Cứ vào cuối năm, tôi lại nhớ về hằng hà sa số những cuộc thi khởi nghiệp được các bạn sinh viên săn đón. Nào là tham gia cuộc thi sẽ được training, rồi thì có cơ hội lọt top được công ty lớn chú ý, lại đến giải thưởng rất là to… Lời lẽ mỹ miều thì không sao tả hết, nhưng có thật là những cuộc thi như vậy có giúp các bạn giỏi hơn, có giúp đất nước có được nguồn nhân lực chất lượng? Mặt tối thì đầy rẫy, không tin thì các bạn xem thử đi:
1. NHIỀU BẠN SINH VIÊN CỨ NGHĨ STARTUP ĐỂ KHỎI LÀM CÔNG ĂN LƯƠNG, KHÔNG CÓ Ý CHÍ MUỐN CỰC KHỔ
Mỗi khi nghe ai hỏi câu “Tại sao em muốn tham gia cuộc thi về khởi nghiệp” hay “Tại sao em lại tham dự buổi workshop về khởi nghiệp hôm nay?” thì kiểu gì cũng có người trả lời” Vì em không muốn đi làm công ăn lương 3 cọc một đồng”.
Ủa, bộ tưởng khởi nghiệp ra sướng lắm hay gì bạn ơi?
Làm công ăn lương 3 cọc 1 đồng bạn nói, ngày 8 tiếng làm chuyên môn, OT cũng có giới hạn, lương thưởng ổn định, áp lực cùng lắm tới từ sếp thôi. Còn người đi khởi nghiệp ngày ngủ 3-4 tiếng là chuyện thường, áp lực đủ phía: bên vay, bên khách, bên nhân viên…
Không muốn chịu khổ mà muốn giàu thì không có cửa đâu bạn ạ. Khởi nghiệp thì ez, giàu từ khởi nghiệp mới khó. Nếu mà bạn nghĩ tham gia các cuộc thi khởi nghiệp sẽ bày cho bạn cách khởi nghiệp thành công, để khi ra trường bạn chóng có tiền, chóng làm chủ thì… xin lỗi, vô ích thôi. Thế nhưng đáng buồn là rất nhiều cuộc thi vẽ nên cái viễn cảnh tốt đẹp đó cho sinh viên lầm tưởng, trong khi thực tế thì chỉ là đống giấy lý thuyết.
2. KHÔNG TRAINING BÀI BẢN, HỜI HỢT TỔ CHỨC WORKSHOP RỒI NHỒI SỌ RẰNG STARTUP LÀ SƯỚNG, LÀ TỐT, NÊN LÀM ĐỂ PHÁT TRIỂN BẢN THÂN VÀ ĐẤT NƯỚC
Các cuộc thi khởi nghiệp, các trường ĐH suốt ngày chỉ tung hô lên hai chữ khởi nghiệp. Nhưng khởi nghiệp là gì, khởi nghiệp cần gì thì không nói rõ.
Nhiều trường ĐH cũng tổ chức talkshow, webinar về khởi nghiệp thế nhưng phần đông trong số sinh viên tham gia chỉ mới học năm 1, năm 2. Tới lý thuyết quản trị còn chưa nắm được, tư duy tài chính marketing còn chưa có, thì tự hỏi các bạn sinh viên ngồi đó làm gì? Tới khi tôi hỏi đã học được gì trong buổi, thì chỉ có mấy câu trả lời chung chung kiểu “thú vị lắm, hay lắm, được học hỏi nhiều điều”, còn cụ thể học được gì thì… không nói rõ.
3. THAM GIA CHO VUI, TỚI KHI CÓ THÀNH QUẢ THÌ KHOE MẼ
Nếu bạn nào tham gia các cuộc thi khởi nghiệp lẫn các cuộc thi khác sẽ đôi lần bắt gặp: Đăng ký cho “biết”, tìm nhóm rồi nói chuyện trong box rầm rộ được mấy ngày đầu, đến khi bắt đầu họp chia việc, rồi khó khăn quá thì bỏ mặc không thèm làm nữa. Tưởng mấy bạn đăng ký thi là nhiệt tình có trách nhiệm hả? Không có đâu!
Cũng không thiếu trường hợp hãm hơn: Để đồng đội gánh còng lưng, tới khi lọt top thì share bài thông báo khắp nơi khoe mẽ như thể mình làm được. Những bạn này thì đam mê cái danh cái mã, còn cuộc thi có đánh giá khách quan được khả năng không? Hoàn toàn không. Nó giống như một nơi để lấy cái danh, chỉ chứng minh được khả năng trên lý thuyết thôi còn tính khả thi hay thực hành thực tế thì chẳng biết được bao nhiêu.
4. BAO NHIÊU % THÀNH CÔNG SAU CÁC CUỘC THI, HAY LÀ NƠI ĐỂ ĂN CẮP Ý TƯỞNG?
Nếu mà các bạn giỏi vậy thì còn cần cuộc thi làm gì? Nếu bạn thật sự có ý tưởng hay ho độc đáo, thì bạn sẽ chọn giữ lại làm vốn mà khởi nghiệp bên ngoài hay tung hô lên các cuộc thi, các mặt báo? Nói gì xa, như vụ làm hộp thức ăn hay làm đĩa từ lá chuối rầm rộ trong cuộc thi startup đợt trước. Các bạn trẻ nghĩ được sản phẩm nhưng lại không nghĩ ra đi đăng ký bản quyền thương hiệu. Kết cục là 7749 người xếp hàng cướp tên miền website, 8891 người giành giật lập doanh nghiệp trùng với tên các bạn nghĩ ra.
Ý tưởng hay thì cũng chưa đủ đâu. Thiếu kiến thức về luật và thiếu trải nghiệm trên thương trường đã ngay lập tức làm các bạn lộ ra yếu điểm để các bên khác nhảy vào. Cuộc thi có giúp các bạn giỏi hơn không? Tôi không biết có hay không, nhưng chắc chắn là đã tát vào mặt tất cả một sự thật: Thi thố thì hay đấy, nhưng nếu có ý tưởng hay mà thiếu trải nghiệm ở doanh nghiệp thực sự, còn đem bô bô ra thì sớm muộn các bạn cũng bị dìm cho chìm nghỉm.
Đấy là chưa kể dù các bạn có bảo vệ được thương hiệu các bạn lập, thì những doanh nghiệp khác cũng dễ dàng sao chép công sức của các bạn ngay tắp lự. Họ có vốn, có quan hệ, có kinh nghiệm và đã quen với thương trường và kinh doanh. Còn bạn, bạn có gì ngoài cái danh tham gia cuộc thi khởi nghiệp được giải này giải kia?
5. ĐỘ TUỔI KHỞI NGHIỆP THẤP, SAO LEAD ĐƯỢC NGƯỜI KHÁC?
Độ tuổi khởi nghiệp trung bình ở Mĩ là 42, và với những ai lập doanh nghiệp trên 55 có cơ hội thành công gấp đôi những người dưới 35 tuổi. Ở Việt nam, độ tuổi này là 28.
Tỷ lệ khởi nghiệp thành công ở VN năm 2020 chỉ có 3%, ở Mỹ nằm vào khoảng 10%.
Với lứa tuổi 2x chỉ mới ra trường vài năm, đi làm vài năm, liệu các bạn đã vững chuyên ngành của mình chưa để có cơ hội thăng tiến lên làm quản lí và bồi dưỡng kỹ năng quản trị? Liệu với số năm kinh nghiệm ít ỏi đó, đã đủ để có được mối quan hệ, có lịch sử tín dụng trong sạch, có khả năng đảm bảo khi vay vốn, có kỹ năng lead người khác? Không phải không có những bạn trẻ thật sự rất giỏi và có kỹ năng làm leader khi còn đôi mươi, nhưng tôi tin là chẳng được bao nhiêu tính trên cả nước.
Tóm lại, những cuộc thi khởi nghiệp lợi ích như nào tôi không biết, nhưng có thể thấy rằng là nếu bạn đủ giỏi, ý tưởng đủ hay thì bạn sẽ không dại gì đem đi nói cho nhiều người khác biết. Nếu một cuộc thi khởi nghiệp còn không bảo vệ được thành quả của chính người tham dự thì còn tổ chức ra làm gì? Để sinh viên tự huyễn với mấy cái bằng cấp, mấy cái giải lý thuyết hay sao?