Con người dù gì cũng phải chết, vậy tại sao phải sống chứ?

Một năm trước.

Bởi vì tôi thường xuyên đi tình nguyện, nên tiếp xúc qua nhiều người cao tuổi, đại khái khoảng tầm hơn 100 người. Đa số họ đã hơn 70 tuổi. Thực ra, con người ta đến tuổi này đối với việc cách biệt sinh tử, ít nhiều cũng thấy qua rồi.

Tôi gặp qua một bà lão rất kiệm lời, bà ấy ít khi nói chuyện. Bởi vì người thân của bà ấy mỗi năm mỗi ít. Không cần biết ai trước ai sau, người thân đều không còn nữa rồi. Chồng mất rồi, con gái con trai cũng đi mất. Trong hoàn cảnh này, dù có là ai đi nữa cũng rất khó tiếp nhận. Cách tiếp nhận của bà ấy không phải là than khóc kể lể, mà bà đem cô độc và bi thương biến thành năng lượng để đọc. Phải, bà đọc mọi loại sách và tạp chí. Bạn cùng phòng của bà lão hát rất hay. Nghe đâu lúc trước bà ấy làm trong đoàn kịch. Bà thường hát cho người bạn già trầm mặc cùng phòng nghe giải ưu sầu.

Lại có một bà lão 93 tuổi rồi nhưng vẫn kiên trì tắm bằng nước lạnh. Lưng bà ấy cong như cây cung. Bà không thể mặc quần áo quá dày bởi vì nếu thế lúc da bị ngứa sẽ vô cùng khó chịu, gãi không tới, chỉ có thể chịu ngứa cả ngày. Trên giường của bà lúc nào cũng bày mấy con gấu nhồi bông. Bà ấy thích nhất con Pikachu, mỗi khi thức giấc tỉnh dậy đều phải ôm nó một lúc.

Lúc bà mới đến viện, con trai của bà cứ cách một đoạn thời gian lại đến thăm. Chân anh con trai có tật, không đi được, đi vài trăm mét đường trải xi măng thôi cũng phải đi mất nửa tiếng. Anh ấy đời này không cưới vợ, vì tình trạng của bản thân cũng khó mà chăm sóc được bà. Trong thâm tâm anh ấy lúc nào cũng đè nặng áp lực, khiến mặt mày cả ngày đều đăm chiêu ủ dột. Bà ấy nói:

“ Không sao con ạ, mẹ biết hết. Đứa nào mắng con không hiếu thảo thì bảo nó đến tìm mẹ! Là tự bản thân mẹ muốn đến viện dưỡng lão, không thể đổ lỗi lên đầu con được.”

Ở viện dưỡng lão tôi còn gặp được một ông lão đã qua một đời sóng gió bấp bênh. Năm đó, ông ấy vì nghĩa quên thân, từ bỏ cuộc sống thoải mái an nhàn, tự nguyện từ Hương Cảng trở về, nhiệt huyết tràn đầy xin đi làm xây dựng. Lúc đó ông ấy mới chỉ mười mấy tuổi.

Sau đó ông đầu quân, vào làm lính hải quân, ở trong đó 5-6 năm. Nhờ tố chất xuất sắc, ông qua được tuyển chọn của quân đội, rồi thuận lợi được bổ nhiệm chức vụ. Cứ như thế, dưới ánh nắng mặt trời nóng rát, lăn mình trong từng cơn sóng biển, trung thực thẳng thắn, ông làm ở đó nhiều năm liền, có thể nói tiền đồ sáng lạn. Nhưng bởi vì không qua được kì kiểm tra chính trị ( năm đó tình huống đặc thù, bản thân và xuất thân của ông ấy không có vấn đề gì), trước sự khuyên răn tiếc nuối của cấp trên, ông giải ngũ.

Giải ngũ cũng giải ngũ rồi, buồn rầu cũng buồn rầu rồi, ông lại một lần nữa vực dậy ý chí chiến đấu, tiến lên phía trước.

Một đường vượt khó tiến lên, ông ấy lên làm thầy giáo của một trường trung học trọng điểm, về sau rèn sách trồng người, thành gia lập nghiệp, tiếng thơm vang xa, cả trong trường lẫn những vùng quanh đó. 

Sau này, trong thời gian cách mạng mười năm, người đầu tiên bị nêu tên trên áp phích lớn chính là ông, người bị đả đảo cũng chính là ông ấy. Một giấc tỉnh lại, cả thế giới cũng thảy đổi, những thứ trên báo viết cũng đều là viết về ông ấy, những lời lẽ nói về ông giơ nhanh múa vuốt, rất quen thuộc, cũng rất lạ lẫm. Tội danh cũng rất nực cười, họ cho rằng ông là đặc vụ được Hương Cảng cài vào.

