôi tin rằng nó đi ngược lại những cuốn sách truyền cảm hứng đang nói với bạn mỗi ngày. Ông cho rằng, chính sự cố gắng đang hủy hoại chúng ta. Khi hàng ngày chúng ta thường dùng cụm từ “cố gắng lên” như một lời động viên đối với những người đang phiền não, thì Krishnamurti lại cho rằng, nó chính là cuộc chiến dai dẳng đã làm tiêu tan hết năng lượng sống. Theo Krishnamurti, chỉ những người vui vẻ, thực sự hạnh phúc, mới không bị vướng mắc vào sự cố gắng. Sống không nỗ lực không có nghĩa là sống trì trệ, sống uể oải, tăm tối, ngu ngốc, trái lại, chỉ có người khôn ngoan, cực kỳ thông tuệ mới thực sự có thể thoát khỏi sự cố gắng, thoát khỏi đấu tranh.

Krishnamurti lập luận rằng, khi ta đấu tranh, sự xung đột diễn ra giữa cái ta đang là với cái ta nên là hay muốn là. Ông cho rằng việc của chúng ta là hãy tự quan sát mình để thấy rằng việc ta đầu tranh từ sáng đến tối như thế nào, và năng lượng sống của ta bị hoang phí trong cuộc đấu tranh ấy ra sao. Nếu ta đơn thuần giải thích tại sao mình đấu tranh, thì ta sẽ lạc lối trong những lời giải thích, còn cuộc đấu tranh vẫn diễn ra. Nhưng nếu ta quan sát trí não một cách lặng lẽ mà không giải thích gì cả, thì nó sẽ sớm xuất hiện trạng thái mà trong đó không còn đấu tranh gì nữa, chỉ có sự tỉnh thức, không còn cảm nhận hơn kém, không còn địa vị, không còn tham vọng… Chỉ còn lại một trí não tỉnh thức luôn vui vẻ.

Bằng những ngôn ngữ đơn giản cùng những lập luận sâu sắc và thực tế, Krishnamurti đã dẫn dắt mọi vấn đề đến điểm cuối trong sự thức tỉnh, kêu gọi mọi người nhìn sâu vào trí óc mình, để soi rọi những tăm tối, để thấu hiểu những điều ý nghĩa, với tâm trí rộng mở, tự do. Đó là hành trình của cảm nhận niềm hạnh phúc trong đời sống. Nó đến từ sự giáo dục chân chính, sự thức tỉnh đúng lúc của một trí não hạnh phúc. Krishnamurti đã giúp ta chiêm nghiệm, suy tư và thấu hiểu về cuộc đời bằng tâm trí sáng rõ. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *