
Nữ hoàng trong buổi sóng gió.
Lý Chiêu Hoàng húy là Phật Kim (sau đổi thành Thiên Hinh), sinh vào trung tuần tháng 9 năm Mậu Dần (1218), được phong làm Chiêu Thánh Công chúa.
Tháng 10 năm Giáp Thân (1224), sau một thời gian thao túng, khống chế triều đình, tập đoàn Trần phiệt do Trần Thủ Độ đứng đầu nhân cơ hội Lý Huệ Tông bệnh tình càng nặng (hoặc bệnh tình của Huệ Tông do chính ngoại thích vẽ ra) đã gây sức ép buộc vua phải xuống chiếu lập Chiêu Thánh Công chúa làm Hoàng Thái tử rồi thoái vị đi tu(1).
Vậy là, nhờ quyền uy của mẹ ruột cùng cậu họ – Lý Phật Kim – một cô bé chưa đầy 8 tuổi bước lên sân khấu chính trị trong giai đoạn uy quyền họ Lý đã vô cùng suy nhược.
Nữ hoàng ở ngôi khi tuổi còn quá nhỏ nên việc triều chính do ngoại thích họ Trần điều hành. Từ đấy những người thân thuộc của họ Trần được đưa vào nắm giữ binh quyền và các chức vụ quan trọng trong triều ngày càng nhiều.
Lúc đó Trần Thủ Độ đang giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ tính kế đoạt Hoàng quyền về tay dòng họ mình, dưới sự đạo diễn của ông,Trần Cảnh khi đó mới 8 tuổi được đưa vào cung làm Chánh thủ, có nhiệm vụ hầu hạ Lý Chiêu Hoàng.
Trần thị cùng Trần Thừa là anh em ruột, vì vậy, xét về vai về Lý Phật Kim cùng Trần Cảnh là anh em con cô – con cậu đời thứ nhất, tức là biểu huynh muội.
Vì cùng lứa tuổi nên Chiêu Hoàng cùng với biểu huynh Trần Cảnh thành đôi bạn thân(2). Thấy thiên thời địa lợi nhân hòa đã đủ, Trần Thủ Độ, bàn với chị (em) họ là Thái hậu Trần thị thực hiện cuộc “tu hú chiếm tổ” ngay lập tức.
Thế đấy, Lý Chiêu Hoàng – Hoàng Đế 8 tuổi của chúng ta “đã có chồng rồi”.
Ngày 21 tháng 11 năm Ất Dậu (1225) Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh.(3) Kết thúc hơn hai trăm năm Hoàng triều họ Lý.
Sau khi nhường ngôi cho chồng, Lý Chiêu Hoàng trở thành Chiêu Thánh Hoàng hậu.(4)
Người chồng đầu tiên và (có thể là) người con trai yểu mệnh.
Trần Cảnh cùng Lý Phật Kim ăn ở với nhau được 8 năm thì CÓ THỂ đã có con.
Sử chép năm 1233: “Thái tử Trịnh qua đời”.(5)
Sử không chép Thái tử Trần Trịnh là con ai, nhưng với tình hình cụ thể thời điểm đó, vừa ra đời đã được tấn phong Thái tử thì có thể và chỉ có thể là con của Trần Cảnh cùng Lý Phật Kim. Người viết có căn cứ để VÕ ĐOÁN rằng Thái tử Trịnh là đích trưởng tử của nhà vua.
Có thể vì sức khỏe hoặc vì nỗi đau mất con đầu nên 4 năm sau khi Thái tử Trịnh mất, Trần Cảnh cùng Lý Phật Kim đều không có thêm đứa con nào nữa. Điều này làm lung lay căn cơ của họ Trần đến tận gốc rễ.
Nhu cầu có một người thừa kế là mang huyết thống cả họ Lý và họ Trần đã dẫn đến việc Linh Từ Quốc Mẫu (mẹ ruột Lý Phật Kim, lúc này đã tái giá cho Trần Thủ độ (6) – đúng rồi, bạn không đọc sót chữ nào đâu, mẹ vua tái giá với anh họ gần, riêng “mối tình tay ba” Lý Huệ Tông-Trần thị-Trần Thủ Độ đã đủ làm một bộ phim cổ trang cung đấu ít nhất 30 tập lâm ly bi đát … ????) họp mưu cùng Trần Thủ Độ phế bỏ ngôi Hậu của đứa con gái nhỏ, đưa đứa con gái lớn (Thuận thiên Công chúa – Lý Oanh) đã mang thái 3 tháng với Trần Liễu (Trần Liễu là anh ruột Trần Cảnh) lên làm Hoàng hậu(1237):
“Bấy giờ Chiêu Thánh không có con mà Thuận Thiên đã có mang Quốc Khang 3 tháng. Trần Thủ Độ và công chúa Thiên Cực bàn kính với vua là nên mạo nhận lấy để làm chỗ dựa về sau, cho nên có lệnh ấy.”(7)
Chiêu Thánh Hoàng hậu bị phế vào tháng giêng năm Đinh Dậu (1237), sử chép như sau: “Lập công chúa Thuận Thiên họ Lý, là vợ của Hoài Vương – Trần Liễu, anh vua, làm Hoàng hậu Thuận Thiên. Giáng Chiêu Thánh (Hoàng hậu) làm Công chúa.”(8)
Bấy giờ Chiêu Thánh không có con mà Thuận Thiên đã có thai 3 tháng (sau sinh ra Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang, đây là lý do Tĩnh Quốc là Trưởng tử nhưng không được kế vị, người kế vị là em trai cùng mẹ khác cha của ngài, Trần Hoảng – Trần Thánh Tông).
Bấy giờ anh em Trần Liễu, Trần Cảnh không chịu đổi vợ anh cho em. Liễu không chịu nổi nhục làm phản, kéo quân ra sông cái giằng co với quân triều đình. Trần Cảnh cũng bỏ Thăng Long, lên núi Yên Tử ở với Quốc Sư Phù Vân, không làm vua nữa:
“Vì trẫm non trẻ, chưa cáng đáng nổi sứ mạng năng nề, phụ hoàng lại vội lìa bỏ, sớm mất chỗ trông cậy, nên không dám giữ ngôi vua mà làm nhục xã tắc”. (9)
Tuy nhiên, Trần Thủ Độ đâu phải hạng xoàng xĩnh, thấy vua bỏ lên núi định đi tu, Thủ Độ đem cả triều đình lên núi theo vua. Vua ở đâu đến đài cung điện xây ở đó. Quốc sư Phù Vân tử chịu không được cảnh ồn ào náo nhiệt phải vào lạy xin vua đừng ở trên núi nữa. (10)
Trần Cảnh phải chịu thua, xa giá lại về Thăng Long, Liễu lượng sức chống không nổi quân triều đình, đương đêm giả làm ngư phủ tới gặp em xin hàng, anh em ôm nhau khóc. Thủ Độ biết tin cầm gươm toan chém Liễu, Thái Tông lấy thân che cho anh nói:
“Phụng Kiền vương đến xin đầu hàng đấy”.
Thủ Độ thấy thế giận lắm, ném gươm xuống sông nói:
“Tao chỉ là con chó săn thôi, nào biết anh em chúng mày thuận nghịch thế nào”.(11)
Anh em Thái Tông giảng hòa, nhưng Liễu vẫn ôm mối hận mất vợ, đến lúc chết vẫn dặn dò con là Trần Quốc Tuấn báo mối hận này. May mà Quốc Tuấn không nghe lời cham nếu không chúng ta đã không có Hưng Đạo Đại Vương chiến công trùm đất che trời sau này.
Nhìn chung, anh em Liễu, Cảnh tuy có chí phản kháng nhưng Thủ Độ nắm quyền to, Cảnh thấy chống không nổi uy quyền chú (bác) liền cùng chị dâu đẻ liên tù tằng 2-3 đứa, duy chỉ có Liễu đến chết vẫn ôm hận mất vợ mà thôi.
“Món hàng” hạng sang và cái kết có hậu.
Sau khi bị phế là Công chúa, hành tích của bà là không rõ ràng, nhưng mẹ ruột bà là Linh Từ Quốc Mẫu, chị ruột lại là đương kim Hoàng hậu, về mặt vật chất hẳn cũng không quẫn bách gì lắm. Còn về tình cảm, mãi 20 năm sau khi bị phế bà mới có nơi quy túc.
Số là trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ xâm lược (1257- 1258) tướng Lê Tần đứng ra ngăn cơn sóng dữ, chiến công hiển hách, lại có công hộ giá sau trận Bình Lệ Nguyên.
Sử chép:
“Tháng 12, ngày 12, tướng Mông Cổ Ngột Lương Hợp Thai xâm phạm Bình Lệ Nguyên . Vua thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn. Quan quân hơi núng, vua ngoảnh trông tả hữu, chỉ có Lê Phụ Trần (tức Lê Trần) một mình một ngựa, ra vào trận giặc, sắc mặt bình thản như không.
Lúc ấy, có người khuyên vua dừng lại để chỉ huy chiến đấu. Phụ Trần cố sức can vua:
“Nay thì bệ hạ chỉ đánh một ván dốc túi thôi! Hãy nên tạm lánh chúng, sao lại có thể dễ dàng tin lời người ta thế!”.
Bấy giờ, vua mới lệnhlui quân về sông Lô. Phụ Trần giữ phía sau. Quân giặc bắn loạn xạ, Phụ Trần lấy ván thuyền che cho vua khỏi trúng tên giặc. Thế giặc rất mạnh, [vua] lại phải lui giữ sông Thiên Mạc.
Phụ Trần theo vua bàn những việc cơ mật, rất ít người biết được đều đó.”(12)
Sau khi đánh đuổi quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi, Trần Thái Tông luận công ban thưởng cho quần thần, nghĩ đến công lớn của Lê Tần, vua không nghĩ ra phần thưởng nào đủ để phong cho Tần, bèn ban cho Tần vợ cũ của mình, coi là ân điển.
Sử chép:
“Mậu Ngọ, [Nguyên Phong] năm thứ 8 [1258], (Từ tháng 3 về sau là Thánh Tông Thiệu Long năm thứ 1, Tống Bảo Hựu năm thứ 6).
Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng một, vua ngự chínnh điện, cho trăm quan vào chầu. Trăm họ yên nghiệp như cũ.
Định công phong tước: cho Lê Phụ Trần làm Ngự sử đại phu; lại đem công chúa Chiêu Thánh gả cho.
Vua nói: “Trẫm không có khanh, thì đâu có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùng được trọn vẹn về sau”. (13)
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua tôi nhà Trần coi thường đạo vợ chồng lại thấy ở đây lần nữa.” (14)
Bị chính người chồng cũ coi là một phần thưởng ban cho thủ hạ nhưng may mắn cho Phật Kim, bà và Lê Tần lại hoà hợp, chưa nói yêu thương nhau đến mức nào nhưng tương kính như tân ắt hẳn là có. Có lẽ, đó là những ngày tháng tốt đẹp nhất của cuộc đời người phụ nữ đầy gian truân, đau khổ này.
Chỉ một năm sau, tức năm Kỷ Mùi (1259), Chiêu Thánh hạ sinh con trai đầu, là Lê Tông. Sau đó bà lại sinh thêm một con gái đặt tên là Lê thị Khuê.
Có người cho rằng Lê Tông được ban quốc tính, tức là Trần Bình Trọng (cả Lê Tần và Trần Bình Trọng đều được cho là hậu duệ Lê Hoàn – Lê Đại Hành, vì vậy người ta phỏng đoán rằng Trần Bình Trọng chính là Lê Tông).
Về phần Lê thị Khuê, bà được tấn phong làm Ứng Thụy Công chúa.
Vậy là, cuối cùng cái kết có hậu đã đến với Chiêu Thánh, tuy hơi muộn màng nhưng dù sao đó cũng là quả mà bà đáng được hưởng sau nửa đầu cuộc đờitủi hờn, u uất.
Nguồn: http://thuvienso.bvu.edu.vn/bitstream/TVDHBRVT/4546/1/Dai%20viet%20su%20ky%20toan%20thu.PDF
(1): Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Kỷ nhà Lý, Huệ Tông Hoàng Đế, tờ 31a.
(2): Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Kỷ nhà Lý, Chiêu Hoàng, tờ 33b.
(3): Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Kỷ nhà Lý, Chiêu Hoàng, tờ 33b, 34a.
(4): Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Kỷ nhà Trần, Thái Tông Hoàng Đế, tờ 1a.
(5): Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Kỷ nhà Trần, Thái Tông Hoàng Đế, tờ 8a.
(6): Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Kỷ nhà Trần, Thái Tông Hoàng Đế tờ 2b.
(7)(8): Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Kỷ nhà Trần, Thái Tông Hoàng Đế tờ 9b.
(9)(10): Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Kỷ nhà Trần, Thái Tông Hoàng Đế tờ 10a.
(11): Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Kỷ nhà Trần, Thái Tông Hoàng Đế tờ 10b.
(12): Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Kỷ nhà Trần, Thái Tông Hoàng Đế tờ 22a.
(13): Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Kỷ nhà Trần, Thái Tông Hoàng Đế tờ 23b.
(14): Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Kỷ nhà Trần, Thái Tông Hoàng Đế tờ 24a.
Tranh minh họa lượm trên GG, ai biết tác giả xin nhắc nhở để mình bổ sung.