Không còn cách nào khác, ông đành phải nhận tội, không nhận thì cũng không sống nổi. Đó là những năm tháng của sự hoang đường, nhận tội bị đánh chửi, không nhận tội cũng bị đánh chửi. Thảm nhất là, bị chính học sinh của mình đánh chửi. Một đám nhóc khí thế oai phong, nghiến răng nghiến lợi đánh chửi, đồn thổi chụp cho ông ấy một cái mũ căn bản không tồn tại.

Thật làm lạnh lòng người.

Liên tiếp hai tháng trời, ông ăn không ngon, ngủ không yên, tóc cũng từng búi từng búi rụng xuống.

Có một ngày, ông ấy nghĩ đến tự sát.

Được rồi, không chịu nổi nữa, ông không sống nữa, thế là được chứ gì?

Những ngày đó, tư tưởng của ông đấu tranh kịch liệt, những người bên cạnh ông cũng cảm nhận được ở ông có gì đó không đúng,

Có một ngày.

Tiếng gõ cửa vang lên.

Người đi vào là một học sinh của ông ấy.

Mắt to trừng mắt nhỏ, ông cảm thấy phẫn nộ cùng cay đắng, quá lắm rồi, ức hiếp người khác đến mức muốn ngồi lên đầu người khác rồi? Một đứa học sinh lại dám đơn phương độc mã đến tận nhà thầy giáo gây sự?

Đợi một chút.

Hình như có gì đó không đúng.

Thì ra, người học sinh ấy mạo hiểm lớn một lần, âm thầm đến thăm ông. Bàn tay nhỏ nắm bàn tay to, run run nói:

“ Thầy ơi, thầy phải chịu đựng một chút, thầy đừng tự sát. Thầy có biết không? Không phải… tất cả mọi người đều nghĩ thầy như thế đâu.”

Chính là câu nói này, đã kéo ông ấy quay lại.

Sau này người ta cũng hồi phục lại danh dự và công việc cho ông, nháy mắt một cái, mười mấy năm thời gian cũng qua rồi.

Người già ở viện dưỡng lão, tâm lặng như nước, đối với cơm nước và điều kiện sinh hoạt không có nửa lời oán thán. Họ còn tự mình nói đùa, nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống mới biết chẳng ai bằng mình, cớ gì mà phải đi tự chuốc lấy phiền não cơ chứ? Ông lão vẫn còn giữ liên lạc với vài cô cậu học trò năm xưa, mọi người thỉnh thoảng còn đến thăm ông, đưa ông cùng đi ăn cơm.

Ngày đó, tôi đi hỏi thăm ông lão, thấy trên bàn của ông ấy bày toàn là sách, lác đác còn thấy vài quyển sổ ghi. Đúng thế, ông ấy viết sách. Tên cuốn sách ông viết là “ Thời gian thoi đưa”. Ông lão lúc trước là thầy giáo ngữ văn, nhưng ông học ngoại ngữ cũng không tệ, tiếng Anh và tiếng Nhật ( sau khi đi làm ông tự học lấy), cả hai thứ tiếng ông đều nắm rất vững.

Ông ấy nói với tôi: “ Gìa rồi, thời gian cũng ít đi, ông không sợ một ngày nào đó chết đi, chỉ cảm thấy có chút tiếc nuối.”

Tôi hỏi ông: “ Tiếc nuối gì vậy ạ? Nếu không bây giờ có thể thử đi thực hiện xem sao?”

Ông nói: “ thực hiện không nổi nữa rồi, sức khỏe của ông không cho phép ông đi xa nhà. Lúc trước ông đã dịch một cuốn sách tiếng Nhật về lịch sử Nhật Bản, ông muốn đi sang đó xem thử, xem có đúng là họ đã khôi phục và phát triển những nơi bị tàn phá, khiến chúng trở nên đẹp và văn minh như thế hay không?”

Tôi hỏi ông: “ Sao ông lại muốn dịch sách thế ạ? Có phải ông muốn xuất bản sách không? ( học sinh cũ của ông ấy có người làm trong ngành này).

Ông nói: “ Không phải, ông chỉ muốn rèn luyện trí nhớ một chút thôi, sợ bản thân già rồi tư duy cũng biến trì trệ, ông mỗi ngày đều nói với bản thân, phải đọc nhiều sách, xem nhiều tin tức. Trước khi ngủ cũng nghĩ, ông đã học được gì rồi? Có thứ gì ông còn chưa hiểu hay không?… Con người mà không biết kiểm điểm bản thân, thì có khác gì với người chết đâu?”

Là như vậy đó.

Có những người 25 tuổi đã chết rồi.

Có những người, 85 tuổi vẫn còn thanh xuân.

• Chú thích:

Cách mạng mười năm của Trung Quốc, Đại Cách mạng văn hóa vô sản. Là một phong trào chính trị xã hội tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa diễn ra trong mười năm từ 5/1966 tới 10/1976, gây tác động rộng lớn và sâu sắc lên mọi mặt của cuộc sống, chính trị, văn hóa, xã hội ở Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Cre: Xuân Phong

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *