“Làm hai trái dừa đi, rồi ngồi nghỉ xíu cho mát” – chất giọng đặc miền Tây, vừa nhanh, vừa ráo hoảnh của ông Bảy Bon – tỷ phú nuôi cá ở Cần Thơ cất lên khi thấy chúng tôi.
Một năm sau chuyến thăm của tỷ phú Anh, ngài Joe Lewis tới bè cá của mình, ông Bảy nói có nhiều khách du lịch vì tò mò tìm đến, để nghe câu chuyện về ông chủ CLB Tottenham. Họ muốn biết tỷ phú Anh làm gì trên bè cá, ngồi ở đâu, tham gia những hoạt động gì. Tỷ phú Anh trò chuyện gì với tỷ phú Việt “Bảy Bon”.
“Du lịch từ đó cũng khởi sắc, cao điểm mỗi ngày tôi tiếp hàng chục đoàn khách”, tỷ phú cá trên dòng sông Hậu chia sẻ.
Cuộc gặp quý giá trên dòng sông Hậu
Chuyện ông Bảy rành về cá chẳng có gì lạ với một người vốn được gọi là “tỷ phú” hay “vua cá trên sông Hậu”. Tiểu sử của ông Bảy được tóm lược như sau:
Ông nông dân tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang, sinh năm 1962, tên đầy đủ là Lý Văn Bon, quê gốc ở Cà Mau, lập nghiệp trên Cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Ông đang sở hữu dàn bè hơn 10.000m2 trên dòng sông Hậu, chuyên nuôi cá thát lát cườm, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng nghìn tấn.
Ngoài nuôi cá bán, “vua cá sông Hậu” đang kết hợp bảo tồn các loài cá quý hiếm trên dòng Mekong, như cá trà sóc, cá bảo ngọc, cá hồng vỹ… Bè cá của ông Bảy mỗi năm thu hút hàng chục nghìn lượt khách du lịch ghé thăm, doanh thu chục tỷ đồng.
“Nay mai tôi tiếp đón nhiều đoàn khách quan trọng. Ngày kia phải đi họp ở Hà Nội”, ông Bảy nói sơ qua lịch trình bận rộn của mình những ngày đầu tháng 7.
Trong căn nhà bè được lợp lá gió lộng từ bốn phương có nhiều tấm ảnh ông chụp cùng các nguyên thủ, quan chức, người nổi tiếng. Ông lồng trong khung gỗ, treo ngay ngắn. Nào là Alok Sharma – Bộ trưởng Chính phủ Anh; Tỷ phú Joe Lewis, ông chủ CLB Tottenham; Thượng nghị sĩ Jeff Merkley; đại sứ Marc E. Napper cùng các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ…
Ở vách chính diện, ông Bảy dành riêng để treo bằng khen của Thủ tướng về Phong trào thi đua yêu nước, nông dân tiêu biểu; bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ban chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam…
Ông Bảy treo nhiều bằng khen, ảnh chụp cùng những vị khách đặc biệt ghé thăm làng bè ở những vị trí trang trọng (Ảnh: Bảo Trân).
Nhớ lại cuộc gặp ấn tượng hồi tháng 5/2022 với ông chủ CLB Tottenham, ông Bảy kể: “Ông ấy đi cùng đoàn khoảng 20 người nước ngoài, được tàu du lịch của khách sạn đưa đến. Sau khi lên bè, vừa gặp tôi, tỷ phú Anh đã tay bắt mặt mừng”.
Theo lời kể của “vua cá Bảy Bon”, tỷ phú Joe Lewis bày tỏ thích thú khi nhìn thấy cá koi được nuôi trên sông. Ông ấy dành nhiều lời tán thưởng dành cho “vua cá Bảy Bon” vì nuôi và bảo tồn nhiều loài cá tưởng chừng đã tuyệt chủng trên dòng sông Hậu nói riêng và sông Mekong nói chung.
“Tôi giới thiệu cá măng rổ là loài cá ưa dế, ông ấy xin rồi cho chúng ăn. Trước khi chia tay, ông còn kề vai bá cổ làm một kiểu ảnh với tôi, rồi đưa ngón tay cái ra hiệu “số 1″ như lời khen ngợi”, nói rồi ông tỷ phú Việt chỉ tay lên bức ảnh ông chụp với tỷ phú Anh.
Ông Bảy cho hay, sau chuyến ghé thăm của ông chủ CLB Tottenham, nhiều khách du lịch đã tìm đến bè cá để nghe ông kể lại cuộc gặp gỡ bất ngờ ấy. Họ muốn biết ngài tỷ phú Anh làm gì trên bè, ngồi ở đâu và tham gia những hoạt động gì. Du lịch từ đó cũng khởi sắc, cao điểm mỗi ngày ông Bảy tiếp hàng chục đoàn.
“Tôi nghĩ tiếp khách chính là làm việc, họ mang theo nhiều câu hỏi cùng kiến thức đến đây. Tôi phải huy động cả vợ và con trai giúp“, ông Bảy chia sẻ.
“Người ta kêu tôi là thủy quái”
“Đôi khi tôi nghĩ cái nghề này tệ bạc. Lúc nuôi cá thuận lợi, lên bờ người ta gọi tôi là chủ bè. Lúc nuôi cá thất mùa, lên bờ người ta kêu là thằng bè“, nói rồi ông Bảy gõ bàn, cười phá lên thích thú.
Ông Bảy không lấy làm lạ khi ai đó nhắc về hai từ “tỷ phú” mà lâu nay cộng đồng thường gọi mình. Ông say sưa kể về nhiều cái tên tương tự được xã hội “gán” cho.
“Tôi nuôi cá lạ người ta kêu tôi là thủy quái. Tôi nuôi cá quá nhiều gọi tôi là “vua cá miền Tây”. Kiếm được vài tỷ nên người ta kêu là tỷ phú cũng không thể chối cãi”, ông Bảy lại cười.
Hơn 20 năm “đỡ đẻ” cho cá, ngoài tạo ra kinh tế, ông Bảy Bon còn rành mạch đặc tính cá và nhân giống nhiều loài vốn chỉ sống trong tự nhiên, tạo ra nguồn lợi thủy sản dồi dào. Đó cũng chính là một trong những điểm khác biệt của ông so với nhiều người nuôi cá khác trên sông Hậu.
“Ví như bè thát lát bao giờ cũng có vài con cá điêu hồng, loài mang to. Chúng như truyền tin, dưới bè mà có vấn đề chúng sẽ trồi lên mặt nước thông báo đầu tiên. Rồi ví như bè cá vồ đém, cá éc chuyên ăn xác con cá khác. Bè nào mà có xác cá, mình sẽ thả vào cho nó ăn, nó làm vệ sinh thay mình”, ông Bảy nói.
Du lịch nội địa là “miếng bánh ngon”
Trong hành trình chinh phục thủy sản sông Hậu để xuất khẩu, ông Bảy liên tục học hỏi và gặt được nhiều quả ngọt. Trong đó, bức tranh về du lịch nội địa là điều mà nông dân sẽ ít nghĩ đến khi sản phẩm đã vươn tầm quốc tế.
Chỉ tay lên mặt bàn, ông Bảy ví von du lịch nội địa như một “miếng bánh ngon” được chia thành từng cụm.
“Ở đây tôi kết hợp vừa nuôi vừa cho sinh sản, vừa chế biến và du lịch, vừa bảo tồn. Tôi quyết định quay lại thị trường nội địa “ăn chắc mặc bền”, làm du lịch và bán cá cho khách du lịch. Khách du lịch có tiềm năng làm đại lý mạnh vì chính họ trải nghiệm tận mắt mô hình nuôi cá tại đây”.
Ông Bảy phân tích, năm 2014, thị trường xuất khẩu tăng trưởng quyết liệt, nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay, xuất khẩu gặp khó khăn, nông dân không bán được cá. Đến năm 2022, mặc dù kinh tế có sự phục hồi nhanh chóng, song ông nông dân tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang vẫn còn gặp khó khăn về nguồn vốn. Qua năm 2023, tình hình quốc tế kéo theo hệ lụy về thị trường.
“Từ dạo làm du lịch, tôi cứ nhìn thấy trên cồn, mỗi nhà một câu chuyện, mỗi nhà một món ăn, mỗi nhà một sản phẩm. Khách đến đây được trải nghiệm, tham quan, thực đơn, món ăn giao đến tận nơi”, ông Bảy nhấn mạnh điểm khởi sắc của du lịch địa phương.
Mô hình vần đổi công (mô hình làm việc luân phiên cho nhau, không tính công-PV) đã thay đổi Cồn Sơn một cách mạnh mẽ. Vốn được xem là mô hình có từ rất lâu đời ở miền Tây, trong đó, công tác dân vận được xem là quan trọng nhất, người dân địa phương sẽ kết nối không chỉ cùng nhau quảng bá, sản xuất mà còn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi trồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm.
“Tôi nghĩ người nông dân cần mạnh dạn hơn nữa, “xuất khẩu” sản phẩm của mình ngay trên internet, để truyền thông can thiệp vào quá trình sản xuất, chế biến. Đôi khi khách du lịch muốn trải nghiệm cuộc sống của một người nông dân, nhưng họ lại không biết cách đi“.
Không quên cái ơn với dòng Mekong
Sống nhờ con cá nên phải trả ơn con sông. Thừa nhận mình “mang ơn” dòng Mekong, ông Bảy không ngại tiết lộ một lời khấn nguyện của mình sau từng kỳ thu hoạch. Nhiều năm nay ông vẫn thực hiện công tác trả những giống cá đặc hữu về tự nhiên. Hơn hết, còn quay đầu xây dựng một bức tranh du lịch nội địa khởi sắc ở Cồn Sơn.
Ông Bảy nhắc nhớ lại những tháng ngày “hạ bạc”, nguồn cá trên sông Hậu qua đó cũng được miêu tả dồi dào.
“Ngày trước chỉ cần giăng một lần lưới, cá có khi đầy cả ghe nhưng bây giờ thì không còn nữa. Nhiều loại cá quý hiếm đã tuyệt chủng. Biến đổi khí hậu, ảnh hưởng thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa, sinh hoạt… Dòng sông này đã ôm hết”, ông Bảy nhấn mạnh.
24 năm thuần dưỡng cá trên hạ lưu sông Mekong tính từ năm 1999 đến nay, ông Bảy cho rằng cách mình làm chủ yếu là giúp chúng thích nghi an toàn phía dưới dòng nước ngày một thay đổi này.
“Mình nuôi cá để cung cấp thức ăn, bồi dưỡng sức khỏe người khác. Nếu mình cứ đưa chất độc hại vào con cá để họ ăn thì không, công việc truy xuất nguồn gốc giống cá tôi nghĩ trước sau dân cũng phải đi vào quỹ đạo”, ông Bảy bày tỏ.