Sở dĩ là nhờ có giao thương giữa xứ Đàng Trong và Nhật Bản qua lối thương cảng Hội An. Thông qua những thương đoàn người Nhật, chúa Nguyễn đã kết nối được với Mạc Phủ Tokugawa và duy trì một mối quan hệ ngoại giao khá khăng khít. Họ thường xuyên trao đổi thư từ qua lại với nhau.
Theo lưu trữ của Nhật, thì An Nam quốc thư có 4 quyển, số lượng thư cụ thể như sau:
Quyển 11: An Nam quốc thư 1, 10 bức, thiếu 4 bức còn 6
Quyển 12: An Nam quốc thư 2, 14 bức, thiếu 1 bức còn 13
Quyển 13: An Nam quốc thư 3, 19 bức, thiếu 1 bức còn 18
Quyển 14: An Nam quốc thư 4, 19 bức
(“Ngoại phiên thông thư” – Tập tư liệu cổ về quan hệ Việt – Nhật, Đoàn Lê Giang)
Chúa Nguyễn thường xưng là “An Nam quốc đại đô thống” dùng kính ngữ “thượng thư” (dâng thư).
Mạc phủ Tokugawa thường xưng là “Thần quân” dùng kính ngữ “ngự thư” (Mạc Phủ đại diện cho Nhật Hoàng mà viết thư).
Theo các thông tin qua thư từ thì Đàng Trong đã gửi Nhật Bản các thứ sản vật như: Mật ong, gỗ lôi, chim công, Kính, sáp thơm, nhang, Trầm hương, lụa, đoạn hoa, Kỳ nam, rượu.v.v. đổi lại Mạc phủ giúp hoặc thương nhân Nhật Bản mang tới: vũ khí, thuốc súng, sơn (Thư của Nguyễn Hoàng, 1601).
“Nhật Bản tặng:
– Binh khí (Thư của Tokugawa, 1601; 1602)
– Đại đao (Thư của Tokugawa, 1603; Thư
Nguyễn Hoàng, 1604)
– Giáp trụ (Thư Nguyễn Hoàng, 1603)
– Trường đao, đại đao (Thư Tokugawa, 1605).”
(“Ngoại phiên thông thư” – Tập tư liệu cổ về quan hệ Việt – Nhật, Đoàn Lê Giang)
Trong các thư của Nhật thường không ghi cụ thể số lượng hàng hóa đã chuyển cho chúa Nguyễn nhưng “Binh khí của tệ bang lơ thơ gửi tặng, thật như là lông ngỗng từ ngàn dặm…xin giữ gìn trân trọng.” (Thư Tokugawa 1601) thì mặc dù Mạc phủ khiêm tốn tự nhận là “tệ bang” xem số vũ khí gửi tặng chúa Nguyễn là tầm thường như “lông ngỗng”, nhưng cũng ẩn ý là rất nhiều.
Dường như quà cáp, thư từ thôi chưa đủ thỏa lòng, Mạc Phủ còn “thả thính”
với chúa Nguyễn: “Vân hải tuy thù địa vực, tinh tượng chính nhất thiên Xu” – Mây nước tuy là chia hai cõi, (nhưng) trên trời chỉ có một sao Xu (Bắc Đẩu).
Mối quan hệ giao hảo giữa Đại Việt với Nhật Bản không riêng ở đàng trong mà còn lan ra đàng ngoài. Người Nhật không những đến giao thương còn có những quan hệ hôn phối, một số lưu lạc hoặc ở lại trở thành con dân Đại Việt. Như chúa Nguyễn ban quốc tính cho thương nhân Kimura Sotaro, gả công nữ Ngọc Hoa đi thì phía đàng ngoài còn có một người con gái Nhật được Liêm quận công nuôi, sau gả cho Hình bộ lang trung Nguyễn Như Trạch.
——
Minh họa: chúa Nguyễn mặc áo giáp và cầm binh khí như một samurai.
Nguồn : Ấm Chè